Ai Cũng Cần Có Ba!

 

 

 

Ai Cũng Cần Có Ba!

Ai Cũng Cần Có Ba!Tôi là con trai duy nhất trong gia đình, cũng là cháu đích tôn của dòng họ. Nhưng điều đó không có nghĩa tôi luôn được yêu thương, cưng chiều. Từ nhỏ, tôi đã phải chứng kiến những cuộc tranh cãi, thậm chí là xô xát giữa hai bên nội – ngoại. Nguyên nhân cũng vì miếng đất mà ông bà nội hứa tặng cho gia đình bên ngoại làm sính lễ nhưng cuối cùng lại để chú út tôi đứng tên.

Nhưng dù hai bên gia đình như nước với lửa, thậm chí có lần tôi nghe dì Hai khuyên mẹ ly hôn, nhưng mẹ nhất quyết không chịu. Mẹ bảo: “Hai cha con thằng Bi có tội tình gì?”. Lúc đó, tôi còn nhỏ nhưng vẫn hiểu ba mẹ rất yêu thương nhau và họ luôn là niềm tự hào trong những bài tập làm văn kể về gia đình hay nhân vật mà tôi ngưỡng mộ nhất.

Song mọi thứ dần thay đổi từ khi tôi học lớp 12. Ba suốt ngày nhậu nhẹt, về khuya. Có lần tôi thoáng thấy mẹ cầm điện thoại của ba đọc tin nhắn rồi bật khóc. Một người đàn bà nào đó luôn xuất hiện trong những cuộc cãi vã của ba mẹ.

Rồi tôi đậu một trường đại học ở TP.HCM, phải đi học xa nhà. Với tôi, đó là cách tốt nhất để khỏi phải thấy cảnh ba mẹ cãi nhau nảy lửa hay phải ngồi cạnh mâm cơm chiều lạnh tanh không ai buồn ăn.

Tôi học năm nhất đại học, mẹ thường xuyên gọi điện thoại cho tôi, những cú điện thoại kéo dài nhưng không có nội dung rõ ràng. Mẹ kể chuyện đàn gà, chuyện nhà cô hàng xóm… nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện gia đình hoặc chỉ qua loa: “Nhà mình vẫn vậy. Con yên tâm”. Còn ba chỉ gọi cho tôi đôi lần rồi im lặng hẳn.

Tôi cũng chẳng muốn nghĩ nhiều. Tôi tự nhủ rằng mình đã có cuộc sống mới, bạn bè mới và cả người yêu nữa. Tôi không muốn trở lại làm một thằng con trai hay mặc cảm, dằn vặt chuyện gia đình. Chuyện của người lớn cứ để người lớn lo. Tôi cắt ngang những cuộc điện thoại của mẹ: “Mẹ ơi con đang bận”, “Con đang học, mẹ đừng gọi nữa”. Thay vào đó, tôi dành thời gian đi chơi với bạn bè, chiều chuộng bạn gái. Với tôi, thoát ly cái gia đình trên đà đổ vỡ ấy khiến tôi cảm thấy dễ thở, vui vẻ hơn.

Mãi đến khi mẹ bảo: “Mẹ không muốn giấu con nữa. Ba đã có người đàn bà khác và đã có con riêng. Ba muốn mẹ ký đơn ly dị”. Nói đến đây, mẹ khóc ngất. Tôi như người ngủ mê bừng tỉnh giấc. Gia đình của tôi – ba của tôi – điểm tựa của tôi đã bị kẻ khác cướp mất. Tôi thật sai lầm khi nghĩ rằng mình không nghĩ, không quan tâm đến gia đình nữa thì sẽ được sống vô tư.

Lúc đó, tôi rất căm giận ba. Ba gọi điện, tôi tắt máy. Ba nhắn tin giải thích, tôi trả lời: “Ông không còn là ba tôi nữa”. Không chỉ mẹ mà cả tôi cũng cảm thấy đang bị phản bội. Ba thà bỏ rơi đứa con trai nuôi dưỡng ngần ấy năm trời để đi làm ba của một đứa trẻ khác.

Nghĩ đến đó, lòng tôi sôi sùng sục. Tôi đón xe về quê, đến tận nhà của ba và người đàn bà kia để đòi lại công bằng cho tôi và mẹ. Nhưng khi nhìn thấy ba loay hoay phụ người đàn bà đó thay tã, đút cháo cho đứa bé trong ngôi nhà xập xệ không bằng 1/10 ngôi nhà mà ba dành cho mẹ con tôi, rồi đứa bé tròn xoe mắt nhìn tôi, tôi thấy chạnh lòng.

Tôi thật sự không muốn chia sẻ ba với bất cứ ai. Nhưng giành lại ba từ đứa trẻ vô tội kia thì thật sự tôi không làm được. Ai cũng cần có ba. Cả tôi và đứa bé kia cũng vậy.

Ba ơi, con sẽ thay ba chăm sóc mẹ. Sẽ không ai thay thế được ba trong lòng con và đứa em cùng cha khác mẹ mới chào đời của con đâu ba!

Thiên Hương ghi theo lời kể của M.T.

 

Trả lời