Mừng vui lên Giáng Sinh gần kề. Mừng vui lên Giáng Sinh đến rồi. Nếu có ai hỏi: “Bạn có vui không?”, chắc hẳn chúng ta sẽ nhận được câu trả lời, “Vui chứ!”.
Sẽ có người vui vì được dịp chưng diện. Sẽ có người vui vì đây là dịp được mua nhiều mặt hàng khuyến mãi. Sẽ có người vui vì được mời dự một bữa tiệc réveillon. Sẽ có người vui vì được tặng quà v.v…
Thế nhưng, là một Ki-tô hữu, nếu chỉ vui với những niềm vui đó, chẳng sinh ích lợi gì. Vì sao? Thưa, vì những niềm vui đó, chỉ là những niềm vui của thế gian, chóng qua.
Niềm vui của người Ki-tô hữu, trước ngày lễ trọng đại này, phải là niềm vui được chiêm ngắn hình ảnh của thánh cả Giu-se, của Hài Nhi Giê-su, và của Đức Maria.
Chiêm ngắm ba vị này, không phải là chiêm ngắm những bức tượng được điêu khắc thật công phu, thật đẹp đẽ, được trưng bày trong hang đá, nhưng là chiêm ngắm chính đời sống của các vị, một đời sống luôn “vâng phục thánh ý Chúa”, để suy tư, để cảm nhận và xem đó như là mẫu mực, mẫu mực cho đời sống đức tin của mình.
Thật vậy, với thánh Giu-se, mặc dù đã có ý định “bỏ bà (Maria) cách kín đáo, (vì) trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai”, nhưng ngài đã vâng phục và đã (tin) lời sứ thần Chúa truyền dạy: “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Kinh Thánh ghi lại rằng: “Ông làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”.
Với Chúa Giê-su thì sao? Thưa, phải nói rằng, đó là một tấm gương siêu mẫu mực. Thật vậy, kinh thánh chép rằng: “Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8)
Còn với Đức Maria? Thưa, với Đức Maria, làm sao không nhắc đến cho được, khi mà người thiếu-nữ-Sion này đã hy sinh trọn tuổi thanh xuân chỉ để đáp lại một lời “xin vâng”. Một lời xin vâng đã góp phần tạo nên một biến cố lịch sử – lịch sử ơn cứu độ.
Vâng, chuyện về Đức Maria đã được kể lại rằng: “Khi bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria”.
Sứ thần Gáp-ri-en gặp Đức Maria để làm gì? Thưa, để gửi đến Mẹ một “sứ điệp từ trời”, một sứ điệp thực sự đến từ Thiên Chúa, được ghi chép cẩn thận trong Tin Mừng thánh Luca.
(…chứ không phải sứ điệp từ trời vớ vẩn nào đó, do một người phụ nữ Ailen tự mạo nhận, rằng thì-là-mà do Chúa Giêsu… do Chúa Cha hoặc do Đức Maria mạc khải cho bà. Về sứ điệp này, Đức TGM Chủ tịch HĐGMVN và Đức GM Chủ tịch UB Giáo lý Đức tin cho lời khuyến cáo, rằng: các tín hữu Công Giáo sẽ không đọc, không phổ biến và không rao giảng các “sứ điệp từ trời”, phản Giáo Hội, đó).
Trở lại với sứ điệp do sứ thần Chúa mang đến. Hôm ấy, khi vào nhà người trinh nữ Maria, sứ thần cất tiếng nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (x.Lc 1, 28). Lời chào đó khiến Đức Maria không khỏi “bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.” Trước sự bối rối của cô Maria, sứ thần Chúa đã có lời trấn an: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”.
Đức Maria có hết bối rối không? Thưa, không thấy thánh sử Luca nói gì, chỉ thấy rằng Mẹ càng thêm hoảng hốt khi sứ thần Chúa nói đến sứ vụ mà Mẹ sẽ phải lãnh nhận, rằng: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao…”(x.Lc 1, 31-33). Ôi! Gia-vê ơi! Sao lại thế được nhỉ! (Có lẽ Đức Maria đã không thể không cất tiếng thở than như thế).
Từ cổ chí kim, ai…ai dám nghĩ rằng, Thiên Chúa là Đấng vô hình mà lại có thể mang thân xác hữu hình. Ai… ai có thể tin rằng, Thiên Chúa là Đấng vô hạn mà lại có thể mang lấy phận người hữu hạn!!
Với lại… cách riêng về Đức Maria, thì… hôm ấy, Mẹ đã nói với sứ thần Chúa, rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
Qua lời trần tình của Đức Maria, cứ tưởng rằng sứ vụ của sứ thần Gáp-ri-en sẽ chấm hết. Cứ tưởng rằng, cô trinh nữ Maria sẽ thoái thác sự tuyển chọn của Thiên Chúa… Nhưng không, không phải vậy. Đối với Thiên Chúa, một khi Người đã tuyển chọn ai, người ấy khó mà thoái thác.
