Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn

 

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luônCuộc đời của con người là một chuỗi dài của sự chờ đợi và hy vọng. Sự chờ đợi và hy vọng đó, có thể là một công việc, có thể là một ngôi nhà khang trang, có thể là một sự thành công nào đó, có thể là một tương lai giàu sang phú quý v.v…

Người Ki-tô hữu cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, ngoài sự chờ đợi và hy vọng thuộc về những gì ở thế gian, người Ki-tô hữu còn chờ đợi và hy vọng về một tương lai, tương lai của đời sau.

Nói rõ hơn, người Ki-tô hữu còn chờ đợi và hy vọng về một  ngày Đức Giê-su: “Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết…” Nói tắt một lời, đó là sự chờ đợi về một ngày tái lâm của Ngài.

Đây không phải là sự chờ đợi và hy vọng mơ hồ, nhưng nó đã được chính Đức Giê-su khẳng định.

Thật vậy, Kinh Thánh Tân Ước có ghi rằng: Chúa Giê-su, trong bữa tiệc ly,  đã nói với các môn đệ, rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.

Thầy lại đến! Vâng, khẳng định cho lời tuyên bố này,  Đức Giêsu đã không ít lần nói với các môn đệ, cách này cách khác, “khi nào” chuyện Thầy-lại-đến, sẽ xảy ra.

Có lần, Ngài cho biết, “cũng như thời ông Nô-ê, sự việc xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy”.

Sau đó, Ngài nói tiếp “Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Sơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải” (x.Lc 17, 26-30).

Rồi, qua Tin Mừng thánh Luca, chúng ta được biết, Đức Giêsu cũng đã loan báo rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao… dưới đất muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn siêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu”, sau đó Ngài nói tiếp: “Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21, 25-27).

Chuyện quan trọng là thế, thế nên, sau những lời cảnh báo, Đức Giê-su có lời khuyến cáo mạnh mẽ đến với các môn đệ (cũng như cho chúng ta hôm nay), Ngài khuyến cáo rằng: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (x.Lc 21, 36)

Theo lịch Phụng Vụ, hôm nay chúng ta lại bắt đầu bước vào Mùa Vọng. Theo suy nghĩ của không ít người, cứ đến Mùa Vọng, chúng ta thường để tâm hướng đến Lễ kỷ niệm Chúa Giê-su Giáng Sinh.

Vâng, Đức Giê-su đã đến rồi. Và, chúng ta luôn tưng bừng mừng kỷ niệm ngày “Đức Giê-su Giáng Sinh”. Cứ nhìn vào những “Mùa Vọng” của quá khứ (và chỉ nay mai trong tương lai), chúng ta thấy gì? Phải chăng,  từ trong nhà cho đến ngoài phố, không đâu là không có sự chuẩn bị chu đáo, không đâu là không nhộn nhịp “Mừng ngày Chúa sinh ra đời. Nào mình nắm tay tươi cười… Mừng ngày giáng sinh an hòa… Mừng hạnh phúc cho muôn nhà. Từ thành phố hay đồng quê, muôn nơi cất tiếng hát ca vang lừng…” !!

Được như vậy cũng tốt, vì đó là truyền thống đẹp. Thế nhưng, nếu chỉ để tâm hướng đến việc kỷ niệm Chúa Giê-su đã giáng sinh, e rằng chưa đủ. Tại sao? Thưa, là bởi, điều  đó không phải là cứu cánh cho cuộc sống của chúng ta.

Cứu cánh cho cuộc sống của chúng ta là gì? Thưa, nó đã được nhắc đến qua ba trong bốn tuần của Mùa Vọng. Đó là : sự tái lâm của Đức Giê-su, việc tỏ lòng sám hối và cuối cùng là sự kiện có một Đấng sẽ đến để “làm phép rửa… trong Thánh Thần và lửa”.

Và, như chúng ta được biết, Mùa Vọng, dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến”. Vọng là trông mong, là mong đợi và hy vọng điều sắp đến.

Thế nên, Mùa Vọng là mùa cho sự trông mong và hy vọng , trông mong và hy vọng hướng về một tương lai rằng: “Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa… Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng”.

Điều trông mong và hy vọng này đã được củng cố thêm, qua lời chia sẻ của Lm Charles E Miller: “Hướng về tương lai là một phần không thể tách rời của cuộc đời. Do vậy, Mùa Vọng phản ánh cuộc sống theo nghĩa mùa này  cũng hướng về tương lai bằng hai cách. Thứ nhất, Mùa Vọng chuyên chú trông đợi một tương lai bất định và có vẻ xa vời, lúc Đức Ki-tô sẽ ‘lại đến’ thế gian kiện toàn vương quốc của Người. Anh chị em có thể gọi đây là ngày lễ tốt nghiệp của thế giới chúng ta”.

Và, thứ hai, ngài Charles chia sẻ tiếp: “Mùa Vọng hướng nhìn về tương lai qua việc chuẩn bị đón mùng ngày 25/12, ngày Đức Ki-tô giáng trần”.

