Giới thiệu Tự sắc Năm Đức Tin

 

Giới thiệu Tự sắc Năm Đức Tin (Porta Fidei)
của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
và một số đề nghị cho Mục vụ giới trẻ

(Bài thuyết trình tại Hội thảo do Ủy ban Giới trẻ tổ chức
tại Hải Phòng, từ 10 đến 12-7-2012)

(GM. Giuse Vũ Văn Thiên)


Giới thiệu Tự sắc Năm Đức Tin
Sáng ngày 17-10-2011, ĐTC đã cho công bố Tông thư tự sắc Porta Fidei về Năm Đức Tin, trong đó ngài trình bày lý do, mục đích và những đường hướng chỉ đạo về việc cử hành Năm này.

Mặc dù những năm vừa qua, liên tiếp có nhiều chương trình mục vụ khác nhau, sáng kiến Năm Đức Tin của Đức Bênêđictô XVI vẫn được hân hoan đón chào, như một việc cần thiết đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội và thế giới hôm nay. Điều đó cho thấy nhân loại muốn trở về với những giá trị tâm linh đang có nguy cơ bị quên lãng.

Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra những đề nghị cụ thể để cử hành Năm Đức Tin, bao gồm những chương trình học hỏi, cử hành và những đề nghị sinh hoạt đa dạng, nhằm hưởng ứng Năm Đức Tin, đồng thời góp phần cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

Chắc hẳn mỗi chúng ta đã có dịp tiếp cận với bản văn của Tự sắc Porta Fidei. Trong bài trình bày này, tôi xin được đưa ra mấy ghi nhận sau khi đọc bản văn quan trọng này, đồng thời đưa ra những gợi ý giúp đào sâu đời sống đức tin nơi các bạn trẻ công giáo tại đất nước chúng ta.

1- Một Đức tin cần được duyệt lại

Đối với phần lớn các tín hữu, chúng ta có Đạo là vì chúng ta sinh ra trong những gia đình công giáo. Đời sống đức tin được cha mẹ thông truyền, được cộng đoàn Kitô hữu ấp ủ và nuôi dưỡng. Người tín hữu lớn lên trong môi trường giáo xứ, dần dần tham gia các hội đoàn như mọi người cùng trang lứa với mình. Ít khi họ đặt những vấn nạn về đức tin, vì “người ta tin sao thì mình tin thế!”. Tuy vậy, nếu đó là trường hợp một người suốt đời sống tại xóm làng của mình thì không gặp khó khăn về đức tin. Đức tin sẽ bị lung lạc và chao đảo khi họ rời xa môi trường họ sinh ra như đi bộ đội, công nhân hay học đại học… vì tại những nơi này, họ phải tiếp cận với những bạn bè, những sách vở tài liệu hoặc những trào lưu sống không phù hợp với tôn giáo. Đức tin của họ gặp nguy hiểm. Đây là một trong những khó khăn lớn đối với các bạn trẻ công giáo Việt Nam, trong thời kỳ đổi mới, cũng là thời kỳ phổ biến một hình thái xã hội mới mà chúng ta gọi là “người di dân”.

Đức Thánh Cha đã viết: “Một điều quan trọng trong Năm Đức Tin là duyệt lại lịch sử đức tin của chúng ta, trong đó có một mầu nhiệm khôn lường giữa sự thánh thiện và tội lỗi. Lịch sử thánh thiện cho thấy sự đóng góp lớn lao của những người nam nữ để làm tăng trưởng và phát triển cộng đoàn bằng chứng tá cuộc sống của họ, còn lịch sử tội lỗi phải thúc giục mỗi người hoán cải chân thành và trường kỳ để cảm nghiệm lòng từ bi của Chúa Cha Đấng đến gặp tất cả mọi người” (Tự sắc, số 13).

“Duyệt lại đức tin” trước hết là học hỏi giáo lý. Vì kiến thức “chắp vá” và rời rạc nên nhiều bạn trẻ dễ mất đức tin. Những bạn trẻ xa quê thường rơi vào hai tình huống: một là mất hẳn đức tin; hai là mang một đức tin biến dạng, tổng hợp pha lẫn mê tín dị đoan. Chính vì đức tin lung lạc, mà bạn trẻ quan niệm lệch lạc về tính dục, về luân lý và về thực hành đức tin (đi lễ, lãnh nhận các bí tích…). Một nguy cơ đối với Giáo Hội Việt Nam là quá chú ý đến bề nổi mà quên đời sống nội tâm. Những công trình xây cất, những buổi lễ trọng thể… có những lúc chỉ dừng lại ở bề ngoài, còn tâm hồn thì trống rỗng.

