Clips Suy niệm Mùa Chay: Thứ Sáu tuần I

 

 Mùa Chay với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Hãy Tha Thứ Thì Sẽ Được Thứ Tha

Nếu kẻ gian ác từ bỏ tội lỗi mình đã phạm,
họ sẽ được sống. (x. Ed 18, 21-28)
Lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng? (x. Tv 129)
Thầy bảo cho anh em biết, ai giận anh em mình
thì đáng bị đưa ra tòa (Mt 5:22).

Clips Suy niệm Mùa Chay: Thứ Sáu tuần IĐiều răn “Ngươi không được giết người”, bao gồm và diễn tả đầy đủ hơn điều luật tích cực về tình yêu đối với tha nhân, được Đức Giêsu xác nhận một lần nữa trong tất cả sức mạnh của nó. Đối với người thanh niên giàu có hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”? Đức Giêsu trả lời: “Nếu anh muốn được sống, hãy giữ các giới răn” (Mt 19:16-17). Và Người đã trích dẫn, như điều răn đầu tiên: “Ngươi không được giết người” (Mt 19:18). Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu đòi các môn đệ sống chính trực hơn các kinh sư pharisêu, cả về vấn đề tôn trọng sự sống: “Anh em đã nghe luật xưa dạy rằng ‘không được giết người’ và ‘bất cứ ai giết người thì sẽ bị đưa ra tòa’. Nhưng Thầy bảo thật anh em, ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5:21-22).

Bằng lời nói và hành động, Đức Giêsu mở ra thêm những đòi hỏi tích cực của điều răn liên quan đến việc xúc phạm đến sự sống. Những đòi hỏi này cũng có trong Cựu ước, nơi đây luật pháp nói đến việc chở che và bảo vệ sự sống đối với những người yếu đuối và bị đe dọa; đối với ngoại kiều, góa phụ, cô nhi, những người ốm đau, nghèo khó nói chung và cả thai nhi (Xh 21:22, 22:20-26). Đối với Đức Giêsu, những đòi hỏi tích cực này cho thấy một sức mạnh và sự cấp bách mới, và được biểu lộ trong tất cà chiều rộng và chiều sâu; những đòi hỏi ấy xếp loại từ việc chăm lo đến đời sống của anh em mình (hoặc là anh em cùng huyết thống, hoặc là những người cùng một chủng tộc, hoặc là ngoại kiều sống trên đất Israel) cho đến việc tỏ sự quan tâm đối với người xa lạ, thậm chí tới mức yêu thương kẻ thù của mình.

Người xa lạ không còn phải là xa lạ đối với người phải trở thành thân cận của người khốn khó, đến mức chấp nhận trách nhiệm đối với cuộc sống của người ấy như thấy rõ trong dụ ngôn người sứ Samari nhân hậu (Lc 10:25-37). Ngay cả kẻ thù cũng không còn là kẻ thù đối với người bó buộc phải yêu thương (x. Mt 5:38-48; Lc 6:27-35), làm “điều tốt”  cho kẻ ấy (x. Lc 6:27; 33:35), và mau chóng đáp ứng nhu cầu cấp bách của người ấy mà không mong được báo đền (x. Lc 6:34-35). Đỉnh cao của tình yêu này là cầu nguyện cho kẻ thù ghét mình. Khi làm như vậy, chúng ta thực hiện sự hài hòa với tình yêu quan phòng của Thiên Chúa: “Thầy bảo anh em hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại anh em, như thế để anh em có thể là con cái của Cha trên trời; vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt và cho mưa xuống trên người công chính lẫn kẻ bất lương” (Mt 5:44-45; x. Lc 6:28-35).

Như vậy, yếu tố sâu xa nhất trong điều răn của Thiên Chúa nhằm bảo vệ sự sống con người là đòi hỏi phải kính trọng và yêu thương mọi người và sự sống của mọi người. Đây là giáo huấn mà Thánh Phaolô tông đồ, lặp lại lời Chúa Giêsu, gửi cho các Kitô hữu ở Rôma: “Các điều răn như: ‘Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn’, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: ‘Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình’. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13:9-10).

Tin mừng sự sống, 41
+ Đức cố GH. Gioan Phaolô II
Giuse Nguyễn Văn Chữ, OP. chuyển ngữ

Trả lời