Ngày 05 tháng 05 năm 2020
Anh chị em thân mến,
Từ đầu năm 2020 đến nay, cả thế giới phải vật lộn với đại dịch COVID-19 và sức tàn phá khủng khiếp của nó. Việc phòng chống dịch bệnh tại các quốc gia cũng như tại Việt Nam đã làm cho nhiều sinh hoạt xã hội bị đình trệ, kể cả sinh hoạt tôn giáo. Nay lệnh cách ly xã hội vì dịch bệnh đang được nới lỏng từng bước, một số Giáo phận đang chuẩn bị tổ chức lại các sinh hoạt tôn giáo. Trong bối cảnh đặc biệt này, với trách nhiệm mục tử, chúng tôi gửi đến anh chị em thư này để cùng với anh chị em lắng nghe những “dấu chỉ của thời đại”, và suy nghĩ về đời sống Giáo hội trong tương lai.
Nhìn lại công tác phòng chống dịch bệnh hơn một tháng qua, người Công giáo chúng ta đã cùng với toàn xã hội vẽ nên một hình ảnh đẹp về tình liên đới, cùng lo lắng trước mối nguy hiểm của dịch bệnh, và cùng nỗ lực phòng chống hết sức có thể. Với ý thức đó, chúng ta đã cùng mọi thành phần xã hội tuân thủ những chỉ thị của cơ quan công quyền và chuyên môn, để phòng chống dịch bệnh một cách khá hiệu quả tại Việt Nam. Cụ thể là chúng ta đã chấp nhận hạn chế các sinh hoạt tôn giáo, kể cả trong Tuần Thánh và Phục Sinh là cao điểm và tâm điểm của Năm phụng vụ.
Cũng trong thời gian qua, nhiều dấu hiệu của đức tin trưởng thành được biểu lộ, như sự quý trọng Thánh Lễ, khao khát được rước Thánh Thể, hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô và với toàn Giáo hội để cầu xin Thiên Chúa cứu thoát nhân loại sớm thoát khỏi dịch bệnh. Hơn nữa, nhiều cá nhân cũng như nhiều tập thể còn tham gia các chương trình trợ giúp khẩn cấp cho những người túng thiếu trong hoàn cảnh dịch bệnh. Đồng thời, ý thức trách nhiệm cũng được nâng cao đối với môi trường sống, môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội cũng như môi trường tâm linh.
Tuy nhiên, tình trạng không thể quy tụ mỗi Chúa nhật để cử hành phụng vụ chắc chắn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các cộng đoàn, vì chính “vào ngày thứ nhất trong tuần”, Chúa Kitô Phục sinh đã quy tụ các môn đệ đang tản mác thành một cộng đoàn (X. Ga 20,19-31). Chúng tôi đặc biệt quan tâm và chia sẻ những lo lắng của các bậc phụ huynh đối với giới trẻ và thiếu nhi. Thật vậy, sẽ rất thiệt thòi cho đời sống đạo của giới trẻ và thiếu nhi nếu không sớm mở lại các lớp Giáo lý, không sớm tổ chức lại các sinh hoạt đoàn thể trong giáo xứ, giáo hạt và giáo phận, không lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là xưng tội, tham dự Thánh Lễ và rước lễ. Trong một thời đại mà nhu cầu tâm linh bị xếp vào hàng thứ yếu, các em sẽ dễ sa ngã trước những quyến rũ vật chất và hưởng thụ, đến nỗi coi đó như mục đích tối hậu của cuộc đời.
Chính vì thế, hướng tới giai đoạn hậu dịch bệnh, chúng tôi muốn gửi đến anh chị em một số đề nghị cụ thể cho đời sống đức tin.
