Mấy hôm nay lang thang trên mạng, tình cờ thấy có hai bài thánh ca cùng một tựa đề, tựa đề là “Có Chúa là có tất cả”. Một bài ghi: sáng tác Hùng Cường. Một bài ghi: sáng tác Sr. Tê-rê-xa.
Về sáng tác của Hùng Cường, tác giả viết lên những lời mời gọi, mời gọi mọi người hãy đặt cuộc đời mình vào tình yêu của Thiên Chúa. Ca sĩ Lệ Thu, không phải Lệ Thu của thập niên 60-70, nổi danh với ca khúc “mùa thu chết”, nay đã “về với mùa thu”, nói theo cách nói của nhà đạo, cô Cecilia Bùi Thị Oanh (tên cô Lệ Thu) đã về với Chúa ngày 15/01/2021 tại Hoa Kỳ.
Vâng, cô Lệ Thu (mới), với giọng ca thật ấm áp, đã làm cho khán thính giả ấm lòng về một Thiên-Chúa-là- tình-yêu: “Có một người tình đã hiến thân mình chịu chết vì yêu. Có một người tình treo trên Thánh Giá, vì yêu nhân loại. Người đó, chính là Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người chịu chết vì yêu. ĐK: Con xin thành tâm tri ân tình Chúa. Ngài yêu con không bờ không bến… Vì có Chúa là có tất cả! Bên Ngài con no thỏa bình an.”
Còn với sáng tác của Sr. Tê-rê-xa thì sao, nhỉ! Thưa, tác giả đã làm cho mọi người khi nghe, sẽ nhận thức được rẳng: đâu là hạnh phúc, đâu là cứu cánh của đời mình. Vâng, Mỹ Kiều, một cô ca sĩ “nhí” đã trình bày với giọng ca nức nở và đơn sơ: “Chúa thật là tất cả, là cứu cánh của con, là lẽ sống của con, là đường đưa con bước. Chúa thật là tất cả, tình yêu Chúa trao ban, làm no thỏa tâm can, lòng con luôn hoan lạc…ĐK: Có Chúa là có tất cả, là hạnh phúc viên mãn đời ta, là mùa xuân thắm tươi ngàn hoa, là tình yêu mãi luôn đậm đà.” Nếu có thời gian, quý vị vào YouTube, nghe hai bài thánh ca này, nhé!
Vâng, có thật… có thật có-Chúa-là-có-tất-cả? Bên-Ngài-con-no-thỏa? Có-Chúa-là-có-tất-cả? Là-hạnh-phúc? Là-mùa-xuân-thắm-tươi? Là-tình-yêu-mãi-luôn-đậm-đà?
Thưa, đúng vậy. Hơn hai ngàn năm xa trước đó, có một đôi bạn “ở Cana miền Ga-li-lê” tổ chức tiệc cưới. Bữa tiệc hôm đó “có Chúa” có Chúa Giê-su tham dự, và đôi tân hôn có những giờ phút được “bên Ngài”, thật đúng như lời bài thánh ca, đám cưới của họ thực là mùa xuân thắm tươi, là ngàn hoa hạnh phúc, là tình yêu đậm đà. Và… và thực khách thì “no thỏa tâm can”. Thánh Gio-an, người hân hạnh được tham dự bữa tiệc đó, đã ghi lại trong sách Tin Mừng của mình bữa tiệc cưới này, với tiêu đề: “Tiệc cưới Cana”.
Vâng, sự kiện này được thánh Gio-an ghi lại như sau: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Ga-li-lê.” (x.Ga 2, 1) “Ga-li-lê nhắc ta nhớ ngày xưa. Ngày Chúa ta sống thân phận chúng ta”. Lm. Thành Tâm đã phổ một bài thánh ca có những lời lẽ như thế.
Mà, đúng vậy. Thánh Giu-se, sau những ngày tháng sống “tị nạn” bên Ai Cập, ngài đã về lại Israel. Về Israel, thánh Giu-se “đã lui về miền Ga-li-lê và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét” (Mt 2, 22)
Vì ở Ga-li-lê, thế nên gia đình của Đức Giê-su được mời dự tiệc cưới. Vâng, thánh Gio-an đã kể rằng: “Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự”.
Hôm ấy, mười hai ông môn đệ chắc hẳn ngồi vây quanh Đức Giê-su. Còn Đức Maria! Phải chăng, vì là phụ nữ nên Mẹ đã nhập vào nhóm phụ bếp! (Đã có lúc người viết nghĩ như thế. Nghĩ như thế, vì phụ bếp dễ quan sát cái gì còn, cái gì thiếu. Mẹ chẳng phải là người phát giác ra việc thiếu rượu, đó sao!.)
