Cảm nhận cuộc hội thảo:
Thân Thế và Sự Nghiệp Cha Léopold Cadière (1/3)
Đôi Dòng Ghi Nhận Nhân Tham Dự Hội Thảo:
“Thân Thế và Sự Nghiệp của Cha Léopold-Michel Cadière”,
từ ngày 7 đến 9.9.2010 – tại TTMV TGP Huế
Lm. G. Đỗ Trung Thành, O.P
Trong bầu khí hân hoan của Năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam, kỷ niêm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, 350 năm thành lập hai Giáo phận đầu tiên ở Việt Nam và nhân lễ giỗ lần thứ 55 ngày mất của Cha Cadière, Ủy Ban Văn hóa HĐGMVN và Tòa TGM Huế, với sự cộng tác của CLB Phaolô Nguyễn văn Bình, đã tổ chức cuộc Hội thảo “THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP LINH MỤC LÉOPOLD–MICHEL CADIÈRE, 1869-1955”. Đây là một trong những cuộc hội thảo có tầm mức qui mô rộng lớn về hình thức lẫn nội dung.
Cuộc Hội Thảo được diễn ra liên tục ba ngày từ ngày 07 đến 09 tháng 09 năm 2010 tại Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Huế. Đây là một Trung Tâm đã có bề dày về kinh nghiệm tổ chức qua các lẫn Hội thảo có qui mô trước đây.
Không kể Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp thuộc ban tổ chức, dòng Đaminh có hai tham dự viên là Lm Giuse Đỗ Trung Thành OP và phó tế Phanxicô X. Trần Kim Ngọc OP. Từ Giáo xứ Đaminh có ông Lê Cần, Phó Ngoại vụ.
Tham dự viên đều có cảm nhận rằng, từ khâu tiếp đón từ cái ăn – chốn ở đến cơ sở phòng ốc đều rất tiện nghi và rất chu đáo với tòa nhà bốn tầng lầu khang trang và thoáng mát, có sức chứa trên 600 người (ăn ở và hội họp). Độ ngũ tiếp tân ân cần và dễ mến, nhất là hình ảnh rất thân tình của vị linh mục Đaminh Phan Hưng khi chào đón và hướng dẫn mọi người. Sự thuận lợi về mặt cơ bản đó, đã phần nào tạo nên thành công cho các cuộc Hội thảo trước cũng như lần này.
Có thể nói, cuộc Hội Thảo đã thu hút và qui tụ rất đông tham dự viên. Hội trường của Trung tâm Mục vụ Giáo phận, với hơn 600 chỗ, đã đầy ắp người đến từ nhiều giáo phận, kể cả một số từ nước ngoài (Đức, Pháp, Mỹ…), rất đông linh mục và nam nữ tu sĩ, cùng nhiều nhà nghiên cứu từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tại Thừa Thiên Huế.
Hiện diện trong cuộc hội thảo, ngoài Đức TGM chủ nhà Têphanô Nguyễn Như Thể và Đức cha Phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, có Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ tịch HĐGMVN ; GM Giuse Nguyễn Chí Linh – Thanh Hóa; GM Phaolô Nguyễn Văn Hòa; GM Giuse Vũ Duy Thống – Phan Thiết; GM Giuse Võ Đức Minh – Nha Trang; GM Phêrô Trần Đình Tứ – Phú Cường; GM Phaolô Bùi Văn Đọc – Mỹ Tho; GM Giuse Vũ Văn Thiên – Hải Phòng, Gm Phêrô Nguyễn Văn Đệ – Thái Bình; GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Vinh, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến. Viện Phụ Thiên An Têphanô Nguyễn Quang Sách; cha J.B. Etcharen, nguyên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris; cha Roland Jacques, một chuyên viên lịch sử chữ quốc ngữ, nhiều bề trên các Hội Dòng, đông đảo các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân.
Tôn giáo bạn có sự hiện diện của ông Mai Thanh Danh (Cao Đài) và mục sư Đinh Văn Tư.
Ngoài ra còn có ông Nguyễn Đức Khôi, phó trưởng ban Tôn giáo chính phủ và nhiều vị đại diện chính quyền hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
Ấn tượng và đáng kể nhất là đội ngũ các thuyết trình viên các giáo sư, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, trong và ngoài giáo hội. Ngoài những vị trực tiếp tham gia thuyết trình, còn có rất đông nhà nghiên cứu, giáo sư tham dự và lên diễn đàn tham biện sau mỗi buổi thuyết trình…
Trong 3 ngày hội thảo, các tham dự viên đã được nghe 14 bài thuyết trình của cả các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, Công giáo và ngoài Công giáo.
