Đường Giêsu: Con đường tình ta đi

 

Đường Giêsu: Con đường tình ta điCó cuộc chia ly nào không để lại sự đau thương. Có cuộc ra đi nào không để lại niềm nhung nhớ. Mà, quả đúng là vậy. Mấy ngày vừa qua, tin tức về sự “ra đi” của Lm. Augustino Nguyễn Viết Chung, một linh mục đã hiến trọn đời mình cho người nghèo, cho bệnh nhân phong, đã để lại trong tâm hồn nhiều người sự đau buồn, thương tiếc và xao xuyến.

Đau buồn, thương tiếc và xao xuyến, đó chính là một phần trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Có ai không một lần có người thân từ giã cõi đời! Có gia đình nào chưa một lần có người thân gặp cơn bạo bệnh hoặc một một căn bệnh nan y, nào đó! Có ai chưa một lần  thất bại trong công việc của mình! Có ai trong chúng ta không  hơn một lần đối diện với những nan đề nêu trên!

Chúng ta sẽ làm gì? Thương tiếc, đau buồn, xao xuyến ư!  Vâng, đó là chuyện  thường tình của cuộc sống đời thường. Thế còn với đức tin?  Tạ ơn Chúa, Đức Giê-su, một Giê-su đã chiến thắng sự chết, Ngài cho chúng ta câu trả lời, rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.

“Anh em đừng xao xuyến”. Vâng, đó là lời Đức Giê-su nói với các môn đệ mình trong bữa tiệc của ngày lễ Vượt Qua (mà hôm nay ta gọi là Tiệc Ly).

Ô hay! Lễ vượt Qua là một ngày lễ của vui mừng và hạnh phúc, ngày mà toàn dân Israel được giải thoát khỏi ách nô lệ tại Ai Cập, thế mà chuyện gì đã xảy ra khiến cho lòng các ông xao xuyến!

Thưa, có rất nhiều chuyện, từ chuyện Đức Giê-su cho biết “có một người trong anh  em sẽ nộp Thầy”, tiếp đến là một người khác sẽ “chối Thầy ba lần”,  và cuối cùng là lời vĩnh biệt của Ngài, rằng “Thầy còn ở với anh  em  một ít lâu nữa thôi”.

Trong ba năm qua, có thể nói, đó là ba năm của niềm tin và phó thác vào Thầy Giêsu. Các môn đệ đã có một cuộc sống an tâm bên cạnh Ngài. Khi thiếu bánh ăn, Thầy  hóa bánh ra nhiều. Khi gặp phong ba bão táp, Thầy giải cứu. Khi cần, Thầy dạy dỗ… Thế mà hôm nay, Thầy Giêsu lại nói : “Nơi tôi đi, các ngươi không thể đến được”… hỏi sao các ông không cảm thấy “lòng xao xuyến” cho được!

Hôm đó, Đức Giê-su còn tuyên bố với các ông rằng: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.

Vâng, nếu quả là như vậy, thì tốt quá chứ, việc gì phải “xao xuyến”! Thế nhưng, chỉ vì Đức Giê-su có nói: “Và Thầy đi đâu, thì anh  em biết đường rồi”, cho nên,   Phê-rô rồi đến Tô-ma đã không ngần ngại bộc lộ sự lo lắng đó.

Một ông đã hỏi Đức Giê-su, rằng: “Thầy đi đâu ? Sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được?”  Còn  ông  kia lúng  túng  hỏi  rằng “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường”!

Không chỉ có Phê-rô và Tô-ma, ông Philipphe cũng không khỏi lo lắng và bối rối khi đặt một câu hỏi với Đức Giêsu, rằng  “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Và ông ta đã mãn nguyện khi Đức Giêsu trả lời: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Và rằng “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,9…11).

Có thể nói, câu trả lời của Đức Giêsu như một “gạnh nối” nối kết “Trời và Đất”. Nó đã phá vỡ sự ngăn cách giữa con người và Thiên Chúa, sự ngăn cách mà xưa kia nguyên tổ Adam và Eva đã gây ra. Và hơn nữa, nó đã xoá tan những ưu tư phiền muộn, những lo lắng và bối rối về sự ra đi của Đức Giê-su.

Cuối cùng, để cho các môn đệ không còn xao xuyến và vững tin, Đức Giê-su khẳng  định, rằng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”(Ga 14, 6). Các môn đệ có tin và đặt trọn cuộc đời mình vào lời Đức Giê-su truyền dạy? Thưa có, nhưng không phải một sớm một chiều.

