CN 21 TNB: Phần chúng con, chúng con đã tin…


Phần chúng con, chúng con đã tin…

Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6,54a.60-69

Lm. Jude Siciliano, OP.

Học viện Đaminh chuyển ngữ

 

Kính thưa quý vị,

CN 21 TNB: Phần chúng con, chúng con đã tin…Đã bao nhiêu lần quý vị đã từng ở trong một nhóm đang gặp khó khăn trong việc đối thoại vì những ý kiến khác nhau? Những ngày này, các cuộc đối thoại thường xoay quanh vấn đề tranh cử sắp tới hay những vấn nạn của Giáo hội – đó là hai trong số các vấn đề thường chia một nhóm thành các phe đối nhau. Có thể quý vị cùng nhau ăn tối và không ai thay đổi chủ đề, thế nên nó sẽ dẫn đến kết luận tự nhiên và hiển nhiên của nó. Người ta ở các phe khác nhau ngay từ đầu cuộc trò chuyện và thường vẫn khăng khăng với ý kiến mình cho đến cùng.

Quý vị có lẽ thắc mắc vì sao tôi gọi là “những cuộc đối thoại”; Chẳng phải các cuộc đối thoại nhằm tạo ra một sự trao đổi cởi mở giữa mọi người với nhau đó sao? Có người nói và ta lắng nghe với thái độ cởi mở hết sức có thể. Tác giả người Anh, Rebecca West có lẽ đúng khi phát biểu: “Chẳng có gì là đối thoại cả. Đó chỉ là hư ảo. Chỉ là những cuộc độc thoại xen ngang nhau, thế thôi”.

Ngay từ Chúa nhật thứ 17 thánh Gioan đã tường thuật cuộc đối thoại giữa đám đông, những người đã được ăn bánh, và Đức Giêsu. Như thấy xuất hiện trong Tin mừng Gioan, cuộc đối thoại dần chuyển qua diễn từ của Đức Giêsu vì, như chúng ta nói, Người “không cùng tần sóng” với thính giả của mình. Họ đã không cởi mở ngay từ đầu cuộc đối thoại với Đức Giêsu, vì thế họ không nghe được những gì Người nói với họ về các dấu Người đang thực hiện và những dấu này dẫn đến ở một thực tại sâu xa hơn những gì đang xảy ra giữa họ.

Hôm nay, cuộc đối thoại diễn ra giữa Đức Giêsu và các môn đệ; không chỉ về bánh mà Người ban cho, nhưng về điều Người công bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời và bánh tôi ban chính là thịt tôi để cho thế gian được sống”. Người còn nói: “Đây là bánh từ trời….ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời”.

Đám đông đã gặp khó khăn khi đón nhận những gì Đức Giêsu nói trong suốt diễn từ. Nay các môn đệ cũng bị sốc vì những lời Người nói và, như Gioan cho ta biết, “nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa”. Trước hết Người nói với họ rằng Người “từ trời xuống” rồi “ai ăn thịt và uống máu tôi sẽ có được sự sống đời đời…” và nay Người còn nói thêm với họ rằng Người sẽ trở lại “nơi Người đã ở trước kia”.

Một lần nữa Đức Giêsu nói về sự vô dụng của “xác thịt” trong việc nắm bắt và đáp lại những gì Người nói. Hãy nhớ lại lời Người nói với Nicôđêmô: “Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt ; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí” (3,6). Các môn đệ không hiểu những lời Đức Giêsu đang nói về việc “được sinh bởi Thiên Chúa”. Không có Thánh Thần của Thiên Chúa thì họ chẳng hiểu được Đức Giêsu có ý gì khi hứa ban cho họ “sự sống đời đời”. Nhưng Đức Giêsu vẫn không lùi bước hay nhượng bộ trong những lời khó nghe nhằm giữ lại con số đông đảo các môn đệ. Thế nên, ở cuối bài Tin mừng hôm nay ta thấy chỉ còn lại Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai.

Thánh Phêrô trả lời “chúng con đã tin ….” là tất cả những gì ông có thể nói lúc này. Trong Sách thánh TIN là một động từ. Đó là một hành động mà chúng ta ưng thuận và hành động. Nhưng đó còn là một tiến trình. Phêrô và những người khác, như chúng ta, có lòng tin, nhưng nó cần phải lớn lên. Lòng tin của Nhóm Mười Hai trong thời điểm này chưa đủ mạnh. Cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu sẽ thử thách cách nghiệt ngã lòng tin ấy. Nhưng đây mới chỉ là điểm khởi đầu: các mô đệ tin vào Đức Giêsu và trao phó hiện tại cũng như tương lai của mình cho Người. Đức Giêsu, về phần mình, còn phải nhọc công với hạt mầm niềm tin của số môn đệ ít ỏi này. Trước khi ra đi, Đức Giêsu ban Thánh Thần xuống trên họ để hoàn tất công trình Người đã khởi sự.