“Duyệt lại đức tin” còn là việc nhận ra vị trí của Chúa trong đời mình. Câu hỏi mà Chúa Giê-su đặt ra cho các môn đệ: “Các anh bảo Thầy là ai?” luôn mang tính hiện tại đối với các tín hữu. Khi nghiêm túc nhìn lại cách sống đức tin của mình, bạn trẻ nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống. Sự hiện diện của Chúa giúp cho bạn trẻ niềm vui và niềm hăng say phấn khởi phụng sự Ngài. Khi cố gắng trả lời câu hỏi “Đức Giê-su là ai?’, người tín hữu cũng cần xác định mình là ai trong mối tương quan với Chúa và với anh chị em, để nhờ đức tin thấm đượm vào cuộc đời, họ được biến đổi nên giống Đấng mà họ tin theo.

Sau cùng, “Duyệt lại đức tin” còn là việc thể hiện đức tin trong cuộc sống thường ngày. “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17). Hiện nay, khá phổ biến tình trạng bạn trẻ ngại dấn thân cho những việc công ích xã hội. Lối sống ích kỷ, khép kín chính là vật cản trở việc bạn trẻ sống đức tin. Vì thiếu tinh thần trách nhiệm đối với môi trường cuộc sống mà những tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng. Tiếc thay, trong số những thủ phạm gây tội ác, thi thoảng cũng có những bạn trẻ là Ki-tô hữu.

2- Một Đức tin cần được tuyên xưng cách trọn vẹn

Có hai biến cố được coi như lý do để cử hành Năm Đức tin, đó là 50 năm khai mạc Công đồng chung Vaticanno II (1962) và 20 năm công bố Sách Giáo lý của Giáo Hội công giáo (1992). Đây là những mốc lịch sử rất quan trọng, đánh dấu sự hội nhập của tín hữu vào môi trường cuộc sống. Công đồng chung Vaticano II đã mở ra một hướng đi mới cho Giáo Hội, giúp Giáo Hội có thể đối diện với những thách đố cam go của cuộc sống hiện đại phát triển. Sách Giáo lý chung đưa ra những nguyên tắc căn bản, nhằm duy trì tính duy nhất của đức tin, vừa tiếp nối truyền thống từ thời các tông đồ, vừa mặc cho đức tin một nét mới mẻ.

Đức Thánh Cha đã viết: “Chúng ta mong muốn rằng Năm Đức Tin khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng đức tin trọn vẹn và với xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng. Năm này sẽ là một cơ hội thích hợp để tăng cường việc cử hành đức tin trong phụng vụ, đặc biệt là trong Thánh Thể, vốn là ‘tột đỉnh mà hoạt động của Giáo Hội hướng tới và đồng thời cũng là nguồn mạch từ đó phát sinh toàn thể năng lực của Giáo Hội” (14). Đồng thời, chúng ta mong muốn rằng cuộc sống chứng tá của các tín hữu tăng trưởng trong sự đáng tín nhiệm. Tái khám phá nội dung đức tin được tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện (15), và suy tư về chính hành động đức tin, đó là một sự quyết tâm mà mỗi tín hữu phải biến thành của mình, nhất là trong Năm Đức Tin này” (số 9).

“Tuyên xưng cách trọn vẹn” trước hết là tuyên xưng một cách ý thức nội dung đức tin được thể hiện trong kinh Tin Kính. Ngay từ ban đầu, kinh Tin Kính đã là kinh nguyện hằng ngày của các tín hữu. Kinh này là bản tóm lược những tín điều căn bản của Kitô giáo. Để có thể tuyên xưng đức tin như Giáo Hội mong muốn, Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu hãy học các văn kiện của Công đồng và Sách Giáo lý, vì Sách Giáo lý là một “dụng cụ đích thực nâng đỡ đức tin” (số 12). “Năm Đức Tin phải biểu lộ sự dấn thân chung tái khám phá và học hỏi nội dung cơ bản của đức tin ở trong Sách Giáo Lý này, trong đó có một tổng hợp có hệ thống” (số 11).

