(Bài thuyết trình về đức cậy Kitô giáo của linh mục Timothy Radcliffe, O.P., tại Đại hội Thánh Thể Cebu 2016)
Vào quãng thời gian này cách đây 1 năm, tôi có dịp ghé thăm các cộng đoàn Kitô hữu tại Iraq, với một người anh em cùng Dòng người Mỹ là anh Brian Pierce. Chúng tôi mong sẽ củng cố niềm hy vọng cho họ. Như chuyện vẫn hay xảy ra, chính họ mới là người dạy cho chúng tôi biết hy vọng có nghĩa là gì. Chúng tôi được nói cho biết rằng, có hai từ Ả-rập cùng có nghĩa là “hy vọng”: “amal”, chỉ một sự lạc quan, phấn khởi theo kiểu con người ta. Và “raja”, nghĩa là niềm cậy trông, hy vọng vào Thiên Chúa, một nhân đức đối thần (theological virtue). Các anh chị em Iraq của chúng ta hầu như chẳng có lý do gì để mà “amal”. Rõ ràng là họ đã mất tất cả mọi sự; họ không chắc là mình sẽ còn được đón tiếp tại Kurdistan bao lâu nữa. Các tín hữu Kitô hầu như đã tháo chạy hết. Họ không tin các chính phủ Tây phương, là thứ mà họ bảo là thà tin vào dầu còn hơn. Tất cả trước mắt hoặc là ở trong các trại, hoặc là phải lưu xứ sống tại một đất nước nào đó. Và như thế, họ đặt tất cả niềm cậy trông của mình nơi Thiên Chúa.
Họ dạy cho chúng ta biết hy vọng là gì, giữa cơn khủng hoảng lớn lao nhất của thời đại chúng ta. Hy vọng là thách đố rõ ràng nhất cho con người ngày hôm nay. Những giấc mộng về một cuộc tiến bộ sắp xảy tới, theo quan điểm của Trào lưu Ánh sáng Tây phương, đã hầu như sụp đổ hoàn toàn sau thế kỷ bạo lực nhất trong lịch sử nhân loại. Nhiều đất nước, đặc biệt là tại Phi Châu, vẫn còn bị kẹt lại trong đói nghèo. Tại Trung đông, các thể chế nhà nước sụp đổ hoặc là rơi vào khủng hoảng. Chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy, và gắn liền với nó, thường là chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Liên hợp quốc ước tính có hơn 50 triệu người tị nạn rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, nhiều chục ngàn người thiệt mạng khi tìm nơi trú ẩn. ĐTC Phanxicô đã nhắc nhở thế giới trong thông điệp Laudato Si rằng, chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng môi sinh tàn khốc, và chúng ta thiếu quyết định chính trị để có thể giải quyết. Trực diện với sự thất vọng mang tính toàn cầu này, làm cách nào để chúng ta có thể chia sẻ niềm hy vọng Kitô giáo của mình cho người khác? Các anh chị em của chúng ta tại Iraq có thể dạy chúng ta.
Ở lại trong Thầy
Trước nhất, họ đã biểu tỏ niềm hy vọng nơi Thiên Chúa qua việc tiếp tục chọn ở lại Iraq, giữa lúc hàng ngàn người tháo chạy. Không nên trách cứ những người đã ra đi, có lẽ có nhiều lý do cho việc ấy. Nhưng chỉ nguyên việc chọn ở lại thôi cũng là dấu cho thấy niềm cậy trông vào Thiên Chúa, Đấng đã hứa sẽ ở lại cùng chúng ta cho đến tận thế (Mt 28,20). Đức Giêsu nói với các môn đệ khi Người sắp sửa chịu chết rằng: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4).
