Bài giảng của cha Tổng Quyền ngày khai mạc Năm Thánh

 

Bài giảng của cha Tổng Quyền ngày khai mạc Năm ThánhChiều ngày 7-11-2015, Cha Bruno Cadoré, Bề trên Tổng Quyền dòng Đa Minh, đã chủ sự thánh lễ tại Vương cung thánh đường thánh Sabina, nơi có trụ sở trung ương của Dòng, để khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 800 năm thành lập Dòng.

Đồng tế với Cha Tổng Quyền lúc 6 giờ chiều, có gần 100 Linh Mục, trước sự hiện diện của hơn 250 nữ tu thuộc nhiều Hội dòng Đa Minh khác nhau, các tu huynh và một số anh chị em giáo dân Đa Minh.

”Đại diện” cho Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam có cha Vinh Sơn Hà Viễn Lự, Tổng phụ tá Bề Trên Tổng quyền, và 7 anh em Đa Minh Việt Nam khác đang phục vụ hoặc theo học tại Roma. Ngoài ra có 9 nữ tu thuộc các Hội đồng nữ Đa Minh Việt Nam: Bùi Chu, Thánh Tâm, Rosa Lima, Bà Rịa, Monteils và Thái Bình, và Ngũ Phúc.

Bài giảng của cha Tổng Quyền ngày khai mạc Năm Thánh

 Trong bài giảng, Cha Bề trên Tổng Quyền đã nhắc tấm gương cầu nguyện của Thánh Phụ Đa Minh tại Santa Sabina, sứ vụ giảng thuyết như con đường nên thánh của các tu sĩ Đa Minh, với sự từ bỏ mọi ràng buộc, nhưng sẽ được ”gấp trăm ở đời này và đời sau” như Chúa Giêsu đã hứa trong bài Tin Mừng của ngày lễ (Mc 10,28-30).

Anh chị em thân mến,

Thánh Đa Minh thích cầu nguyện trong thinh lặng và trong đêm trường tại nhà thờ này. Sau 800 năm, trong buổi lễ khai mạc Năm Thánh của Dòng, nay chúng ta tụ họp như gia đình Đa Minh, trong cùng Vương cung thánh đường Thánh Sabina này!

Tại đây, trong thinh lặng đêm khuya, Thánh Đa Minh thích nói với Chúa. Như lịch sử kể lại cho chúng ta, Thánh Nhân thích trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Với lòng tín thác, Ngài trông cậy vào Chúa Cha, để Chúa lắng nghe ước nguyện của Ngài được sống lòng thương xót của Chúa. Với cùng niềm tín thác như thế, Thánh Nhân cầu nguyện cho những kẻ có tội, những kẻ mà Chúa Giêsu chuyển cầu cùng Chúa Cha cho họ. Và Thánh Đa Minh luôn cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa, như chúng ta được kể lại, các tu sĩ trẻ nhất mà Thánh Nhân sai đi trên các nẻo đường thế giới để công bố Tin Mừng. Thánh Đa Minh cầu nguyện cho các anh em ấy mà Ngài dẫn bước trên con đường cuộc sống Tin Mừng và tông đồ để trở thành con đường nên thánh của họ, qua việc giảng thuyết, như ĐGH Onorio III đã viết trong Sắc Chỉ phê chuẩn Dòng.

Các môn đệ Chúa Giêsu, chứng kiến những tranh biện giữa Chúa với những người thông luật và biệt phái, đã nói với Người: ”Chúng con đã bỏ mọi sự để theo Thầy”. Cùng với Chúa Giêsu, họ đã sang bên kia sông Giordan và đã chứng kiến cảnh tượng những đối thủ của Chúa tìm cách gài bẫy Người trong cuộc tranh luận về ly dị. Chúa Giêsu đã trả lời bằng lời mời gọi hãy xét thực tại dưới quan điểm của Thiên Chúa, nghĩa là như khi sáng tạo (“họ sẽ trở nên một”). Để học thái độ như thế, điều thiết yếu là phải sẵn sàng như trẻ thơ và đồng ý cởi bỏ những giàu sang của mình. Vậy thì, ai có thể được cứu rỗi thực sự? Ai có thể tiến bước hướng về sự ”thánh thiện”?