Vâng, Tin Mừng thánh Gio-an ghi rằng: “Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: Họ hết rượu rồi”.
Hết rượu! Nếu là chúng ta, chúng ta sẽ nói gì, làm gì? Phải chăng chúng ta sẽ hỏi gia chủ rằng: Ông đãi mấy “tăng” rồi! Sao tiệc chưa tàn mà đã hết rượu! Hay, chúng ta sẽ “móc” iphone ra, gọi tới lò rượu ông ABCD nào đó, kêu đem ngay đến nhà đám chục can rượu! Vâng, chỉ là lời bàn kiểu Mao Tôn Cương cho vui thôi! Sorry nha! Đức Giê-su, hôm ấy, đã trả lời rằng: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.”
Có một số người “ghét” Công Giáo cho rằng Đức Giê-su nói như thế là nói hỗn. Bậy nà! Suy nghĩ như thế là lối suy nghĩ thiếu hiểu biết.
Theo “Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ”, thì lời Đức Giê-su nói đã được quý ngài giải thích như sau: “Thưa bà: Đức Maria sẽ là Mẹ các tín hữu. Can gì đến: lối nói sê-mít để tỏ thái độ không muốn can thiệp.” (nguồn: sách Kinh Thánh Tân Ước trang 824)
Vậy đó! Chẳng có gì gọi là hỗn. Người Mỹ, người Quảng Đông nói chuyện với cha mẹ mình “I & You… Ngộ & Nị” gọi họ là hỗn sao! Đức Giê-su không nói hỗn. Ngài “chưa” muốn can thiệp vì như Ngài nói “Giờ của tôi chưa đến”. Khi “giờ đến” Đức Giê-su sẽ can thiệp.
Và đây, “Giờ” của Đức Giê-su đã đến, sau khi “Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (x.Ga 2, 5)
Vâng, chúng ta cùng nghe thánh Gio-an tường thuật sự can thiệp của Đức Giê-su: “Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít. Đức Giê-su bảo họ: ‘Các anh đổ đầy nước vào chum đi’. Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: ‘Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc’. Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết).” (Ga 2, 6-9)
Ông quản tiệc không-biết-rượu-từ-đâu-ra. Thánh Gio-an kể tiếp: “Ông mới gọi tân lang lại và nói: ‘Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà say mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến bây giờ”.
Không thấy “tân lang” giải thích gì cả. Nếu là chúng ta, chúng ta sẽ giải thích làm sao? Phải chăng, chúng ta sẽ nói với ông quản tiệc: “Bố ơi! đừng đứng đó mà lầu bầu nữa. Thực khách đang chờ rượu kìa!”
Thực khách chắc chắn là chờ rượu. Và khi uống, họ sẽ ngạc nhiên như ông quản tiệc đã ngạc nhiên. Ngạc nhiên trước “dấu lạ” vô tiền khoáng hậu này.
Đây là một sự kiện có thật. Sự thật là “Có Chúa là có tất cả”. Thánh Gio-an là nhân chứng và ngài đã khẳng định: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người.” Qua dấu lạ Đức Giê-su làm, thánh Gio-an cho biết, “Các môn đệ đã tin vào Người”.
Hôm nay, nghe lại câu chuyện này, câu chuyện “Tiệc cưới Cana”, chúng ta cũng “tin vào Người” chứ! Mà, cớ gì chúng ta không tin, khi chúng ta đã là một Ki-tô hữu!
Vâng, nếu đã tin… nếu đã tin… chúng ta có “mời” Đức Giê-su, mời cả “thân mẫu Đức Giê-su” đến thăm viếng, đến cư ngụ trong gia đình của chúng ta? Một cách riêng tư, chúng ta có mời Đức Giê-su, mời thân mẫu Ngài cư ngụ trong tâm hồn chúng ta?
Đôi tân hôn ở Cana miền Ga-li-lê, có phần chắc, chưa phải là Ki-tô hữu, thế mà, thân mẫu Đức Giê-su đã ngỏ lời với Ngài về nan đề mà đôi tân hôn đang gặp phải, và Đức Giê-su đã hóa giải nan đề cho đôi tân hôn.
Với chúng ta, đã là một Ki-tô hữu, là môn đệ của Đức Giê-su, có lẽ nào thân mẫu Ngài không ngỏ lời với Ngài khi gia đình chúng ta, cá nhân chúng ta, gặp phải một vấn đề nan giải nào đó! Có lẽ nào Đức Giê-su không “làm dấu lạ” để hóa giải những vấn đề nan giải của chúng ta!
