CN 33 C: Có kiên trì mới giữ được mạng sống mình

 

Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình

 

CN 33 C: Có kiên trì mới giữ được mạng sống mìnhThế giới hiện chúng ta đang sống, có thể nói, là một thế giới ngày càng nhiều bất ổn và chết chóc. Bất ổn và chết chóc bởi chiến tranh, bởi thiên tai hạn hán, bởi động đất hoặc bão lụt.

Tuần vừa qua, 8.11.2013, một cơn bão với tên gọi là Haiyan, đã đổ bộ vào Samar cách thủ đô Manila 600km về phía đông nam và miền trung Philippin rồi nhanh chóng di chuyển về phía tây bắc, tấn công các tỉnh Leyte và Iloilo. Với sức gió đạt 310 km/h đã khiến cho cả thành phố Tacloban hầu như bị san bằng.

Xác người nằm ngổn ngang khắp thành phố. Có những chiếc tàu nặng cả chục tấn, thế mà vẫn bị sóng biển dâng cao hất vào đất liền như một mảnh giấy nằm chơ vơ trên đường phố. Một đoạn video ngắn trên CNN đã trình chiếu cảnh nước biển tràn vào khách sạn, lên đến lầu một. Đâu đó chúng ta có thể nghe lời than khóc của một người cha mất con vì gió mạnh đến độ nó đã kéo đứa bé ra khỏi tay ông ta.

Với những gì đã xảy ra, quả thật, bão Haiyan là một thảm họa cho đất nước Philippin.

Cứ sự thường, mỗi khi có thảm họa xảy ra, con người lại tự hỏi, phải chăng là sắp đến tận thế? Sắp tận thế! Khi nào tận thế!  Vâng, đó là câu hỏi mà nhiều người muốn có câu trả lời.

Thật ra, không phải hôm nay, nhưng là ngay từ xa xưa, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng đã có những thắc mắc như thế, đã có lần các ông hỏi Thầy của mình rằng: “Xin Thầy nói cho chúng con biết khi nào những sự việc ấy xảy ra, và cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế” (x.Mt 24, 3).

Không như một số giáo phái thường “chẻ lời Kinh Thánh ra làm tư” để tiên báo về ngày tận thế. Cũng không như các nhà khoa học cho rằng, một ngày nào đó sau hàng tỷ năm, thế giới chúng ta sẽ qua đi, vì mặt trời, nguồn năng lượng của nó, sẽ cạn kiệt nhiên liệu.  Theo giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo thì, không một ai có thể “…biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại… Chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi của vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh của một thế gian lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi, nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới, nơi công bằng ngự trị…” (x.Hiến chế về Mục Vụ trong thế giới ngày nay, số 39)

Đúng vậy, Chúa Giêsu, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã cho các môn đệ biết rằng, sự cần thiết để biết  “bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra” không quan trọng cho bằng “đến Ngày phán xét (mọi người) sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói (hay đã làm)” mới là điều cần quan tâm đến.

Ngày tận thế ư! Đó là điều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì là chương trình của Thiên Chúa cho nên ngày đó sẽ đến, không phải theo cách hoặc thời điểm mà một số các giáo phái thường tiên báo hay các nhà khoa học tưởng là…

Nói về ngày tận thế, Đức Giêsu đã có một bài giáo huấn và bài giáo huấn đó đã được ghi chép lại trong Tin Mừng thánh Luca (21, 8-19).

**

Tin Mừng thánh Luca đã thuật lại rằng: Một hôm, nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: ‘Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào’.  

Bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào ư! Sau lời tuyên bố đó, không thấy thánh Luca nói đến, nhưng rất có thể các môn đệ của Đức Giêsu không khỏi không hoang mang lo lắng.

Hành động các ông lập tức hỏi Người, rằng: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”, cho thấy, các ông thật sự muốn Thầy của mình cho một lời giải đáp khả dĩ, một lời giải đáp hầu khỏa lấp nỗi hoang mang lo lắng của các ông. 

