CN 28 B: Hãy đến theo Tôi

 

Hãy đến theo Tôi

Lm. Jude Siciliano, OP.

(Học viện Đaminh chuyển ngữ)

 

Kính thưa quý vị,

CN 28 B: Hãy đến theo TôiCó ai sống tốt hơn người giàu trong Tin mừng hôm nay không? Xét theo tiêu chuẩn trần gian (và cả tiêu chuẩn của chúng ta nữa), anh ta có lẽ phải được xem như vị thánh. “Anh ta có nhiều của cải”. Trong thế giới sống bằng nông nghiệp ấy, hầu hết mọi người làm chỉ đủ ăn. Anh ta lại chẳng phải bận tâm lo lắng, như những người hàng xóm, làm lụng vất vả để nuôi gia đình, chăm con đau bệnh, hay phụng dưỡng mẹ già. Không, người giàu có không có những nỗi bận tâm đó, vì “anh có nhiều của cải”.

Hơn nữa, anh ra như còn thánh thiện trước mắt Thiên Chúa, vì anh là người tốt. Trước hàng loạt những giới răn mà Đức Giêsu liệt kê ra, anh trả lời, “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Những người hàng xóm có lẽ cũng phải công nhận: “Anh ấy là người lương thiện, và Thiên Chúa chúc lành cho anh, nên anh mới được giàu có”. Lòng tin nói chung, thậm chí cả những người đạo đức, được giàu có, mạnh mẽ và có địa vị là dấu cho thấy một người được Thiên Chúa yêu vì. Ngược lại, nghèo khó là dấu hiệu cho thấy bị Thiên Chúa ruồng bỏ hay giáng phạt.

Những kẻ thán phục anh thanh niên giàu có trên cũng chẳng nghĩ khác những gì chúng ta nghĩ về các ơn lành Thiên Chúa ban đó sao? Nếu một người được giàu có và khỏe mạnh, chúng ta nói rằng họ thật có phúc. Người thất nghiệp thì sao – có phải họ không được Thiên Chúa chúc lành? Đức Giêsu có những tiêu chuẩn khác về việc làm thế nào để được hưởng phúc lành của Chúa. Người yêu cầu người thanh niên từ bỏ những bảo đảm vật chất, những thứ là bằng chứng cho thấy anh sống đúng đắn trước mặt Thiên Chúa, được “chúc lành”. “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo…”

Người thanh niên mở đầu câu chuyện với Đức Giêsu bằng cách gọi Người là “Thưa Thầy nhân lành”. Đức Giêsu đã tránh lời khen ngợi đó. Phải chăng Người đã nhận ra thiếu sự chân thành trong lời chào ấy? Hay lại có người muốn thử Người nữa chăng? Có phải đó chỉ là phép lịch sự? Hay, có thể Đức Giêsu tiên liệu được những hệ lụy theo sau – Người thấy các môn đệ của mình đang hướng theo những bon chen vật chất, muốn được chào hỏi trang trọng, hay cố sống như những người nhiệt thành hoặc chỉ tuân giữ luật Dothái

Tất cả những giáo huấn của Đức Giêsu đều nói về một Thiên Chúa nhân lành luôn yêu thương và chúc lành cho chúng ta. Sự thánh thiện của Thiên Chúa tuôn tràn trên chúng ta, và tất cả sự thánh thiện của chúng ta đều khởi nguồn từ nơi Thiên Chúa. Những đức tính và hành động tốt không phải là tâm điểm của thế giới chúng ta – Thiên Chúa thì thánh thiện và Thiên Chúa là Đấng Thánh. Vì thế, Đức Giêsu nói đến sự thiện hảo của Thiên Chúa như là nguồn gốc của tất cả mọi sự — “Chỉ mình Thiên Chúa là thánh”.

Thánh Máccô cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh thanh niên và “đem lòng yêu mến”. Người không yêu mến chàng thanh niên vì anh là một công dân ưu tú và đặc biệt, thậm chí cũng không phải vì anh tuân giữ các Điều Răn. Nhưng, Đức Giêsu yêu mến người thanh niên vì Người yêu mến tất cả những kẻ Người gặp gỡ; nơi một số người Đức Giêsu thâm chí còn muốn thấy những điều tốt đẹp hơn nữa, giống như Người yêu cầu người thanh niên này. Chúng ta không giành được tình yêu của Thiên Chúa – vì tình yêu ấy đã ở nơi chúng ta rồi. Tình yêu ấy đủ cho bất cứ người nào kiếm tìm Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu. Hôm nay, chúng ta cũng nghe Đức Giêsu mời gọi chúng ta như xưa đã mời gọi chàng thanh niên giàu có. Vì thế, chúng ta tự hỏi mình: cái gì khiến chúng ta không thể toàn tâm toàn ý theo Đức Giêsu?

