Cn 18 C : Để nên giầu có trước mặt Thiên Chúa

 

Cn 18 C : Để nên giầu có trước mặt Thiên Chúa

Gv 1: 2; 2:21-23; Cl 3: 1-5, 9-11; Lc 12: 13-21

Lm. Jude Siciliano, OP.

Cn 18 C : Để nên giầu có trước mặt Thiên ChúaBài trích sách Giảng Viên hôm nay quả là một thứ “bi quan !”. Sách này không nói nhiều đến Thiên Chúa, cũng không nói đến một viễn cảnh về đời sống sau cái chết. Theo sách Giảng Viên, tất cả những gì chúng ta có là những gì đang ở ngay trước mắt: ai mà biết được đâu là kế hoạch Thiên Chúa dành cho chúng ta ? “Tất cả chỉ là phù vân !”

Tác giả gọi mình là Côhelét và theo ông thì chẳng có gì tốt đẹp tồn tại sau cái chết. Vào thời Côhelét viết tác phẩm này thì niềm tin của người Dothái chưa có khái niệm gì về đời sống sau khi chết. Vì thế, theo quan điểm của ông Côhelét, thì tất cả những gì chúng ta có là những gì ta hiện đang sở hữu. Sau khi một chết đi, tất cả tài sản ấy sẽ thuộc về “một người đã không vất vả chi hết”. Chính quan điểm bi quan của Côhhelét khiến cho sách của ông khó được chấp nhận trong quy điển Hípri. Điều đã cứu quyển sách này chính là phần kết luận của nó (12,9-14), “Hãy kính sợ Đức Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người, vì Thiên Chúa sẽ đưa ra xét xử tất cả mọi hành vi, kể cả những điều ẩn dấu, tốt cũng như xấu”.

Tôi có quen một người đã lập gia đình nhưng suốt 20 năm vì tính chất công việc khiến anh phải sống xa nhà thường xuyên. Sau nhiều năm làm việc, anh được thăng chức với các vị trí ngày càng được trả lương cao hơn; điều này cũng đồng nghĩa với việc anh phải đi nhiều hơn. Anh vắng nhà ngày một nhiều. Mỗi sáng thứ Hai anh lại bay đến một thủ đô của một nước khác, và mãi tối thứ Sáu mới về nhà. Hầu như chỉ mình vợ anh nuôi dạy hai đứa con trai. Cô ấy nói, “suốt hai mươi năm qua tôi như bà mẹ đơn thân”. Rồi họ phải đi đến phòng tư vấn hôn nhân để mong cứu vãn đời sống hôn nhân của mình. Côhelét đưa ra một câu hỏi mà ai trong chúng ta cũng phải phản tỉnh: “Sau tất cả những điều ấy là gì ?”

Sách Giảng viên không nói nhiều về Thiên Chúa. Chủ  yếu sách nói đến những hướng dẫn lối sống –  và với một lối bi quan yếm thế. Nhưng đối với  “người thực tế” nó có thể lại là một lời thức tỉnh để kiểm điểm lại cuộc sống của mình và xét xem đâu là những ưu tiên. Phải chăng tất cả chỉ là phù vân? Điều gì dẫn chúng ta đến với Tin mừng.

Quý  vị đã bao giờ dự một bữa tiệc ngạc nhiên chưa ? Quý vị đến nhà một người trong gia đình mình, và nghĩ rằng, để dự một bữa cơm thân mật. Nhưng, khi quý vị đến nơi, gia đình và bạn thân của quý vị thình lình bật  đèn lên và la to “Ngạc nhiên chưa!” Đó chính là bữa tiệc ngạc nhiên dành cho quý vị. Có  những điều kinh ngạc khác mà chúng ta không mong nó xảy ra. Những tin xấu luôn đến theo kiểu kinh ngạc; bất chợt sự thể trở nên xấu đi. Trong một thế giới tiên nghi, một lối sống hay mong ước bỗng nhiên bỉ thổi bay. Tất cả sụp đổ chỉ sau một cú điện thoại, hay sau khi bác sỹ đọc phim X-quang hay kết quả thử máu.

Đức Giêsu thích dùng dụ ngôn mà giảng dạy; không phải bằng cách áp dụng luật hay quy tắc, nhưng bằng cách lôi kéo trí tưởng tượng của ta. Đó là cách Người nói : “Này, hãy cân nhắc… Xem xét đời sống của anh… đưa ra kết luận”. Đây chính là trường hợp của dụ ngôn hôm nay.

Có  người muốn Đức Giêsu giải quyết chuyện tiền nong. Có phải đó là suy nghĩ của họ về  Đức Giêsu, rằng Người là một trong những thày dạy luật và là người phân xử những vấn  đề gia đình ? Nhưng, Người nhân cơ hội này để giáo huấn họ qua một dụ ngôn, với hy vọng kéo mọi người đến một vấn đề sâu hơn. Người cho các thính giả một cơ hội để suy nghĩ  về chính đời sống, dự định của họ và  lối họ nhìn cuộc đời.

