Mùa Chay với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Thiên Chúa Là Cha Và Là Đấng Tha Thứ
Tình phụ tử của Thiên Chúa không chỉ liên quan tới dân được tuyển chọn, mà còn vươn tới mọi người và vượt quá mối dây hiện hữu với những cha mẹ trần gian. Đây là một bản văn: “Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27:10). “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính sợ Người” (Tv 103:13). “Đức Chúa khiển trách kẻ Người thương, như người cha xử với con yêu quý” (Cn 3:12). Trong các bản văn vừa trích dẫn, rõ ràng có tính chất loại suy về tình phụ tử của Thiên Chúa với Đấng mà lời cầu nguyện hướng tới: “Lạy Đức Chúa là Cha và là Chúa tể đời con, xin đừng để mặc con chiều theo sở thích của môi miệng, đừng để nó làm con vấp ngã… Lạy Đức Chúa là Cha và là Thiên Chúa của đời con, xin đừng để mắt con trâng tráo” (Hc 23:1-4). Cũng một ý tưởng đó, kẽ xấu lại nói “Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù” (Kn 2:18). Đối với Israel cũng như đối với từng cá nhân, tình phụ tử của Thiên Chúa được bộc lộ trong lòng thương xót. Chẳng hạn, chúng ta đã đọc thấy trong sách Giêrêmia: “Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng… Vì đối với Israel, Ta là một người Cha, còn đối với Ta, Ephraim chính là con trưởng” (Gr 31:9). Có nhiều đoạn Cựu ước trình bày lòng từ bi của Thiên Chúa Giao ước. Đây là một vài đoạn: “Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải… Lạy Chúa tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11:23-26). “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31:3).
Trong sách ngôn sứ Isaia, chúng ta gặp thấy những chứng cứ cảm động về sự chăm sóc và yêu thương: “Nhưng Xion nói, ‘Chúa đã bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi’. Người đàn bà có thể quên con mình ư? Nhưng cho dù người đàn bà có quên con mình, Ta cũng sẽ không quên ngươi” (Is 49:14-15; cũng xem 54:10).
[youtube]mPfJPohFkjM[/youtube]
Điều có ý nghĩa trong những đoạn văn của ngôn sứ Isaia, tình phụ tử của Thiên Chúa được trình bày phong phú với những ám chỉ được gợi hứng từ tình mẹ (x. Thiên Chúa giàu lòng thương xót, cước chú 52). Vào lúc viên mãn của thời Mêsia, Chúa Giêsu thường công bố tình phụ tử của Thiên Chúa đối với loài người bằng cách liên kết tình phụ tử ấy với nhiều biểu hiện trong Cựu ước. Như vậy tình phụ tử ấy được diễn tả liên quan đến sự quan phòng của Thiên Chúa đối với thụ tạo, nhất là đối với con người: “Cha trên trời nuôi dưỡng chúng…” (Mc 6: 26; x.Lc 12:24); “Cha trên trời biết anh em cần tất cả những thứ ấy” (Mt 6:23; xLc 12:30). Chúa Giêsu tìm cách làm cho người ta hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa bằng cách trình bày việc người cha đón nhận đứa con hoang đàng là phù hợp với Thiên Chúa (x. Lc 15:11-32); và người khuyến cáo những kẻ nghe lời Người: “Hãy thương xót, như Cha trên trời là Đấng thương xót” (Lc 6:36).
Để kết luận, chúng ta có thể nói, qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa không chỉ “là Cha của Israel, Cha của nhân loại, mà còn là “Cha chúng ta”.