Đối nhân xử thế là gì? Thưa, “…đó là cách đối xử với mọi người ở đời này. Là cách hành xử, ứng xử sao cho phải, cho vừa lòng người.”
“Người biết xử lý khéo léo, tinh tế trong mọi tình huống là người biết mình biết người, biết ăn ở với người khác hợp tình hợp lý. Những người đối nhân khéo, xử thế hay thường được người khác quý mến và tôn trọng. Đối nhân xử thế như một nghệ thuật trong giao tiếp, để đạt được lợi ích, để đắc được nhân tâm, nhưng đối nhân xử thế không chỉ giới hạn ở điều đó. Đối nhân xử thế còn là cách để tu dưỡng bản thân, để đề cao đạo đức, để thể hiện cái nhân, cái nghĩa, cái tình… ” (nguồn: internet)
Tuyệt vời là thế. Thế mà, ngày nay có vẻ như, có không ít người không màng đến việc đối xử với mọi người như thế nào cho phải phép.
Là một người Ki-tô hữu, chúng ta không chỉ “nhìn lên” Thiên Chúa và lớn tiếng “Chúc tụng danh Người”, nhưng còn phải “nhìn ngang” với mọi người chung quanh và cất lên những lời tốt đẹp đối với họ. Mà, làm sao có thể cất lên những lời nói tốt đẹp, nếu chúng ta không biết gì về cung cách đối nhân xử thế!
Khi nói đến cung cách đối nhân xử thế, trong những ngày còn tại thế, ngoài sứ mạng loan báo Tin Mừng, loan báo về một “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”, Đức Giê-su cũng đã có những lời truyền dạy, những lời truyền dạy về cách đối nhân xử thế, hầu đem lại cho con người một cuộc sống bình an, chan hòa tình yêu thương.
Thấy người khác phạm lỗi ư! Chớ vội lên án, mà hãy nhìn lại chính mình trước. Bởi biết đâu, “anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới”. Vâng, đó là lời Đức Giê-su đã truyền dạy.
Có một cái nhìn với người phạm lỗi như thế, đó là điều không dễ dàng chút nào! Còn muốn sửa lỗi một người nào đó, thì sao đây!
Vâng, trong một dịp tâm tình riêng tư với các môn đệ, Đức Giê-su đã đề ra một phương cách “sửa lỗi” rất tế nhị, đó là: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (x.Mt 18, 15).
Tại sao lại “một mình anh với nó mà thôi”? Thưa, thực hiện như thế, ta đã tạo ra một không gian “riêng tư, kín đáo”. Nhờ riêng tư và kín đáo, ta “giữ thể diện” cho người phạm lỗi.
Mà, khi giữ thể diện cho người phạm lỗi, thì ta đã thể hiện cung cách của một người biết đối nhân xử thế. Trước một người biết đối nhân xử thế, biết đâu kẻ phạm lỗi cảm động và chịu sửa lỗi của mình! Hôm ấy, tiếp tục lời truyền dạy, Đức Giê-su có lời rằng: “Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em”.
Thưa Bạn, trong một đời người của mình, bạn đã chinh phục (thuyết phục) được ai nhận lỗi chưa! Vâng, thật khó trả lời, nhỉ! Thế nhưng, với Dale Carnegie, tác giả cuốn Đắc Nhân Tâm, một cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất và được biết đến nhiều nhất cho đến tận ngày nay, ông ta đã cho chúng ta phương cách, đó là hãy “dùng cách đặt câu hỏi để khuyên bảo người ta”.
Với phương cách này, ngôn sứ Na-than vào thời Cựu Ước, đã thành công. Chuyện là thế này, Hôm ấy là một buổi chiều. “Vua Đa-vít từ trên giường trổi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời” (x. 2Sm 11, 2).
