Noel không chỉ dành cho người Công Giáo

 
 
Noel không chỉ dành cho người Công Giáo
 
 
Noel không chỉ dành cho người Công GiáoTháng 12 đã về, và một mùa giáng sinh nữa lại đến! Đó là thời khắc thiêng liêng và trân trọng của cộng đồng những người theo đạo Công giáo. Còn tôi, lại là người ngoại đạo. Nhưng đêm Noel đối với tôi, cũng tràn đầy niềm vui và thật nhiều suy tưởng !

Sơn Tây là vùng quê trung du yên bình, ẩn chứa nhiều sự tích huyền thoại và thi ca. Nơi tôi ở là con phố nhỏ ngay cạnh nhà thờ thị xã. Những người hàng xóm đa phần là giáo dân. Họ sống gần gũi, chân tình, mộc mạc. Con phố này, đầy ắp những kỷ niệm trong tôi từ ngày thơ bé cho đến tận bây giờ. Đêm giáng sinh, trời lạnh giá, con phố ấy vẫn nêm chặt người đủ mọi lứa tuổi, nhưng phần nhiều là giới trẻ. Các nữ giáo dân và ca đoàn đẹp lộng lẫy trong tà áo dài khoe sắc. Cả thị xã ấm lên bởi dòng người từ các ngả đổ về nhà thờ, cùng mong đợi giây phút linh diệu Đấng Toàn Năng hiển sinh, hồi hộp đón chờ tiếng chuông nhà thờ vang vọng trong không gian huyền ảo.

 
Thực ra những người ngoại đạo, họ chưa hiểu biết nhiều về ngày lễ giáng sinh.Nhưng họ vẫn muốn tận hưởng giây giờ phút thiêng liêng ấy. Ngày này không còn là ngày dành riêng cho người theo đạo Công giáo. Họ cảm nhận như là ngày vui của chính mình, cùng được hưởng niềm hân hoan với bà con giáo dân. Họ đi vì nhiều lẽ, nhưng đó là dịp để được gặp gỡ và chia sẻ. Mọi người cố len vào bên trong nhà thờ để được nhìn thấy hang đá với máng cỏ, mô hình thu nhỏ nơi Chúa Jesus ra đời.
 
Cây thông giáng sinh và những bài thánh ca vang lên của ca đoàn nhà thờ xứ Sơn Tây, với âm hưởng đầy rung động và xao xuyến lòng người. Đâu đó thấp thoáng ông già Noel tốt bụng với bầy tuần lộc kéo chiếc xe trượt tuyết để ban phát quà bánh cho trẻ em. Vào lúc này, các quán cà phê cũng chật người, tiếng hát vang lên cũng là những bài thánh ca rất đỗi thân thuộc. Lời ca quyện với màn sương bàng bạc giăng khắp phố. Đêm thành cổ lung linh in xuống con hào cũng đang chìm dần trong khói sương. Có lẽ, không ai không thuộc lấy một câu trong bài ” Hang Bê-lem ” nổi tiếng của cố nhạc sỹ Hải Linh: ” Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa… “. Tôi nhớ, có một lần người bạn gái nói với tôi trong đêm Noel: – Thú thật, em không hiểu gì nhiều về ngày lễ này, chỉ biết là ngày Chúa sinh và hay được nghe những bản thánh ca mà em yêu thích. Thêm nữa, ơn Chúa, hôm nay cũng là ngày sinh nhật của anh, xin cầu chúc cho anh nhiều điều tốt lành và một mùa Giáng Sinh vui vẻ. Tôi thực sự ngỡ ngàng trước câu nói ấy. Bởi chỉ có giây phút này, con người ta mới nói được trọn vẹn những ý nghĩ sâu thẳm từ đáy lòng trong sáng và thành thật. Đây cũng là dịp tôi trả lời những câu hỏi của em, nói với em những điều sơ đẳng nhất mà tôi nghe được ở bà con giáo dân. Trước hang đá nhiệm màu và linh thiêng tôi kể: Bê-lem là nơi thánh thiêng, vì chính nơi đây con Chúa đã ra đời. Ngày xưa Đức Maria và thánh Giu-se từ Na-da-rét đến Bê-lem để khai sổ nhân danh. Không tìm được chỗ trọ, hai ngài đã tìm  nơi trú ẩn trong một cái hang đối diện với thành Bê-lem, và chính trong cái hang đó, Con Thiên Chúa đã giáng sinh. Đức Maria đã đặt Con mình vào cái máng cỏ kia, và cũng ở đây, mục đồng đến thờ lạy Chúa Hài Nhi…
 
