Cảm nhận chuyến đi thực tế vào vùng lũ

 

  Vũng Lầy Của Chúng Ta

Cảm nhận chuyến đi thực tế vào vùng lũ

Lm Px. Đào Trung Hiệu OP
Gx. Thổ Hoàng, Hương Khê, Hà Tĩnh (23.10.2010)
 

Cảm nhận chuyến đi thực tế vào vùng lũKhi chọn bài hát “Vũng Lầy Của Chúng Ta” của Lê Uyên Phương làm nhạc nền cho clip hình ảnh chuyến thăm các giáo xứ Thổ Hoàng và Kẻ Vang, tôi muốn ghi nhận lại những cảm nhận sâu sắc vẫn đang còn nóng hổi trong lòng.

Có thể khi viết ca từ của bài hát, tác giả muốn nói đến một trải nghiệm tình yêu riêng lẻ nào đó. Nhưng nếu nhân rộng ra với một tình yêu đại chúng, ta có thể khám phá ra những cảm xúc khá thân quen, lãng mạn và thấm thía.

Chuyến đi thăm của chúng tôi là gì nếu không phải là một biểu hiện của tình yêu ? Tình yêu có chút lãng mạn khi lặn lội qua bùn lầy nước đọng để đến với nhau, đúng là :

Yêu nhau giữa đám rong rêu,
Theo dòng nước cuốn lêu bêu

Clip hình ảnh chuyến thăm Hương Khê
Nhạc nền : Vũng lầy của chúng ta

[youtube]7_lTnheuFUs[/youtube]
 

Ta sống trong vũng lầy…

Vũng lầy ư ? Đúng thế, vũng lầy là hình ảnh ấn tượng, rõ ràng và chính xác.

Khác với mầu xanh tươi của clip hình các thày chủng viện đội mưa đi cứu trợ hôm nào, khi những giọt nước mưa trong trẻo đang tuôn xuống từ trời cao. Còn chiều nay, chúng tôi đang đứng giữa một vũng lầy, một vũng bùn, một vũng sình thực sự.

Được giáo dân cho mượn đôi ủng và bước đi trên lối mòn trơn trượt, ý thức sống trong vũng lầy lại càng rõ nét nơi tôi.

 

Cảm nhận chuyến đi thực tế vào vùng lũ
Bao giờ thì giếng sử dụng lại được !

Mà bùn và lầy ở Thổ Hoàng cũng lạ, bùn không đen cũng không đỏ nhưng lại mầu vàng. Đúng thế, mầu vàng chính là mầu sắc chủ đạo trong toàn bộ clip hình chuyến đi này. Những bờ tường trắng chuyển sang vàng. Từ những bộ bàn ghế đến những khúc gỗ ngổn ngang đều phủ lớp bùn vàng. Những gốc cây thì mầu vàng thẫm hơn. Còn những lá cây tre cây chuối vốn mầu xanh, giờ đây như cũng bàng bạc lớp mạ bụi vàng.

Cũng phải, nói cho sang thì Thổ Hoàng nghĩa là “đất vàng” chứ còn gì nữa. Cái thứ đất vàng pha đất sét ấy, nay sũng nước gọi là bùn lầy, chứ mấy ngày trước, nó đã hòa quyện với lũ, khiến cho biển nước tại nơi đây sóng sánh thứ mầu vàng đục ngầu, thế thì đến khi nước rút, ắt nó sẽ để lại trên tất cả mọi thứ dấu ấn mầu vàng khó phai. À mà đừng vội tưởng đến thứ mầu vàng loại bốn số chín nhé, đây đúng là mầu vàng của lá úa và của lá rụng mùa thu.

 

Cảm nhận chuyến đi thực tế vào vùng lũ
Mầu vàng của những vũng nước đọng

Vậy có cách nào để ra khỏi vũng bùn này không, và đến bao giờ ? Ca từ bài hát tạo cho tôi một cảm giác day dứt khó tả :

Ta sống trong vũng lầy
Một ngày vùi dần, còn vùi sâu,
còn vùi sâu trong ngao ngán
Không dứt hết cơn, cơn ê chề
Không dứt hết một, một lần đau.