Cuối cùng, ngài kết luận: “Chúng ta trông mong và hy vọng  vững vàng nơi ngày quang lâm của Đức Ki-tô vì chưng đã chấp nhận sự kiện Người đến lần thứ nhất với một lòng tin mạnh mẽ. Những gì Thiên Chúa hứa trong thời  Cựu Ước đã được Đức Ki-tô làm trọn khi Người đến lần thứ nhất, và những gì Thiên Chúa hứa sau đó sẽ thành hiện thực trong ngày Đức Ki-tô lại đến lần thứ hai”.

Qua phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta được nghe lại lời cảnh báo và khuyến cáo của Đức Giê-su về ngày Ngài tái lâm.

Thế nên, không gì tốt hơn là, mỗi chúng ta hãy để một phút thinh lặng và tự hỏi: tôi đã chuẩn bị những gì cho ngày Chúa Giê-su tái lâm? Tôi  có “tỉnh thức và cầu nguyện luôn”?

Đừng bao giờ xem câu hỏi này là một câu hỏi thừa thãi. Không thừa thãi là bởi, trước một xã hội cổ võ cho một nền văn hóa sự chết, chỉ một phút “ngủ mê” chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào cạm bẫy của những cám dỗ mà satan và bè lũ của chúng giăng ra.

Với…  với những lời cám dỗ rất nhẹ nhàng: Có Thiên Chúa đấy, nhưng còn lâu Ngài mới trở lại trong vinh quang! Và rồi, chính lời cám dỗ có cánh này đã ru ngủ biết bạn nhiêu bạn trẻ…

Rồi, rất ngọt ngào: Cứ vui chơi đi… “Chơi cho lịch mới là chơi… chơi cho đài các cho đời biết tay”, thế nhưng ta nào có biết,  ta nào có biết, tại trung tâm “Mai Hòa” điều gì đang chờ đợi chúng ta, sau một thời gian “xả láng”!

Vâng, đó chính là “thân bại danh liệt”, đó chính là một “hình hài như một pho tượng”.  Đó là chưa nói đến, trước tòa phán xét, (nếu chúng ta tin), có phần chắc, Đức Giê-su sẽ nói với chúng ta, rằng: “Hỡi tên đầy tớ tồi tệ…hãy quăng nó ra chỗ tối tăm…”

“Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Vâng, có lẽ không ít người trong chúng ta sẽ cảm thấy âu lo về lời truyền dạy này. Với lời truyền dạy này, phải chăng ta không còn thời gian để ngủ! Thưa, Đức Giê-su không có ý như thế, qua lời truyền dạy này.

“Tỉnh thức luôn” không có nghĩa là không được ngủ. Dụ ngôn “năm cô trinh nữ khôn ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại” chính là câu trả lời cho chúng ta. (x.Mt 5, 1-13)

Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ, nhưng là “sẵn sàng”. Câu chuyện đã cho chúng ta biết, tất cả mười cô đều ngủ, trước khi chàng rể đến, nhưng khi các cô tỉnh thức, thì năm cô đã sẵn sàng, còn năm cô kia thì vẫn còn “mê ngủ – không sẵn sàng”.

Về điều này, chúng ta hãy nghe Đức Giáo Tông Phan-xi-cô chia sẻ trong giờ kinh Truyền Tin, cách đây không lâu, rằng: “Đây là ý nghĩa của việc khôn ngoan và cẩn trọng: điều đó không phải là đợi chờ đến phút cuối cuộc đời để cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa, mà hãy làm thế ngay từ bây giờ. Thật tốt lành để suy nghĩ một chút: ngày hôm nay sẽ là ngày cuối cùng. Nếu là ngày hôm nay, thì tôi đã chuẩn bị thế nào? Nhưng tôi phải làm điều này và điều đó…Người ta phải chuẩn bị như thể hôm nay là ngày cuối: điều này sẽ tốt cho mọi người.”( Joseph C. Pham  Chuyển ngữ từ ZENIT)

Vâng, sẽ tốt cho mọi người,  sẽ tốt cho chúng ta, nếu chúng ta luôn “sẵn sàng”, một sự sẵn sàng được minh chứng qua đời sống đức tin, một đời sống đức tin sống động sinh nhiều hoa trái, hoa trái “bác ái, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”(x.Gl 5, 22-23)

Đức Giê-su sẽ tái lâm, dù chúng ta chưa thấy điều này xảy ra. Chưa xảy ra, không có nghĩa là không xảy ra.  Vậy, cớ gì chúng ta không khôn ngoan như “năm cô khôn ngoan”!

Nói rõ hơn, để cho sự chờ đợi và hy vọng của chúng ta đạt kết quả mỹ mãn, không gì tốt hơn là hãy xem “ngày hôm nay sẽ là ngày cuối cùng”, và đừng quên thực hành lời truyền dạy của Thầy Giê-su:  “tỉnh thức và cầu nguyện luôn.”

Petrus.tran

 

Trả lời