CN 28 C: Thế thì chín người kia đâu?

Thế thì chín người kia đâu?

CN 28 C: Thế thì chín người kia đâu?Trong tứ chứng nan y: “phong-lao-cổ-lại”, có thể nói rằng, bịnh phong, còn được gọi là phong hủi,  là căn bịnh làm cho mọi người ghê sợ nhất.  Ghê sợ, bởi đây là căn bịnh không chỉ tàn phá thể xác người bịnh khủng khiếp mà còn làm cho người bịnh suy sụp tinh thần vì bị kỳ thị và xa lánh.

Người bị bệnh phong hủi da thịt thường phát nhọt và lở loét. Dấu hiệu sớm nhất của bệnh là những vết biến màu trên da, không còn cảm giác nóng, lạnh và đau. Vết trên da có thể chỉ lốm đốm dăm ba chỗ và chứa rất ít vi khuẩn. Nhưng cũng có thể xuất hiện trên khắp cơ thể và đầy những vi khuẩn. Mặt người bệnh thường sần sùi từng cục nhỏ, mũi xẹp xuống khiến bệnh nhân có gương mặt của con sư tử.

Khi chuyển nặng vết thương lỏm vào da thịt. Trên khuôn mặt, lông mày rụng kèm theo là mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói trở nên khàn khàn. Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể do dây thần kinh bị nhiễm trùng. Các bắp thịt tiêu dần đi, gân cốt co làm cho hai bàn tay co lại. Ở mức độ nặng ngón tay và ngón chân rụng. (nguồn: internet).

Xã hội Việt Nam thời xưa, người bị nhiễm bệnh thường chịu thành kiến sai lầm, chịu sự hắt hủi, xa lánh thậm chí bị ngược đãi (thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ǎn thịt).

Do Thái thời Cựu Ước cũng có những luật lệ rất khắc nghiệt đối với những người mắc bệnh phong. “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! Ô uế!” . Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại”(x.Lêvi 13, 45-46).

Nói chung, dù là phương Tây hay phương Đông,  người bệnh phong hủi đều bị ghê tởm, ghẻ lạnh. Họ thường bị gọi bằng một danh từ nặng phần khinh miệt “Con hủi – Đồ hủi”.

*

Thiên Chúa không phải là kẻ gây ra bệnh tật và chết chóc. Thiên Chúa không đem đến cho con người sự bất toàn, khổ đau. Khi tạo dựng nên vũ trụ, muôn loài, muôn vật và con người, sách Sáng thế ký ghi lại, rằng: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp (và) Thiên Chúa  ban phúc lành cho (con người)” (x.St 1, 1-31). Tội do con người đã phạm, chính nó đã trở nên “nọc độc” gây ra bệnh tật và chết chóc.

Dù vậy, Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh có ghi chép rằng: Người “Xót thương hết mọi người… yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên” (x.Kn 11, 23…24).

Với bệnh tật và chết chóc ư! Vâng, Thiên Chúa, qua Con Một Người là Đức Giêsu, đã không “ghê tởm”, không “xua đưổi” với bất cứ ai đến cầu cứu Người. Câu chuyện “Mười người phung hủi” được ghi chép trong Tin Mừng Luca (17, 11-19) như là một minh chứng điển hình.

**

Chuyện được kể rằng: Một hôm, “Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê”. Và “Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người”.

Theo luật định họ “phải ở riêng ra”, phải kêu lên rằng: “Ô uế! Ô uế!” để mọi người tránh xa. Đúng, mười người phong hủi biết luật, nhưng họ chỉ giữ một phần của luật về sự cách ly. Chuyện kể rằng, “họ dừng lại đàng xa”.

Và thay vì lớn tiếng “báo động” để mọi người tránh xa, tiếng kêu của họ lại như muốn mời gọi người nghe đến với họ. Ối! tiếng kêu thật não nề, một tiếng kêu khiến cho Đức Giêsu phải dừng bước: “Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi” (Lc 17,13).

Đây không phải là lần đầu tiên có người bệnh phong hủi cầu cứu Đức Giêsu. Đã có một lần, Ngài đã cứu chữa một người cũng mắc bịnh phong như họ bằng cách “Giơ tay đụng vào anh ta… Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi” (x.Lc 5, 13).

Với mười người phong hủi lần này, đúng như lời sách Khôn ngoan có chép: “Chúa làm được hết mọi sự” (Kn 11, 23). Đức Giêsu, lần này,  không giơ-tay-đụng-vào-họ, nhưng Ngài đã truyền cho họ phải làm một việc, một việc hết sức mâu thuẫn: “Hãy đi trình diện với các tư tế”.

Tại sao gọi là mâu thuẫn? Thưa, mâu thuẫn là bởi, lệnh truyền của Đức Giêsu chỉ thích hợp cho những người đã “khỏi bệnh phong”, những người cần các thầy tư tế “tái khám” hầu để được tuyên bố là đã thanh sạch. Còn đây, mười người phung hủi đã được khỏi bệnh đâu!

