Pơ-ni-i : Xin cảm ơn


Pơ-ni-i ; Xin Cảm Ơn


Ba ngày cuối tháng 11 năm 2008, Gia Đình Truyền Tin (GĐTT) đã tổ chức chuyến uỷ lạo tại Pleiku-Kontum. Điểm đến của chuyến công tác là bốn làng dân tộc ở Pleiku và viện trẻ mồ côi Vinh Sơn thuộc nhà thờ gỗ Kontum.

 

Pơ-ni-i : Xin cảm ơn

Ngày 28/11/2008

Sau khi được chất quá nửa xe với những bao tải quần áo ấm, sách vở, bút viết… đúng 3h15 sáng, chiếc xe 30 chỗ lăn bánh lên đường. Cùng tham gia chuyến công tác lần này ngoài Thầy phụ trách Phêrô Thành Tâm và 5 thành viên khác của GĐTT, còn có sự cộng tác của các anh chị nhóm Tình Thương Giáo xứ Mân Côi – Gò Vấp, chú Vĩnh (đại diện Hội Đồng Mục Vụ GX Đa Minh), anh Minh (đại diện nhóm thiện nguyện Legio GX Đa Minh), cùng một số ân nhân như anh Thành, dì Gấm. Vừa ra khỏi thành phố, trong tâm tình phó thác – cậy trông cả đoàn cùng dâng lên Chúa & Mẹ chuỗi kinh, xin Mẹ chúc phúc cho chuyến công tác. Quãng đường gần 600 cây số còn trước mắt. Cao nguyên ơi, đợi ta nhé !!

Pơ-ni-i : Xin cảm ơnBăng qua những vườn cao su xanh mát, những bụi dã quỳ vàng ươm, những đồi thông ngút ngàn dọc hai bên đường, khoảng 15h00 xe chúng tôi tới điểm uỷ lạo đầu tiên. Đó là làng dân tộc Chư-sê, thị trấn Bàu Cạn – tỉnh Gia Lai. Trong cái se lạnh của đầu mùa đông, hơn 300 hộ gia đình đã có mặt đông đủ ở điểm tập kết phát quà. Đa phần bà con ở đây là người già, hầu hết họ bị phong cùi. Hai bàn tay chẳng còn nhận thấy ngón đâu cả, vì đã rụng đi hết chỉ còn vỏn vẹn hai lòng bàn tay nhỏ xíu chai sạn. Đôi bàn chân cũng chịu cùng số phận. Không để bà con đợi lâu, xuống xe là cả đoàn lao vào phân bổ quà: người vác gạo, người dỡ quần áo, người sắp xếp bao bị… Có thể với vài thùng mì, 5-10kgs gạo, mắm muối & ít quần áo cho mỗi hộ gia đình mà chúng tôi mang đến không làm họ no bụng trong 1 tháng. Nhưng chúng tôi có thể nhận thấy niềm vui mừng ánh lên trong mắt họ, chút quần áo có thể ủ ấm họ qua mùa đông này.

15h30 chia tay bà con dân tộc Chư-sê, chúng tôi tiếp tục lên đường vì còn 4 địa điểm nữa đang đợi chúng tôi. 16h25 xe dừng trước tu viện nữ thánh Phaolô. Tiếp đón chúng tôi là Soeur Ut. Không kịp nước non, Soeur chỉ vội cho chúng tôi nơi để hành lí & chỗ sẽ ngủ nghỉ đêm nay. Sau đó chúng tôi quay ra chuyển thêm quà – gạo, thuốc men ra xe để kịp cùng Soeur đến với làng dân tộc Gia Rai trước khi trời sập tối. 20 phút ngồi xe, đoàn cũng đến nơi, trong cái nhá nhem tối, ai nấy đều khẩn trương. Cùng một đặc điểm với bà con dân tộc Chư-sê, những con người dân tộc Gia rai cũng mang phải căn bệnh cùi. Bóng tối xuống rất nhanh mà ở đây lại không có điện, cả đoàn phải huy động tất cả nguồn sáng mà chúng tôi có thể xoay sở được: 1 cái đèn pin & đèn flash của mấy chiếc điện thoại mang theo. Dưới ánh đèn mờ ảo ấy, những món quà Giáng Sinh sớm lần lượt được trao hết cho bà con dân tộc Gia Rai. 18h30 tạm biệt họ, chúng tôi về lại tu viện Phaolo nghỉ đêm.

Pơ-ni-i : Xin cảm ơnNgày 29/11/2008

6h30 đoàn dùng điểm tâm tại bếp ăn của tu viện. Quả là một bất ngờ & vinh hạnh cho đoàn khi chúng tôi được gặp Đức Cha Oanh, Giám mục giáo phận Kontum, lần kỉ niệm 15 năm thành lập GĐTT vào tháng 3/2008 Ngài đã xuống TpHCM chủ sự dâng thánh lễ tạ ơn cho GĐTT. Suốt bữa ăn Ngài tỏ ra rất thân tình, Ngài bày tỏ ý kiến & khơi gợi nhiều hướng đi mới trong tương lai.

