Tôi có “hiểu Chúa”?

 

Tôi có “hiểu Chúa”?Trung tâm điểm đức tin Công giáo, đó là cuộc tử nạn và sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Chính vì thế, người tín hữu Công giáo, vào mỗi thánh lễ Chúa Nhật, tuyên xưng rằng: Đức Giê-su “Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh”.

Tin và sống với niềm tin đó, trong thánh lễ, cộng đoàn dân Chúa còn có lời ca nguyện, rằng: “Vinh quang của ta là Thánh Giá Đức Ki-tô, nơi người ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, phục sinh của ta. Nhờ Chúa ta được ơn cứu độ, nhờ Chúa ta được giải thoát…”

Thế nhưng, với các tông đồ xưa, thì niềm tin đó, không phải một sớm một chiều, mà có. Khi nói tới thập giá, tới cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su, các môn đệ, tiêu biểu là tông đồ Phê-rô, đã nghĩ rằng, đó là điều không thể chấp nhận được.

Thật vậy, theo lời Kinh Thánh ghi lại, một hôm, khi Đức Giê-su tiên báo  cho các môn đệ, rằng: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”… ngay lập tức, tông đồ Phê-rô đã phản ứng, ông ta liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người, rằng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện đó”. Nhưng Đức Giê-su đã bảo ông ta rằng: “Sa-tan, lùi lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (x.Mt 16, 22-23)

Vâng, rất rõ ràng, chỉ sáu ngày sau, sau cái ngày Thầy và trò tranh luận về việc lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đã cho ông Phê-rô nhận biết đâu là tư tưởng của Thiên Chúa, qua một cuộc thần hiện của Ngài. Cuộc thần hiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.

***

Theo trích thuật Tin Mừng thánh Mat-thêu, hôm đó, “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình”. Nơi Ngài cùng các ông tới, đó là “một ngọn núi cao”.

Khi Thầy và trò đang ở trên núi, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Đức Giê-su, “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Chưa hết, các ông còn thấy “ông Môse và ông Elia hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu”. Nằm mơ chăng! Thưa không, rất rõ ràng là Mô-se và Ê-li-a.

Thế là, không một chút chậm trễ,  ông Phê-rô lập tức thưa với Đức Giê-su: “Lạy Ngài chúng con ở đây thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng ở đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-se, một cho ông Ê-li-a”.

Thế nhưng, khi ông còn đang nói, thì chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người. Nghe vậy, ba người môn đệ kinh hoàng “ngã sấp mặt xuống đất”. Hôm ấy, để xoá tan nỗi kinh hoàng của các ông, Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ”.

Cái chạm của Đức Giê-su đã thức tỉnh các ông. Chuyện kể tiếp rằng: “Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi”. Trên đường thầy và trò xuống núi, Đức Giê-su giải thích cho các ông về hiện tượng Ê-li-a, một “Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn”.

Sau đó, Ngài cho biết: “Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế”. Kết thúc câu chuyện, thánh sử Mát-thêu cho biết: “Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả”. Vâng, các môn đệ, đặc biệt là ông Phê-rô đã “hiểu Người”.

Trước khi “lên núi”, ông Phê-rô đã phản đối quyết liệt việc Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết, trước mắt ông, làm việc đó chẳng khác nào “chui đầu vào rọ”.

Thế nhưng, sau khi “xuống núi”, và nhất là sau khi “Đức Giê-su từ cõi chết trỗi dậy”,  con mắt đức tin của Phê-rô đã có cái nhìn khác hẳn. Lên Giê-ru-sa-lam.. vác thập giá…. chịu chết… vác thập giá mình.. vâng, đó chính là “tư tưởng của Thiên Chúa”.

