Ba Ngôi: Ân ban tình yêu cho chúng ta

 

Ba Ngôi: Ân ban tình yêu cho chúng ta

Châm ngôn 8: 22-31; T.vịnh 8: 5-9; Rôma 5: 1-5;
Gioan 16: 12-15

Lm. Jude Siciliano, OP

 Ba Ngôi: Ân ban tình yêu cho chúng ta“Thiên Chúa yêu chúng ta”. Đó có thể là một lời tuyên bố sâu sắc và có sức biến đổi cuộc sống, hoặc chỉ là lời nói qua loa hầu xoa dịu nỗi đau của chúng ta hay khích lệ những người đang bị ức hế tinh thần. Đâu là điều làm nên sự khác biệt ấy?

Đó sẽ là lời nói qua loa nếu nó chỉ diễn tả niềm tin vào một Thiên Chúa xa vời đâu đó trên không trung. Nhưng điều làm cho lời này có khả năng biến đổi cuộc đời chính là niềm tin rằng tình yêu của Thiên Chúa không “ở đâu xa”, kiểu như một cảm giác ấm áp đến từ hành một tinh xa xôi, nhưng tình yêu ấy đã đặt chân xuống mặt đất và bày tỏ trong những cách thức hết sức rõ ràng, cụ thể. Thánh Gioan đã nói với chúng ta rằng Thiên Chúa “quá yêu thế gian” (3-6) đến nỗi Người đã ban cho ta chính Con Một của Người. Tình yêu của Thiên Chúa, theo kiểu nói trước đây, thì “rất gần và rất riêng tư”. Tình yêu của Thiên Chúa đã hạ mình xuống đất với ta, làm bạn với ta, cùng ăn cùng uống với con người. Thiên Chúa đã thương mến chọn lấy thân xác của chúng ta, cả máu xương này và cho chúng ta được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa.

Đó là nói về hai Ngôi Vị trong Ba Ngôi. Thế còn Chúa Thánh Thần ở đâu? Thánh Thần chính là tình yêu giữa Cha và Con và chính là ân ban tình yêu dành cho chúng ta. Chúng ta không chỉ tán thành một giáo lý như thế, nhưng còn phải đi đến chỗ nhận biết, cách cụ thể và riêng tư nhất, về tình yêu này vì chúng ta được mời gọi bước vào trong tình yêu ấy bằng chính ân sủng của Thánh Thần. Tình yêu của Thiên Chúa không phải là điều trừu tượng; chúng ta được cảm nghiệm trực tiếp tình yêu ấy nhờ Thánh Thần – Thiên Chúa luôn hiện diện ngay đây vào lúc này.

Tin mừng Gioan hôm nay nhắc lại điều chúng ta tin về Chúa Ba Ngôi và điều đó cũng tiếp tục được mô tả trong cả hai Giao Ước: Thiên Chúa không bao giờ xa rời cuộc sống của chúng ta nhưng can dự với ta cách mật thiết.

Sự can dự đó bộc lộ qua hàng loạt những từ mang nghĩa hoạt động trong bản văn hôm nay. Đức Giêsu nói rằng Người còn nhiều điều cần phải nói cho các Tông đồ và rồi hứa ban Thánh Thần cho các ông. Món quà mà các ông sắp nhận là chính Thánh Thần rất năng động và luôn hiện diện, Đấng sẽ: đến, hướng dẫn, nói, loan báo, tôn vinh và “lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”. Tất cả những hành động đó là gì? Đó chính là Thánh Thần đưa dẫn chúng ta vào trong tình yêu của Thiên Chúa và, qua sự gặp gỡ đó, giúp chúng ta sống điều răn của Đức Giêsu: yêu mến Thiên Chúa và yên thương tha nhân dù là bạn tốt hay kẻ thù; cùng màu da hay khác biệt nòi giống; hàng xóm cũ hay người mới tới; phạm pháp hay sống mẫu mực,…

Hôm nay, chúng ta không cử hành một Tín điều của Giáo hội, nhưng cử hành một mầu nhiệm sâu thẳm là chính Thiên Chúa, Đấng đã chọn cắm lều giữa chúng ta, “là người thật và cũng là Thiên Chúa thật”, đã không để chúng ta mồ côi, nhưng cho chúng ta được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa nhờ ân sủng của Thánh Thần. Chính Thánh Thần không ngừng nối kết ta với Thiên Chúa và với tha nhân trong tình yêu.

Chính niềm tin về mối tương quan này sẽ mở  mắt và giúp ta ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa, như một nhà thần bí nói rằng: “Sát với chúng ta hơn cả chính chúng ta”. Giáo lý về Chúa Ba Ngôi nói đến chính tình yêu Thiên Chúa không ngừng đổ tràn trên thế giới này. Đây không phải là ngày để các vị giảng thuyết tìm kiếm những “giải thích hay ví dụ” về Ba Ngôi. Hôm nay không phải để nói về từ ngữ hay cấu trúc, nhưng là cử hành sự hiện diện sống động của Thiên Chúa, Đấng đang cư ngụ giữa chúng ta. Hôm nay, chúng ta ca tụng. Nếu muốn biết thêm về những mâu thuẫn liên quan đến Ba Ngôi vào thời đầu của Giáo hội và giáo lý này tiến triển ra sao, thì ngày mai chúng ta có thể tìm trong sách vở.