Thực vậy, câu trả lời của Chúa Giêsu nhấn mạnh sự kiện cần phải rời bỏ, ra đi, nhưng cũng sẽ nhận được gấp trăm. Cần từ bỏ những ràng buộc gia đình, an ninh và chắc chắn. Cũng cần từ bỏ cả gia sản và sự để lại gia sản ấy. Cần từ bỏ ý tưởng mình thuộc về một gia đình chuyên biệt, và cởi mở đối với xác tín theo đó sự hiệp thông của tất cả mọi người chính là niềm hy vọng của những người muốn theo Chúa Giêsu. Cần rời bỏ và luôn luôn ra đi, đi sang bên kia sông Giordan. Và tại đó, với Chúa Giêsu, niềm hy vọng nơi một thế giới theo cái nhìn của Thiên Chúa, với ơn của Thánh Linh, tạo nên sự hiệp thông giữa con người với nhau. Rời bỏ chính đất nước của mình, để trở thành một dân tộc duy nhất của Thiên Chúa; rời bỏ cha mẹ để trở thành anh chị em với nhau. Rời bỏ những liên hệ riêng, để hy vọng với tất cả mọi người và cho mọi người, trong một niềm cộng đồng hiệp thông đại đồng.

Thực vậy, đó chính là niềm hiệp thông mà Chúa Giêsu Kitô gợi lên khi Người mời gọi hãy chuẩn bị lãnh nhận, sau khi đã rời bỏ. Lãnh nhận gấp trăm lần các anh chị em, cha mẹ, đất đai và nhà cửa.. Lãnh nhận hạnh phúc được thuộc về một gia đình mới, luôn được Chúa Thánh Linh tái tạo. Thuộc về gia đình của những người nam nữ, qua sự ”lắng nghe Lời Chúa và tuân giữ”, họ được sinh ra trong niềm hy vọng, trong sự nóng lòng chờ đợi niềm hiệp thông đại đồng sẽ được thể hiện trong Chúa Giêsu Kitô như Nước Thiên Chúa.

Khi Thánh Đa Minh nhắc lại điều mà Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ đã nói với Ngài để sai các anh em ra đi, tôi thiết nghĩ, Thánh Nhân làm vọng lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với các môn đệ của Chúa. Hãy đi và rao giảng, hãy rời bỏ và lãnh nhận! Vì lý do đó, trong Dòng Đa Minh và trong toàn gia đình Đa Minh, việc giảng thuyết, hay nói một cách tổng quát hơn, sứ vụ loan báo Tin Mừng nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chính là con đường nên thánh, như ĐGH Onorio III đã nói. Thực vậy, khi nhắc lại thư thứ II của thánh Phaolô gửi Timothê (2 Tm 4,2-5), ĐGH ủy cho các tu sĩ Giảng Thuyết sứ vụ rao giảng Tin Mừng để tội lỗi của họ được tha thứ (21-1-1217). Thưa anh chị em, các vị thánh vô danh của gia đình chúng ta mà hôm nay chúng ta kính nhớ, là những người nam nữ, là tu sĩ và giáo dân, đã hiến thân cho cho sứ vụ giảng thuyết (loan báo Tin Mừng), với xác tín rằng khi theo đuổi sứ vụ này, ơn của Thánh Linh Chúa sẽ đồng hóa họ với Chúa Kitô Vị Giảng Thuyết!

Xác tín này đưa họ tới gặp những người khác như là anh chị em của họ, và theo hình ảnh Chúa Con, họ học cách trở thành những người từ bi, những người làm chứng về lòng thương xót của Chúa Cha, đối với tất cả mọi người. Đó là con đường nên thánh của họ. Họ đã rời bỏ tất cả, bước theo Vị Giảng Thuyết đầu tiên, để ra đi với Người và gắn liền vận mạng của mình với những người nam nữ mà họ được sai tới, và qua đó, bước vào ”gia đình mới của họ”. Hãy đi và rao giảng! Điều này không phải chỉ có nghĩa là đi nói với dân chúng. ”Đó là một lời mời gọi tha thiết hãy ra đi để đến với thế giới, các nền văn hóa và kiến thức, noi gương Chúa Giêsu nói với dân của Thiên Chúa và nói về dân của Chúa, để từ con tim thế giới, nảy sinh gia đình các bạn hữu của Chúa Kitô.