Theo truyền tụng, tháng 8 năm 64, hoàng đế Nero bắt đầu bách hại Ki-tô giáo. Tông đồ Phê-rô quyết định đi khỏi Rôma tìm nơi trú ẩn. Nhưng trên con đường Appia, gần cửa Capena, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa đi đâu?” Chúa Giê-su đáp: “Thầy vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa”. Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa. Ông trở vào thành và chịu tử đạo. Tông đồ Phê-rô đã “…hiểu Người”.

Bây giờ là đến chúng ta. Là một Ki-tô hữu, tất nhiên, chúng ta cũng là  môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô. Là môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô…. Vâng, chúng ta có “…hiểu Người” muốn nói gì với chúng ta, qua câu chuyện này?

Phải chăng, Đức Giê-su cũng muốn chúng ta “đi riêng ra một chỗ”,  một chỗ của thinh lặng, để lắng nghe tiếng phán từ trời cao “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”!

Thưa, đúng vậy. Nếu xưa kia, từ núi thánh, Thiên Chúa truyền mệnh lệnh này cho các môn đệ, thì hôm nay, từ thánh đường, qua phần Phụng vụ lời Chúa, Người cũng truyền mệnh lệnh này, cho mỗi chúng ta.

Vì thế, hãy tự hỏi, qua bao nhiêu năm là Ki-tô hữu, tôi đã thực sự nghe được những “tiếng phán” của Đức Giê-su, qua Kinh Thánh, qua giáo huấn của Giáo Hội, qua những bài giảng của linh mục trong thánh lễ hằng tuần? Và tôi đã “tuân lệnh”?

Hay ta chỉ nghe những lời mời gọi hỗn tạp của một xã hội trần tục do Sa-tan và con cái của nó đang điều khiển, điều khiển  bằng những lời mời đầy quyến rũ, rằng thì-là-mà cứ sống hưởng thụ đi, cứ “chơi cho lịch mới là chơi… chơi cho đài các cho đời biết tay..” v.v…!!

Hay tôi chỉ nghe lời dụ dỗ ngọt ngào của những “con rắn thời @”, những lời dụ dỗ sặc mùi của một nền “văn hóa hưởng thụ”, càng hưởng thụ nhiều, càng chiếm hữu nhiều, (bất chấp thủ đoạn),  thì càng chứng tỏ mình là kẻ thành đạt!! Trong một xã hội như thế, quả thực, đó là một thách đố lớn cho chúng ta. Quả thực là một sự quyến rũ khó ngoảnh mặt làm ngơ…

Phải làm gì trước vấn đề  này? Thưa, hãy cầu nguyện, như lời Đức Giê-su khuyên dạy: “Giống quỷ ấy, (những lời dụ dỗ đó), chỉ có cầu nguyện mới trừ được (mới từ chối được), mà thôi”.

Thế nên, đừng chần chờ gì nữa, hãy cùng Đức Giê-su “lên núi cầu nguyện”. Đừng quan trọng hóa vấn đề, rằng thì-là-mà chúng ta sẽ lên ngọn núi nào: Tabor, Núi Sọ, Núi Cúi hay Tàpao!

Ngọn núi đó, chính là “ngọn núi tâm hồn”, một tâm hồn trong thinh lặng, một tâm hồn mở rộng, một tâm hồn khao khát, cùng với lời nguyện, rằng: “Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con…” (lời nguyện Rabbouni)

Cầu nguyện với “Thánh Thể – Rước Chúa”… Cầu nguyện với Thánh Kinh – Nghe lời Chúa”, ai dám phủ nhận Chúa không giơ tay trục xuất lũ quỷ nêu trên!

Và, cuộc sống của một Ki-tô hữu, có “Thánh Thể và Thánh Kinh”, ai dám phủ nhận, người Ki-tô hữu đó không là hiện thân của Đức Giê-su Ki-tô! Nói cách khác, cầu nguyện như thế, có phần chắc, người Ki-tô hữu đó đã “hiểu Người – hiểu Chúa”. Lời cuối, hãy tự hỏi mình, rằng tôi có “hiểu Chúa”!

Petrus.tran

 

Trả lời