Vào năm 1848 tại California Hoa kỳ, chỉ là một sự tình cờ. Hôm ấy, ông John Sutter thuê một người thợ mộc xây một nhà máy cưa. Người thợ này, trong lúc đào đất, bất ngờ nhặt được một số thỏi vàng. Thế là một nguồn tin được tung ra, rằng Cali có mỏ vàng. Lúc đó, không chỉ ở ngay nước Mỹ, mà cả thế giới, người ta đua nhau đến California để tìm kiếm vàng.
Và không đầy một năm, lượng người di dân đến miền Bắc California để khai thác vàng đã làm cho thành phố San Francisco từ vài ngàn dân trở nên một thành phố có 25.000 dân. Trong 12 năm từ 1848 đến 1860, dân số California tăng từ 26.000 lên đến gần 400.000 người. Hiện nay, thành phố này đã trở thành một những thành phố đông dân và trù phú có hạng ở Hoa Kỳ. (nguồn: internet)
Vâng, đi tìm vàng ư! Đó là chuyện tự nhiên trong xã hội loài người. Cali có vàng, theo suy nghĩ của con người, thì đó là một kho báu có giá trị. Có kho báu giá trị ư! Cớ gì không đến khai thác!
Trong cuộc sống đời thường, có nhiều giá trị khác nhau đã khiến cho con người mải mê tìm kiếm. Thế nhưng, khi tìm kiếm được, con người vẫn chưa thỏa lòng. Chưa thỏa lòng là bởi, những giá trị đó lại luôn thay đổi theo thời gian, theo sự phát triển của khoa học, của thời đại. Ví dụ: có chiếc Dream nâu, chưa đủ thỏa lòng, phải kiếm cho được chiếc Future phun xăng v.v… Chính vì thế, con người luôn loay hoay trong mệt mỏi của sự tìm kiếm, tìm kiếm và tìm kiếm.
Thật ra, trong cuộc sống trần thế, ngoài những giá trị vật chất, con người còn có một thứ giá trị khác, đó chính là giá trị thiêng liêng, một thứ giá trị thật, giá trị vĩnh cửu, đem đến cho con người hạnh phúc và bình an, không chỉ ở đời này, mà còn ở đời sau.
Đâu là giá trị thật cho cuộc sống? Thưa, với người có đức tin – đức tin Ki-tô giáo – thì: giá trị đó chính là sự sống đời đời trong Nước Trời, điều mà Đức Giê-su đã truyền dạy.
Thật vậy, trong ba năm của sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu không chỉ thi ân giáng phúc cho con người qua những lần làm phép lạ chữa bệnh, Ngài còn truyền dạy những lẽ thật đến từ trời cao. Lẽ thật đó chính là: “Nước Trời đã đến gần”. Vâng, không quanh co, không mập mờ, Đức Giê-su đã gửi đến con người một thông điệp, thông điệp rằng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời”.
Thông qua một dụ ngôn rất đời thường, Đức Giê-su đã cho mọi người thấy, đó chính là giá trị thật mà con người cần phải nỗ lực tìm kiếm. Dụ ngôn đó đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, với tựa đề “khó báu và ngọc quý”.
Dụ ngôn kho báu được kể rằng: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn dấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn dấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
Và, dụ ngôn ngọc quý được kể như sau: “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (x.Mt 13, 45-46)
Với nội dung dụ ngôn thứ nhất, quả thật “người kia” đúng là một con người tràn đầy “nỗ lực”. Người kia đã vận dụng tất cả nỗ lực mình có như: tiền bạc, thời gian để mua cho bằng được thửa ruộng, nói theo ngôn ngữ hôm nay, thửa ruộng “đầy tiềm năng”.
Còn với người thương gia trong dụ ngôn thứ hai! Cũng vậy, người thương gia cũng không thiếu nỗ lực của mình. Nỗ lực đó được biểu hiện qua động thái “bán tất cả những gì mình có”.
