Thánh Gia-cô-bê có nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Sống đức tin, nói theo cách khác, sống đạo là một việc hết sức quan trọng và cần thiết của một người Ki-tô hữu. Quan trọng và cần thiết là bởi, nếu chúng ta chỉ “tin đạo” mà không “sống đạo”, thì niềm tin của chúng ta cũng giống như ma quỷ, vì ma quỷ “cũng tin như thế”(x.Gc 2, …19)
Đức tin của chúng ta chỉ có giá trị, chỉ có ý nghĩa là do chúng ta thể hiện qua việc “sống đạo” mỗi ngày. Nếu việc sống đạo của ta không đem ơn phúc cho kẻ khác, thì việc tin đạo của ta, thánh Gia-cô-bê cho rằng: “nào có ích lợi gì”.
Thế thì, chúng ta phải “sống đạo” như thế nào? Thưa, nói về việc “sống đạo”, trong những ngày còn tại thế, Đức Giê-su đã có rất nhiều lời giáo huấn cho những người môn đệ (và cũng là cho chúng ta hôm nay).
Một ngày nọ, trên một ngọn núi cao, giữa một rừng người đi theo mình, Đức Giê-su đã có lời truyền dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó. Phúc thay ai sầu khổ. Phúc thay ai khát khao nên người công chính. Phúc thay ai xót thương người. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch v.v…”(x. Mt 5, 1-10).
Không dừng lại ở đó, Ngài còn đưa ra những lời giáo huấn như là một lệnh truyền, một lệnh truyền mạnh mẽ dành cho những ai tin vào Ngài, lệnh truyền rằng: “Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…” Vâng, phải là “muối cho đời” và là “ánh sáng cho trần gian”.
“Muối” như chúng ta được biết, đó là thứ không thể thiếu trong cuộc sống con người. Lời người xưa “Cá không ăn muối cá ươn” như một điển hình.
Người ta kể rằng, có một số người huyết áp cao, kiêng ăn muối trong vòng một thời gian khá lâu, cuối cùng không còn sức đi đứng nữa. Ngoài tác dụng bảo toàn và làm thêm gia vị trong các món ăn, muối đối với người Do Thái, còn có tác dụng biểu tượng với công hiệu sát trùng, thanh tẩy và luyện lọc (2V 2, 19-22). Pliny có nói thêm rằng: “Không có muối nhân loại không thể duy trì sự sống”.
Truyền dạy cho chúng ta phải “là muối cho đời”. Đó chính là một đặc ân thiêng liêng Đức Giêsu muốn trao ban. Ngài muốn nâng chúng ta, từ một kẻ tội lỗi vô dụng “chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp”, nay khi trở thành môn đệ của Ngài, chúng ta trở nên hữu ích cho đời ngày nay.
Thật vậy, trong một xã hội thực dụng như hôm nay, con người càng ngày càng “nhạt” đi tình yêu thương, là một Ki-tô hữu, tại sao ta không “muối mặn” lại sự bác ái và lòng nhân hậu! Tại sao không, nhỉ!
Vâng, Đức Giê-su không khuyên chúng ta làm anh hùng. Nhưng “là ánh sáng cho trần gian” thì, đó là điều chúng ta được truyền dạy. Chúng ta thấy gì đang xảy ra trong xã hội hôm nay? Phải chăng là một xã hội chìm trong “bóng tối”, bóng tối của dối trá, bóng tối của hận thù, bóng tối của bất hoà, bóng tối của ghen tuông, bóng tối của tranh chấp, của chia rẽ, của bè phái, của say sưa chè chén v.v…?
Là một Ki-tô hữu, chúng ta phải làm gì? Phải chăng là cứ ngồi đó mà “nguyền rủa bóng tối”? Hay, chúng ta sẽ thắp lên một “ngọn nến”, ngọn nến bác ái, ngọn nến nhẫn nhục, ngọn nến từ tâm, ngọn nến trung tín, ngọn nến hiền hoà, ngọn nến tiết độ?
Vâng, chỉ cần thắp lên một trong những ngọn nến nêu trên, đó chính là bằng chứng sống động nói lên rằng, chúng ta đã “sống đạo” đúng cách Chúa Giê-su truyền dạy. Nói cách khác, thắp lên những ngọn nến đó, chúng ta đã trở nên “muối cho đời”, và là “ánh sáng cho trần gian”.
“Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…” Vâng, chỉ vài lời giản dị, thế nhưng, có mấy ai trong chúng ta “là vậy”? Tại sao không là-vậy? Phải chăng là muối của tôi “nhạt đi”? Phải chăng ánh sáng của tôi “để dưới cái thùng”, cái thùng mang tên “cái tôi” của mình?
Nếu là vậy! Nếu là vậy, đừng quên Thánh Kinh (Lời Chúa) chính là hợp chất làm cho muối-của-ta mặn lại, và hãy nhớ Thánh Thể chính là chất tẩy rửa “cái tôi” của mình.
Thánh Kinh, như vua David nói: “là đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi”. Thánh Thể, đó chính là chất xúc tác làm cho “tôi sống nhưng không phải tôi sống mà chính Ðức Kitô sống trong tôi”. Đức Ki-tô sống trong tôi, “cái tôi” trong tôi, liệu còn tồn tại!
Vâng, thưa bạn, bạn có biết những người “có đức tin mà không việc làm” thánh Gia-cô-bê gọi là gì không? Thưa, thánh nhân gọi họ là những người “đầu óc rỗng tuếch” (x.Gc 2, 20)
Có phần chắc, chẳng ai trong chúng ta là những người đầu óc rỗng tuếch, cả. Thế nên, là một Ki-tô hữu, là người “có đức tin”, tại sao chúng ta không tiếp nhận lời truyền dạy của Đức Giê-su! Tại sao ta không là “muối cho đời”? Tại sao ta không là “ánh sáng cho trần gian”?
Petrus.tran