Thánh Martin de Porres sinh tại Lima, Pê-ru ngày 9 tháng 12 năm 1575, sống cùng thời với ba vị thánh khác là Thánh Juan Macias (Gioan Mai San), Thánh nữ Rose de Lima (Rô-sa Lima) và Thánh Turibius Mongrovejo, Tổng giám mục Lima vào thế kỷ thứ XVII. Đời sống và những hoạt động tông đồ của các ngài tác động lớn lao đến việc rao giảng Tin Mừng, không chỉ vì sự thánh thiện của các ngài, mà còn do bởi sự hiện diện và tầm quan trọng của các ngài đối với Giáo Hội tại Lima vào thời đó.
Việc tông đồ của Martin được thể hiện qua việc chăm sóc bệnh nhân và những người hấp hối trong cộng đoàn Đa Minh, những người bị khinh miệt trên các đường phố Lima, và cả những người mất niềm hy vọng. Được phân công làm y tá cộng đoàn Tu Viện Rất Thánh Mân Côi, vào thời điểm đó đã có gần ba trăm tu sĩ, Martin đóng vai trò như một thợ cắt tóc kiêm chữa bệnh cho anh em trong cộng đoàn. Chăm sóc anh em là một cách thế rao giảng Tin Mừng đầu tiên của ngài.
Lòng trắc ẩn và bác ái của Martin dành cho người ốm đau và người già, đem Tin Mừng của niềm hy vọng và chữa bệnh cho những người mồ côi, vô gia cư trong khu ổ chuột và các con hẻm ở Lima, chia sẻ nỗi thống khổ của người bệnh tật hoặc người bị loại trừ, cuộc sống của Martin là một phản ánh về cuộc đời Thánh Đa Minh, một người luôn an ủi những người đau ốm và khốn cùng. Ảnh hưởng của Martin trong việc chăm sóc người nghèo và người bệnh tật ở Lima đã dẫn đến việc thành lập một trại trẻ mồ côi và một bệnh viện dành cho trẻ em. Martin cũng có một lòng yêu mến tất cả các thụ tạo của Thiên Chúa, đặc biệt đối với những ai đau khổ. Ngài có một tình cảm đặc biệt đối với các động vật, mà thường được bày tỏ trong các tác phẩm nghệ thuật của anh em Đa Minh.
Cuộc đời Thánh Martin có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay? Nếu chúng ta được đánh thức và thông truyền về những thay đổi mang tính hệ thống trong thế giới của chúng ta hôm nay, chúng ta không thể không nhận thức được hoàn cảnh của những người nghèo, những người bị tước quyền công dân, những người bị coi là cặn bã và không được yêu mến trong xã hội. Chúng ta tìm thấy những người như vậy trong gia đình, trong số các sinh viên và đồng nghiệp của chúng ta, tại những nơi chúng ta cầu nguyện, trong các khu xóm và thành phố của chúng ta, và trên toàn thế giới. Vô số người như vậy. Chúng ta biết rất rõ rằng đời sống luân lý đã thay đổi kinh khủng từ một nền đạo đức phát huy, bảo vệ phẩm giá con người và tự do tới một nền đạo đức dựa trên thuyết tương đối, chủ nghĩa cá nhân, quyền tự định đoạt, và thương mại hóa con người.
Ơn gọi an ủi những bệnh nhân và những hoàn cảnh khốn khổ mà chúng ta thấy trong cuộc đời của Thánh Martinô đã sống, đã hít thở và ôm lấy các anh em của mình, được cắm rễ dựa trên nền tảng là sứ vụ của Chúa Giêsu dành cho người bệnh, người hấp hối, đến những bất cứ hoàn cảnh rắc rối nào và đặc biệt là với những người bị khinh thường. Chăm sóc tha nhân với lòng trắc ẩn, tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm và sự tự do, sống đức bác ái và thực hành tha thứ đối với tất cả mọi người, coi trọng giá trị thiêng liêng của mỗi người, là những giá trị mà Thánh Martin De Porres đã thể hiện .
Trách nhiệm của chúng ta phải tiếp tục sứ mệnh này sẽ không dễ dàng hơn so với thời đại của Thánh Martin. Giống như Martin, chúng ta cũng sẽ khám phá ra rằng chúng ta được mời gọi sống cùng nhịp sống đau khổ của nhân loại, để đáp lại tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị tổn thương, những người bị coi là cặn bã của xã hội và không được yêu mến, đến với những anh chị em của chúng ta sống trong các gia đình, trong cộng đoàn và trong các quốc gia, đặc biệt là những người bị áp bức, những người sống trong điều kiện bị đổ vỡ trong thân xác và trong sự hiệp nhất [*]. Trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta sẽ được trải nghiệm những đặc ân và ân sủng để thấy, để chạm đến, để nuôi dưỡng và để chăm sóc anh chị em trong cộng đoàn, những người đi lạc, nhỏ bé và rốt hết trong chúng ta, tất cả đều là những kiệt tác của Thiên Chúa tình yêu tạo dựng cho chúng ta.
Tu sĩ Ignatius Perkins, O.P.
Tỉnh dòng Thánh Giuse, Hoa Kỳ
Nguồn: http://www.op.org
Chuyển ngữ: Nhóm dịch BC
* T. Radcliffe, “Hát lên bài ca mới: Ơn Gọi Ki tô hữu,”