Cn 15 a : Ra Đi Gieo Giống

 

 

Cn 15 : Ra Đi Gieo Giống
Mt 13:1-23

Lm. Siciliano op
Anh Em Học Viện Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.


Cn 15 a : Ra Đi Gieo GiốngThưa quý vị,

Ngay cả những đứa trẻ thành phố cũng biết một chút về việc hạt giống nảy mầm, sinh trưởng và cho hoa trái như thế nào. Ông của tôi không mua những cây khoai tây, như tôi làm trước để trồng trong vườn của chúng tôi. Thay vì đi mua, ông đã ươm những hạt giống trong những luống ươm. Chúng tôi, con cháu của ông, đã nhìn thấy quá trình cây sinh trưởng và tạo ra những củ khoai tây to lớn mà chúng tôi xắt lát để kẹp vào bánh mì Sandwich, hoặc bà tôi dùng để làm món nước sốt. Thật ngạc nhiên khi một hạt khoai tây mọc thành cây và sinh ra biết bao nhiêu củ. Dĩ nhiên, ông đủ thông minh để không trồng cây non nớt ấy vào nơi sỏi đá, trên đường đi hay nơi khô cằn.

Ông của tôi có lẽ sẽ chế giễu người gieo giống trong dụ ngôn của Đức Giêsu. Ông sẽ nói “quả là phí hạt giống”! Nhưng ông có thể không biết rằng ở Palsetine người ta có thói quen vãi hạt giống trước, rồi mới làm đất lên để “trồng” hạt.  Đức Giêsu đã nói đúng phương pháp, nhưng những nông dân thứ thiệt khi nghe Người giảng thế sẽ chế giễu cái kiểu mô tả cánh đồng của Người, “hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, ba chục”. Họ sẽ nói “không thể nào, may mắn nhất cũng chỉ có thể thu được gấp mười sáu hay mười tám lần thôi”. Dĩ nhiên họ nói đúng. Nhưng Đức Giêsu không nhằm dạy họ về nông nghiệp, Người giảng dạy về cánh đồng lạ lùng mà Lời Chúa sản sinh.

Chắc chắn có sự cẩu thả nào đó trong dụ ngôn – hạt được gieo vãi lung tung, hỗ này chỗ nọ. Nhưng hình ảnh những cánh đồng cho thấy rằng có một sức mạnh khác trong việc này khi người ta chăm chú lắng nghe Lời Chúa – như chúng ta đang làm trong Thánh lễ hôm nay. Có vẻ như đó là việc bình thường, Lời được đọc lên và mọi người lắng nghe – bình thường như  hạt giống được vãi vào đất tốt. Nhưng Phép rửa, với ân huệ của Thánh Thần, mở đôi tai chúng ta và chuẩn bị đất để nghe Lời Chúa. Hôm nay, chúng ta lắng nghe với niềm hy vọng rằng chính Thánh Thần ấy cũng giúp sản sinh ra gấp trăm trong cuộc đời chúng ta; hoa trái ấy cũng mang hình dáng của những gì truyền thống chúng ta goi tên những ân sủng của Thánh Thần: khôn ngoan, thông hiểu, lo liệu, can đảm, hiểu biết, và kính sợ Chúa.

Và rồi, như người lắng nghe Lời Chúa và đón nhận ân huệ của Thánh Thần, chúng ta phải chất vấn chính mình: hiện nay tôi là hạt giống như thế nào mà Chúa đang gieo vào thế giới? Nơi nào trong cuộc sống hằng ngày tôi được mời gọi để rao giảng Lời Chúa? Những thắc mắc này không chỉ dành riêng cho những linh mục giảng thuyết hay các “thừa tác viên chính thức” khác. Tất cả mọi Kitô hữu đều là những thửa đất màu mỡ mà hạt giống đã được gieo vào và giờ đây, đến phiên chúng ta trở thành những kẻ đi gieo giống.