Đức Giêsu mở đầu dụ ngôn thế này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi”. Ai mà chẳng muống giống như ông ấy ? Quá an toàn ! Giàu có ! Hình ảnh bàn ăn thừa mứa những cao lương mỹ vị của ông khác biệt với bàn của khách. Tin tốt lành là, năm ấy được mùa nhưng ngặt một nỗi kho thóc lại nhỏ quá. Ai mà chẳng muốn gặp “vấn nạn” như vậy. Ôi một vấn nạn dễ chịu! Cứ như thể trúng số độc đắc và một mình ôm trọn số tiền thưởng ấy. Chỉ có một “vấn nạn” là làm thế nào tiêu hết số tiền ấy.

Sai lầm là, ngay khi ông này đang ngất ngây trong những ý nghĩ thoải mái thế và vạch ra những kế hoạch, dự định thì – “Không ngờ !” Thiên Chúa hiện ra và định đoạt số phận ông, “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?” Lời này như vọng lại dư âm của bài đọc thứ I : Khi ông chết đi, ai sẽ là người hưởng tất cả tài sản mà ông này đã thu góp ?

Lưu  ý: dụ ngôn không nói Thiên Chúa cất mạng sống ông đi. Vậy liệu kẻ hung dữ sẽ đoạt mạng ông ấy có phải là người trong gia đình ông; những người làm công bị trả lương rẻ mạt; hay những kẻ thèm khát sự giàu sang của ông ? Chúng ta không biết, nhưng điều được biết rõ  ràng là ngay trong sự hài lòng và tự mãn thì xảy ra một sự sụp đổ hoàn toàn và mọi thứ đều tiêu tán. Tôi nhớ lại câu chuyện “Hát Mừng Giáng Sinh” của Charles Dicken. Sau khi Ebenezer Scoorge chết thì đám quản gia và người ở giành giật lấy đi tất cả giường chiếu và bất cứ thứ gì mà họ lôi đi được “…vậy những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?”

Điều gì khiến ông phú hộ buồn rầu? Một trong những vấn nạn của ông là chẳng có ai trong thế giới của ông. Ông tự nói với chính mình. Ông có vợ không? Bà có thể sẽ nói gì? Con cái ông đâu? Trong mối bận tâm của ông, thiếu vắng một cộng đồng nhân loại. Thiên Chúa gọi ông là đồ ngốc – chỉ mình ông tự cố vấn cho mình, một “tên ngốc”

Chúng ta là một phần của cộng đoàn. Người khác cũng cần liên hệ đến những quyết định của ta, nhất là khi những quyết định ấy ảnh hưởng đến họ. Có một thi sỹ từng nói rằng: “không ai là một hòn đảo”. Trong mối quan tâm của ta cũng cần phải có mặt của tha nhân. Những kẻ làm công có chia sẽ sự giàu có của ông không ? Ông phú hộ này không biết đâu là giới hạn. Bao nhiêu thì đủ ? Bao nhiêu là quá nhiều ? Xe thế nào thì sang ? Nhà thế nào mới to ? Cần mấy chiếc xe hơi ? Mấy cái TV ?… Khi ta bước vào “phòng tư vấn” để xem xét đời sống và cả những dự định tương lai, thì ta sẽ mang ai vào trong cuộc đối thoại này ? Khi chúng ta quyết định muốn “thêm nữa”, thì điều gì sẽ xảy ra cho môi trường ?

Ông phú hộ bị tài sản của mình làm mờ mắt. Ông nghĩ chúng bảo đảm cho hạnh phúc hiện tại và tương lai của ông. Ông gọi tài sản của mình là “những sự tốt lành”. Một số còn xem đó là “ân huệ” – nhưng liệu những thứ chúng ta gọi là “ân huệ” có thực sự là như thế không? Những người khác chỉ có ít của cải, nhưng không phải là những thứ “tốt lành” của ông phú hộ, lại có thể là những người giàu thực sự: như dụ ngôn cho thấy, trong “sự quan trọng đối với Thiên Chúa”. Điều mà chúng ta cần suy niệm hôm nay là: điều gì là quan trọng đối với Chúa ? Và tôi sẽ làm gì với điều đó? “Giàu có trước mặt Chúa” nghĩa là gì ?

Trong ánh sáng của dụ ngôn hôm nay, được “giàu có  trước mặt Thiên Chúa” có thể là: nhìn của cải trong cái nhìn về nhu cầu của người khác; không chỉ tự mình quyết định điều thiện hảo; nhận thức sáng suốt điều Chúa muốn trước khi tôi hành động; nghĩ đến cái giá mà người khác phải trả vì quyết định của tôi; không đặt tin tưởng nơi những thứ chóng qua; xem trọng sự giàu có mà mình có nơi những tương quan với tha nhân và việc họ bị ảnh hưởng thế  nào vì quyết định của tôi.

Tôi có bao nhiêu tài sản không quan trọng, tôi  đến dự Tiệc Thánh Thể này vì đói khát Thiên Chúa và đường lối của Người. Tôi biết  ơn vì những ân huệ thực sự: cụ thể như việc đủ ăn và hoa màu ruộng đất. Nhưng cũng còn biết ơn vì đức tin mang lại cho tôi cái nhìn sáng sủa để biết khi nào là đủ và ai mới là gia tài đích thực của tôi. Điều gì làm cho tôi nên giàu có trước mặt Chúa ?

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Vò Vấp.

 

Trả lời