Lời Dâng I (Gitanjali)
Thi hào Rabindranath Tagore là một nhà thơ Bengal, Ấn Độ (1861–1941). Tagore bắt đầu phổ biến thơ của mình từ năm 14 tuổi, tổng số thơ đã phổ biến có hơn 1.000 bài (50 tập thơ).
Ông cũng viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kí, kịch, và khoảng 2000 tranh vẽ và bài hát… Năm 1913, ông được trao Giải Nobel Văn học nhờ tác phẩm Gitanjali (Lời dâng).
Tagore gọi Gandhi là “Mahatma” – linh hồn vĩ đại, và Gandhi gọi Tagore là “Gurudev” – thánh sư.
Xin trích ba đoạn 1, 2, 5 trong “Lời Dâng”, bản dịch: Đỗ Khánh Hoan.
1
Vì vui riêng, người đã làm tôi bất tận.
Thân này thuyền nhỏ mong manh
đã bao lần người tát cạn
rồi lại đổ đầy cuộc sống mát tươi mãi mãi.
Xác này cây sậy khẳng khiu,
người đã mang qua núi, qua đồi,
qua bao thung lũng,
và phả vào trong giai điệu mới mẻ đời đời.
Khi tay người bất tử âu yếm vuốt ve,
tim tôi ngập tràn vui sướng,
thốt nên lời không sao tả xiết.
Tặng vật người ban vô biên vô tận,
nhưng để đón xin,
tôi chỉ có hai tay bé nhỏ vô cùng.
Thời gian lớp lớp đi qua,
người vẫn chưa ngừng đổ rót,
song lòng tôi thì hãy còn vơi.
2
Khi người ban lệnh cất lời ca,
tôi thấy tim mình như rạn nứt, vì hãnh diện khôn cùng;
ngước nhìn mặt người, mắt tôi ướt lệ.
Những gì trong tôi lỗi điệu, đục khàn
biến thành hòa khúc dịu êm
Như chim vui náo nức băng qua biển cả,
lòng tôi đê mê giang cánh bay xa.
Tôi biết lời tôi ca làm người vui thích.
Và tôi biết chỉ khi khoác áo ca công
tôi mới đến trước mặt người.
Lời tôi ca vươn cánh rộng dài bay
đến nhẹ vuốt chân người
bàn chân trước kia nào dám ước mơ chạm tới.
Say nhừ vì nguồn vui ca hát, tôi quên bẵng thân mình;
tôi gọi người là bạn, Thượng Đế của lòng tôi.
5
Xin người rộng lượng phút giây
cho tôi đến ngồi bên cạnh.
Việc đang làm tôi sẽ hoàn tất sau đây.
Xa khuất mặt người,
tim tôi bồn chồn, thao thức,
và việc làm hóa ra nặng nề bất tận
trong bể nhọc nhằn vô biên.
Hôm nay hè đã lại bên song cửa nhà tôi,
mang theo tiếng thở dài cùng lời thì thầm nhè nhẹ;
và trong rừng cây tươi ngập sắc hoa
bầy ong đang nhởn nhơ ca hát.
Lúc này là lúc ngồi im lặng, đối diện với người,
trong trầm tịnh, thảnh thơi tràn trề,
cất lời ca hiến dâng cuộc sống.