Chúa nhật 14 TNC: Anh em hãy ra đi….

 

Anh em hãy ra đi….

 

Chúa nhật 14 TNC: Anh em hãy ra đi....Bạn có phải là một Kitô hữu? Nếu phải, có bao giờ bạn nghe đến hai chữ “truyền giáo”? Vâng, đối với một Kitô hữu, có lẽ không ai trong chúng ta lại không một lần nghe đến hai chữ “truyền giáo”.

Thế nhưng, thật đáng tiếc là… khi nói tới “truyền giáo”, không ít người Kitô hữu cho rằng đó là công việc và trách nhiệm của hàng giáo sĩ và tu sĩ, còn đối với người tín hữu thì chỉ cần đọc kinh sáng tối hàng ngày, tham dự thánh lễ Chúa Nhật sốt sáng, sống ngay lành… như vậy là đã làm tròn bổn phận.

Thật sai lầm khi nghĩ như thế. Giáo Hội, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, truyền dạy rằng, “Mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ qua việc nhận phép Rửa và Thêm Sức… Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội được hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh, mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian.”

Hiến Chế dạy tiếp rằng, “Giáo dân vừa là chứng nhân, vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh của Giáo Hội… Mọi Kitô hữu được mời gọi góp phần trực tiếp hơn và bằng nhiều cách vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm, giống như  những tín hữu nam nữ (xưa kia) đã chịu vất vả vì Chúa Kitô để giúp đỡ tông đồ Phaolô rao giảng Phúc Âm.

Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người, ở mọi nơi và mọi thời đại” (Lumen Gentium số 33).

Tất cả những điều đã được truyền dạy nêu trên không do tự Giáo Hội viết lên nhưng do được cảm nghiệm từ lời truyền dạy của Đức Giêsu trước khi về trời, rằng, “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho khắp loài thụ tạo”.

**

Thật ra, không đợi tới lúc về trời, mà ngay khi còn tại thế, Đức Giêsu đã coi sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng là một việc hệ trọng. Chính vì thế, ngay khi bắt đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã cất tiếng mời gọi một số người để họ trở thành những người tiếp nối sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Bốn người môn đệ Anrê và Simon Phêrô, kế tiếp là Giacôbê và Gioan là những người đầu tiên đáp lời mời gọi và đi theo Ngài. Sau đó là Philipphê, Nathanael, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simon thuộc nhóm quá khích và Giuda Itcariot.

Một “nhóm Mười Hai” đã được tuyển chọn và đã được Đức Giêsu quy tụ lại “để ở với Người và để Người sai đi rao giảng” (Mc 3, 14). Có thể nói rằng, họ đã sống như một nhóm truyền giáo lưu động rày đây mai đó cùng với Đức Giêsu.

Và không dừng ở đó, Đức Giêsu còn thiết lập và “chỉ định bảy mươi hai người khác…” (Lc 10,1). Nhiệm vụ của nhóm bảy mươi hai cũng chính là ra đi rao giảng.

Nếu, nhóm-mười-hai với sứ vụ “rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” thì, nhiệm vụ của nhóm-bảy-mươi-hai là loan báo cho mọi người biết “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. 

Vâng, chúng ta có thể không ngần ngại  mà kết luận rằng, sai nhóm-mười-hai và rồi lại sai nhóm-bảy-mươi-hai, Đức Giêsu muốn gửi đến cho những ai là môn đệ của Ngài một thông điệp, thông điệp rằng, “Truyền giáo: Việc không của riêng ai”.

***

Là một Kitô hữu, dĩ nhiên, chúng ta trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Và khi đã là môn đệ của Ngài, tất nhiên, truyền giáo là việc của chính chúng ta. 

Có cần thiết phải “đi khắp tứ phương thiên hạ” đến Irak, đến A-Phú-Hãn, đến Bắc Triều Tiên, đến Bắc Kinh hay đến các nước Châu Âu, nơi được coi như ngày càng mất dần niềm tin Kitô giáo  v.v… để truyền giáo… để tái truyền giáo?

Đã có người đến Irak, đến A-Phú-Hãn, như trường hợp nhóm truyền giáo Nam Triều Tiên, dù họ biết rằng, họ đi đến đó “như chiên con đi vào giữa bầy sói”, dù họ biết rằng, đã có người trong nhóm họ bị “chặt đầu”.

Là người Kitô hữu Việt nam, có lẽ chúng ta không nhất thiết phải “đi khắp tứ phương thiên hạ”, nhưng thật khẩn thiết, như lời một linh mục đã nói rằng, hãy nhìn “tứ phía”  chung quanh ta.

“Tứ phía” chung quanh ta hiện có hơn tám mươi triệu người Việt Nam chưa được nghe lời “rao giảng… ăn năn sám hối”, chưa được biết “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. 

Quả đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Thợ gặt hôm nay không phải là “ít” mà là “quá ít”! Hãy nhìn xem, theo thống kê Hội Thánh Việt Nam tính đến ngày 31/12/2008, tổng số giáo dân của 26 giáo phận là 6.187.486, tổng số linh mục là 3.741. Đúng là quá ít, quá ít tính trên tổng số giáo dân.

Ai… ai sẽ là người xóa đi cán cân chênh lệch này?  Phải chăng là chính chúng ta?

Đúng, chính chúng ta, bởi, khi chúng ta đã là một Kitô hữu, là môn đệ của Chúa Giêsu, thánh Phaolô nói: “Đức Kitô, Người đã chọn ta” (Ep 1, 4). Chúng ta không chịu trách nhiệm về chuyện này trước khi sinh ra, nhưng giờ đây, chúng ta đầy trọng trách trong cuộc đời hiện hữu, hiện hữu mình là một Kitô hữu.

Cho nên, dù tôi không phải là giám mục, cũng chẳng phải là linh mục, tôi chỉ là một bác sĩ, một nữ điều dưỡng, một giáo sư, một người công nhân, một phu cyclo, một chị quét rác bên đường, một người chồng, một người vợ v.v… chúng ta vẫn có thể ra đi loan báo Tin Mừng, chỉ cần một gói hành trang giản dị, đó là một tâm hồn đừng để “lương tháng đè nát lương tâm”, một tâm hồn  “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”…

Nếu… nếu chúng ta ra đi loan báo Tin Mừng với một hành trang như thế, thì dẫu cho chúng ta “không mang theo tiền bạc, bao bị”… thiên hạ, có ai lại không đón tiếp chúng ta. Hơn thế nữa, chính loại hành trang như thế, những con quỷ mang tên tham lam, những con quỷ mang tên “lương y như từ mẫu….ghẻ”,  những con quỷ mang tên “kiêu ngạo, vị kỷ, ích kỷ” sẽ phải bị “khuất phục” bởi chính chúng ta. 

Vâng, chúng ta hãy nghe lại lời Chúa Giêsu đã nói, “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

Bạn đã là “thợ gặt”? Nếu đúng là vậy, hãy xác tín rằng “chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi… và ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi: Hãy ra đi…” (Am 7, 15)

Petrus.tran

 

Trả lời