Thánh Kinh và Thánh Thể: nơi gặp Mục Tử Giê-su

 

Thánh Kinh và Thánh Thể: nơi gặp Mục Tử Giê-suCó một câu chuyện được kể rằng: Một du khách người Mỹ làm một cuộc du hành qua Syria. Tại đây, ông ta gặp ba người chăn chiên, cả ba người này đều cho chiên của mình cùng ăn chung một đồng cỏ.

Một lúc sau đó, một trong ba người chăn chiên muốn tách bầy của mình để dẫn đi nơi khác Ông ta lớn tiếng kêu chiên của mình: “Men ah! Men ah!”. (Theo ngôn ngữ Ả Rập tiếng kêu này có nghĩa là: Hãy theo ta! Hãy theo ta!).

Những con chiên của ông ta, khi nghe tiếng gọi này, chúng liền tách bầy và đi theo người chủ của chúng. Người chăn chiên thứ hai cũng lớn tiếng kêu như thế, và lập tức đàn chiên của ông ta cũng tách bầy và đi theo ông ta.

Ông du khách người Mỹ, sau khi chứng kiến những gì đã xảy ra liền nói với người chăn chiên thứ ba rằng: “Bạn vui lòng đưa đồ đạc của bạn cho tôi, và tôi sẽ kêu, như những người bạn của bạn đã kêu, xem coi các con chiên của bạn có theo tôi hay không?

Người chăn chiên thứ ba đồng ý cho người du khách Mỹ mượn đồ đạc của mình. Thế rồi, người du khách Mỹ lớn tiếng kêu: “Men ah! Men ah!”. Kêu khản cổ, thế mà chẳng có chú chiên nào chạy đến.

Một chút bối rối, người du khách Mỹ hỏi người chăn chiên thứ ba: “Chiên của anh không nghe tiếng ai khác ngoài tiếng của anh thôi sao!”. Người chăn chiên thứ ba trả lời: “Ô! Có chứ! Thế nhưng, những con chiên đó chỉ là những con chiên bịnh tật, những con đó sẽ đi theo bất cứ ai”.(nguồn: internet).

Vâng, chiên nghe tiếng chủ và theo chủ, chứ không nghe và không theo người khác. Và, Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài luôn dùng hình ảnh này (hình ảnh người chăn chiên và đàn chiên) để minh họa cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người. Hay, nói rõ hơn, giữa Ngài và dân chúng.

Nhớ, một ngày nọ, trong lúc đang cùng các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng, và khi nhìn thấy một đám đông dân chúng lũ lượt theo mình, Đức Giê-su đã phải chạnh lòng thương xót, vì họ như  bầy  chiên không người chăn dắt.

Mà, thật vậy, vào thời đó, dân chúng Israel đã phải sống dưới ách thống trị của chính quyền Roma, một sự thống trị bất công và bạo lực. Đồng thời, họ còn phải oằn vai gánh nặng với những luật lệ do “các kinh sư và người Pharisiêu” đặt ra hết sức phi lý.

Thì đây, hãy nhìn xem, có phi lý không kia chứ! Các ngài kinh sư và Pharisiêu, họ chỉ biết “ngồi trên tòa Môse giảng dạy… rủ cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi, lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục…”.

Chính vì thế, Đức Giê-su đã nhìn những người đi theo mình như là những con chiên bị những kẻ “chăn thuê” dẫn dắt. Thế nên, hôm ấy, Ngài đã nói lên một thông điệp, thông điệp rằng: “Tôi phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi”.

Hôm ấy, trước những cử tọa gồm có cả những vị kinh sư, Đức Giê-su khẳng định: “sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (x.Ga 10, …16)

Vâng, chỉ một đoàn chiên và một mục tử. Và, người mục tử ấy: “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Người mục tử ấy không phải là kẻ chăn thuê. Người mục tử ấy, không ai khác chính là Đức Giê-su.

Nếu xưa kia, Lời Thiên Chúa qua môi miệng vua David, có nói: “ta thuộc dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt”, thì hôm nay, Đức Giê-su tái khẳng định, rằng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”(x.Ga 10, 27-28)

Và, mặc cho người Do Thái nổi giận, hôm ấy Đức Giê-su vẫn lớn tiếng tuyên bố rằng: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một”.

Lời khẳng định (nêu trên) của Đức Giê-su là như thế đấy. Xưa, vua David đã cảm nhận được điều đó, ông ta coi đó như là một hồng phúc Thiên Chúa ban cho, thế nên ông đã thốt lên: “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”.

David từng là người chăn chiên, ông ta biết, cuộc sống của chiên sẽ như thế nào là do người chăn như thế nào. Mà, người chăn, lại là một Thiên Chúa giàu tình thương, thì sao lại không là hồng phúc, nhỉ!

Thế còn với chúng ta hôm nay, thì sao? Chúng ta, cũng cảm nhận được điều xưa vua David đã cảm nhận! Hay, chúng ta giống như môt số người Do Thái xưa, khi nghe thông điệp này, (thông điệp “người Mục Tử nhân lành”, mà Đức Giê-su đã công bố), liền lớn tiếng la ó: “ông ấy bị quỷ ám và điên khùng rồi”?