“Tuyên xưng cách trọn vẹn” còn là việc học hỏi giáo huấn của Giáo Hội trong các lãnh vực khác nhau như luân lý xã hội. Nhiều người hiểu khái niệm “giáo lý” chỉ thu hẹp ở “Kinh Tin kính”. Quan niệm này rất nguy hiểm, tạo nên những tín hữu chỉ giữ đạo trong nhà thờ. Họ hoàn toàn “vô cảm” với cuộc sống xã hội xung quanh. Nhiều người còn mất cảm thức về tội, về lỗi công bằng. Cần lưu ý là nội dung cuốn Giáo lý gồm bốn phần: 1-Tuyên xưng Đức tin. 2-Lĩnh nhận các bí tích. 3-Thực hành đức tin. 4-Cầu nguyện. Nhờ việc được huấn luyện để có một đức tin trọn vẹn, các tín hữu mới có thể biết sống phù hợp với giáo huấn Tin Mừng. Đức tin chân thật thì đi liền với đức mến, thể hiện qua tâm tình bác ái. “Năm Đức Tin cũng sẽ là cơ hội thuận tiện để tăng cường chứng tá bác ái…” (số 14).

“Tuyên xưng cách trọn vẹn”, theo ý Đức Thánh Cha như được trích dẫn trên đây, còn là việc năng tham dự Phụng vụ, nhất là Thánh Thể, là nguồn mạch và đỉnh cao của cuộc sống Ki-tô hữu. Vì thiếu hiểu biết, khá nhiều bạn trẻ không thực hiện bổn phận tham dự thánh lễ chúa nhật. Họ không cảm thấy áy náy khi lên rước lễ khi thiếu điều kiện cần thiết. Khá nhiều bạn trẻ nại đến lòng nhân lành của Chúa mà bỏ qua những thực hành đạo đức. Đây là một điều cần lưu ý trong các hoạt động mục vụ giới trẻ. Hiện có khuynh hướng biến mục vụ giới trẻ thành một “sân chơi” theo kiểu xã hội. Ngày nay, với quan niệm lệch lạc về giáo lý, nhiều bạn trẻ cho rằng đã học giáo lý thì không cần học kinh(!). Học giáo lý để biết Chúa. Đọc kinh để thân thưa tâm sự cùng Chúa. Cả hai bổ túc cho nhau, làm thành một đức tin trọn vẹn. Nhờ việc học thuộc lòng những kinh thường đọc, người tín hữu có thể cầu nguyện bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào.

3– Một Đức tin cần được tuyên xưng trong tình hiệp thông với Giáo Hội

Người tín hữu trưởng thành tuyên xưng đức tin vào Chúa như một “hành vi nhân linh”, tức là có sự hiểu biết và tự nguyện. Niềm tin của người Ki-tô hữu vừa là “Tôi tin” vừa là “Chúng tôi tin”.

Đức Thánh Cha đã viết: “Chính việc tuyên xưng đức tin là một hành vi bản thân và đồng thời cũng có tính chất cộng đoàn. Thực vậy, chính Giáo Hội là chủ thể đầu tiên của đức tin. Trong đức tin của cộng đoàn Kitô, mỗi người lãnh nhận bí tích Rửa tội, là dấu chỉ hữu hiệu về sự gia nhập cộng đoàn các tín hữu để được ơn cứu độ. Như Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo làm chứng: “Tôi tin”; là đức tin của Giáo hội được mỗi tín hữu tuyên xưng cá nhân, nhất là trong lúc chịu phép Rửa tội. “Chúng tôi tin” là đức tin của Giáo hội được các Giám Mục họp nhau trong Công đồng, hoặc tổng quát hơn, được cộng đồng phụng vụ các tín hữu tuyên xưng. “Tôi tin” cũng là Giáo Hội Mẹ chúng ta, đáp lại Thiên Chúa bằng đức tin của mình và dạy chúng ta nói “Tôi tin”, “Chúng tôi tin” (Số 10).

Tin trong Giáo Hội. Vì Giáo Hội là chủ thể của Đức tin, nên người tín hữu cần xây dựng nền tảng Đức tin trong Giáo Hội. Giáo Hội là người quản lý kho tàng đức tin, đồng thời nuôi dưỡng tín hữu bằng kho tàng đó. Có thể tôi không thể hiểu thấu nội dung đức tin, nhưng tôi tin trong Giáo Hội, với Giáo Hội và trong tình hiệp thông với anh chị em đồng đạo của tôi. Khi tin trong Giáo Hội, tôi không sợ bị lầm lạc, vì Giáo Hội là Mẹ luôn mong muốn cho con mình những điều tốt đẹp. Giáo Hội vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của đức tin, vì thế chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin Giáo Hội duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền…”. Chính Đức tin “vào Giáo Hội” này đem lại cho chúng ta niềm xác tín vào những gì Giáo Hội thông truyền.