Quả lời ca thật buồn nếu không nói là bi quan và não nùng. Vì không chỉ “sống trong vũng lầy” mà còn : “vùi dần, … vùi sâu trong ngao ngán, không dứt hết cơn cơn ê chề…”

Áp dụng trong thực tế xem ra là cũng đúng. Thảm họa của lũ lụt nhiều nơi trên quê hương ta cứ lập đi lập lại từ năm này qua năm khác. Cơn lũ sau có vẻ dữ dằn và tàn phá hơn cơn lũ trước. Chẳng lẽ lại bó tay ? Chẳng lẽ chỉ gồng mình để hứng chịu ? Xem ra ước mơ vượt quá khả năng của chúng ta. Đúng thật là ngao ngán… không dứt, đúng thật là ê chề.

 

Cảm nhận chuyến đi thực tế vào vùng lũ
Chút cảm giác cầu khỉ trên mặt đất

Dĩ nhiên, trước cảnh thương tâm của anh chị em đồng bào, làm sao tim ta không xúc động, lòng ta không thổn thức. Đó chính là động lực để chúng tôi có mặt ở đây hôm nay, cùng với bao tấm lòng chia sẻ. Thế nhưng, hết năm này qua năm khác, có năm đôi ba lần, liệu tình còn nồng mãi hay có lúc sẽ nhạt phai. Liệu tim ta có lúc sẽ trở nên cằn cỗi ?

Đi qua những phố thênh thang,
Đi qua với trái tim khan
Ði qua phố bước lang thang,
Đi qua với trái tim khan.

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, nếu còn sót lại chút tình người, thì vẫn cứ phải sẻ chia. Bởi vì : Khi có tình yêu trong lòng, con người luôn có cái gì đó để trao cho nhau. Mà dẫu cho đó chỉ là tình buồn đi nữa, thì cũng đừng ngại để “theo em xuống phố”, xuống phố trưa nay và xuống phố trưa mai; để cho nhau những mê say, cho nhau cả thơ ngây lẫn chua cay, cho nhau bàn tay thân ái, và cho nhau những bước chân tiến về …

Cho nhau hết những mê say,
Cho nhau hết cả chua cay
Cho nhau chất hết thơ ngây,
Trên cánh môi say, trên những đôi tay,
Trên ngón chân bước về, tình buồn…

Phim tư liệu Hương Khê, Hà Tĩnh ngày bão lũ

 

Vũng Lầy Của Chúng Ta

Một cảm nhận không kém phần sâu sắc về bài hát, đó chính là hai chữ “chúng ta” trong tựa đề. Không thể trốn được trách nhiệm liên đới của chúng ta trong những lúc nguy nan, trách nhiệm giúp nhau ra khỏi vũng lầy, trách nhiệm làm vơi đi những thảm họa, và trách nhiệm lấp đầy những vũng lầy thương đau.

Nhưng còn hơn thế nữa, chúng ta có trách nhiệm gì chăng trong việc tạo nên lũ, tạo nên vũng lầy này. Đã có nhiều bài viết về yếu tố con người trong những cơn lũ. Chính đức giám mục giáo phận Vinh, ngay khi nói đến thiên tai, đã nói đến nhân tai.

Người ta nói đến con đường Quốc lộ được nâng cao ngăn chặn dòng chảy tự nhiên của nước. Người ta nói đến việc khai thác bừa bãi và phá rừng trên cao vốn có tác dụng giữ nước đầu nguồn, hoặc khai thác du lịch, phá hủy rừng phi lao ven biển vốn để chắn gió bão từ biển khơi. Người ta nói đến hiểm họa lơ lửng trên đầu người, khi gần 400 đập thủy điện trải dài suốt miền Trung, ngăn và trữ nước giữa lưng chừng núi. Trong những ngày qua, đập Hố Hô bị nước tràn, đập Khe Mơ bị vỡ, và nhiều đập không thể dùng tay mở cửa xả lũ, vì khi đang lũ thì điện cúp …

 

Cảm nhận chuyến đi thực tế vào vùng lũ

 

Cần phải ai đó chịu trách nhiệm về những nhân tai này. Cần phải làm gì đó ở tầm mức vĩ mô để cứu lấy môi trường sinh thái, để phủ xanh các đồi trọc, để không chọc giận thiên nhiên, và để giảm bớt những thiệt hại không đáng có. Đúng thế, phải làm gì đó để :

Qua đi, qua đi dứt cơn mê
Tình buồn chồng chất lê thê
Qua đi, qua đi dứt cơn say
Tình này tình rồi thay.

Và hôm nay dù “còn nhức mỏi đôi vai”,
Chúng tôi vẫn sẵn sàng : “Theo em bước xuống cơn đau”
Hãy cứ tin tưởng và hy vọng đi, vì : “Bên ngoài nắng đã lên mau”

Để lại một bình luận