Không thể tách rời hoạt động và chiêm niệm

 

Không thể tách rời hoạt động và chiêm niệm

St 18,1-10a; Tv 15,2-5; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42

Lm. Jude Siciliano, OP.

Quý vị thân mến,

Không thể tách rời hoạt động và chiêm niệmMẹ tôi sinh ra trong một gia đình có chín người con. Ông ngoại tôi là một người lao động chân tay; bà ngoại tôi thì làm việc quần quật suốt cả ngày và kiêm luôn việc nhà. Còn mẹ tôi, mẹ đã nuôi nấng chúng tôi mà không hề có máy giặt, máy sấy hay máy rửa chén. Mẹ phải làm việc quần quật suốt cả ngày như thế. Tôi không nhớ là mẹ có bao giờ đi tĩnh tâm hay không. Mẹ tôi không đọc Kinh thánh nhiều lắm, nhưng một Chúa nhật nọ, sau khi nghe câu chuyện về cô Mácta và Maria như hôm nay tại nhà thờ, thì mẹ về nhà và nói: “Nếu mẹ xé đi một trang Kinh thánh thì Maria và Mácta sẽ thế nào nhỉ!” Với lịch làm việc rất bận rộn, mẹ sẽ đứng về phía Mácta và cho rằng Maria là một đứa em gái hư hỏng.

Câu chuyện Phúc âm này chỉ có trong Tin mừng theo thánh Luca, và được dùng để so sánh đời sống hoạt động của người Kitô hữu (Mácta) với đời sống chiêm niệm (Maria). Như thế, hình thức của đời sống Kitô hữu này được đặt tương phản với hình thức kia. (Thêm nữa, dường như dùng một phụ nữ để đem ra so sánh với người khác, hoặc hai chị em tranh cãi với nhau về công việc nhà, không phải là một hình ảnh lấy làm hãnh diện về người phụ nữ trong Tin mừng). Cách hiểu vội vàng có lẽ sẽ cho rằng việc lắng nghe Lời Chúa thì có giá trị hơn là hoạt động. Tuy nhiên, trong toàn bộ Tin mừng, các môn đệ đều hội tụ cả việc lắng nghe lẫn hành động (6,47; 11,28).

Cũng như trình thuật Tin mừng này đã từng chọc giận mẹ tôi, thì nó cũng xảy ra tương tự như thế với những phụ nữ hiện đại nữa, những người coi vai trò của cô Mácta như một ví dụ điển hình về các yêu cầu đưa ra cho họ khi cố gắng để cân bằng trách nhiệm giữa công việc trong gia đình với việc bên ngoài. Có vẻ Đức Giêsu không khen ngợi những người “băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện”, vì họ muốn phải được trở thành như thế này như thế nọ.  

Nguyên nhân nào dẫn đến người ta chỉ trích Đức Giêsu? Có phải là do thái độ phục vụ của cô Mácta không? Đó có phải là một lời phê bình các Kitô hữu trong cộng đoàn của thánh Luca, và xa hơn nữa, là những người đang phục vụ người khác ở bên ngoài, nhưng lại không làm việc với cả tấm lòng hay không? Hoặc chỉ đơn giản là do cô Mácta đã chuẩn bị bữa ăn với nhiều món quá thịnh soạn cầu kỳ, trong khi đó, nếu một bữa ăn đạm bạc hơn sẽ giúp cô có cơ hội cùng với em gái của mình, giống như một người môn đệ, ngồi dưới chân Chúa mà lắng nghe lời Người?

Một số nhà chú giải cho rằng câu chuyện về Mácta và Maria không phản ánh được thái độ của Đức Giêsu, nhưng đã có một cuộc xung đột xảy ra sau đó trong Hội thánh tiên khởi về vai trò của phụ nữ trong công tác tông đồ. Ủng hộ cho quan điểm này, chúng tôi lưu ý rằng Mácta đã gọi Đức Giêsu là “Chúa”, tước hiệu này chỉ có sau ngày Đức Giêsu phục sinh. Điều này cho thấy đây là một bối cảnh và tranh luận diễn ra sau này. Ngoài ra, hạn từ “diakonia” cũng được dùng để nói về việc phục vụ của cô Mácta và ám chỉ đến công tác tông đồ.  