Từ lúc Đức Giê-su tử nạn cho đến lúc Ngài Phục Sinh, các ông vẫn luôn sống trong tâm trạng đau buồn, thương tiếc và xao xuyến. Chính vì thế, tâm trí các ông không còn sáng suốt, nghe tin Thầy sống lại, các ông cho là chuyện vớ vẩn. Còn tâm hồn các ông thì trĩu nặng “gánh sầu thương mệt mỏi hai vai”, nhìn thấy tận mắt Thầy hiện đến, các ông cho là “ma”…

Chỉ đến khi các ông “ai nấy được tràn đầy Thánh Thần”, chỉ khi đó, các ông mới có thể đặt trọn niềm tin vào lời Thầy Giê-su, một niềm tin đã được chứng minh qua việc các ông chính là những chứng nhân sống động làm cho “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giêrusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin” (x.Cv 6,7).

“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”. Hôm nay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được nghe lại lời truyền dạy của Đức Giê-su, một lời truyền dạy “chưa từng có hoặc sẽ không bao giờ có ai dám truyền dạy”, như Người.

Tại sao “không bao giờ có ai dám truyền dạy”? Thưa, vì “Người là Thiên Chúa”. Vâng, đó là lời chia sẻ của Lm Charles E. Miller.  Ngài linh mục nói tiếp rằng: “Không có Chúa Giê-su, chúng ta chẳng làm gì được. Không có con đường, sẽ không có việc đi lại. Không có sự thật, sẽ không có trí thức. Không có sự sống, thì không gì có thể tồn tại”. Chúng ta  tìm “con đường, sự thật, sự sống” ở đâu? Nói cách khác, chúng ta tìm con đường mang tên Giê-su ở đâu? Thưa, Thánh Lễ và Thánh Kinh.

Trong Thánh Lễ, chúng ta tìm được con đường mang tên Giê-su, một Đức Giê-su Phục Sinh. Nơi đây, chúng ta sẽ tìm được “Sự Thật” qua  những lời Kinh Thánh. Nơi đây, chúng ta sẽ nhận được “Sự Sống” qua Bí Tích Thánh Thể, một bảo đảm để chúng ta nhận được lời phán hứa của Ngài, rằng:  “Thầy ở đâu, anh   em cũng ở đó”.

Bây giờ, chúng ta hãy để tâm hồn mình trở về trong thinh lặng và tự hỏi: “Trong hoàn cảnh riêng tư của đời ta, ta có lo lắng và bối rối trước một nan đề nào đó! Một cơn cám dỗ phản bội lời thề thủy chung! Một cơn cám dỗ trước danh vọng, tiền bạc, quyền bính, chẳng hạn! Một sự yếu đuối không dám làm chứng cho sự thật!

Tại sao… tại sao ta không thể vượt qua! Tại sao chúng ta không thể vượt qua những cơn cám dỗ nêu trên? Phải chăng là vì chúng ta đã chọn sai con đường để đi? Phải chăng là chúng ta đã đi trên con đường mang tên “cá nhân chủ nghĩa”, một con đường chỉ phục vụ cho cái tôi của mình?

Đừng bao giờ nghĩ rằng, những âu lo phiền muộn, những lo lắng và bối rối, những cám dỗ của chúng ta hôm nay “nặng ký” hơn của các môn đệ xưa. Nhưng, hãy nghĩ rằng, khi gặp những nan đề nêu trên, chúng ta có tìm đến Đức Giê-su… tìm đến để Ngài dẫn dắt chúng ta đi trên con đường Ngài đã vạch ra!

Đừng để mình rơi vào bẫy của thế gian, rằng: “All roads lead to Rome – Đường nào cũng về La Mã”. Không! Con đường của người Ki-tô hữu, chỉ có một, đó chính là  con đường mang tên “Giê-su”, một con đường dẫn đến “sự thật và sự sống”.

Đừng quên, Đức Giê-su đã khẳng định: “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Thế nên, đừng chần chờ gì nữa, hãy lấy bút chấm tọa độ, con đường mang tên Giê-su, trên tấm bản đồ cuộc đời của mình, và xem đó chính là con đường tình ta đi. Vâng, chỉ có một con đường, “con đường mang tên Giê-su”, mới chính là “con đường tình ta đi”.

Petrus.tran

 

Trả lời