Thật là phúc…

 

Thật là phúc…Chúng ta thường nghe nói: “thế gian ai học được chữ ngờ”. Vâng, quả thật là kỳ lạ, không “học được” nhưng lại là chữ được nhắc nhiều nhất trong vốn liếng tiếng nói của con người. Thì đây, khi gặp bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc đời mình, vui, chúng ta thường hay nói: Ô! Thật bất ngờ quá! Còn buồn, chúng ta luôn cất tiếng than van: Ôi! quả thật, tôi không ngờ.

Thế nên, đã có thơ rằng: “Ai ơi nhớ lấy vài điều; Dù hay, dù giỏi… không qua chữ “ngờ”. Chữ “ngờ” luôn nhớ trong lòng;  Trước sau cẩn trọng, đục trong khó lường”(nguồn: internet).

“Bất ngờ hay không ngờ”, đó cũng là đề tài được Đức Giê-su khuyến cáo rất nhiều lần trong những ngày Ngài ra đi loan báo Tin Mừng.

Thật vậy, đến thế gian, Đức Giê-su không chỉ loan báo cho mọi người về một Tin Mừng cứu độ, Tin Mừng về một Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”, mà Ngài còn truyền dạy mọi người phải “cẩn trọng” trong việc ngày “Con Người sẽ đến”.

Một ngày nọ, Đức Giê-su loan báo, rằng, sẽ có một ngày “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời khác” (x.Mt 24, 30-31).

Và, để cho mọi người phải luôn sẵn sàng, Đức Giê-su tiếp lời, rằng: Ngày ấy sẽ xảy ra vào “chính giờ phút anh em không ngờ”.

Làm thế nào để không rơi vào tình trạng “bất ngờ hay không ngờ”, trong ngày Con-Người-sẽ-đến? Vâng, rất cẩn trọng, Đức Giê-su đã khuyên mọi người, rằng: “Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về”.

Hôm đó, Đức Giê-su đã mượn câu chuyện “ông chủ đi dự tiệc cưới” để dạy cho các môn đệ một bài học về sự tỉnh thức và sẵn sàng.

Vâng, theo phong tục Do Thái, tiệc cưới thường kéo dài trong bảy ngày và thậm chí có thể kéo dài hai tuần, vì thế, việc ông chủ về thật khó đoán, nó sẽ  xảy ra “bất ngờ hay không ngờ”. Và, để có thể không rơi vào tình trạng bất ngờ hay không ngờ,  Đức Giê-su khuyến cáo rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”.

Lời khuyến cáo “hãy thắt lưng” hàm ý nghĩa gì? Thưa, qua lời khuyên này,  Đức Giê-su muốn nhấn mạnh đến sự “sẵn sàng”, sự sẵn sàng của một chiến binh  nại nịt vũ khí sẵn sàng chiến đấu,  một hình ảnh không người Do Thái nào lại không hơn một lần trải nghiệm.

Còn việc “thắp đèn cho sẵn” ư!  Rất có thể, khi nói lên điều này,  Đức Giêsu muốn các môn đệ hãy nhớ lại dụ ngôn “mười cô trinh nữ”, một dụ ngôn không chỉ đề cập đến sự sẵn sàng, mà còn là một lời cảnh báo về sự “tỉnh thức”.

Hôm đó, sau những lời khuyến cáo,  Đức Giê-su kết thúc với lời khuyên: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người đến” (x.Lc 12, 39-40)

Có thể kết luận rằng, qua câu chuyện này, Đức Giê-su đã dạy cho các môn đệ, (và ngày nay là cho chúng ta), một bài học, bài học rằng, sẽ không có gì phải than thở “Ôi! thật tình tôi không ngờ”, trong ngày Con Người sẽ đến, nếu chúng ta “tỉnh thức và sẵn sàng”.

Chưa hết, khi nghe Đức Giêsu nói xong câu chuyện này, thánh Phêrô liền hỏi: “Lạy Chúa! Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Vâng, cứ sự thường, sau mỗi lần nói về một dụ ngôn nào đó, Đức Giê-su luôn có lời giải thích. Tuy nhiên, Ngài đã  không có lời giải thích đối với dụ ngôn này.

Tại sao? Thưa,  ý nghĩa quá rõ ràng. “Ông chủ” là ai nếu không là Đức Giê-su! Người đầy tớ là ai, nếu không là các môn đệ (và cũng là chúng ta hôm nay)!

Thế nên, hôm ấy, thay cho lời giải thích, (cũng như thay cho câu trả lời cho Phê-rô), Đức Giê-su đáp, rằng: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?”. Vâng, có thể nói rằng, qua lời nói này, Đức Giê-su muốn đặt lên vai người đầy tớ một yêu cầu nữa, đó là “trách nhiệm”

Đừng quên, đã có lần, Ngài nói: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (x.Lc 9, 61). Người đầy tớ với vai trò là người quản gia, phải làm tròn trách nhiệm được giao, bởi, có như thế, người đó mới có thể được nhìn nhận là kẻ tỉnh thức và sẵn sàng, và hơn thế nữa, như lời Đức Giê-su nói: “Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta”.