Trong nhiều bối cảnh Tân ước, phụ nữ đóng nhiều vai trò quan trọng như: giảng dạy, truyền giáo, và lãnh đạo. Chẳng hạn như Hội thánh ở Kenkhơrê có chị Phêrê là một “nữ trợ tá” (Rm 16,1). Nhưng trong Giáo hội tiên khởi, không phải tất cả mọi người đều đồng ý về vai trò của phụ nữ. Trong khi đó, thánh Phaolô đã tán thành vai trò hỗ tương của người nam và người nữ trong cuộc hội họp phụng vụ (1 Cr 11,3-4), chèn vào tiếp sau đó là bản văn hướng dẫn người phụ nữ phải biết giữ thinh lặng (1 Cr 14,3-4). Dường như tình tiết trong câu chuyện về cô Mácta và Maria cho thấy một cuộc xung đột tương tự đang diễn ra trong cộng đoàn của tác giả Luca. Liệu câu chuyện về cô Mácta và Maria có phản ánh nỗ lực của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đang muốn bịt miệng phụ nữ lại hay không?

Cũng nên lưu ý: có một quan niệm khác về cô Maria và Mácta trong Tin mừng theo thánh Gioan. Khi em trai của hai cô này là Ladarô qua đời, cô Mácta đã nổi bật như một trọng tâm và đã thốt lên cùng một lời tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu (11,25-27) như ông Phêrô đã tuyên xưng trong ba Tin mừng nhất lãm [Mátthêu, Máccô và Luca]. Người ta cũng có thể tìm thấy luận cứ để chứng tỏ rằng những phụ nữ trong Tin mừng theo thánh Gioan thì mạnh mẽ và nổi bật hơn trong Tin mừng theo thánh Luca.

Phần mở đầu tình tiết câu chuyện hôm nay cho thấy Đức Giêsu đang đi trên hành trình. Từ (9,51), Người đã lên đường đi Giêrusalem. Thánh Luca cũng đã nói cho chúng ta những sự cố xảy ra trên đường đi; mỗi câu chuyện là một lời nhắc nhở về những đòi hỏi đối với những người trung thành bước theo Đức Giêsu. Hôm nay, chúng ta được nhắc nhở về những khó khăn phải chịu hầu giữ được cân bằng trong cuộc sống giữa hành động và sự suy tư, lắng nghe Lời Chúa và đem Lời ấy ra thực hành. Đối với người môn đệ thì sự cân bằng giữa chiêm niệm và hoạt động là điều cần thiết khi chúng ta diễn tả việc phục vụ tha nhân.

Đoạn mở đầu câu chuyện chính là kiểu mẫu cho một đời sống phát triển không ngừng của Giáo hội. Chúng ta nghe nói rằng cô Mácta đã đón tiếp Đức Giêsu. Cô đang thực hiện một nhiệm vụ quan trọng ở vùng Trung Đông, nơi có nhiều lễ nghi; nhiều nghi thức tẩy rửa tay chân; có dầu dùng để xức trên đầu và dùng trong chế biến thực phẩm. Nhưng trổi vượt hơn phong tục ấy, cô Mácta đang “phục vụ” Chúa, đây cũng là nhiệm vụ của mỗi người Kitô hữu. “Phục vụ” là một từ ngữ thiêng liêng đối với các Kitô hữu; từ này diễn tả ơn gọi của chúng ta như những thừa tác viên của Tin mừng, chúng ta “phục vụ” Chúa qua việc phục vụ tha nhân.

Trong câu chuyện cô Mácta và Maria, chúng ta có được sự hướng dẫn để làm một người Kitô hữu. Hãy lưu ý đến bối cảnh của câu chuyện, câu chuyện không xảy ra trong Đền thờ. Đức Giêsu đến thăm và giảng dạy ngay trong một gia đình. Thật ra, hầu hết những hoạt động và việc giảng dạy của Đức Giêsu đều diễn ra ở bên ngoài Đền thờ. Đó là cuộc sống thường nhật của chúng ta, nơi đó ta tìm thấy, học hỏi và có thể phục vụ Thiên Chúa. Chúng ta có xu hướng tạo ra sự phân chia rạch ròi giữa “nơi thánh thiêng” và “chốn thế tục”. Đức Giêsu giảng dạy ngay trong nhà cô Mácta và Maria, và đó cũng là nơi hai người phụ nữ này tìm thấy những nghĩa vụ của người môn đệ phải thực thi, đó là: phục vụ và lắng nghe Lời. Việc Đức Giêsu sửa lỗi cho cô Mácta không phải là một bản án, nhưng là một lời mời gọi: trong lúc phục vụ, chúng ta cần được bén rễ trong Lời của Người.

