Sự Phục Sinh


Sự Phục Sinh


Sự Phục SinhĐối với nhiều tôn giáo và tư tưởng triết học, niềm tin về sự phục sinh thân xác ở đời sau là điều không thể chấp nhận. Bởi theo họ, thân xác là một yếu tố thuộc vật chất, hèn kém. Chúng không có chỗ trong thế giới linh thánh của đời sau. Ấy thế mà trong niềm tin Kitô giáo, việc phục sinh thân xác lại có một chỗ đứng quan trọng. Chẳng những chúng giúp hình thành nên niềm tin mà còn giúp nâng đỡ và củng cố niềm tin nữa.

Sự phục sinh của Đức Giêsu – những biểu hiện của niềm tin

Sự phục sinh của Đức Giêsu là dấu chứng căn cốt của niềm tin chúng ta. Tại sao thế? Vì:

– Đức Giêsu đã sống lại như lời Người đã hứa trước.

– Qua cuộc trỗi dậy từ cái chết của Đức Giêsu, Giáo hội càng xác tín hơn về thân phận là Con Thiên Chúa của Người.

– Nếu như cái chết của Đức Giêsu giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, thì sự phục sinh của Người đã mở đường đưa chúng ta vào sự sống mới.

– Thân xác phục sinh của Đức Giêsu chỉ cho ta thấy viễn tượng của thực tại Nước Trời mà Người đã rao giảng. Người chính là nguyên lý và là nguồn mạch sự sống lại của chúng ta mai sau.

– Sức mạnh thần linh đã kéo Đức Giêsu ra khỏi cái chết thể lý, vẫn có đó để lôi kéo chúng ta ra khỏi cái chết về phần linh hồn.

Sự phục sinh của Đức Giêsu – những chứng nhân xác thực

Để phi bác những người chối bỏ sự phục sinh của Đức Giêsu, thánh Phaolô đã liệt kê ra những nhân chứng như: Ông Phêrô, nhóm Mười Hai, năm trăm anh em một lượt, trong số đó có nhiều người còn sống… (x. 1Cr 15,3-8). Qua trình bày của thánh Phaolô, ta nhận thấy sự phục sinh của Đức Giêsu là một sự kiện lịch sử, không phải là chuyện hoang đường. Và sự phục sinh đó cũng khai lối cho niềm hy vọng của chúng ta, rằng một ngày kia, chúng ta cũng được cùng Người sống lại.

Và sự phục sinh của chúng ta

Ngược lại với tư tưởng triết học Hy Lạp đương thời, Kinh thánh khẳng định con người sẽ được phục sinh chẳng những linh hồn mà còn cả thân xác nữa (x. 1Cr 15,12tt). Nếu như cái chết làm chia lìa hồn xác thì sự phục sinh chung cuộc dành cho những ai đã cùng chết với Đức Kitô sẽ mang lại sự phối hợp thủa ban đầu.

Thế nhưng có một vấn nạn vẫn còn gây nhiều tranh cãi đó là khi được phục sinh, ta sẽ trở lại giai đoạn nào? Thiếu niên, thanh niên hay già lão? Lúc ấy ta trẻ đẹp hay già khọm; mạnh khoẻ hay yếu đau? Thiết nghĩ chẳng ai chắc chắn về chuyện này, ngoại trừ những chắc chắn sau:

– Như Đức Kitô, mọi người sau khi chết chắc chắn sẽ phục sinh. Người lành sống lại để được sống. Kẻ dữ sống lại để chịu kết án (x. Đn 12,2; Ga 5,29; 6,39-40; 1Cr 15:51-53).

– Cuộc sống sau khi phục sinh chắc chắn sẽ không còn đau khổ và không phải chết, không chịu sự chi phối của các định luật tự nhiên (x. Pl 3,21).

– Thân xác khi ấy chắc chắn là thân xác đã được biến đổi chứ không phải là thân xác như hiện nay (x. 1Cr 15,44).

Tóm lại, cử hành đại lễ Phục sinh là dịp để mỗi người tín hữu chúng ta tuyên xưng niềm tin và niềm hy vọng của mình. Dịp này cũng là cơ hội để ta nhìn lại đời sống, rằng ta đã, đang làm gì để được cùng sống lại với Đức Kitô?

Phạm Duy, OP.

(CSTMHĐGDĐM tháng 4.2012)

 

Trả lời