Để chuẩn bị tâm hồn hướng về ngày lễ kính Thánh Martinô (3/11), giáo xứ Thánh Đa Minh – Ba Chuông đã tổ chức ba buổi tĩnh tâm vào lúc 17h30 các ngày 29,30 và 31 tháng 10 năm 2018 do cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn giảng phòng.
Nhắc đến Thánh Martinô là mọi người được nghe nói đến tinh thần phục vụ ở Ngài, biết nhưng để hiểu vì sao Thánh nhân có được tinh thần ấy là một câu hỏi lớn không dễ giải đáp cho rất nhiều Kitô hữu và với buổi tĩnh tâm đầu tiên cha Giuse đã giải đáp giúp cộng đoàn.
Cha lý giải : Con người chúng ta rất dễ tổn thương, những tổn thương thể lý cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý. Khi trong người không khỏe chúng ta sẽ dễ hành xử một cách không sáng suốt, dễ bị con người yếu đuối hướng lái sai lệch.
Thế nhưng tổn thương thể lý dễ lành hơn “bị thương” tâm lý, ẩn sâu trong mỗi con người là niềm tự hào riêng về những cái mình có được, thế nhưng điều tự hào đó bị người khác vô tình hay cố ý xúc phạm, chà đạp thì ôi thôi, khổ đau lắm. Những tổn thương đó nó sẽ bị thời gian giúp phai nhạt đi nhưng nó sẽ không biến mất. Một thời điểm nào đó vết thương ấy có cơ hội sẽ “sưng tấy” hành hạ chúng ta, nó sẽ tiếp tục gây những hậu quả nếu chúng ta không chủ động chữa trị nó một cách tích cực.
Thánh Martinô, một người sinh ra dưới một “ngôi sao xấu”, một thân phận đã được đặt để cho Ngài khi mới lọt lòng, như “nô lệ” vì màu da Ngài mang, một thân phận được rao bán như một món hàng và không chỉ xã hội mà ngay người cha đã sinh ra Ngài cũng khước từ Ngài.
Với xuất phát điểm như thế, với người khác, có thể xã hội sẽ có thêm một công dân không lương thiện; tuy nhiên Thánh Martinô đã cậy dựa vào ơn Chúa để sống tốt bí tích rửa tội. Nhờ bí tích rửa tội Ngài hiểu rằng Thiên Chúa đã ký giao ước cùng Ngài, không cần biết Ngài là ai, tội lỗi hay không tội lỗi, đón nhận Ngài và Ngài đã đón nhận an hòa từ Thiên Chúa, những “vết thương” dường như không thể xâm nhập con người Ngài.
Mọi Kitô hữu đều được ký kết giao ước với Thiên Chúa nhưng mấy ai hiểu được mình được Thiên Chúa bảo trợ để được sống thanh thản nên cứ dằn vặt, cấu xé làm khổ mình, khổ người. Khi ý thức sẽ làm vết thương lành là chúng ta cho mình cơ hội hòa giải với chính bản thân mình. Thánh nhân đã nhận lãnh được hoa trái ơn cứu độ như thế đó. Ngài đã luôn đặt mình dưới đáy để cảm nhận Chúa thuơng và đón nhận Ngài bằng chính “đôi chân” Ngài có.
Để kết thúc bài chia sẻ cha Giuse đã nói : Con có lúc cố tình dấu đôi chân lem luốc của con trước con mắt người đời, nhưng với Chúa, con không ngại để Chúa thấy chân con dơ, mà sẵn sàng cúi xuống rửa chân cho con, vì con biết chỉ có Chúa mới làm vậy.
Tiếp tục khám phá những nét “dễ thương” của Thánh Martino mời cộng đoàn tham dự hai ngày tiếp theo vào lúc 17h30, ngày 30 và 31 tháng 10 này.
Maria Thu Hồng