Tin trong tình yêu mến đối với anh chị em. Lời tuyên xưng “Tôi tin” của tôi trở thành “chúng tôi” khi tôi hiệp thông với mọi Ki-tô hữu trên toàn thế giới. Nhờ hiệp thông trong đức tin, tôi không còn đơn lẻ trong hành trình đức tin, vì tôi có anh chị em cùng một đức tin với tôi, đang cùng tôi đồng hành. Hiện tượng di dân của cuộc sống công nghiệp hiện nay cho thấy có nhiều bạn trẻ, nếu thực hành đức tin, thì trở thành một người hoàn toàn dửng dưng với cộng đoàn địa phương. Nhiều bạn trẻ đến học hành hoặc làm việc ở thành phố, có thể vẫn đi lễ ngày chúa nhật, nhưng không tham gia những sinh hoạt của giáo xứ. Họ giống như những người “đi lễ nhờ”, không tham gia hội đoàn, không cộng tác để xây dựng Giáo xứ. Xem ra đức tin của họ là một đức tin riêng rẽ, không được củng cố bằng tình liên đới. Một trong những quan niệm lệch lạc hiện nay cho rằng “đức tin là việc riêng tư”, không ai có quyền can thiệp. Chính do cách lập luận này mà cha mẹ không giáo dục con cái về đức tin. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh: “Kitô hữu không bao giờ được nghĩ rằng đức tin là một điều riêng tư. Đức tin là quyết định đứng về phía Chúa để sống với Ngài. Và thành ngữ “ở với Chúa” giúp hiểu biết những lý do tại sao ta tin. Chính vì đức tin là một hành vi tự do, nên cũng đòi hỏi một trách nhiệm xã hội về những gì ta tin” (số 9).

Tin trong tình yêu mến đối với Giáo Hội. Giáo Hội công giáo Việt Nam vừa tổ chức Năm Thánh 2010. Chúng ta đã có dịp học hỏi về Giáo Hội với những góc nhìn khác nhau. Nhiều bạn trẻ đòi hỏi Giáo Hội phải làm gì cho họ, nhưng họ lại chẳng làm gì cho Giáo Hội. Giáo Hội có mạnh mẽ hay không là nhờ cách sống đức tin của các tín hữu. Người yêu Giáo Hội thì rất nhiều, nhưng người chấp nhận chịu đau khổ vì Giáo Hội lại quá ít. Thật vậy, tình yêu mến dành cho Giáo Hội được thể hiện qua việc chúng ta hy sinh cá nhân mình vì lợi ích chung. Nếu các tín hữu thực sự yêu mến Giáo Hội, sẽ không còn những tranh chấp, chia rẽ trong các cộng đoàn, vì mọi người đều vì Giáo Hội mà chấp nhận những thiệt thòi cá nhân. Một hiện tượng phổ biến tại những quốc gia có truyền thống lâu đời, là nhiều tín hữu nói tin vào Chúa, nhưng không tin vào Giáo Hội. Họ đòi hỏi rất nhiều ở Giáo Hội nhưng không muốn cộng tác phần mình xây dựng Giáo Hội. Họ hay chỉ trích phê phán Giáo Hội mà không hề làm gì để Giáo Hội được tỏa rạng ánh sáng thần linh của Chúa cho môi trường xung quanh. Một số bạn trẻ Việt Nam của chúng ta cũng bị ảnh hưởng do trào lưu này, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin, nhiều người dễ bị lạc hướng hoặc có những nhận định, những kết luận sai lầm.

Kết luận: Là người tín hữu, chúng ta được tháp nhập vào một lịch sử của những nhân chứng đức tin. Đức Thánh Cha đã trích dẫn những mẫu gương sáng ngời về đức tin như Đức Trinh nữ Maria, các Tông đồ, các vị Tử đạo trải dài suốt lịch sử Giáo Hội. Và chính chúng ta, “Nhờ đức tin cả chúng ta cũng đang sống: để nhìn nhận Chúa Giêsu hiện diện trong cuộc sống chúng ta và trong lịch sử” (số 13).

Năm Đức tin sẽ được khai mạc vào tháng 10 sắp tới. Là những người đặc trách Mục vụ Giới trẻ và bản thân các bạn trẻ, chúng ta phải làm gì để “cho niềm tin tươi sáng” nơi cuộc đời chúng ta? Đó cũng là chủ đề của Hội nghị này. Xin cám ơn Quý Cha và Quý Vị.

Nguồn: 

WHĐ

 

Trả lời