1. Đức cha Nguyễn Thái Hợp, với đề tài “L. Cadière và hội nhập văn hóa: một kinh nghiệm loan báo Tin Mừng”.
2. Nhà sử học Đào Hùng, với đề tài “Từ L. Cadière, nghĩ về những đóng góp của các giáo sĩ thừa sai với nghiên cứu Việt Nam”.
3. Giáo sư Trần Văn Toàn, với đề tài “Minh triết dân gian Việt Nam theo L. Cadière”.
4. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan, với đề tài “Huế dưới con mắt L. Cadière, L. Cadière dưới con mắt của một người Huế”.
5. Cha J.B. Etcharen, với đề tài “L. Cadière, hình ảnh một thừa sai và lời khuyên cho thế hệ thừa sai trẻ”.
6. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, với đề tài “L. Cadière với tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ”
7. Nhà văn Nguyên Ngọc, với đề tài “Ảnh hưởng của Cadière với văn học Việt Nam cận đại”.
8. Nhà nghiên cứu Đỗ Trinh Huệ, với đề tài “Cách tiếp cận của L. Cadière với tín ngưỡng của người Việt”.
9. Phó giáo sư Tiến sĩ Ngữ học Hoàng Dũng, với đề tài “Về công trình nghiên cứu Ngữ âm Bắc Trung Bộ của Cadière”.
10. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, với đề tài “L. Cadière với cổ vật Huế”.
11. Nhà nghiên cứu Bửu Ý, với đề tài “Một cảm nghĩ về L. Cadière : câu chuyện dịch thuật”.
12. Tiến sĩ Mai Khanh, với đề tài “Gia đình Việt Nam theo L. Cadière”.
13. Họa sĩ Vĩnh Phối, với đề tài “Mỹ thuật ở Huế dưới góc nhìn của L. Cadière”.
14. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, với đề tài “ L. Cadière với tác phẩm L’Art à Huế ”.
Tóm tắt ngày Hội Thảo thứ nhất
Đúng 8 giờ sáng, 7/9/2010, Cuộc Hội thảo về thân thế và sự nghiệp của linh mục Léopold-Michel Cadière (1869-1955), nhà thừa sai thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) đã được khai mạc:
Mở đầu nghi thức khai mạc, bắt đầu bằng việc đọc Lời Chúa (Eph. 2,11-22), và đọc phần mở đầu của Tông huấn “Giáo Hội tại Châu Á” của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II.
Sau đó là diễn văn khai mạc của Đức cha Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục giáo phận Hà Nội, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Trong bài phát biểu, ngài nhắc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, với việc thành lập hai địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài. Đặc biệt, Đức cha nhắc đến Những huấn thị năm 1659 của Bộ Truyền Giáo, do Đức Grêgôriô XV thành lập năm 1622, nay đổi thành Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc. Những huấn thị này là một chỉ dẫn cụ thể cho các nhà thừa sai biết cách hành xử đúng đắn nơi xứ người. Đức Cha đã thay mặt Giáo Hội Việt Nam, bày tỏ lòng biết ơn cha Cadière và các vị thừa sai hải ngoại, và cho thấy sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cho đất nước.
Tiếp đó là bài phát biểu của Đức Cha Vũ Duy Thống, đặc trách Ủy Ban Văn Hóa Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Đức cha Vũ Duy Thống đã nhắc đến chân dung 3D (ba chiều) của cha Cadière : nhà truyền giáo, nhà nghiên cứu khoa học và con người hội nhập văn hóa.
– Thuyết trình 1: Bước vào phần chính được bắt đầu bằng bài thuyết trình của Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, với tựa đề “Léopold Cadière và hội nhập văn hóa, một kinh nghiệm loan báo Tin Mừng”, đề cập đến tinh thần của Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo hội, cách riêng Huấn thị năm 1659 của Bộ Truyền Giáo vốn là những cơ sở để Cha Cadière dựa vào và áp dụng trong hoạt động truyền giáo ở Việt Nam. (giải lao 20 phút)
– Thuyết trình 2: Sau phần giải lao, Hội thảo được tiếp tục nghe bài tham luận của nhà sử học Đào Hùng. Diễn giả đã từ những công trình nghiên cứu của Cha Cadière, liên tưởng đến những đóng góp của các thừa sai khác về lãnh vực văn hóa, tiêu biểu là Linh mục Francois Marie Savina, và Linh mục Jacques Dournes. Đồng thời, so sánh giữa các nhân vật này với cha Cadière, diễn giả cho rằng Cadière nổi vượt về lòng kính trọng và quý mến người Việt và đi trước thời đại về quan niệm nghiên cứu. (ăn cơm trưa và nghỉ trưa)
– Thuyết trình 3: Buổi chiều, đúng 2h00, cử tọa tiếp tục nghe ba bài tham luận, trước hết là của Giáo sư Trần Văn Toàn, từ Pháp về, trình bày đề tài Minh triết dân gian VN theo cái nhìn của Cố Cả (Léopold Cadière).