Điều kiện mà Đức Giêsu đưa ra là chúng ta hãy gạt đi tất cả những mối bện tâm trong đời mình. Bất cứ điều gì làm chúng ta quan tâm nhất hay khiến chúng ta xa lìa Đức Kitô đều cần bị gạt sang một bên. Ngay cả dẫu có là sự an ổn hay quyền hành, và cả của cải, cũng phải từ bỏ, nếu không chúng ta không thể mở lòng ra để đón nhận “một thứ” mà Đức Giêsu mang lại cho chúng ta – chính là tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Tất cả những gì chúng ta bám víu chỉ là gánh nặng và khiến chúng ta không có thể đến được với lời mời gọi của Đức Giêsu.

Trong Tin mừng, không phải những người giàu có hiển nhiên bị lên án, hay họ hoàn toàn ngăn cản chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng họ không thấy rõ ràng và không nghe được lời Đức Giêsu mời gọi chúng ta ngay lúc này. Trong một thông điệp khác, Đức Giêsu cảnh báo chúng ta đừng để cho của cải thống trị, nhưng hãy sử dụng chúng cách sáng suốt theo ý định của Thiên Chúa. Với tất cả những khuyến cáo như thế về sự giàu có, thì với Thiên Chúa tất cả đều có thể thực hiện được. Về cơ bản, theo Đức Giêsu là mở lòng mình để đón nhận sự giàu có mà Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta.

Đó là những gì bài đọc I nhắc nhở chúng ta: tìm kiếm đường ngay nẻo chính, tìm kiếm sự khôn ngoan. Hồng ân đó của Thiên Chúa khiến cho tất cả những sự giàu có khác đều mờ nhạt. Vua cầu xin Đức Khôn Ngoan và cũng giống các môn đệ, nhận được “gấp trăm ở đời này”. Chúng ta nghe được lời mời gọi của Đức Kitô, Đức Khôn-Ngoan-Nhập-Thể, và chúng ta từ bỏ tất cả.

Cũng có người nói: người thanh niên giàu có là một người tốt. Rõ ràng sự giàu có không cản trở anh tuân giữ Giới Răn của Chúa. Đó quả là một thành công! Anh có vẻ muốn xin thêm, có thể là xin đi theo Đức Giêsu. Đấy là chỗ mà sự giàu có và những bận tâm kèm theo, cùng vời sự giàu có, đã ngăn cản anh, và trở thành chướng ngại vật.

Hầu như tất cả chúng ta, những người đang nghe bài Tin mừng này đều không tự nhận mình giàu có. Nhưng chúng ta có gắn bó với địa vị, hạnh phúc, và đời sống tốt đẹp cũng như tiền bạc của mình hơn là tin cậy vào Đức Kitô hay không? Chúng ta có thấy yêu ổn với “ơn huệ” của mình, cảm thấy mãn nguyện với chính mình như hiện nay hay không? Nếu được chọn, tôi sẽ chọn ai và chọn điều gì? Liệu Thiên Chúa và tình yêu của Người có phải là sự bảo đảm cho chúng ta hay không? Không ai lại buông xuôi, cố quên công việc và chẳng làm gì, để mặc Thiên Chúa muốn làm gì thì làm. Đó không phải là điều mà đức tin đòi hỏi nơi chúng ta. Nhưng khi phải đối diện với một bước ngoặt hay khủng hoảng trong cuộc sống, sợ hãi và bấp bênh, chúng ta sẽ nhìn về hướng nào, và tìm kiếm ai như sự bảo đảm cho mình? Ai có thể biết khi nào chúng ta được mời gọi từ bỏ tất cả mọi người, mọi sự để trở thành môn đệ đích thực của Đức Kitô? Hôm nay, Đức Giêsu lại mời gọi chúng ta, đến lúc phải chọn lựa, “Đến và theo Ta”.

Bài Tin mừng hôm nay đánh dấu một giai đoạn nữa trên hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu. Các môn đệ vẫn đang đi theo Người nhưng dường như bước chân đã mỏi mệt – nhất là sau khi Người nói đến việc muốn theo Người thì phải trở nên người phục vụ và vác thập giá của mình mà theo. Thật rõ ràng trong Tin mừng cho biết việc theo Đức Giêsu phải là một đòi hỏi và quyết định thay đổi cả cuộc đời. Liệu người thanh niên giàu có kia có biết rằng muốn theo Đức Giêsu thì phải từ bỏ không chỉ lúc này, nhưng là mỗi bước chân lên Giêrusalem và sau đó nữa hay không?

Các môn đệ nghe điều đòi hỏi, không chỉ dành cho người thanh niên giàu có, nhưng cũng cho các ông nữa. “Các môn đệ sững sờ”. Đó không chỉ là thông điệp và lời mời gọi dành cho riêng ai. Giáo hội của chúng ta cũng nghe được Đức Giêsu mời gọi: đừng cậy dựa vào của cải, quyền lực hay sự ngưỡng mộ của người khác – nhưng từ bỏ tất cả những quyến rũ của thế gian mà theo Đức Kitô. Cùng với tác giả Sách Khôn Ngoan, chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban Thần Khí Khôn Ngoan để hướng dẫn chúng ta. “Tôi quý đức khôn ngoan hơn cả ánh sáng”.

 

 

 

Để lại một bình luận