Hãy đi và rao giảng, vì Chúa Kitô! Những lời này ”vì Chúa Kitô” chắc chăn có nghĩa là vì gương của Chúa Giêsu Kitô nhà giảng thuyết mà anh chị em muốn theo, học hỏi nơi Chúa cách thức thực sự trở thành những người nam nữ có lòng từ bi mà Ben Sirac vị Khôn Ngoan đã nói (trong bài đọc I). Có lẽ cũng cần giải thích như sau: vì lý do Chúa Kitô là nhà giảng thuyết, như Thánh Tôma đã nói ”Người sống thân mật với loài người để soi sáng cho mọi người lòng tín thác hãy đến cùng Người”. Nhưng theo Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa đi ”qua bên kia sông Giordan”, thành ngữ ”vì Chúa Kitô” chắc chắn gợi lại lời hứa của Chúa Giêsu: họ sẽ nhận được gấp trăm nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con cái và đất đai, và với những cuộc bách hại…”. Con đường công bố Nước Trời, – chuẩn bị cho biến cố rạng ngời là sự sự hiển dung tình hiệp thông giữa loài người với nhau, hiệp thông với Chúa Cha trong cuộc sống vĩnh cửu, – có thể gặp phải sự từ khước và bị bách hại. Thực vậy, sứ vụ loan báo Tin Mừng dẫn đến sự đụng độ với những quyền lực chia rẽ và chết chóc, chúng làm biến thái tình hiệp thông giữa con người với nhau, làm ta nản chí trong việc thực thi khả năng hiệp thông và sự tốt lành của con người, và làm đổi thay khát vọng được mạc khải sự khôn ngoan và chân lý.

Sứ vụ loan báo Tin Mừng được ban cho chúng ta như con đường nên thánh chính là để dạy chúng ta làm cho đời sống theo Tin Mừng và tông đồ của chúng ta trong niềm tín thác được ăn rễ sâu nơi mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.

Hãy đi và rao giảng! Anh chị em thân mến, thường thường, việc khai mạc Năm Thánh được cử hành với nghi thức mở cửa tại một Vương cung thánh đường. Đó là điều chúng ta đã làm đầu buổi lễ này để tất cả cùng nhau tiến vào thánh đường này, nơi Thánh Đa Minh vẫn thích tín thác nơi lòng thương xót của Chúa Cha. Nhưng Năm Thánh của Dòng ngày hôm nay cũng là và phải là ngày qua ngày, được cử hành với việc mở cửa Vương cung thánh đường này để ra ngoài và khởi hành như Thánh Đa Minh đã muốn làm, nhìn nhận nơi Chúa Giêsu vị giảng thuyết đầu tiên và chân thực. Cầm gậy và sách thư thánh Phêrô và Phaolô, đi ra đường để rao giảng Lời Chúa. Và thi hành điều ấy không những bằng sức riêng của chúng ta, nhưng tìm được sức mạnh nơi mầu nhiệm mà chúng ta vui mừng được thấy khắc trên cánh cửa cổ kính của Vương cung thánh đường thánh Sabina này: Chúng tôi rao giảng một Đức Messia chịu đóng đanh và ”những người Do thái bị xúc phạm và đối với những người không Do thái thì đó là những lời vô nghĩa. Nhưng đối với những người được kêu gọi đến ơn cứu độ, dù họ là Do thái hay không, Chúa Kitô là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa Đấng cứu độ họ” (1 Cr 22-25).

Anh chị em thân mến, giờ đây, các cửa Năm Thánh của Dòng đã mở: chúng ta hãy đi, chúng ta được sai đi rao giảng Tin Mừng Bình An! Lời đòi hỏi, là lời kêu gọi và lời hứa sự thánh thiện!

 G. Trần Đức Anh OP chuyển ý

Bài giảng của cha Tổng Quyền ngày khai mạc Năm Thánh

Để lại một bình luận