Bài 2: Đức Kitô là Bí tích nguyên thủy
Đức Giêsu là trung gian để Thiên Chúa đi vào mối tương quan với loài người; hay nói cách khác, Thiên Chúa đến với con người bằng cách thức cụ thể và hữu hình. Qua cuộc sống và cái chết của mình, Đức Giêsu trao ban chính bản thân Ngài làm bí tích tình yêu cho thế giới. Chúa Cha đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết để chứng tỏ rằng sự sống, tình yêu, sự thiện hảo cuối cùng đã chiến thắng. Khi đổ tràn đầy tình yêu xuống cho tất cả mọi người, Đức Giêsu muốn tỏ cho nhân loại thấy Thiên Chúa là Đấng nào và Ngài muốn chúng ta nên như thế nào.
Vì là biểu tượng, là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người, nên Đức Kitô chính là bí tích trọn hảo của Thiên Chúa, là bí tích nguyên thủy, bí tích nền tảng của mọi bí tích. Nói cách khác, bí tích là những dấu chỉ hữu hình qua đó ban ơn thánh, mà Chúa Kitô chính là ơn thánh Thiên Chúa ban cho loài người, như vậy Người chính là bí tích nguyên thủy của mọi bí tích.
Quả vậy, trước khi có một nền thần học về bảy bí tích, Giáo hội đã khẳng định Chúa Kitô là bí tích đầu tiên, bí tích nguyên thủy, như lời thánh Augustinô dạy: “Không có bí tích nào của Thiên Chúa ngoài Chúa Kitô.” Chúa Kitô là bí tích vì Người là hình ảnh trung thực của Chúa Cha như lời thánh Phaolô quả quyết trong thư thứ hai Côrintô, Người chính là đường dẫn tới Chúa Cha và là chính vinh quang của Chúa Cha. Ngày nay, Đức Giêsu không hiện diện một cách thể lý như một người bằng xương bằng thịt sống ở Nazarét; Người đã về cùng Chúa Cha và gửi Thần Khí đến ở với chúng ta cho đến thời sau hết. Như thế, Đức Giêsu vừa là bí tích vừa đang hiện diện một cách bí tích giữa lòng Hội thánh. (trích trong Từ cạnh sườn bị đâm thâu – Phạm Quốc Văn, trang 45 – 46)
[youtube]vG-u4r4WgD8[/youtube]