Tha thứ – cách trả thù ngọt ngào
Có bao giờ bạn bị một ai đó xúc phạm, gây tổn thương đến độ khiến cho bạn phải đau buồn khổ sở? Có bao giờ bạn bị một ai đó có những cử chỉ khiếm nhã khiến cho bạn không thể nào tha thứ?
Vâng, sống trên đời này, ai trong chúng ta lại không từng bị người khác xúc phạm, gây tổn hại vật chất lẫn tinh thần, bằng cách này hay cách khác.
Phản ứng tự nhiên của chúng ta là tức giận, đôi khi oán hận. Chúng ta có muôn vàn lý do chính đáng để trả đũa, để báo thù, để “ăn miếng trả miếng” với những kẻ đã gây tổn hại cho chúng ta. Và điều hiển nhiên là, khi sự tổn hại đó gây cho chúng ta sự mất mát quá lớn, chúng ta có nhiều lý do hơn nữa để trì hoãn sự tha thứ, chúng ta có nhiều lý do hơn nữa để trả thù.
Nói tới sự trả thù, có thể nói rằng, nó đã có từ ngàn xưa. Nó đã ẩn nấp trong từng thớ thịt, trong từng con tim của con người. Có người đã có thể “ghim” mối thù cả chục năm và khi có cơ hội thì sẽ ra tay.
Trải qua chiều dài lịch sử con người, chúng ta đã nghe nói rất nhiều về hình thức trả thù. Một trong những hình thức xem ra có vẻ hợp lý, đó là luật của người Do Thái “mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (x.Xh 21, 23-24).
So với thời đó, giữa lúc con người với con người thường sử dụng “luật rừng” với nhau, thì đạo luật đó, có thể nói, là một sự tiến bộ.
Thế nhưng, với thời đại ngày nay, nó vẫn chưa phải là sự lựa chọn tốt nhất. Mahatma Gandhi có nói “An eye for an eye only ends up making the whole world blind – (Ăn miếng trả miếng) chỉ khiến cả thế giới mù thôi”. Và ông ta nói thêm rằng “Sẽ không thể sống được nếu thiếu sự tha thứ. Tha thứ cần thiết cho con người như khí trời”.
Về điều này, Kinh Thánh cũng có nói: “Đừng giữ lòng thù ghét anh em… Đừng tìm báo oán…” (Lv 19, 17-18)
**
Đối với Đức Giê-su, Ngài cũng không chấp nhận sự trả thù, báo oán. Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã đưa ra nhiều lời giáo huấn nói về sự trả thù và sự tha thứ.
Trái với những lời dạy dỗ của người xưa có tính tiêu cực, những lời giáo huấn của Đức Giêsu luôn mang chiều hướng tích cực, đầy tình yêu thương và lòng bao dung.
Luật người xưa dạy rằng: “Chớ giết người, ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa”. Với lời giáo huấn của Đức Giêsu, chỉ cần “giận anh em mình…” cũng đủ để đưa ra tòa rồi.
Đối với luật báo thù, người xưa dạy rằng: “mắt đền mắt, răng đền răng”. Với Đức Giê-su, Ngài đã khẳng khái nói trước công chúng rằng: “Đừng chống cự kẻ ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ má bên trái ra nữa”.
Tình yêu, lòng bao dung và sự tha thứ chính là một thứ giáo lý mới, một lề luật mới. Một lề luật với tên gọi mới: “luật mặc dù”…
Nếu luật xưa dạy rằng: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”… Trái lại, với Đức Giê-su, quan niệm của Ngài là: “mặc dù” ai đó không phải là người lân cận của ta… ta vẫn cứ phải biểu lộ tình yêu thương đối với họ. Bởi vì luật của Ngài không phải là luật: “có qua có lại mới toại lòng nhau”.
Vì thế, Đức Giê-su đã dạy rằng: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44)
***
“Hãy yêu kẻ thù”. Vâng, đừng nghĩ rằng, khi thực thi những lời khuyên dạy của Đức Giê-su chúng ta trở thành những kẻ nhát đảm, sợ hãi, yếu nhược. Trái lại, khi hoàn thiện lời khuyên này, chúng ta trở nên những người có sự can đảm, những kẻ chiến thắng, trước hết là chiến thắng chính mình. Và sau là chúng ta chiến thắng “thói đời”, nơi luôn tạo ra sự mua thù chuốc oán.
Một khi chiến thắng sự thù oán, chúng ta đã thực hiện được đức ái. Mà như thánh Phaolô đã nói: “Đức ái thì nhẫn nhục… không nóng giận, không nuôi hận thù… ”(1Cor 13, 4-7).
Không nuôi hận thù chính là chất xúc tác làm cho quên đi hận thù.
Thật vậy, một khi quên đi hận thù… Vâng, chắc hẳn rằng; chẳng ai còn cần thiết đến gặp kẻ thù để đòi cho được “mắt đền mắt, răng đền răng”… Một khi đã quên đi hận thù, sẽ được ích gì khi đòi “mạng đền mạng”.
“Hãy yêu kẻ thù”. Khi truyền dạy điều này, hẳn nhiên Đức Giêsu không hoan nghinh tội ác mà kẻ thù đã gây ra. Yêu-kẻ-thù không có nghĩa là “phớt lờ” trước bất công do kẻ thù gây ra. Lại càng không thể im lặng khiếp nhược trước bạo lực của kẻ thù.
Về điểm này, Đức Giê-su đã chứng tỏ bản lĩnh của mình trước dinh thượng hội đồng, nơi Ngài bị quân dữ dẫn đến để hài tội Ngài.
