Nên thánh đối với người cao tuổi

 

Tuổi già là tuổi có phúc, vì không phải ai cũng được sống đến già và có tuổi thọ. Tuổi già là tuổi mãn nguyện, vì được sống đến ngày nhìn “con đàn cháu đống” sum vầy hạnh phúc. Tuổi già là tuổi an nhàn, vì chỉ ở tuổi già mới được nghỉ ngơi, không vướng bận chuyện sinh nhai, cơm, áo, gạo, tiền. Tuổi già là tuổi vượt lên tất cả, khi không còn loanh quanh trong vòng cương toả của “tham, sân, si”, không mù loà trên mê lộ tranh giành, bon chen, đấu đá. Tuổi già là tuổi tự tại, vì đã nếm đủ mùi nhân sinh, trải nghiệm đủ ngọt, bùi, đắng, cay của kiếp người, ra vào đủ cửa sinh tử của đời người thăng trầm, ngang dọc.

Theo truyền thống Thánh Kinh, tuổi già là phúc lành của Thiên Chúa. Người đầu bạc là người đáng kính trọng. Ý thức sự sống là quà tặng của Trời sẽ giúp ta chân nhận tuổi già là tuổi vàng quý giá mà không phải ai muốn cũng được, dù có “tiền rừng bạc bể”. Nhận ra tuổi sống là ơn huệ của Trời, con người mới thực sự trân quý tuổi già với niềm tri ân sâu xa và niềm vui được sống thọ.

Tuổi già cao quý như thế, nhưng tuổi già cũng nhiều đắng cay. Có nhiều người cao niên sống an nhiên tự tại, vui với thiên nhiên đất trời, bỏ ngoài tai mọi thị phi tính toán. Tuy vậy, cũng có nhiều người tuổi xế chiều còn nhiều toan tính, chưa tìm được một bến đỗ bình an. Nên thánh đối với người cao niên chính là tìm ra ý nghĩa của cuộc sống vào lúc tuổi già, để sống tốt lành và an bình trước mặt Chúa và đối với mọi người.

1. Tuổi già và ơn gọi nên thánh

Nên thánh ở đây phải được hiểu là cuộc sống tốt lành trước mặt Chúa và thái độ sống mang tính nhân văn cao, có giá trị gương mẫu cho hậu thế. Ta có thể ghi nhận một vài nét thánh thiện cần thiết ở tuổi già:

a – Thánh thiện ở tuổi già là cảm nhận ơn Trời trong suốt hành trình của cuộc sống

Nhìn theo lăng kính đức tin, cuộc sống của chúng ta được dệt nên bởi biết bao ơn lành Chúa ban. Dù cuộc sống có nhiều thăng trầm trôi nổi, không ai phủ nhận, họ đã lãnh nhận được nhiều ơn từ Trời, từ Thượng Đế, tự Tạo Hóa. Người Kitô hữu gọi đó Ngài là Thiên Chúa, là Cha yêu thương và là Đấng Quan phòng.

Càng có tuổi, người ta càng có tâm tình tôn giáo, mặc dù quan niệm và sự hiểu biết về tôn giáo có khác nhauTâm tình tôn giáo là tâm tình chính đáng và quan trọng trong đời sống con người. Con người là con người tôn giáo, nên khó có thể khước từ tâm tình tôn giáo rất tự nhiên và tiềm tàng sâu thẳm này. Lấy đi tâm tình tôn giáo, đánh mất lòng tri ân Trời là làm tê liệt cơ năng hướng thượng cao quý nơi con người. Ở vào tuổi sắp về Trời, người già càng cảm nhận mãnh liệt hơn ơn Trời luôn tuôn đổ phủ kín cuộc đời họ.

Từ tâm tình tri ân, người già làm sinh động tháng ngày già của mình bằng cầu nguyện. Cứ nhìn các cụ thầm thĩ cầu nguyện, tay mân mê tràng hạt, mắt nhắm nghiền sốt sắng cầu kinh, ta sẽ thấy tâm tình tôn giáo là nhân tố quan trọng làm cho tuổi già được quân bình, tự tại.

b – Thánh thiện ở tuổi già là xác tín: không bao giờ mất khả năng yêu thương

Bước vào tuổi già, người già có thể mất nhiều khả năng, trong đó có khả năng làm việc, khả năng tự lo cho mình, khả năng suy tư, khả năng sáng tạo, nhưng riêng khả năng yêu thương thì không bao giờ mất; bởi đây là khả năng đời đời sẽ theo con người đi qua thế giới bên kia. Chính vì thế, già vẫn yêu và già vẫn phải tiếp tục yêu. Không yêu, tuổi già sẽ vô nghĩa, vô vị, vì trống vắng chính căn tính của con người, đó là sinh ra để yêu thương.

