Mười điều ĐGH Phanxicô muốn bạn biết (5)

 

Bầy giờ, tất cả chúng ta là những “Phanxicô”

 

Mười điều ĐGH Phanxicô muốn bạn biết (5)Đức Phanxicô là vị giáo hoàng với nhiều điều đầu tiên: Là giáo hoàng đầu tiên không phải là người Châu Âu từ ít nhất 1000 năm nay, dựa trên tiêu chuẩn người ta xác định “Châu Âu” như thế nào; là giáo hoàng đầu tiên đến từ Châu Mỹ Latinh; là giáo hoàng đầu tiên từ thế giới đang phát triển; và là giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ dòng Tên.

Tuy nhiên, trong nhiều cái đầu tiên đó, có lẽ cái đầu tiên lý thú nhất đó là: ngài là giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo hội nhận tước hiệu là “Phanxicô”. Triều đại giáo hoàng của ngài kéo dài bao lâu không quan trọng, quyết định đầu tiên của Đức tân giáo hoàng có lẽ sẽ được xem như một quyết định nổi bật nhất của ngài.  

Qua nhiều thế kỷ, một số chuyên gia về giáo hoàng khẳng định rằng không vị giáo hoàng nào có thể hoặc nên nhận tước hiệu đó, khi đối chiếu với tước hiệu “Giêsu” hoặc “Phêrô”. Tước hiệu đó vốn chỉ là một trong các khuôn mặt  biểu tượng, hoặc lý luận như thế, và sẽ là phạm thánh đối với một giáo hoàng tuyên bố tước hiệu đó cho chính mình. 

Chuyện càng gây cười là một giáo hoàng dòng Tên nhận tước hiệu của đấng sáng lập dòng Phanxicô. (Trong những giây phút đầu tiên sau khi tước hiệu được loan báo, một số người tự hỏi phải chăng Đức tân giáo hoàng thực sự muốn tôn vinh thánh Phanxicô Xaviê, nhà truyền giáo vĩ đại dòng Tên. Tuy nhiên, các bản tin từ Mật viện đã xác định rõ rằng ngài nói ngay với các hồng y là ngài tôn vinh thánh Phanxicô Átxidi. (Sau đó, ngài giải thích những lý do ngài chọn tước hiệu đó trong các buổi gặp gỡ chung.)   

Vậy thì, điều gì thể hiện trong tước hiệu này?

Khi nghĩ về “Giáo hội”, một cách điển hình, các tín hữu Công giáo nhìn thấy hai mặt. Về mặt thể chế, Giáo hội có cơ sở hạ tầng, nguồn phương tiện, luật lệ, cơ cấu phẩm trật. Rồi, về mặt thiêng liêng, Giáo hội là một cộng đoàn khiêm nhường và đơn sơ của những người bình đẳng, với tình yêu đặc biệt dành cho những kẻ nhỏ bé nhất trong thế giới này. Một cách lý tưởng, hai mặt này đồng hành với nhau, nhưng dù sao, chúng cũng phân biệt nhau.   

Bằng cách nhận tước hiệu “Phanxicô”, về căn bản, Đức giáo hoàng khẳng định rằng mặt thứ hai của Giáo hội phải tỏa sáng theo cách mới mẻ. Nói cách khác, Đức Phanxicô đã đưa ra toàn bộ chương trình lãnh đạo của ngài, một tầm nhìn toàn thể về Giáo hội, nếu nói vắn tắt.

Trong buổi gặp gỡ các nhà báo vào ngày 16 tháng Ba, Đức tân giáo hoàng đã nói rằng, người bạn cũ của ngài, hồng y Clau­dio Hummes của Brazil, trong cuộc bầu cửđã hối thúc ngài: “Đừng quên người nghèo”. Ngài cho biết, điều này làm cho ngài nghĩ về thánh Phanxicô, một người nghiêm khắc phản đối chiến tranh cũng như chống lại việc hủy hoại môi sinh. Tất cả điều đó làm cho Phanxicô trở thành một chọn lựa rõ ràng. 

Để chắc chắn, vị giáo hoàng dòng Tên không quên nguồn gốc của mình. Thực vậy, ngài cũng nói với giới truyền thông rằng một số hồng y đùa vui đề nghị ngài nên nhận tước hiệu Clêment, để “chế nhạo” Đức Clêment XIV là người đã giải thể dòng Tên vào thế kỷ XVIII (và cũng là một tu sĩ dòng Phanxicô!)

Nhưng, bằng cách nhận tước hiệu “Phanxicô”, Đức tân giáo hoàng về cơ bản đã khẳng định rằng những gì thánh Phanxicô Átxidi thể hiện không còn là đặc tính của riêng một dòng tu hay một trường phái tâm linh đặc biệt trong Giáo hội Công giáo. Thay vào đó, đây là mẫu gương cho đời sống Kitô giáo ở mọi cấp độ, bao gồm cả người ở vị trí tối cao trong phẩm trật. 

Thực vậy, Đức Phanxicô muốn bạn biết rằng tất cả chúng ta bây giờ là những Phanxicô.
 

(Còn nữa)

Nguyên tác :  John L. Allen, Jr., 10 Things Pope Francis Wants You to Know, Liguori, Missouri: Ligouri, 2013.

Chuyển ngữ : Học Viện Đa Minh

Trả lời