Với các gia đình công giáo: trong thời gian dịch bệnh, anh chị em không thể đến nhà thờ dâng lễ, chỉ ở nhà dự lễ trực tuyến, nhưng chính lúc cả gia đình quây quần trước bàn thờ Chúa để dự lễ trực tuyến, anh chị em lại cảm nhận rõ nét hơn gia đình là đền thờ của Chúa, Chúa đang hiện diện trong gia đình anh chị em. Khi dịch bệnh qua đi, không còn dự lễ trực tuyến nữa, ước mong anh chị em tiếp tục sống cảm nhận đó bằng những giờ cầu nguyện chung trong gia đình. Cảm nhận Chúa đang hiện diện trong gia đình sẽ giúp chúng ta yêu thương gắn kết với nhau hơn, quan tâm đến nhau hơn, biết “tha thứ cho nhau và chịu đựng lẫn nhau” như thánh Phaolô khuyên dạy (Cl 3,12-21). Như thế gia đình anh chị em sẽ trở thành Hội thánh tại gia như sách Tông đồ công vụ mô tả, và làm chứng về vẻ đẹp của Đạo cho những người chung quanh (X. Cv 2,46-47).
Với các cộng đoàn giáo xứ: trong thời gian dịch bệnh, không thể đến nhà thờ do lệnh cách ly xã hội, chúng ta khao khát được đến nhà thờ dâng Thánh Lễ, lãnh nhận các Bí tích và tham gia các sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ. Lúc đó anh chị em cảm nhận rõ nét nhu cầu cộng đoàn trong đời sống đức tin. Đúng như thế, đức tin Công giáo tự bản chất mang tính cộng đoàn. Vậy khi có thể sinh hoạt lại bình thường, anh chị em hãy phát huy tính cộng đoàn đó, hăng hái tham gia các cử hành phụng vụ, các sinh hoạt về giáo lý, kinh nguyện và phục vụ trong cộng đoàn. Sẽ càng hữu hiệu hơn nữa nếu các khu xóm, đoàn hội, cộng đoàn cơ bản… được hướng dẫn để cùng nhau chia sẻ Lời Chúa và chia sẻ đời sống, cùng nhau loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Cách riêng với những anh chị em đang tích cực sống ơn gọi Tông đồ giáo dân, chúng tôi khuyến khích anh chị em can đảm dấn thân, trở thành muối men và ánh sáng (X. Mt 5,13-17) trong môi trường anh chị em đang sống và làm việc, góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa ngay tại trần gian này.
Đặc biệt với anh em linh mục và nam nữ tu sĩ: trong thời gian dịch bệnh, đôi lúc chúng ta cảm thấy hụt hẫng vì bị dứt ra khỏi những công việc mục vụ quen thuộc. Thế nhưng đây cũng là thời gian giúp chúng ta chú tâm hơn đến đời sống nội tâm là nguồn mọi hoạt động tông đồ. Khi dịch bệnh qua đi và các sinh hoạt mục vụ bình thường trở lại, ước mong anh chị em sẽ giữ ngọn lửa nội tâm luôn bừng cháy và nhiệt tình hơn trong sứ vụ đã lãnh nhận, để đồng hành và phục vụ cộng đoàn Dân Chúa cách tích cực hơn, theo gương Đức Kitô, vị Mục tử nhân lành.
Anh chị em thân mến, Việt Nam chưa chính thức công bố hết dịch bệnh nhưng hi vọng ngày đó đã gần kề. Với đức tin, chúng ta hãy can đảm sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh. Với đức cậy, chúng ta cầu xin ơn bình an cho đất nước và thế giới, đồng thời bày tỏ thiện chí cộng tác với toàn xã hội tiếp tục phòng chống dịch bệnh. Và với đức ái, chúng ta hãy trở thành người Samaritanô nhân hậu (X. Lc 10,29-37) chăm sóc chữa lành những vết thương và sưởi ấm tâm hồn của anh chị em đồng loại, để “họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Những sinh hoạt này sẽ có nhiều ý nghĩa và hiệu quả hơn nếu chúng ta cùng cộng tác với mọi người thành tâm thiện chí để xây dựng một môi trường sống trong lành, vui tươi, và yêu thương.
Nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ La Vang và các Thánh Tử đạo Việt Nam, xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta, cho quê hương Việt Nam, và cho toàn thế giới.
Chủ tịch HĐGMVN
(Ấn ký)
TGM. Giuse Nguyễn Chí Linh
Tổng Giáo phận Huế
Chủ tịch Ủy ban Giáo dân
(Ấn ký)
Giuse Trần Văn Toản
Giáo phận Long Xuyên
(nguồn: HĐGMVN)