Tôi kể cho em nhiều nhiều nữa, thực ra cũng từ sự kính trọng mà nói ra lời. Dù ta có theo đạo hay không theo đạo, tin hay không tin thì mọi thứ tôn giáo cũng đều nói đến đạo làm người, đều hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đều bắt nguồn từ trái tim, biết yêu thương và trân trọng, biết sẻ chia với những cảnh đời éo le, nghiệt ngã. Tôi đã dự nhiều lễ thành hôn của các bạn trẻ ở nhà thờ, và vị Linh mục từng giảng giải cho những lưá đôi nhiều điều thật thấm thía. Từ tình yêu, đến hôn nhân, gia đình, đến đạo làm con, làm cha , làm mẹ vv…Vị linh mục nhắc đến cuộc sống gia đình: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu “. Cha mẹ sinh ra chúng ta, thay mặt Chúa để chăm sóc dạy dỗ chúng ta. Công cha nghĩa mẹ là khôn cùng. Kính hiếu với mẹ cha cũng làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Cuối bài giảng, Linh mục cũng mong mỏi và tin ở họ sẽ có cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp sức mình vào sự nghiệp chung, sống phúc âm trong lòng dân tộc.

Còn nhớ, cách đây đã bảy năm, tôi đón một mùa giáng sinh đầy kỷ niệm tại Hà Nội. Cùng với ca sỹ tài tử Ngọc Bảo, nhà báo Nguyễn Kế Nghiệp, NSUT Minh Thu, Đặng Quý, Thu Hằng, Hương Sen vv… chúng tôi trò chuyện và ca hát, đọc thơ suốt đêm. Bản thánh ca  “Hang Bê-lem “, ” Đêm thánh vô cùng “… do ca sỹ tài tử Ngọc Bảo và Minh Thu trình bày đầy xốn xang và xúc động.  Nguyễn Kế Nghiệp nặng lòng với những bài hát tiền chiến của Đoàn Chuẩn. Nghệ sỹ Thu Hằng, Hương Sen với “Tình cây và đất “,” Về quê”…  mang  đến cho nhau tình yêu con người, yêu quê hương xứ sở. Bài thơ ” Đêm Nôel em hát ” của tôi, nhờ có cảm xúc chân thành ấy mà ra đời ngay sau đó. Đêm giáng sinh ở Hà Nội đã hút hồn tôi, ấm áp và thơm thảo lòng người. Trên các ngả đường Hà Nội, sương giăng đầy mái phố. Và lúc đó, tôi lại nhớ đến Sơn Tây, người dân quê tôi cũng tưng bừng trong đêm Nôel tràn đầy hạnh phúc. Vậy mà, đã mấy mùa giáng sinh chúng ta không còn được nghe tài tử Ngọc Bảo ngân nga các bản thánh ca và nhà báo, nhà văn Nguyễn Kế Nghiệp cũng đã cùng Ngọc Bảo nhẹ gót về cõi thiên thu…

Đêm Giáng Sinh đã là của tất cả mọi người. Nhân ngày này mà chúng ta cùng chung vui và chúc phúc cho nhau. Bởi lễ giáng sinh là lễ của sự sống, liên kết nỗi đau và niềm vui. Bê-lem, nơi người mẹ đã sinh con trong thế gian, đó là con người, đó là màu nhiệm. Người đã cởi bỏ vinh quang của Thiên Chúa để sinh ra sống giữa con người và chịu chết vì con người.

Mùa Giáng Ginh năm nay, tôi sẽ đón nhận và tận hưởng niềm vui này ở đâu? bạn bè và những người thân không dễ gì gặp được, bởi ai cũng bận bịu nhiều công việc. Nhưng tôi tin, kỷ niệm về những mùa Giáng Sinh sẽ còn nguyên vẹn trong ký ức mỗi người. Hãy nhớ và trân trọng những tháng ngày đã đi qua. Như lời ca tha thiết của Trịnh Công Sơn: 

Lại một mùa giáng sinh nữa đã đến!

Quốc Toản  
Sơn Tây. Mùa giáng sinh 2011.
(nguồn: blog Tễu)
 
 
 
 
 

Trả lời