Đó là về việc gieo giống. Chúng ta gieo Lời vào thế giới như thế nào và nó sinh hoa kết quả ra sao? Đó là những lời như: “Tôi tha thứ cho anh”. “Tôi sẽ ở đó khi anh cần đến tôi”. “Xin mời”. Những lời này phát xuất từ nơi Đức Giêsu, Lời Chúa trọn vẹn cho chúng ta. Người dạy chúng ta nói những lời đó bằng hành động và qua đời sống của Người. Người nói lời mời gọi với những kẻ ở bên ngoài; lời chữa lành cho những ai bệnh tật; lời thứ tha cho những tội nhân; lời đón nhận với những ai nhỏ bé; lời hy vọng cho những ai chán nản, …

Chúng ta có thể bắt chước dụ ngôn và bắt đầu với những mẻ gieo hạt nho nhỏ. Chúng ta cố gắng giữ cho đôi mắt và đôi tai luôn mở để đợi những cơ may, dù rõ ràng hay mơ hồ, để giảng Lời cho những ai hiếu kỳ, người kiệt sức, kẻ thất vọng, nghi ngại hay đang tìm kiếm. Ai biết được thành quả của việc gieo giống như thế sẽ ra thế nào? Nhưng chẳng phải thành quả thì không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta đó sao? Chúng ta là những kẻ đi gieo, chờ đợi và mong ngóng một kết quả ngạc nhiên.

Đức Giêsu là hoàn tất của lời tiên báo của Isaia; Người là Lời phát xuất từ miệng Đức Chúa và không trở lại nếu không sinh kết quả. Như Isaia đã hứa, Đức Giêsu hoàn tất những gì Thiên Chúa sai phái Người đến thực hiện. Lời Người nói đã gieo vào lòng chúng ta khi tập trung nơi đây để cầu xin khẩn nguyện. Trong cộng đoàn này,chúng ta nghe được lời hy vọng, tha thứ, yêu thương, đón nhận.

Với những lời đã gieo vào lòng chúng ta, giờ đây chúng ta sẵn sàng ra đi nói lại lời ấy cho thế giới. Khi những lời ấy được đón nhận, chúng sẽ tiếp tục sinh hoa trái; khi chúng rơi vào mảnh đất chống đối, chúng sẽ héo úa. Nhưng sự chống đối không ngăn chúng ta tiếp tục cố gắng thực hiện lại, ghi nhớ mong ước lạc quan của Đức Giêsu về kết quả “gấp trăm, sáu mươi và ba mươi”. Chúng ta đã đón nhận Lời Chúa vào cuộc sống của chúng ta, và đã nhào nắn cuộc đời mình theo lời ấy. Như những gì Đức Giêsu bắt đầu trong cuộc đời mình, chúng ta được tạo nên bởi Lời và được soi sáng bởi Thánh Thần, hy vọng lời ấy hiện thân trong cuộc đời chúng ta.

Tôi không biết có vị giảng thuyết nào mà chưa từng mở bài trích sách Isaia hôm nay ít hơn một lần trong đời mình.  Tôi không thể nhớ anh chị em Đaminh chúng ta đã sử dụng đoạn văn này bao nhiêu lần trong những tham chiếu và những buổi cầu nguyện của mình. Và tôi chắc rằng, chúng ta không phải là những người duy nhất thấy thư thái trong viễn cảnh tiên báo về hoa trái của Lời Chúa. Giáo lý viên, những người điều động trong những nhóm chia sẻ Kinh Thánh, những người cầu nguyện, đọc sách thánh cho bệnh nhân và những người hấp hối… cũng đều nhận được sự an ủi từ sự đảm bảo của ngôn sứ.

Cha mẹ, ông bà những người nói với con cháu mình về việc “đi nhà thờ” cần xác tín rằng đức tin của chúng cần được khởi hứng bởi Lời Chúa hơn là chỉ do ép buộc của ông bà, cha mẹ. Lời Chúa không trở về tay không. Lời đó đã cấy vào bên trong chúng ta, và ai có thể biết được bằng cách nào những lời ấy nảy mầm nơi những người chúng ta đã dùng Lời ấy chạm đến ? Chúng ta có thể không thấy kết quả tức thì, những người nông dân mà Đức Giêsu đang nói với họ cũng thế. Nhưng chính niềm tin là lý do khiến chúng ta gieo trồng và hy vọng sẽ có mùa gặt “gấp trăm, sáu mươi và ba mươi”.

 

Để lại một bình luận