Nhớ, xưa kia, trước lời thoái thác của Môsê (khi Đức Chúa tuyển chọn làm người lãnh đạo, đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập), xem ra rất hợp lý, rằng: “Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con.. con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi” (x.Xh 4, 10 ). Hoặc như lời trần tình của Giêrêmia, trước việc Thiên Chúa đặt ông làm “ngôn sứ cho chư dân”, cũng rất hợp lý, rằng: “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói” (x.Gr 1, 6)…. Nhưng, Thiên Chúa nào có buông tha…
Thế nên, hôm nay, lý do Đức Maria “không biết đến việc vợ chồng” ư! Cũng chẳng sao. Như là một mệnh lệnh, hôm ấy sứ thần Chúa tuyên bố: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.
Để tăng thêm lòng tin nơi cô trinh nữ Maria, sứ thần nói tiếp: “Kìa bà Ê-li-sa-bet, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng…”
Cuối cùng, để đóng ấn cho việc tuyển chọn, sứ thần Chúa lớn tiếng nói: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Nghe thế, Đức Maria cất tiếng nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
Chúng ta vừa mới nhìn lại tất cả diễn tiến về sự kiện sứ thần “truyền tin cho Đức Maria”. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: nếu Đức Maria không đáp lời “xin vâng”?
Với câu hỏi này, Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh đã có lời chia sẻ, rằng: Chương trình cứu độ của Thiên Chúa, không bao giờ có chữ “nếu”. Mà, thật vậy. Suốt chiều dài lịch sử cứu độ, chưa bao giờ chữ “nếu” xảy ra. Có chăng, có xảy ra, là hai chữ “mặc dù”.
“Dù con phạm muôn tội Ta cũng tha”. Mặc dù Adam và Eva đã phạm tội bất tuân, với án phạt là sự chết, thế nhưng, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người. Người đã ban cho con người một niềm hy vọng, niềm hy vọng đó đã được Thiên Chúa phán hứa qua miệng lưỡi ngôn sứ, rằng: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi là Emmanuel…”(x.Mt 1, 23)
Vì thế, điều mà hôm nay chúng ta nên tự hỏi, đó là: Giáng Sinh năm nay “niềm vui của tôi”, đó là: Đức Maria, chính là mẫu mực cho niềm tin phó thác vào Thiên Chúa, của tôi?
Giáng Sinh năm nay, “niềm vui của tôi” đó là: có một niềm tin vững mạnh, nhờ tin vào lời phán hứa của Thiên Chúa: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”?
Một cách cụ thể hơn, chúng ta hãy tự hỏi: Giáng Sinh năm nay, tôi sẽ xem việc gặp gỡ Đức Giê-su, việc đón nhận Ngài, như là “niềm vui Giáng Sinh của tôi”?
Hay ta lại xem việc gặp gỡ những em chân ngắn chân dài nơi vũ trường, quán bar v.v.. như là niềm vui Giáng Sinh của ta, để rồi sau những giờ phút phù du, quay cuồng bên ly rượu, chỉ còn là những tiếng rên rỉ nỉ non… “nếu hôm ấy mình đừng (bên) nhau, thì ngày nay có đâu buồn đau”… buồn đau bởi con vi-rút sida?
Hay ta lại xem việc đón nhận những lời mời ăn nhậu thâu đêm suốt sáng của bạn bè, như là niềm vui Giáng Sinh của mình, để rồi sau đó chỉ là những tiếng rên rỉ đau đớn trên giường bệnh, bởi một vụ đụng xe, bởi một căn bệnh nào đó, do lạm dụng quá nhiều bia rượu!?
Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng, hãy nhớ rằng, nếu ta xem việc gặp gỡ Đức Giê-su, việc đón nhận Ngài, như là “niềm vui Giáng Sinh của tôi”, thì chúng ta sẽ nhận được một niềm vui lớn, một niềm vui bất tận.
Thật vậy, trong một xã hội duy vật vô thần, như hôm nay. Có biết bao là cạm bẫy, có biết bao là lừa lọc, là gian dối, là thủ đoạn đang rình rập chúng ta. Chỉ vì lòng tham, tham tiền bạc, tham quyền lực v.v..“tình đồng chí” cũng vất vào sọt rác mà thôi.
Ai sẽ là người bảo vệ ta, trong một xã hội như thế, nếu không là Thiên Chúa, là Đức Giê-su? Vâng, Đức Giê-su đã nói: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”.(x.Kh 3, 20)
“Người ấy” có phải là Bạn và tôi? Vâng, phải mở cửa, cánh cửa tâm hồn mình, để gặp gỡ Ngài, mà thôi. Vì có “gặp”, Ngài mới có thể “gỡ” cho ta. Gỡ cho ta những rắc rối trong cuộc đời đầy mưu ma chước quỷ, đầy xảo trá gian dối, lừa lọc… của hôm nay.
Thật vậy, có “đón Ngài”, chúng ta mới có thể “nhận nơi Ngài”. Nhận nơi Ngài niềm vui có Emmanuel – có Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Nói cách khác, một khi chúng ta gặp gỡ và đón nhận Đức Giê-su, Giáng Sinh năm nay, bạn có thể nói với tôi, và tôi cũng có thể nói với bạn, rằng: Chúng ta cùng “Mừng vui lên..”
Petrus.tran