Tình yêu thương giúp tuổi già không đầu hàng trước sức tàn phá kinh khủng của bệnh tật. Tình yêu đã làm cho tuổi già kiên cường, mạnh mẽ và cho tuổi già niềm vui sống, cũng như khát vọng được tiếp tục sống. Vì thế, thánh thiện của tuổi già là vẫn nồng nàn yêu người, vẫn say mê yêu đời, vẫn thấy mình đáng yêu để tình yêu dào dạt trong trái tim tuổi già sẽ tràn xuống đời con cháu và cho con cháu hưởng vị ngọt quý báu của tình yêu tận hiến hy sinh mà tuổi già đã suốt đời ban tặng. Ở người già thánh thiện, da có nhăn nheo, mắt có mù loà, chân tay có run rẩy thì tình yêu vẫn thiết tha, mặn nồng, tinh ròng và với tình yêu “càng già càng quý”, tuổi già tiếp tục là mùa xuân yêu thương cho mọi người, nắng xuân rạng rỡ cho thế giới.

c – Thánh thiện ở tuổi già là thanh thản nhìn lên cao và nhận ra đường về Thượng Giới

Tuổi già là tuổi trên đường về cội nguồn và một ngày trôi qua là một ngày gần đích tới. Có những người già không muốn nhắc đến ngày về và sợ một ngày nhắm mắt xuôi tay. Dù sao thì chết cũng vẫn là một thực tại không thể tránh, một đe doạ không miễn trừ ai, một sự thực không gì có thể thực hơn mà con người phải đối diện. Người già thánh thiện vui vẻ đón nhận cái chết như định luật tất yếu của kiếp người: có sinh có tử, có đi có về. Chết với những người già thánh thiện là khoảnh khắc cần thiết và phải can đảm vượt qua. Chết là bước chân vượt qua ngưỡng cửa nối liền hai cuộc sống: bên này và bên kia, tạm bợ với vĩnh cửu, giới hạn với đời đời.

Thánh nhân là người không sợ chết, vì hiểu được ý nghĩa và giá trị của sự chết. Người già để là thánh nhân, để được gọi là tuổi già thánh thiện cũng phải sắm cho mình thái độ tự tại, thanh thản, an bình trước cái chết như các bậc thánh nhân này. Chấp nhận mình sẽ chết là cách sống đẹp nhất, vì có biết mình sẽ chết, người ta mới biết sống ngày hôm nay đẹp hơn hôm qua, và ngày mai sẽ đẹp hơn hôm nay.

2 – Lòng bao dung của tuổi già

a – Tuổi già bao dung và chấp nhận và phó thác

Bao dung là nét đẹp cao quý của tâm hồn yêu thương, quảng đại, hào sảng, cao thượng … Bao dung làm tăng giá trị nhân cách và đem lại an bình sâu thẳm trong trái tim cưu mang nó. Người có lòng bao dung là người dễ thương vì tình thương của họ được đặt trên đầu óc, môi mắt, tay chân. Chính vì tràn ngập yêu thương mà người bao dung toả sáng yêu thương một cách đơn sơ, dễ dàng, không vẽ vời, lễ nghi, kiểu cách. Tắt một lời, bao dung là tình thương ở độ cao, là yêu thương ở mức bền bỉ, là cảm thương ở trạng thái cực kỳ bén nhạy.

Cùng với sự đổi thay của tuổi tác, thế giới cũng đang thay đổi từng ngày. Những quan niệm, lối sống, sở thích của thế hệ trẻ không còn giống như thời của các cụ ngày xưa. Người cao tuổi cần phải nhận ra điều ấy, để có lối ứng xử phù hợp, không bảo thủ và khư khư giữ quan niệm thói quen của mình, nhưng biết chấp nhận quan điểm và lối sống của người khác, tạo nên mối hài hòa trong đời sống gia đình. Như thế, những khác biệt của các thế hệ không phải là lý do để sinh mâu thuẫn và xung đột, nhưng làm cho cuộc sống thêm phong phú đa dạng và tốt đẹp hơn.

