Theo đạo hay theo Chúa, đó là một sự tự do lựa chọn. Trong sự tự do lựa chọn, mỗi người theo Chúa bằng mỗi cách khác nhau. Có người theo Chúa do truyền thống gia đình. Có người theo Chúa do một cuộc hôn nhân. Có người theo Chúa do một biến cố nào đó liên quan đến sự sống chết của mình. Cũng có người, vì cảm động trước những việc làm phúc đức vô vị lợi của những “ma soeur”, hoặc những gương nhân đức của người Công Giáo, hoặc những phép lạ chữa lành bệnh nhân, họ theo Chúa v.v…
Mười Hai người môn đệ của Đức Giê-su xưa kia, khi bỏ hết mọi sự đi theo Ngài, cũng vậy. Mỗi người là một trường hợp khác nhau. Có trường hợp, chỉ một lời mời gọi của Đức Giê-su, rằng “Hãy theo Ta”. Lập tức họ “bỏ mọi sự mà theo Ngài”. Có trường hợp, qua một lời giới thiệu, họ “liền đi theo Đức Giê-su”. Vâng, đây là trường hợp của ông An-rê và ông Gio-an.
Câu chuyện của hai ông An-rê và Gio-an được ghi lại như sau: Hôm ấy, khi ông Gioan (tẩy giả) đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Giêsu. (x.Ga 1, 37). Ơ hay! chỉ có năm chữ “Đây là Chiên Thiên Chúa”, do ông thầy mình giới thiệu về một Giê-su, vậy mà hai vị cũng đi theo sao!
Thật ra, không có gì là lạ đối với hai ông ấy. Là người Do Thái, hai ông rất thấu hiểu khi ông thầy mình nhắc tới “chiên”. Chiên là một con vật gắn liền với đời sống Do Thái giáo. Nói tới chiên, làm sao họ quên được ngày lễ vượt qua đầu tiên, ngày mà toàn dân Israel thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập.
Làm sao các ông quên được, ngày đó, cha ông họ được dạy bảo rằng, hãy giết một con chiên và lấy máu của con chiên đó bôi lên cửa nhà mình và nhờ dấu hiệu đó, thiên sứ Chúa vượt qua mà không giết hại con đầu lòng của họ. Chính vì thế, đối với người Do Thái, “chiên” đồng nghĩa với “chết thay”, đồng nghĩa với “giải thoát” và cuối cùng đồng nghĩa với “cứu chuộc”.
Bởi vậy, không ngại để chúng ta cho rằng: khi nghe thầy Gioan nói Đức Giêsu là “Chiên con của Đức Chúa Trời” hai người môn đệ không khỏi băn khoăn về “thần tính” của Đức Giêsu, cũng như sứ mạng của Ngài.
Băn khoăn thì làm được gì! Phải đi theo “Con Người” này thôi. Đi theo để xem vị này có thật là “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”, đúng như lời thầy Gio-an đã tuyên bố, hay không! Thế là hai ông đã đi theo và lòng mong ước của hai người môn đệ đã được toại nguyện. Hôm ấy, chuyện kể rằng: Thấy hai ông đi theo mình, Đức Giê-su quay lại, và hỏi: “Các anh tìm gì thế?”. Đáp lại câu hỏi, hai ông trả lời: “Thưa Rappi. Thầy ở đâu?”.
Phải nói rằng, đây là một câu trả lời rất độc đáo, độc đáo ở chỗ nó không phải là một câu “hỏi thăm” nhưng là một câu nói đầy “tôn kính”, tôn kính Đức Giêsu như là bậc thầy của họ. “Thầy ở đâu ư?”. Hôm đó, để đáp lại lòng tôn kính của hai ông, Đức Giê-su đã nói với hai ông rằng “Đến mà xem”. Nghe thế, hai môn đệ “đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy”.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi: chuyện gì đã xảy ra khi hai người môn đệ đến chỗ Chúa Giê-su ở! Liệu, khi mà “lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” là giờ của buổi chiều tà, Chúa có mời các ông dùng cơm tối không? Và nếu có, trong bữa ăn, liệu Ngài có tỏ cho các ông biết “sứ vụ” của Ngài? Thưa, về những câu hỏi nêu trên, thánh sử Gio-an không đề cập đến, tuy nhiên có một chuyện, chúng ta có thể đoan chắc rằng, ông An-rê đã cảm nhận rằng Đức Giê-su đúng là “Chiên Thiên Chúa”.