Vâng, trong khi chờ đợi một câu trả lời, chúng ta đừng ngại khi phải nghe lại… nghe lại lời chia sẻ của Skip Heittzig!

Skip Heittzig trong một bài viết mang tựa đề “The good sherperd and his happy sheep”, đã có lời chia sẻ, rằng: “Chúa gọi chúng ta là chiên vì Ngài biết bản chất của con người. Với bản năng thích hùa theo đám đông, sự sợ hãi và nhút nhát của chúng ta, sự bướng bỉnh và ngu dại của chúng ta và bản chất chống nghịch của chúng ta, chúng ta rất giống những con chiên, hơn nữa chiên không thể tự mình sống còn. Chúng đòi hỏi sự quan tâm thường trực, sự giải cứu và sự chăm sóc của người chăn, nếu không chúng sẽ chết”.

Ông ta chia sẻ tiếp, rằng: “Dù vậy, điểm quan trọng ở đây không phải chúng ta giống như những con chiên, nhưng đúng hơn, chúng ta có một người chăn tuyệt vời”. Cuối cùng, Skip Heittzig kết luận, “Đó là điều để khoe khoang, hãy nhìn xem Đấng chăn giữ tôi là ai? Hãy xem ai là người kiểm soát cuộc đời của tôi?”

Thưa bạn, bạn có đồng ý, đây là một lời chia sẻ đáng để cho chúng ta suy nghĩ? Nếu có, hãy để tâm hồn mình một phút trong thinh lặng, và tự hỏi: là một Ki-tô hữu, “Chúa có phải là người kiểm soát cuộc đời của tôi? Và tôi đã có được những giây phút “nghe tiếng Ngài gọi”?

Quả là một câu hỏi không dễ trả lời. Không dễ, vì chúng ta đang sống trong một xã hội bị bao vây bởi quá nhiều tiếng gọi. Nào là tiếng gọi của tiền bạc, của danh vọng, của quyền lực… là những tiếng gọi đầy sự quyến rũ.

Vâng, rất… rất là quyến rũ, vì mỗi tiếng gọi đều có một thông điệp đầy hứa hẹn, hứa hẹn một cuộc sống  giàu sang, tươi đẹp.

Và, ngay cả những tiếng gọi đe dọa, những tiếng gọi dẫn chúng ta đến với hận thù, những tiếng gọi làm cho cuộc đời ta thêm cay đắng v.v… chúng ta vẫn bị hớp hồn vì chúng. Vậy, chúng ta phải làm gì để không bị rơi vào vòng xoáy của những tiếng gọi (nguy hiểm) nêu trên?

Thưa, ngài Ron Rolheiser,OMI cho ta câu trả lời: “có nhiều nguyên tắc từ Chúa Giê-su, Thánh Kinh, và từ những mạch nguồn sâu thẳm của truyền thống Ki-tô của chúng ta vốn có thể giúp ích cho chúng ta”.

Và rồi ngài chia sẻ tiếp: “Tiếng gọi của Thiên Chúa được nhận ra trong những lời thì thầm và giọng khẽ, cũng như trong sấm chớp và bão giông”.

Đúng vậy, Samuel như một điển hình. Kinh Thánh kể rằng, đã có lần Đức Chúa thì thầm gọi Samuel trong đêm thanh vắng. Lần đầu tiên, Samuel không nhận ra. Sau, nhờ lời chỉ dẫn của Thầy Ê-li, Samuel đã nhận ra, nghe lời thầy dạy, Samuel cất tiếng nói với Chúa: “Lạy Đức Chúa… tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.

Vâng, Thánh Kinh, đó chính là nơi có rất nhiều “tiếng gọi” của Chúa mà chúng ta sẽ được nghe, nếu chúng ta tiếp cận.

Từ Thánh Kinh, chúng ta sẽ được Đức Giê-su nói lên những lời mời gọi trìu mến: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

Và, từ nơi bàn Tiệc Thánh Thể, Ngài mục tử Giê-su, qua vị linh mục chủ tế, sẽ cất tiếng mời gọi những “con chiên” yêu dấu của mình, rằng: “Hãy cầm lấy mà ăn”… ăn một thứ cỏ, không phải là thứ cỏ dại, nhưng là thứ cỏ đem lại sự sống đời đời, thứ cỏ mang tên “Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô”.

Nói tắt một lời, để chúng ta có thể “nghe tiếng Chúa” nói, và để chúng ta được Ngài Mục Tử Giê-su ban cho thứ cỏ đem lại sự sống đời đời, không gì tốt hơn là hãy đến với Thánh Kinh và Thánh Thể.

Nói cách khác, Thánh Kinh và Thánh Thể, chính là nơi chúng ta sẽ gặp được người mục tử nhân lành, người Mục Tử Giê-su.

Petrus.tran

 

 

Để lại một bình luận