Cũng như cô Mácta, chúng ta có những mối bận tâm chính đáng thúc bách hằng ngày. Chúng ta sẽ giống như cô Mácta nếu lo tiếp đón và phục vụ Chúa trong nhà mình và những nơi khác nữa. Ta lại sẽ bắt chước như cô Maria một khi chăm chú lắng nghe và tìm kiếm sự hướng dẫn phát ra từ môi miệng Thiên Chúa.

Chính Đức Giêsu cũng bận rộn trăm bề. Bối cảnh câu chuyện hôm nay rất quan trọng. Tình tiết câu chuyện về cô Maria và Mácta diễn ra sau dụ ngôn người Samari Nhân hậu, câu chuyện nói về những việc tốt lành mà Đức Giêsu đã dạy bảo với lời kết: “Hãy đi và làm như vậy.” Tiếp sau đó là phần lắng nghe và học hỏi hôm nay. Ngay sau bối cảnh này, Đức Giêsu cầu nguyện và đáp ứng yêu cầu của các môn đệ khi dạy các ông cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha”. Hãy lưu ý tới trình tự của những câu chuyện này: trước tiên là hướng dẫn cho việc phục vụ để đáp ứng nhu cầu của người thân cận, và tiếp sau đó là việc dạy cầu nguyện. Chèn vào giữa hai câu chuyện này là câu chuyện hôm nay nhằm kết nối tầm quan trọng của việc phục vụ được nuôi dưỡng qua việc lắng nghe Lời.

Đức Giêsu cũng có thừa tác vụ hoạt động của mình, nhưng Người vẫn dành thời gian để cầu nguyện và Người hằng kỳ vọng các môn đệ cũng làm như vậy. Trong Tin mừng theo thánh Luca, Đức Giêsu thường xuyên cầu nguyện để xin ơn Chúa Thánh Thần trước khi làm việc. Chúng ta không phải chỉ đơn thuần được kêu gọi để trở nên như cô Mácta không ngớt lo việc phục vụ, hay nên như cô Maria chỉ biết ở yên một chỗ để lắng nghe Lời, nhưng phải là cả hai. Chúng ta được kêu gọi lắng nghe Lời Chúa và tiếp sau đó là đem ra thực hành trong những hoạt động tích cực.

Chúng ta nhớ đến thánh Catarina Siena (1347-1380), người chị em Đaminh của chúng ta. Thánh nữ sống trong thời hỗn loạn xảy ra bệnh dịch hạch và chiến tranh do các đoàn quân đánh thuê đánh chiếm nhiều nơi. Đức giáo hoàng đã để lại sự hỗn loạn cho Rôma và đi đến Avignon, Pháp. Những viên giám quản triều đình thì lại bỏ mặc cho Rôma điều khiển Giáo hội.

Thánh nữ Catarina đã dâng hiến chính mình cho Chúa Kitô và đón nhận tu phục người giáo dân Đaminh (“Dòng ba”). Thánh nhân bắt đầu sống đời chiêm niệm ngay trong nhà mình, dành ra ba năm cầu nguyện và chiêm niệm chuyên chăm trong một căn phòng nhỏ bé dưới gầm cầu thang. Sau đó, thánh nữ nghe Đức Kitô mời gọi ra khỏi căn phòng kín ấy để đi phục vụ tha nhân. Ngài dành ra một năm sau đó để phục vụ bệnh nhân, bố thí cho người nghèo, thăm viếng các tù nhân và nạn nhân của bệnh dịch hạch. Ngài cũng phục vụ trong vai trò một sứ giả hòa bình giữa các gia đình thù hằn với nhau ở Siena và các tiểu bang thành phố dọc khắp Italia. Thánh Catarina Siena đến Avignon, gặp Giáo hoàng Gregory XI đang phải sống lưu vong, và thuyết phục ngài trở về Rôma. Năm 1970, thánh Catarina Siena đã được tuyên phong tiến sĩ Hội thánh.

Mặc dù thánh nữ Catarina khởi đầu “phục vụ” Thiên Chúa qua việc dành ra ba năm sống trong cô tịch, và tiếp sau đó là hoạt động với lòng tràn đầy nhiệt huyết. Thậm chí trong những thời gian bận rộn nhất, thánh nữ vẫn cầu nguyện và tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa. Cũng giống như cả những Kitô hữu lừng danh hay bình dị, thánh Catarina đã kết hợp tài tình giữa Maria và Mácta trong cuộc sống. Chúng ta, những người Đaminh, có một phương châm kết hợp cả hai khía cạnh minh họa cho trình thuật Tin mừng hôm nay: “Chia sẻ cho tha nhân những thành quả chiêm niệm của mình.”

Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.

Trả lời