Trở lại câu hỏi của Phê-rô. Vâng, mặc dù Đức Giêsu không trả lời câu hỏi của tông đồ Phêrô, nhưng chắc hẳn ai trong chúng ta cũng hiểu rằng, Ngài nói “dụ ngôn này” cho-tất-cả-mọi-người-kể-cả-chúng-ta, hôm nay.

Thế nên, là  một Ki-tô hữu, tất cả chúng ta đều là “người đầy tớ trong vai trò quản gia… mà ông chủ đã đặt lên coi sóc… coi sóc tất cả tài sản cùa mình”. Nói rõ hơn, tất cả chúng ta đều là “người đầy tớ trong vai trò quản gia… mà Thiên Chúa đã đặt lên coi sóc… coi sóc tất cả tài sản cùa Người”.

Những “tài sản” đó là gì? Phải chăng, đó là những ngôi thánh đường? Phải chăng, đó là những cơ sở vật chất của Giáo Hội? Thưa, không sai.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những “tài sản”, những tài sản không phải có được  do tiền bạc, do quyền lực đem lại, nhưng là do chính Đức Giê-su và các tông đồ, cũng như do chính “Máu các thánh tử đạo”, để lại,  những tài sản đó chính là “kho tàng đức tin”, chính là “cộng đồng dân Chúa”,  chúng ta cần “coi sóc” hơn.

Vì thế, trước một xã hội đầy gian xảo, dối trá và lừa lọc, trong vai trò là “người quản gia”, chúng ta luôn phải tỉnh thức không mê ngủ trước cám dỗ của lợi lộc, của tiền bạc, của danh vọng, những thứ chỉ là phù vân, chóng qua.

Vì thế, trước một xã hội chìm ngập trong tội lỗi, những thứ tội như: dâm bôn, phóng đãng, hận thù, bất hòa, nóng giận, ghen tuông, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén v.v… trong vai trò là người quản gia, chúng ta phải thắp lên ngọn đèn bác ái, nhẫn nhục, từ tâm, hiền hòa, tiết độ.

Nói cách khác, chúng ta phải là tấm gương mẫu mực về sự “trung tín”, trung tín trong  việc thực thi lề luật của Chúa và “khôn ngoan” trước những cám dỗ của thế gian. Đừng nghĩ rằng, đó là nhiệm vụ bất khả thi. “Đức tin” vâng, tác giả thư Do Thái khẳng định rằng “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng”.

Vì thế, đừng sợ. Để có thể trở nên “người quản gia trung tín khôn ngoan”, hãy học phương cách của tông đồ Phaolô, đó là:  “Hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ”.

Mà, người nào “sống tiết độ”, theo thánh Phaolô thì, người đó chính  là  người đã nhận được hoa quả của “Thần Khí” . Và, một khi có Thần Khí Chúa, có lẽ nào chúng ta không nhận ra đâu là  “ý chủ – ý Chúa”, và đâu là ý thế gian.

Và, một khi đã nhận ra “Ý Chủ- Ý Chúa”, có lẽ nào ta lại để cho tâm hồn mình ngập tràn ý tưởng “Chủ ta còn lâu mới về… mà cứ say sưa chè chén”! Có lẽ nào ta lại nghĩ rằng “Chúa ta còn lâu mới tái lâm”, để rồi cứ chìm ngập trong bóng tối tội lỗi!.

Không! Hãy tỉnh thức, tỉnh thức để nhìn Người đang cảnh báo chúng ta, qua những “dấu chỉ của thời đại” như: động đất, sóng thần, chiến tranh, dịch bệnh v.v…

Vì thế, phải luôn sống trong tình trạng sẵn sàng. Phải luôn sống như một người quản gia trung tín và đầy trách nhiệm. Bởi vì, lỡ hôm nay “ông chủ về”… lỡ,  ngay giây phút này “Chúa đến”, thì sao?

Có lẽ, chẳng ai trong chúng ta muốn mình trở thành kẻ “khôn ba năm, dại một giờ”.  Có lẽ không ai trong chúng ta muốn mình “chung số phận với những tên thất tín”. Vậy, tại sao, ngay giây phút này, chúng ta không ngước lên thánh giá Chúa Ki-tô, một Chúa Ki-tô đầy lòng thương xót mà khấn nguyện, rằng: Lạy Chúa “Nơi nào có nản chí sờn lòng, xin cho con gieo niềm hy vọng. Nơi nào có buồn sầu khổ đau, xin cho con biết đem lại niềm vui. Nơi nào có khó khăn nghèo túng, xin cho con biết cách chia sẻ cách vui lòng” (theo thánh Phan-xi-co Assisi)

Thực thi tốt những lời nguyện nêu trên, hãy tin, Đức Giê-su sẽ  nói với ta rằng: “Thật là phúc cho con”.

Petrus.tran

Để lại một bình luận