7h30 đoàn lên xe thẳng tiến đến làng Tang, một làng cùi nằm trong khu biên giới Việt-Lào. Lần này, ngoài sự chỉ đường của Soeur Ut còn có sự hỗ trợ của chú Lẫm, chủ tịch hội chữ thập đỏ huyện Gia Rai. Xe chạy hơn một tiếng đồng hồ thì tới nơi. Vì con đường vào làng quá hẹp lại gồ ghề, xe buộc phải nằm ngoài đường lộ. Chúng tôi kẻ vác, người mang đồ đạc đi bộ hơn nủa cây số thì chạm chân tới đất làng. Chọn một bãi đất rộng để trải bạt, chúng tôi bắt tay vào phân chia quà cho 43 hộ gia đình trong làng. Soeur Ut kể ở nơi này chẳng bao giờ họp chợ cả, trong nhà có gì ăn nấy. Không có dịp ở lại để theo sát cuộc sống của bà con vùng biên giới này, nhưng chút dừng chân vào nhà một hộ trong làng, thấy được họ chuẩn bị bữa ăn trưa chỉ vỏn vẹn độc thau mít non vung vãi nhựa đang ngâm dở, mới hiểu họ vui biết mấy khi nhận từ tay chúng tôi thùng mì, bị gạo kèm ít dầu ăn, mắm muối, cá khô… Với họ hôm nay trên bàn ăn mỗi nhà sẽ có một bữa thịnh soạn, đàng hoàng rồi đây !! Do cách biệt ngôn ngữ họ chẳng nói được gì hơn. Pơ-ni-i, pơ-ni-i !! (Nghĩa là cảm ơn, cảm ơn !!) Biết bao lời cám ơn vang lên từ môi miệng họ, ánh mắt rạng ngời.

 

Pơ-ni-i : Xin cảm ơnViếng Đức Mẹ Măng-đen

Chia tay trong bịn rịn, 10h xe tiếp tục lăn bánh qua làng Iagrai cách đó 8 cây số. Chúng tôi lội bộ trên con đường đất đỏ bazan vào làng. Những căn nhà lúp xúp, nhỏ xíu được ghép sơ sài bằng gỗ cây dần hiện ra. Cái khổ này nối tiếp cái khổ khác. Cả làng bị cùi, thiếu hụt thuốc men, chính quyền xã tỉnh cũng không can thiệp giúp đỡ được gì nhiều, bị cách li ra khỏi cộng đồng, lại bị quàng thêm ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ, tảo hôn đè nén. Cũng may là còn nhận được sự quan tâm của tu viện Phaolô đã xây tặng một dãy nhà cấp 4 cho làng, thường xuyên đi lại phát thuốc, cũng như giới thiệu nhiều sự giúp đỡ như đoàn chúng tôi đến với họ. Nếu Chúa thương chúng tôi sẽ còn trở lại đây một ngày không xa. Phân phát quà cho bà con xong, chúng tôi khởi hành đi Kontum viếng Đức Mẹ Măng-đen. Chặng đường 70km vẫn là một thử thách.

Phép lạ Đức Mẹ ở Măng-đen có vẻ như còn xa lạ với nhiều người. Chuyện kể rằng khoảng giữa năm 2006, trong lúc đang thi công mở rộng đoạn đường núi ở Măng-đen, xe ủi đất xe đào trở chứng hỏng giữa chừng, một vị kỹ sư ngoại đạo phụ trách công trình đã cho sửa máy móc nhưng lạ thay cú đến đoạn đường ấy là máy hỏng không chạy nữa, dù cho vị kỹ sư nọ điều cả máy móc mới đến chăng nữa. Một tối trong lúc nằm ngủ, viên kỹ sư mơ thấy một bà cụ lấm lem, khăn áo phủ kín bảo với ông hãy đưa bà cụ ra khỏi đất. Hôm sau ông kỹ sư ra lệnh đào sâu lòng đất ngay chỗ máy hỏng thì phát hiện một tượng người nữ cao chừng 1.2m bị cụt mất hai nửa cánh tay. Sau mới biết đó là tượng Đức Mẹ. Kể từ khi đưa Mẹ ra khỏi lòng đất việc thi công đường trở lại bình thường. Ông liền cho dựng tượng đài ngay trên đồi để mọi người có thể đến cầu nguyện. Con đường từ Pleiku lên chỗ Mẹ quanh co, trùng điệp đồi núi. Xe leo đèo đến nín thở. Đến xế chiều xe đến được chân đồi, chúng tôi đi bộ hành hương lên chỗ Mẹ. Gió rét từng cơn thổi bạt người. Dưới chân Mẹ có rất nhiều hoa & biển tạ ơn từ các vùng miền khác nhau trên cả nước. Chúng tôi thành kính dâng Mẹ lời kinh tiếng hát tạ ơn. Pơ-ni-i Chúa & Mẹ đã phù trợ cho chuyến công tác được suôn sẻ, đi về bình an.

Pơ-ni-i : Xin cảm ơnPơ-ni-i các vị ân nhân xa gần đặc biệt đến Cha Đặc trách xã hội bác ái của Tỉnh dòng Đa Minh đã tài trợ kinh phí cho chuyến uỷ lạo Pleiku-Kontum. Ước mong với tấm lòng rộng mở của quý vị ân nhân, mạnh thường quân, GĐTT chúng con có thể thực hiện nhiều chuyến công tác ý nghĩa hơn nữa trong tương lai./.

TpHCM, 30/11/2008


Gia Đình Truyền Tin

Để lại một bình luận