Câu chuyện bắt đầu với đám đông 5000 người đi tìm Đức Giêsu sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Nay con số lớn lao đó đã bỏ đi hầu như hết. Nếu quý vị đo sự thành công bằng con số thì hẳn dự án của Đức Giêsu đã thất bại. Thậm chí trong Nhóm Mười Hai mà còn có người phản bội Đức Giêsu. Tuy hiên, đây không phải là điều mà con người chỉ “bằng xương bằng thịt” có thể hiểu thấu, nhưng nói về việc Thánh Thần có thể thực hiện nơi những người môn đệ quyết tâm theo Thầy, những người đã nói, như chúng ta thưa lên trong Thánh Lễ: “Lạy Thày, bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thày mới có những lời ban sự sống đời đời”.

Còn về những lời chướng tai! Tôi biết nhiều họ đạo hôm nay bỏ qua Bài Đọc Hai trích thư Êphêxô mà thay bằng bài đọc khác. Nhiều nhà phụng vụ cho rằng có quá nhiều điều nhạy cảm về văn hóa liên quan đến bài đọc này: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ…”

Bài đọc này là một thách đố đối với chúng ta, những người đang nghe hôm nay. Hôn nhân đã từng, cũng như hiện nay ở nhiều nơi, nặng tính gia trưởng. Thánh Phaolô là người của thời này và ngài lấy mối tương quan hôn nhân mà ngài biết để làm một phép so sánh ẩn dụ về mối tương quan của Đức Kitô và Hội thánh.

Cần lưu ý rằng, thánh Phaolô cũng mời gọi cải biến giao ước hôn nhân. Ý thức được thiết chế hiện hành của thời ngài, thánh Phaolô yêu cầu các Kitô hữu sống một lối sống khác. “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau”. Theo nghĩa đen nó có nghĩa là vâng lời nhau; xem người khác trọng hơn mình. Người làm chồng có mọi quyền trên người vợ, con cái và nô lệ. Nhưng anh vẫn phải xem những người dù nhỏ mọn nhất cũng phải trọng hơn mình. Đức Giêsu là mẫu gương cho thái độ này, Người đã hạ mình xuống vì yêu thương chúng ta. Chúng ta có thể kết luận thay cho thánh Phaolô rằng khế ước hôn nhân là yêu thương và phục vụ lẫn nhau.

Việc quyết định nối kết bài đọc thứ nhất và bài thứ ba lại với nhau. Không phải bất kỳ thứ quyết định nào, nhưng là một quyết định dứt khoát: theo đường lối của Thiên Chúa hay theo đường lối của riêng chúng ta?

Giôsuê đứng trước dân Israel và hỏi họ sẽ phục vụ ai: Thiên Chúa, Đấng đã cưu mang, giải thoát họ khỏi ách nô lệ và dẫn đưa họ suốt 40 năm trong sa mạc, hay thần ngoại mà cha ông họ đã thờ – “các thần khác”. Nếu họ phán đoán dựa trên những gì họ đã trải qua thì dân chỉ có một chọn lựa; làm sao có thể không chọn Thiên Chúa, Đấng mà họ đã biết là Đấng Cứu Độ? Chọn lựa của họ được tóm kết trong lời tuyên xưng của Giôsuê: “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA”.

Chẳng phải chứng tá của Giôsuê là những gì mà các bậc phụ huynh trong Thánh lễ hôm nay đang cố gắng làm để nêu gương cho con cái họ hay sao? Họ hy vọng, khi con cái họ trưởng thành thì chúng, giống như cha mẹ chúng trước đây, cũng sẽ nói rằng: “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA”.

Đức Giêsu khuyên rằng, về phía chúng ta, chúng ta là con người nên không thể tự co mình những gì là cốt yếu – “sự sống”. Qua dấu lạ nuôi 5000 người và những lời kèm theo của Người, Đức Giêsu cũng đòi những kẻ theo Người phải quyết định thay đổi cuộc sống. Người yêu cầu họ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?” Nói cách khác, liệu họ có nhìn thấy Người là Đấng họ đang mong đợi hay không? Liệu họ có theo Người dẫu cho những ruồng bỏ đang đợi Người phía trước?

Chắc họ cũng không có nhiều sự chắc chắn để đặt niềm hy vọng của mình; Người đang mất đi các môn đệ vỡ mộng về Người. Rồi Người bị bắt, tra tấn và bị giết chết. Các môn đệ chọn tin tưởng nơi Người và tiếp tục bước theo Đức Giêsu. Chẳng phải đó cũng là điều chúng ta đang làm đó sao? Dù chưa có đủ bằng chứng, nhưng chúng ta muốn một cuộc sống sâu hơn với Thiên Chúa và chúng ta tin, như Phêrô đã tuyên xưng: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.



Trả lời