Vâng, hôm đó, thay cho lời giải đáp, Đức Giêsu đã để lại cho các ông những lời dặn dò, những lời dặn dò nhằm đem lại cho các ông  sự “bền chí” và  lòng “kiên trì”. Một sự bền chí và kiên trì vượt không gian và thời gian. Một thứ không gian và thời gian do chính Thiên Chúa là Đấng quyền năng, làm chủ. Người không chỉ lảm chủ không gian lẫn thời gian, mà còn làm chủ ngay cả: “một sợi tóc trên đầu anh em…” (Lc 21, 18). 

***

Đức Giêsu đã dặn dò những gì? Thưa, Ngài căn dặn rằng, “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘chính ta đây’, và ‘Thời kỳ đã đến gần’: anh em chớ theo họ” (Lc 21, 8).

Từng bước… từng bước… Đức Giêsu cho các môn đệ thấy những “điềm báo trước” và chính những điềm báo trước này sẽ là cơ hội để các ông “làm chứng” cho Ngài. Những điềm báo trước, đó là “chiến tranh, động đất, ôn dịch và đói kém”. Những điềm báo trước, còn là “sự bắt bớ, sự ngược đãi, bị tù đầy, sự chết chóc và thù ghét” sẽ xảy ra. (x.Lc 21, 9… 17)

Vâng, hôm đó, khép lại những lời dặn dò, Đức Giêsu không nói với các môn đệ ngày mai hay ngày mốt “các việc đó sẽ xảy ra”,  Ngài chỉ khuyên một lời khuyên duy nhất, rằng: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.” (Lc 21, 19)

****

Tất cả những gì Đức Giêsu đã nói năm xưa, nay có ứng nghiệm?! Thưa có.  

Bốn mươi năm sau, sau lời tiên báo của Đức Giêsu về Đền thờ Giêrusalem sẽ “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”, nay đã ứng nghiệm. Lịch sử đã ghi lại, vào ngày 9/8/70, hùng binh La Mã đã triệt hạ và thiêu hủy Đền Thờ. Ngày nay, dấu tích Đền Thờ chỉ còn một bức tường, người Do Thái gọi là “bức tường than khóc”.   

Lời tiên tri của Đức Giêsu không chỉ ứng nghiệm nơi Đền thờ Giêrusalem mà còn ứng nghiệm suốt chiều dài lịch sử Kitô giáo.

Xưa, Đức Giêsu đã tiên báo “Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”.

Thì đấy, chỉ ngay sau đó, sau khi Giáo Hội công khai rao giảng Tin mừng, lời tiên báo của Ngài đã ứng nghiệm.

Khởi đầu là người anh em Têphanô. Anh Têphanô chỉ vì rao giảng một “Giêsu người Nadaret” nên đã bị những người chống đối “xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá”. Chuyện kể rằng: “Họ ném đá ông, đang lúc ông cầu xin rằng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này’. Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7, 60). Tiếp đến là người anh em Giacôbê anh ông Gioan, ông ta đã bị con cáo già Hêrôđê chém đầu.

Không chỉ có máu-tử-đạo đã đổ ra, lời tiên báo của Đức Giêsu về sự ngược đãi tù đày cũng liên tiếp xảy ra trên “một số người trong Hội Thánh” (x.Cv 12, 1). Thuyền trưởng con tàu Giáo Hội tông đồ Phêrô chính là dấu chứng điển hình cho lời tiên báo của Đức Giêsu. Chuyện kể rằng. cũng là cáo già Hêrôđê, khi thấy việc làm đó vừa lòng người Do Thái, “nhà vua lại cho bắt cả ông Phêrô nữa”.  

Còn đây, tại Việt Nam, những người môn đệ của Đức Giêsu, mà tiêu biểu là  một  trăm mười bảy vị (117) và ngày 5/3/2000 thêm một vị là Anrê Phú Yên, tử đạo ngày 26/07/1644, được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước, mà toàn thể Giáo Hội Việt Nam sẽ kính trọng thể vào Chúa Nhật ngày 17/11 năm nay, năm 2013, cũng chính là những minh chứng cho lời tiên báo của Đức Giêsu về sự “ngược đãi, bắt bớ, tù đầy, chết chóc và thù ghét” xưa kia, nay đã trở thành hiện thực.