Tôi đang đọc quyển sách về vị thống đốc hiện tại của chúng ta. Trong những bản tiểu sử như  thế chúng ta biết về những khoảnh khắc chính yếu của cuộc đời một con người. Cũng vậy, Thiên Chúa cũng có một loạt những tiểu sử. Khi suy niệm Sách Thách chúng ta khám phá ra điều gì đó về tiểu sử của Thiên Chúa, những giây phút liên quan đến ta như là tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa. Chúng ta hiểu ra rằng Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta: dựng nên chúng ta và cả thế giới; cứu chữa chúng ta khi ta chọn làm theo cách của riêng mình và lac lối; và rồi ở cùng ta, kéo chúng ta đến cùng Thiên Chúa và tha nhân trong yêu thương. Hôm nay, chúng ta cũng diễn tả điều đó trong Kinh Tin Kính – không chỉ đơn thuần là một tuyên bố của chân lý thần học, nhưng chính là niềm tin nơi chính Thiên Chúa mà chúng ta có và những gì Thiên Chúa đã thực hiện và sẽ còn thực hiện cho chúng ta.

Chúng ta cố gắng mô tả hoặc giải thích Thiên Chúa cho người khác và thường ta không thể  diễn tả nổi. Thiên Chúa quá vĩ đại, vượt trên tất cả mọi ngôn từ và do đó không thể đóng khung trong một vài câu chữ. Những gì chúng ta có thể làm là chia sẻ kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa cho người khác: khi Thiên Chúa hiện diện cùng ta trong lúc buồn, vui, chờ mong, yêu mến, hà những thay đổi trong cuộc sống… Nhờ vào lăng kính của Kinh thánh, chúng ta cố gắng để gọi tên những gì mình cảm nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời.

Những cảm nghiệm này không giống nhau và Sách Thánh nhắc nhở rằng chúng ta cần mở rộng ý niệm về Thiên Chúa khi nói hay mô tả về Thiên Chúa. Kinh Tin Kính nói với ta Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Nhưng sách thánh cũng giúp ta gọi tên Thiên Chúa bằng những ẩn dụ khác: Khi chúng ta đi lạc và được tìm thấy thì ta gọi Thiên Chúa là “Mục tử”; khi tinh thần ta khô kiệt vì đợi chờ mỏi mòn thì Thiên Chúa là “Nước Hằng Sống”; khi ta sợ hãi, Thiên Chúa như “Gà Mẹ” ấp ủ con thơ; khi ta cô đơn, Thiên Chúa là “Người Bạn”; khi ta phải thực hiện một việc lớn lao thì Thiên Chúa là “Người Cộng Tác”,… Thiên Chúa là Một và là Ba, và Thiên Chúa không ngừng sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa chúng ta.

Trong thư Rôma (ch.1-3) thánh Phaolô đã trình bày tình trạng con người sống trong tội lụy của chính mình. Ngài cũng cho thấy Thiên Chúa đã can thiệp vào như thế nào qua cuộc đời của Đức Giêsu (3,21-31). Trong bài đọc hôm nay, thánh Phaolô bắt đầu trình bày những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta. Chúng ta có lý do để kiêu hãnh, nhưng không phải vì công trạng của mình, nhưng vì Thiên Chúa. “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta”.

Thánh Phaolô còn cho biết, chúng ta đã có được  “bình an với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô”. Phần trước của lá thư ngài cho biết chúng ta đã chống lại Thiên Chúa nên bị mắc lại trong chính tội lỗi của chính mình. Nay, chúng ta được bình an là nhờ sáng kiến của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn đi bước trước. Chúng ta hy vọng rằng, trong Thiên Chúa, chúng ta không thất vọng, vì những việc không ngừng được thực hiện cho chúng ta. Hy vọng đó chắc chắn vì chúng ta được kết hợp với Thiên Chúa ngay lúc này, mặc cho những “khốn khổ” của ta. Tình yêu của Chúa không bao giờ làm khô kiệt hay bỏ rơi chúng ta.

Đối với thánh Phaolô, bằng chứng về tình yêu của Thiên Chúa và kết quả bình an mà chúng ta được lãnh nhận là nhờ Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu Kitô đến. Nếu chúng ta chia sẻ bình an, tình yêu với người khác thì không phải là điều ta tự mình thực hiện được nhưng là hành động của Thiên Chúa trong Đức Giêsu. Chúa Kitô chỉ cho ta thấy con đường đến với Thiên Chúa và Thiên Chúa ban cho ta Thánh Thần. Thánh Thần sẽ đồng hành cùng ta trên đường đến với Thiên Chúa khi đổ tràn tình yêu của Thiên Chúa vào lòng chúng ta. Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần cùng hoạt động để nâng đỡ chúng ta hầu chúng ta có thể được hưởng nếm sự kết hiệp chung cục với Thiên Chúa.

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Vò Vấp

Trả lời