Diễn giả cho rằng, theo Cha Cadière, tuy người Việt không có một hệ thống triết lý, nhưng lại có cả một nền minh triết dân gian phong phú, gồm cả vũ trụ quan và nhân sinh quan. Diễn giả đưa ra nhiều minh họa lý thú, nhưng vì hạn chế thời gian nên không thể trình bày hết. Phần cuối, diễn giả cho rằng khi tiếp xúc với văn hóa Tây phương, người Việt bắt đầu xây dựng một hệ thống triết lý cho riêng mình, và tương lai, nền triết học này tùy thuộc vào thế hệ trẻ.
Tựợng Chân Dung Cố Cả (Léopold Cadière)
– Thuyết trình 4: Nhà Nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan trình bày với tựa đề “Huế dưới con mắt của Cadière và L. Cadière dưới con mắt một người Huế”, đề cao những tình cảm sâu đậm và công trình của Cadière với Huế, và gợi ý về một đền đáp của người dân Huế với vị linh mục khả kính này.
Diễn giả nói: “Cadière đã đến Huế, đã ở với Huế, đã nghiên cứu về Huế, đã hiểu biết sâu sắc về Huế, đã yêu mến Huế, đã bảo vệ Huế, đã giới thiệu Huế ra thế giới và cũng đã mong muốn được ở Huế cho đến ngày cuối cùng và được chết trên đất Huế” và kết luận: “Đã đến lúc Huế phải tôn vinh Cadière”.
Thuyết trình 5: trong số các thuyết trình viên có tham luận, mọi người không khỏi thích thú và lấy làm ngạc nhiên về một vị linh mục “mũi lõ, mắt xanh” nhưng lại có giọng nói và sử dụng tiếng Việt “rất sõi”, vị đó là Cha J.B. Etcharen, cựu Bề Trên Tổng quyền Hội Thừa Sai Paris. Tựa đề bài là “L.Cadière, hình ảnh một thừa sai và lời khuyên cho thế hệ thừa sai trẻ”.
Theo diễn giả, Chính nơi con người cha Cadière mà đức tin và văn hóa gặp nhau cách hài hòa. Vả lại, đối với Cố Cả, hiểu biết là để phục vụ. Đó là phương châm của ngài. Nơi ngài, luôn có nhu cầu đến với tha nhân.
Cha Etcharen đã tóm tắt một vài nét chính nơi con người của cha Cadière như sau: tinh thần say mê học hỏi, lòng yêu mến xứ sở nơi mình được sai đến: điều kiện cho sự triển nở của vị thừa sai: “Tôi đã hiểu người Việt Nam vì tôi nghiên cứu nhiều về họ…Tôi yêu mến các nhân đức luân lý của họ…Tôi yêu sự đau khổ của họ”, nhiệt huyết của nhà bác học.
Nhưng điều quan trọng nhất mà cha Etcharen nhấn mạnh, là đời sống nội tâm sâu xa của cha Cadière. Đối với cha Cadière, như nhật ký của ngài cho thấy, “vị thánh là người luôn bắt đầu lại” từng năm, từng tháng, từng ngày… Diễn giả đã dẫn chứng nền tảng đức tin của Cha Cadière bằng cách đọc lại những lời cuối cùng của Cha Cadière trước khi qua đời, bài “Nâng tâm hồn lên” (Élévation !), như một tuyên xưng đức tin và như những lời tụng ca. Cũng theo Cha Etcharren, cách tri ân hay nhất với tiền nhân và người có công, là “làm sống lại tinh thần của họ trong thời đại chúng ta”. Chính trên cơ sở đức tin và lòng nhiệt thành loan truyền Ơn Cứu Độ mà Cha Cadière đã thực hiện các công trình nghiên cứu của mình, và chính các công trình này lại hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động truyền giáo của ngài.
Sau mỗi buổi hội thảo, Ban tổ chức cũng dành thời gian cho thảo luận, cả sáng và chiều. Đã có tất cả 12 phát biểu từ các nhà nghiên cứu và từ cử tọa, tập trung về các nội dung mà các diễn giả đã nêu, phần lớn là các ý kiến đều bổ sung về tính cách con người Cha Cadière và các công trình của ngài.
Phát biểu của Tu sĩ Trần Kim Ngọc op