Chỉ là một sự tình cờ, không chủ định. Nhưng chính sự tình cờ đó đã làm đảo lộn con người vua Đa-vít, người được mệnh danh là “người công chính”, vì một cái nhìn, ông ta “phạm lỗi”. Ông phạm lỗi gì? Thưa, theo lời kinh Thánh ghi lại: “Vua Đa-vít sai người đi điều tra về người đàn bà, và người ta nói: đó chính là bà Bát Se-va, con gái ông Ê-li-am, vợ ông U-ri-gia người Khết”.
Mặc cho người đàn bà đã có chồng, vua Đa-vít vẫn không buông tha. Rồi chuyện gì đến cũng đã đến. “Vua Đa-vít sai lính đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm với nàng”. Kết quả là: “Nàng thụ thai”…
Kể từ khi để cho “hồn lỡ sa vào đôi mắt em”, vua Đa-vít ngày càng “sa lầy” vào vũng lầy tội lụy. Cao điểm của hành vi tội lụy, đó là, nhà vua đã gián tiếp gây ra cái chết cho ông U-ri-gia – chồng nàng Bát Se-va. Nhà vua thuyên chuyển ông U-ri-gia ra địa đầu giới tuyến, nơi mặt trận nguy hiểm nhất, tệ hơn nữa, vua ra lệnh nơi đó, không có viện binh. Thế là U-ri-gia tử trận. U-ri-gia tử trận rồi, vua David nghiễm nhiên cưới nàng Bát Se-va. Ác một điều, vua David xem việc cưới nàng Bát Se-va như là một sự ban ơn.
Mọi hành vi của Đa-vít không qua khỏi đôi mắt của ngôn sứ Na-than. Ngôn sứ Na-than đã “một mình” đến “sửa lỗi” vua Đa-vít. Ngôn sứ Na-than đã có một “cuộc nói chuyện riêng tư, không hạ nhục người có lỗi nhưng là giúp người ấy nhận ra lỗi lầm của mình”.
Và bằng phương pháp “dùng cách đặt câu hỏi để khuyên bảo người ta”, ngôn sứ Na-than đã thành công trong việc “chinh phục được người anh em”. Hôm đó, ông Nathan đã đặt câu hỏi gì với vua David? Thưa, Na-than kể một câu chuyện, một câu chuyện nói đến lòng tham vô đáy của con người. Vua Đa-vít, sau khi nghe xong, ông ta đã nhận ra tội lỗi của mình, và ông đã thốt lên: “Tôi đã đắc tội với ĐỨC CHÚA”. (x. 2Sm 12, 1-13).
Giả sử vua Đa-vít không nghe lời sửa lỗi của ngôn sứ Na-than, điều gì sẽ xảy ra? Rất may là đã không có sự “giả sử” đó. Nhưng, nếu điều đó xảy ra! “Nếu nó không chịu nghe”? Thưa, Đức Giê-su dạy: “Nếu nó không chịu nghe, thì đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng” (x Mt 18, 16).
Đừng nghĩ rằng, đây là cách thức để “gây áp lực”. Luật Môsê dạy: ‘Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào, phải căn cứ vào lời của hai hay ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét’ (Đnl 19,15).
Trở lại với lời truyền dạy của Đức Giê-su. Hôm đó, Ngài còn đưa ra một nguyên tắc nữa, đó là: Nếu một hay hai người đến “sửa lỗi” với tinh thần tương thân tương ái mà người phạm lỗi không nghe, Đức Giê-su dạy rằng: “Hãy đi thưa Hội Thánh”.
“Hãy đi thưa Hội Thánh sao!”. Đúng vậy. Ở một vài thời điểm, một ai đó có thể từng bước, từng bước “trót phạm tội”, phạm đến giới luật “một vợ một chồng”, hoặc những tội vi phạm đến giới luật “độc thân” trong đời tu v.v… với những tội này Hội Thánh chính là nơi có thẩm quyền sửa trị.
Thưa ra Hội Thánh, Lm Nguyễn Hữu An nói: “không phải để bị xét xử nhưng để tỏ lòng sám hối và sẽ được ân xá”. “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe” thì sao? Thưa, Đức Giê-su nói: “thì hãy kể nó như một người ngoại” (x Mt 18, 17).