Tuy vậy, dù mười người phong chưa được sạch, nhưng sau khi nghe lời truyền của Đức Giêsu, họ cùng nhau lên đường.  Và bất ngờ thay! Câu chuyện được kể tiếp rằng: “Đang khi đi thì họ được sạch.” (Lc 17,14)

***

“Đang khi đi thì họ được sạch.” Vâng, câu chuyện cứ tưởng là  kết thúc có hậu, thế nhưng, nó lại không có hậu chút nào. Cái sự việc không có hậu đó nằm ở bốn chữ “qua cầu rút ván”.

Thật vậy, “mười người phong hủi” sau khi được chữa lành, chỉ có một người  “thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”. Và không chỉ có thế, anh ta còn “sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn”.

‘‘Thế thì chín người kia đâu?” Họ qua cầu rút ván chăng? Hay, phải chăng chín người kia cần phải “trình diện tư tế”, cần phải gặp tư tế để “tái khám” và để nhờ các vị đó “làm lễ tạ tội và… cử hành lễ xá tội (để được) thanh tẩy khỏi sự ô uế… ”?

…Nếu đúng như vậy thì lại càng đáng trách. Tại sao? Thưa, là bởi,  họ là người Do Thái thế mà lại quên rằng,  đối với quan niệm Do Thái, chữa lành khỏi bệnh phong được coi như là Phục-Sinh-từ-cõi-chết.

Ai là người có thể Phục-Sinh-từ-cõi-chết nếu không là Thiên Chúa…? Giữa Thiên Chúa và các thầy tư tế ai quan trọng hơn ai? Giữa Đức Giêsu, người trực tiếp “chữa bịnh phong’’ cho họ và các thầy tư tế, người chỉ có thẩm quyền “chứng nhận bịnh phong’’ của họ được lành, ai quan trọng hơn ai?

Nếu… nếu “chín người kia” hiểu được điều đó và quay lại gặp Đức Giêsu, trước khi gặp tư tế để “tái thẩm định” căn bệnh phong của mình… Vâng, họ đã không “mắc nợ” Ngài “một lời tạ ơn” và đã không “mắc cỡ” trước anh chàng được cho là “người ngoại bang” nhưng lại nhận ra Thiên Chúa, qua hình ảnh Đức Giêsu, chính là người cần phải trình diện để “sấp mình tạ ơn” và hơn nữa để “Tôn vinh Người”.

Vâng, phải chi… phải chi chín “ông đạo dòng” được như vua David xưa “chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103, 2), thì Đức Giêsu đâu phải lên tiếng, rằng “Thế thì chín người kia đâu?”

****

“Thế thì chín người kia đâu?” Vâng, là một Kitô hữu, có ai dám chắc mình không hơn một lần đứng vào hàng ngũ con số chín này!

Có thể chúng ta không bị phung hủi thể xác. Thế nhưng, có ai dám chắc mình không bị phung hủi tâm linh?

Thật vậy, những con vi khuẩn “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận,  tranh chấp, tị hiềm, chia rẻ, bè phái, ganh tị, say sưa”, là những con vi khuẩn gây nên phong hủi tâm linh,  ai… ai trong chúng ta,  cách này cách khác, không hơn một lần mắc phải?

Cho nên, hãy nghĩ rằng, chúng ta thật cần thiết để đến với Chúa Giêsu mà nói với Ngài rằng “Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót chúng con”…

Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang ở đó, vẫn đang hiện diện ở những ngôi làng mang tên “nhà thờ” để chờ đón chúng ta và để nói với chúng ta rằng, “Hãy đi trình diện với các tư tế”.

Vị tư tế của hôm nay, chính là các vị linh mục. Với quyền thay mặt Đức Giêsu Kitô ban “Bí Tích Giao Hòa”, vị “Tư tế-Linh Mục” đó sẽ chữa sạch bệnh-phong-tâm-linh của chúng ta.  

Đức tin, với việc đã nhận lãnh Bí Tích rửa tội, cho phép chúng ta tin rằng, Đức Giêsu – qua các vị linh mục, Ngài cũng sẽ nói với chúng ta rằng “Lòng tin của con đã cứu chữa (bệnh phong tâm linh) của con”.  

Chúng ta có tin Chúa sẽ làm như thế cho chúng ta? Nếu có… Vâng, nếu có, ngay hôm nay, hãy đến ngay ngôi làng mang tên “nhà thờ” để “Tôn Vinh Thiên Chúa” và đừng quên “sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn Ngài”.

Đừng chậm một giây nào hết, bởi, biết đâu, ngay bây giờ, Chúa Giêsu trở lại, mà không thấy chúng ta, một nguyên nhân khiến Ngài phải lên tiếng, rằng “Thế thì chín người kia (trong đó có ta) đâu?”

Petrus.tran

Trả lời