Hôm đó, khi bị “một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Ngài”, Ngài đã không đưa tiếp má bên kia, như Ngài từng dạy bảo. Ngược lại, Đức Giê-su đã lớn tiếng đáp trả lại bạo lực bằng một câu hỏi khiến cho cả thượng hội đồng phải câm lặng, câu hỏi rằng: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi” (Ga 18,23).
****
“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Lời truyền dạy này phải chăng cũng là lời truyền dạy cho mỗi Kitô hữu chúng ta hôm nay!?
Thưa, đúng vậy. Đã là một Kitô hữu, chúng ta phải thực thi lời truyền dạy này. Có như vậy, Đức Giêsu nói : “Anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời”.(Mt 5,45).
Không dừng ở đó, Đức Giê-su còn đem ra một sự so sánh, mà hôm nay, chúng ta cần suy nghĩ. Vâng, hôm đó, Đức Giê-su nói rằng: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi?… Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (x.Mt 5, 46-47)
*****
Có quá khó để mà thực thi lời truyền dạy này? Thưa, có. Không chỉ khó, mà là quá khó đi chứ! Thế nhưng, chính vì “quá khó” cho nên, nếu thực hiện được, chúng ta mới xứng danh là một Ki-tô hữu “hoàn thiện”, đúng như lời Đức Giê-su đã khuyên dạy, rằng: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (x.Mt 5, 48)
Thì đây, cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn-Văn-Thuận chính là tấm gương mẫu mực cho sự hoàn thiện, sự hoàn thiện mà Chúa Giê-su đã đòi hỏi.
Chuyện kể rằng, khi ở trong ngục tù, ngài đã nói với những người giam giữ mình, rằng: “Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Kitô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù.”
Kết quả cho việc “yêu kẻ thù” của cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn-Văn-Thuận, đó là việc ông Nguyễn Hoàng Đức, trước đây vốn là nhân viên nhà nước phục vụ trong phòng tôn giáo của Bộ Công an, sau khi được gửi đến học tiếng Pháp với đức cha Thuận, trong thời gian ngài bị quản chế, thì chính trong thời gian sống gần Đức Cha Thuận, anh ta đã chịu ảnh hưởng sâu xa về lòng nhân ái, tinh thần đạo đức và thánh thiện của ngài, cộng với việc anh ta được mặc khải trong một giấc mơ là anh đi nhà thờ và được rửa tội, anh ta đã theo đạo.
Và sau khi thực sự nhận bí tích Thánh Tẩy, anh viết bài “Con Đường Đức Tin Qua Cây Cầu Francisco Savie Nguyễn Văn Thuận”. Bài này được dịch ra nhiều ngôn ngữ và đã trở thành chứng từ về Phép Lạ Đức Tin trong tiến trình điều tra phong Thánh cho cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.
Còn… còn rất nhiều tấm gương mẫu mực cho sự hoàn thiện mà Chúa Giê-su đã đòi hỏi. Corrie Ten Boom là một ví dụ điển hình. Thời đệ nhị thế chiến, Corrie Ten Boom và em gái của bà là Betsie đã bị lính Đức bắt vì tội che dấu những người Do thái. Hai người đã bị đưa đến trại tập trung của Đức quốc xã. Với sự hành hạ dã man, Betsie em bà đã chết thật đau đớn và tàn nhẫn…
Bà Corrie sống sót trở về. Năm 1947, bà chia sẻ đức tin của mình trong một nhà thờ ở Munich. Bà nói về ơn tha tội mà Thiên Chúa đã ban cho bà. Bà nói về việc mình tha thứ cho người khác.
Ngay sau đó, một trong số những người đã nghe bà chia sẻ, tìm đến gặp bà. Bà Corrie thảng thốt nhận ra người đó chính là một trong những tên lính Đức đã hành hạ bà và người em gái Betsie.
Anh ta chạy lại thưa với bà: Tôi đã trở thành Kitô hữu, đã nhận biết tội lỗi của mình. Anh ta liền quì xuống dang rộng hai tay xin bà tha thứ. Lúc đó, tâm hồn bà Corrie đã phải chiến đấu mãnh liệt với những cảm xúc giữa lòng hận thù và sự tha thứ, giữa những căm phẫn trong lòng và những lời dạy của Đức Giêsu: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5, 44)
Có lẽ suốt cuộc đời, chưa bao giờ bà phải đối diện với một tình huống khó xử đến thế! Nhưng Corrie nhớ lại lời Đức Giêsu “Nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình…”(Mt 18,…35).
Bà biết mình phải tha thứ. Bà lặng lẽ cầu nguyện: “Lạy Chúa! Xin giúp con. Không có tình yêu Chúa, con không thể thực hiện sự tha thứ này.” Chuyện được kể tiếp rằng: Rồi bà dơ tay đỡ kẻ thù đứng dậy. (nguồn: internet)
******
Không tha thứ, như lời cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”. Không tha thứ! Vâng. Sẽ thật ngượng ngùng mỗi khi chúng ta nguyện rằng “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12).
Đừng quên, Kinh Thánh có chép rằng: “Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly”(Hc 28, 1)
Chính vì thế, nếu hôm nay, chúng ta có một mối thù nào cần trả thù, đừng… đừng học cách trả thù như cách những người xưa đã làm, đại loại như “tru di tam tộc, tru di cửu tộc” mà ngày nay, chúng ta được nghe với tên gọi “lý lịch ba đời”, một cách trả thù mọi rợ.
Nếu… nếu cần trả thù, hãy học cách trả thù của Chúa Giê-su, đó là, ngước mắt lên trời và nói một lời nói duy nhất: “Lạy Cha, xin tha cho họ”. Vâng, đó chính là “cách trả thù ngọt ngào” nhất.
Petrus.tran