Thì đây, sau khi đã đến và xem về ông Giê-su, ông An-rê đã trở về nhà, “gặp em mình là ông Si-mon và nói: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a’. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su”. Có thể nói, đó là một cuộc gặp gỡ định mệnh. Gọi là định mệnh, bởi vì, sau đó, các ông đã “bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài”.
Bây giờ là đến chúng ta. Là một Ki-tô hữu, là môn đệ của Đức Giê-su, hãy tự hỏi lòng mình rằng: tôi “đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người”? Điều này rất quan trọng. Rất quan trọng là bởi, nếu chưa đến chỗ Người ở, và chưa ở lại với Người, chúng ta chỉ là một Ki-tô hữu “hữu danh vô thực”.
Mà, chỗ “Người ở” nào có bao xa! Chỗ “Người ở” ở ngay bên cạnh chúng ta đấy! Chỗ Chúa ở, đó là: ở nơi những người anh-em-bé-nhỏ-nhất, những người “đói khát, trần truồng, đau yếu, tù đày” chứ ở đâu xa! Vâng, chính Chúa Giê-su đã cho chúng ta biết, biết rằng: Ngài ở đó. Và, mỗi khi chúng ta “đến xem” và “ở lại” với họ… Chúa Giê-su nói, đó là chúng ta “làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 36-40)
Xưa, các vị môn đệ đã “đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người”, nhờ đó họ mới có thể nhận ra Ngài chính là “Đấng Mê-si-a”. Cũng vậy, với chúng ta hôm nay, khi chúng ta “đến xem và ở lại” nơi những người anh em bé nhỏ nhất của Chúa, chúng ta thể hiện được nơi mình “ơn cứu chuộc”, “cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô” (x. 1Pr 1, 19)
Cuối cùng, còn một ngôi nhà mà Đức Giê-su luôn luôn hiện diện nơi đó, đó chính là “ngôi nhà tạm”, nơi chúng ta không thể không đến viếng thăm và “ở lại” với Ngài. Tại ngôi-nhà-tạm này, mỗi ngày và mỗi tuần, Đức Giê-su vẫn chờ đợi chúng ta “đến mà xem”. Qua vị linh mục, Đức Giê-su vẫn mời gọi chúng ta ở lại với Ngài, ở lại qua việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể.
Đừng lảng tránh không đến thăm “ngôi nhà tạm” này, thưa quý vị. Hãy nhớ rằng, khi chúng ta đến thăm ngôi nhà này, và tham dự Bàn Tiệc Thánh, vâng, đó chính là chúng ta đã “Ở lại trong (Chúa) và (Chúa) ở lại trong ta”(x.Ga 6, 56).
Ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong ta chẳng phải là ta đã “ở lại với Người” đó sao! Chính vì thế, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi mình rằng: tôi đã nghe lời Chúa mời gọi, đã đến “ngôi nhà tạm” thân yêu và đã ở lại với Ngài trong Bí Tích Thánh Thể?
Một lần nữa, chúng ta cùng nghe lại lời mời gọi của Đức Giê-su: “Đến mà xem”. Vâng, hãy đến và hãy ở lại với Ngài. Bởi nhờ đó, chúng ta mới có thể nói, như tông đồ An-rê xưa đã nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”. Chỉ nhờ đó, chúng ta mới có thể nói: “Tôi đã gặp Đức Ki-tô”.
Petrus.tran