Thật ra, theo dòng lịch sử của Hội Thánh, với trường hợp này, nếu có thực thi, thì cũng chỉ là “giọt nước tràn ly”, là một sự bất khả kháng, mà thôi…
Lời truyền dạy của Đức Giê-su quá rõ ràng : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”. Thế nên, chúng ta phải sửa lỗi cho nhau, dù biết rằng, sửa lỗi một ai đó đang “sa lầy” vào một vũng lầy tội lỗi, không phải là một chuyện dễ dàng.
Không dễ dàng, nhưng đó vẫn là trọng trách của một Ki-tô hữu. Trọng trách là bởi, đó là lệnh truyền của Thiên Chúa.
Như ngôn sứ Ê-dê-ki-en xưa, ngài đã được ĐỨC CHÚA truyền đặt “làm người canh gác cho nhà It-ra-en”, thì hôm nay, cũng vậy đối với chúng ta. Chúng ta cũng được Thiên Chúa truyền đặt làm người canh gác cho những “người anh em của chúng ta”.
Họ không ở đâu xa, mà là ở ngay trong mái ấm gia đình của chúng ta. Họ là con cháu chúng ta, những người con cháu đang phải đối diện với những “cơn bão đời”.
Đó là những cơn bão mang tên “nghiện thuốc lá, nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện game bạo lực, nghiện chat sex” v.v… Đó là những cơn bão rất hung hãn, có thể tàn phá tâm hồn lẫn thể xác của con cháu chúng ta.
Là người-canh-gác, nhiệm vụ của chúng ta là phải cảnh báo, là phải sửa trị kịp thời. Không thể viện dẫn lý do này, lý do khác khác, chẳng hạn như: “Ồ! Đã có nhà trường lo, đã có nhà thờ lo v.v…”. Lại càng không thể viện dẫn lý do rằng thì-là-mà: nước đổ lá khoai, rằng chúng nó có thèm nghe đâu!
Chúng nó không thèm nghe ư! Không nghe, phải chăng là vì những thú vui của trần gian quá hấp dẫn? Hay, phải chăng là bởi, cách mà chúng ta cảnh báo và sửa trị thiếu thuyết phục, đầy thô bạo, độc đoán và thiếu công bằng?
Hãy tự hỏi, mỗi khi cảnh báo hay sửa trị con cháu mình, chúng ta dùng lời lẽ “khuyên bảo” hay “chửi bới đánh đập”? Chúng ta có công bằng trong sự khen thưởng hay sửa phạt? Chúng ta có vì giận vợ, giận chồng mà đánh con? Có “giận cá chém thớt” đánh con để “dằn mặt” hàng xóm? Chúng ta có đem lỗi lầm của con cái rêu rao khắp bàn dân thiên hạ?
Nếu đó là cách chúng ta cảnh báo, sửa trị, thì đó không phải là cách cảnh báo và sửa trị hay, trái lại phương cách này chỉ làm cho con cháu chúng ta thêm “tức giận”, mà thôi.
Đừng quên thánh Phao-lô có lời khuyên rằng: “Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận…” Thế nên, cách sửa trị con cháu chúng ta tốt nhất, đó là “làm gương sáng”.
Không có lý do nào có thể “bãi miễn” trọng trách làm người canh gác của chúng ta. Bời vì… bởi vì đó là món nợ, thánh Phao-lô gọi đó là “món nợ tương thân tương ái”.
Xưa, khi ĐỨC CHÚA đặt ngôn sứ Ê-dê-ki-en làm người canh gác, Người đã phán truyền với vị ngôn sứ này, rằng: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng : ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” (x.Ex 33, 8-9)
Vâng, không quá khó để hiểu lời Thiên Chúa đã phán truyền với ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Và, cũng không quá khó để hiểu rằng, tương thân tương ái là “món nợ của chúng ta”.
Petrus.tran