Nhắc lại những chuyện này để làm gì?

Thưa, trước hết là để chúng ta tự hỏi lòng mình rằng, “vì danh Thầy Giêsu” chúng ta sẽ làm gì khi phải đối diện trước một thực tế hôm nay, một thức tế có một thế giới ngày càng phỉ báng Thiên Chúa và  cho rằng “Thiên Chúa đã chết”… và rằng niềm tin vào “Đức Giêsu tái lâm” chỉ là huyền thoại?

Hãy tự hỏi lòng mình rằng, “vì danh Chúa”, chúng ta sẽ xử sự ra sao khi phải đối diện trước những nhà cầm quyền áp đặt những luật lệ, như luật cho phép phá thai, cho phép hôn nhân đồng tính, nói tóm lại là những đạo luật đi ngược lại luật Thiên Chúa?

Quý vị có biết “phá thai” là gì không? Vâng, một diễn đàn trên internet định nghĩa: “Phá thai chỉ là…. làm cho một trái tim ngừng đập… cho hai mắt không còn nhìn thấy…. cho đôi môi không bao giờ nói… hai tay không chạm… hai chân không bao giờ chạy..”. Vậy, có phải phá thai chính là “giết người”?

Quý vị có biết thế nào là “hôn nhân đồng tính”? Vâng, không nói ra ai cũng biết. Dĩ nhiên, luật Thiên Chúa không hoan nghênh loại hôn nhân này. Hãy nghĩ xem, nếu Thiên Chúa khuyến khích, Người đã không mất công “lấy cái xương sườn đã rút ra từ con người, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người” (x.St 2, 22)

Và, sau cùng, nhắc lại những chuyện đã nêu trên là để khẳng định rằng, lời tiên tri của Đức Giêsu sẽ vẫn tiếp tục ứng nghiệm, ứng nghiệm cho đến “ngày ấy”, ngày mà như lời ngôn sứ Malakhi đã nói: “Ngày ấy đến, đốt cháy như hỏa lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy sẽ đến thiêu rụi chúng – ĐỨC CHÚA các đạo binh phán – không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào. Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo tia sáng chữa lành bệnh” (Ml 3, 19-20)

(Tưởng chúng ta cũng nên biết, một số nơi trên thế giới, có những linh mục, mục sư, vì “Kính sợ Danh Chúa” họ đã có những bài giảng, dựa vào lời Chúa, phản đối những luật lệ nêu trên, họ đã bị bắt bớ tù đầy). 

“Kính sợ Danh Chúa” có thể chúng ta sẽ phải đổ “máu và nước mắt”, có thể cuộc đời chúng ta sẽ phải nhuốm màu “tang tóc”. Nhưng nước mắt, máu đào và sự tang tóc, nó lại là hành trang, một thứ hành trang chính Thầy Giêsu đã mang theo trên con đường cứu chuộc nhân loại. Chính vì thế, nó cũng phải là hành trang của chúng ta, một người môn đệ Đức Giêsu, trên con đường đến gặp Ngài trong ngày quang lâm.   

Vâng, trước một thế giới đầy mưu ma chước quỷ, với những lối “ngụy biện” đầy xảo trá, chúng ta, rất có thể, sẽ có lúc mất đi sự kiên trì trong việc chờ đợi ngày quang lâm của Đức Giêsu.

Chính vì thế, đừng bao giờ đi ngủ, trước khi chúng ta ngước lên thánh giá Chúa Kitô và cầu xin với Người, dĩ nhiên, chúng ta không cầu xin như lời các môn đệ đã cầu xin năm xưa, “cho chúng con biết khi nào những sự việc ấy xảy ra, và cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế”, nhưng là, hãy cầu xin Chúa Giêsu “Ơn Kiên Trì”.

Đừng quên, Chúa Giêsu đã nói: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

Petrus.tran

 

 

Trả lời