Mahatma Gandhi có nói: “A small body of determined spirits fired by an unquenchable faith in their mission can alter the course of history – Một lượng nhỏ những tinh thần quyết tâm được nung nấu bởi niềm tin son sắt vào sứ mệnh của mình có thể làm thay đổi dòng lịch sử”.
Qua lời của Gandhi, có thể nói, quả đúng là hai vị trong dụ ngôn đã có một “tinh thần quyết tâm và niềm tin sắt son” của mình. Nhờ thế, hai vị đã thỏa lòng khát khao, lòng khát khao có được cái gì là “giá trị nhất” cho cuộc sống của mình. Vâng, hôm ấy, kết thúc cho việc truyền dạy, Đức Giê-su còn kể một dụ ngôn thứ ba, được mang tên “dụ ngôn chiếc lưới”.
Với dụ ngôn này, một thông điệp nữa đã được Đức Giê-su đưa ra, thông điệp, rằng: “Đến ngày tận thế… các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.
Ai là kẻ xấu? Phải chăng là những kẻ “không mua thửa ruộng có chôn kho báu?” Và, phải chăng là những kẻ “không mua viên ngọc quý?” Thưa, có phần chắc là đúng vậy.
Ai là người công chính? Phải chăng là những kẻ “bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy?”. Và, phải chăng là những kẻ “bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy?” Thưa, có phần chắc là đúng vậy. Nói cách khác, người-công-chính, chính là người đã “mua được Nước Trời”. Hôm ấy, kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su nói: “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không? Họ đáp: Thưa hiểu”.
Là một Ki-tô hữu, khi nghe câu hỏi này, chúng ta sẽ trả lời ra sao? Phải chăng là “Tôi cũng hiểu?” Nếu hiểu, chúng ta hãy tự hỏi mình rằng: Tôi là ai, là kẻ xấu hay người công chính?
Hãy tự hỏi: tôi có là kẻ xấu, là một kẻ giữ khư khư cái-tôi-của-mình, “cái tôi ích kỷ, cái tôi hận thù, cái tôi bất hòa, cái tôi ghen tuông, cái tôi nóng giận, cái tôi tranh chấp… chia rẽ… bè phái… ganh tỵ… say sưa chè chén”!!!
Hãy tự hỏi: tôi có là kẻ đã “mua” thửa ruộng có kho báu, “kho báu bác ái, kho báu nhẫn nhục, kho báu nhân hậu, kho báu từ tâm, kho báu trung tín, hiền hòa, tiệt độ”!!! Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Vâng, là của mỗi chúng ta.
Thế nhưng, đừng quên, chúng ta có một linh hồn. Chúng ta còn là những con người của tâm linh. Chúng ta còn có một cuộc sống tâm linh. Những gì là nhà cửa, xe cộ, công ăn việc làm, những gì liên quan đến vật chất, những gì mà chúng ta cho là giá trị nhất, tất cả chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh cho cuộc sống.
Có thể nói tắt một lời, giá trị thật cho cuộc sống không là cái ăn, cái mặc, không là tiền bạc, danh vọng, quyền lực v.v… “Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1, …2)
Giá trị thật cho cuộc sống chính là sự vĩnh cửu ở Nước Trời, nơi có thể “tích trữ kho báu”, nơi mà “mối mọt không làm hư nát”. Và là nơi chẳng bao giờ phải “khóc lóc nghiến răng”.
Cuối cùng, chúng ta hãy nhớ, Đức Giê-su đã nói, rằng: “Người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ”. Có lẽ trong chúng ta, không ai là không muốn đời sau sẽ được ở “trong Nước của Cha mình”.
Muốn được vậy, hãy mặc lấy tâm tình của vua Sa-lô-môn, mà cất tiếng nguyện rằng: Lạy Chúa… “xin cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe… và biết phân biệt phải trái”(1V 3, 9).
Vâng, một khi biết phân-biệt-phải-trái, khi đó chính là lúc ơn khôn ngoan mà chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần tỏ lộ, tỏ lộ một sự khôn ngoan đủ để chúng ta nhận biết, Thiên Chúa chính là gia nghiệp đời ta. Nói cách khác: “Nước Trời là gia nghiệp đời ta”.
Petrus.tran