Trước những tiếc nuối quá khứ, những bấp bênh hiện tại, những lo lắng tương lai, tuổi già cần phó thác cho Thiên Chúa. Phó thác để được bình an. Phó thác để được thư thái và mạnh dạn bước đi những cây số sau cùng của hành trình đời người. Phó thác để vui sống khi biết mình sẽ không bao giờ chết nữa sau ngưỡng cửa của sự chết sắp phải bước qua. Phó thác để trở thành tình yêu sống động có sức đổi mới, hoà giải, nối kết mọi người. Phó thác để tìm gặp chính mình trong vòng tay đời đời của Thiên Chúa. Và phó thác để đọc được trong mỗi chiếc lá vàng của tuổi già sức sống mơn mởn trong mùa xuân dĩ vãng và cả màu xanh ngát của nó trong mùa hè vừa mới qua đi.

b – Khi bao dung với mình, bao dung với người, tuổi già sẽ biết ơn Thượng Đế

Khi bao dung với mình, bao dung với người, tuổi già sẽ biết ơn Thượng Đế; bởi tâm tình biết ơn Trời sẽ chỉ xuất phát từ lòng bao dung trước đó đã dành cho mình và cho người khác. Lòng biết ơn Trời không thể tự nhiên thành hình và ngẫu nhiên xuất hiện, nhưng cần lòng bao dung như đất tốt để hạt biết ơn nảy mầm và lớn lên. Biết ơn Trời là thái độ xứng đáng, cao đẹp của tuổi già “tri thiên mệnh”; nghĩa là tương quan giữa người già với Trời lúc này phải là tương quan thân thiết, tương quan yêu thương, tương quan hợp tác, tương quan ơn nghĩa sâu đậm. Và biết ơn biểu hiện sống động tương quan cao quý, thánh thiện này.

Đàng khác, biết ơn Trời sẽ nói lên gắn bó ân tình giữa Trời và người già. Tuổi già hôm nay không còn lo sợ ngày mai không đường về, tương lai vô vọng, không quê hương, đất hứa; nhưng có Trời gần bên, có Trời hiện diện, có Trời trong đời sống, người già cảm thấy an tâm, vững dạ khi ngày mai, ở cuối đường đời là vòng tay yêu thương đời đời của Trời chờ đón. Hạnh phúc được yêu thương bởi Trời, niềm vui được biết ơn Trời sẽ đảm bảo thiên đàng của tuổi già và cho người già niềm hy vọng ngày mai thuyền đời chắc chắn sẽ cập bến bờ Vĩnh Phúc.

c – Sống mẫu mực để noi gương cho con cháu

Người cao tuổi đã có nhiều kinh nghiệm đúc kết trong cuộc sống. Những suy tư và quyết định của họ đều mang tính chất chín chắn và từng trải. Thế hệ trẻ hôm nay rất mong đón nhận những bài học thiết thực từ thế hệ đi trước. Cách ứng xử của các bậc ông bà, cha mẹ luôn luôn phải là những mẫu gương, góp phần hình thành nhân cách nơi người trẻ. Nhờ những người cao tuổi, thế hệ trẻ hiểu được truyền thống văn hóa và chắt lọc những tinh hoa của cuộc sống, đồng thời áp dụng trong cách đối nhân xử thế hằng ngày. Cũng nhờ thế hệ cao niên, giới trẻ và thiếu nhi Công giáo thừa hưởng truyền thống đức tin được tôi luyện trong thử thách của một thời khó khăn khốc liệt của Giáo Hội miền Bắc, trong những năm tháng thiếu thốn nhân sự và những hạn chế của xã hội đối với những sinh hoạt của các cộng đoàn.

Khi thao thức chuyển tải cho các thế hệ tương lai truyền thống văn hóa và đức tin, người cao tuổi cảm thấy đời mình có ý nghĩa, ngay cả lúc “da mồi tóc bạc” và gần đất xa trời. Qua những việc làm có ý nghĩa này, những người cao niên đang cộng tác vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, đem lại cho tuổi già niềm vui.

Kết luận

Ngày 31 tháng 1 năm 2020, trong buổi tiếp kiến dành cho Đại hội quốc tế về mục vụ cho người cao tuổi tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết “Tuổi già là sự phong phú của những người đã trải qua những năm tháng kinh nghiệm và lịch sử. Đó chính là kho tàng quý giá được hình thành trong hành trình cuộc sống của mỗi người, nam cũng như nữ, bất kể họ thuộc nguồn gốc, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế nào. Bởi vì cuộc sống là một ân huệ, khi cuộc sống kéo dài, đó tức là một đặc ân, cho bản thân của như cho những người khác”.

Chúng ta hãy trân trọng tuổi già, vì tuổi già là hồng phúc Thiên Chúa ban tặng. Những ai còn ông bà, cha mẹ hãy nhận ra nơi các ngài là suối nguồn ơn phúc của Chúa. Một khi nhận ra giá trị của tuổi cao niên, chúng ta vừa tạ ơn Chúa, đồng thời sống cho trọn đạo làm con. Ước mong những người cao niên luôn sống phó thác, thanh thản và làm gương sáng cho các thế hệ tương lai. Đó chính là bí quyết để nên thánh.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: 
tonggiaophanhanoi.org

 

Để lại một bình luận