Chúng ta có thể tìm hiểu chức tư tế bắt đầu từ thời Tổ phụ Abraham. Thời đó, chưa có đền thờ, cũng chẳng có tư tế chuyên biệt để thờ phượng Đức Chúa. Sách Sáng Thế cho thấy việc kính thờ Thiên Chúa diễn ra một cách rất tự nhiên. Chẳng hạn, khi Đức Chúa ban cho Tổ phụ Abraham đất Canaan làm sản nghiệp, thì ông dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa;[1] hoặc khi đến Khéprôn, dòng dõi của ông được chúc phúc và sinh sôi nảy nở nhiều như bụi trên mặt đất, ông vui mừng và dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa.[2] Hơn nữa, ông còn dâng lễ tế là chính Isaác theo như ý nguyện của Chúa;[3] và sau này Isaác cũng dựng bàn thờ và kêu cầu danh Đức Chúa.[4]
Như vậy, các tổ phụ thực thi chức tư tế gia đình như đa số các dân tộc chung quanh Israel thời cổ xưa. Cũng nên ghi nhận ở đây về sự xuất hiện một vị vừa là vua vừa là tư tế, đó là ông Menkixêđê. Tích truyện về ông Menkixêđê thật đột ngột, xen ngang vào chuyện ông Abraham.[5] Ông Menkixêđê được trình bày với hai tư cách: vua thành Salem, nghĩa là thành Giêrusalem, nơi Đức Chúa đã chọn làm nơi hiển trị, như lời Thánh vịnh 76,3: “Chúa đã cắm lều ở Salem, núi Sion là nơi Chúa ngự”; thứ hai, ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, đồng hóa với Đức Chúa của ông Abraham tôn thờ, ông là tư tế của Chúa trước khi có thể chế Lêvi; thời bấy giờ, dòng dõi Lêvi chưa đảm nhận chức vụ thánh này. Menkixêđê được truyền thống Công giáo xem như là hình ảnh tiên trưng của vị Thượng tế duy nhất là Đức Kitô.[6] (trích Từ cạnh sườn bị đâm thâu, trang 375 – 376).
[youtube]BUM-axLPNj0[/youtube]