Đức Maria, như chúng ta được biết, đã được Đức Giáo Hoàng Pio IX tuyên xưng là “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”. Thế nên, đừng chần chừ gì nữa, hãy tìm đến Mẹ, “đưa thiệp mời Mẹ”, mời Mẹ thăm viếng gia đình chúng ta, mời Mẹ cư ngụ trong tâm hồn chúng ta.
Hôm nay, chúng ta có quá nhiều nan đề (quá nhiều không thể liệt kê ở đây) cần đến sự “Cứu Giúp” của Đức Maria. Chúng ta cần Mẹ “giúp” nói với con mình, rằng: “Giê-su ơi! đại dịch Covid 19 đã làm cho con cái của Mẹ ‘thiếu’ đủ thứ. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tình yêu thương”. Rằng: “Giê-su ơi! Lợi dụng đại dịch, con cái của Mẹ đang trở thành ‘tấm thớt’ để một số kẻ thiếu lương thiện tha hồ chặt chém.” v.v… và v.v…
Trong bữa-tiệc-cuộc-đời mỗi chúng ta, có phần chắc, nhiều thiếu thốn đang bủa vây chúng ta. Hãy tìm đến Mẹ, khấn nguyện Mẹ cứu giúp, khấn nguyện rằng: “Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin che chở mọi kẻ thuộc về con, ban ơn phù hộ cho Đức Thánh Cha, cho Hội Thánh, cho nước con, cho gia đình con, cho kẻ thân nghĩa, kẻ thù nghịch và hết kẻ khốn khó, sau hết cho các linh hồn trong luyện ngục.”
Với Đức Giê-su ư! Vâng, nằm mơ chúng ta cũng chẳng có cơ hội “đưa thiệp mời” Ngài. Tại sao? Thưa, là bởi, Ngài đã đứng bên ngoài ngôi nhà của mỗi chúng ta. Ngài đứng và nói: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (x.Kh 2, 20)
Xưa, đôi tân hôn ở Cana miền Ga-li-lê đã “dùng bữa” với Đức Giê-su, và Đức Giê-su đã “dùng bữa” với đôi tân hôn. Kết qua là “Đức Giê-su đã làm dấu lạ.” Ngài đã làm dấu lạ hóa giải những nan đề “suýt” làm cho đôi tân hôn mất mặt với thực khách, mắc cỡ với bà con lối xóm.
(Phong tục của người Do Thái, hết rượu trong tiệc cưới là một điềm gở, đôi tân hôn chắc chắn sẽ mất mặt với hàng xóm, láng giềng. Dưới lăng kiếng thần học, hết rượu trong tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói ngay cả Giavê Thiên Chúa cũng không chúc lành cho đôi tân hôn.)
Với chúng ta hôm nay, chắc hẳn ai cũng có rất nhiều vấn đề nan giải, những nan giải đè nặng lên thể xác lẫn tâm hồn của mỗi chúng ta.
Nếu có, hãy mở cửa, cánh cửa ngôi nhà gỗ đá, cũng như cánh cửa ngôi nhà tâm hồn của mỗi chúng ta. Mời Giê-su vào “dùng bữa”. Ngài sẽ vào như lời Ngài đã hứa “sẽ dùng bữa với người ấy”.
Vào dùng bữa với chúng ta, Đức Giê-su không đi với hai bàn tay trắng. Ngài sẽ mang đến cho chúng ta sự bình an, niềm hoan lạc, sự hy vọng và tình yêu thương. Đức Giê-su đã chẳng từng chúc lành: “Bình an cho anh em”. Và rằng: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, đó sao!
Chưa hết… còn nữa. Đức Giê-su còn ban tặng cho chúng ta một chiếc bánh, đó là chính thân xác Ngài, điều đã được Ngài công bố trước các người môn đệ của mình, trong bữa tiệc, (lại là bữa tiệc), bữa tiệc ly, rằng: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (x.Mt 26, 26)
Đó là một chiếc bánh, một chiếc bánh không thể thiếu trong “bữa tiệc cuộc đời” của mỗi chúng ta. Bởi vì chiếc bánh này, Đức Giê-su nói: “Ai ăn… sẽ được sống muôn đời” (x.Ga 6, 58)
Chỉ cần một cử động “mở cửa”, cánh của tâm hồn của chúng ta, với một lời nguyện cầu: “Lạy Chúa con chẳng đáng”. Đó chính là sự khởi đầu cho việc “Có Chúa – Bên Chúa” trong bữa tiệc cuộc đời của mỗi chúng ta.
Chúng ta cùng nghe lại đoạn ĐK của tác giả Hùng Cường nhé: “Có Chúa là có tất cả! Bên Ngài con no thỏa bình an.” Có Chúa – Bên Ngài… tại sao lại không, nhỉ!
Petrus.tran