Bộ phim tuyệt vời Des hommes et des dieux (“Of gods and men”) kể câu chuyện về một cộng đoàn nhỏ các tu sĩ Trappist ở Algeria, hồi những năm 1990, các vị phải đối mặt, và bị đe doạ bởi một làn sóng bạo lực đang bùng phát. Họ đứng trước quyết định, hoặc là ra đi, hoặc là ở lại. Một tu sĩ nói với những người hàng xóm Hồi giáo rằng: “Chúng tôi giống như những con chim đậu trên một cái cành, những chú chim không biết nên bay đi hay tiếp tục đậu lại trên cành.” Dân làng trả lời, “Chúng tôi là những con chim; thầy là cành. Nếu thầy bỏ đi, chúng tôi không biết nương tựa vào đâu.” Các tu sĩ quyết định ở lại, ngay cả khi việc ấy khiến họ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Cha Serge de Serge de Beaureceuil OP đã sống một mình tại Afghanistan suốt 25 năm, nhiều lúc cha là linh mục Công giáo duy nhất tại đất nước này. Đôi khi cha tự hỏi, mình ở lại đất nước này làm gì nhỉ. Nhưng ngài đã viết ra những dòng thế này: “Như những chuyến đò âm thầm mang Lời, Lời sáng tạo, Lời nhập thể và Lời chịu đóng đinh trên thập giá, tôi chọn sống, hiện diện đơn sơ nơi đây, tôi chọn sống yêu thương trìu mến, yêu thương một cách chân chất, và chọn chết một cách âm thầm tại đây, tôi cử hành Tiệc Thánh Thể tại đây, vậy là tôi đang góp phần mình cho tương lai của một dân được cứu chuộc.”
Rowan Williams, nguyên TGM Canterbery bên Anh giáo có nói: “Tôi sẽ không bỏ đi đâu là một trong những lời can hệ nhất mà chúng ta nghe được, có thể từ ai đó bên cạnh giường bệnh lúc chúng ta ốm đau, có thể đang lúc chén tạc chén thù, có thể đang lúc chúng ta băn khoăn không biết chuyện gì đang xảy ra cho quê hương, cho xã hội chúng ta.” Chọn ở lại là dấu chỉ niềm hy vọng của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ đi. Chúng ta ở lại cùng với người nghèo, với những người cảm thấy bị bỏ rơi, với hội dòng của chúng ta khi thời vận khó khăn, như là những người con cái trong cùng một Giáo hội, vì lẽ Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy
Các Kitô hữu tại Iraq còn diễn tả niềm hy vọng của mình ra qua việc cầu nguyện nữa. Cầu nguyện, cũng giống như niềm hy vọng, đều hướng tới tương lai. Và trên hết, họ cùng nhau cử hành Tiệc Thánh Thể. Giữa thành Baghdad tan hoang vì chiến tranh, giữa các trại tị nạn Kurdistan buồn thảm, họ tụ hợp nhau lại để tưởng nhớ việc Đức Giêsu đã làm trong cái đêm trước cuộc tử nạn của Người.
Tình cờ, tôi đến thăm Rwanda lần đầu giữa lúc tình hình ở đây đang bắt đầu trở nên phức tạp, tức là vào khoảng đầu năm 1993. Chúng tôi đi từ Kigali đến miền bắc của đất nước này và chứng kiến cảnh tan hoang, các trại tị nạn, và nhất là, một bệnh viện đầy trẻ em bị mất tay chân do trúng phải mìn cóc. Tối đến, tôi ghé thăm các chị em Đa Minh của chúng tôi, và tự hỏi, mình sẽ nói gì đây. Những nỗi đau khiến tôi chẳng thể nói được gì. Lúc ấy, tôi nhớ ra, có một điều mà chúng tôi có thể cùng nhau thực hiện. Chúng tôi có thể tưởng nhớ những việc đã xảy ra vào đêm trước cuộc tử nạn của Người, Đức Giêsu đã tụ hợp các môn đệ lại và ban cho họ thịt và máu của Người. Đêm trước khi chịu đóng đinh vào thập giá, cái đêm dường như không có lấy một chút gì gọi là hy vọng cả. Cộng đoàn bị phân tán mỗi người một ngả. Một môn đệ đã phản bội Người, người khác nữa thì chối Người; các ông khác thì hầu như trốn biệt. Phía trước là đau khổ, nỗi cô đơn và cái chết. Trong thời khắc đen tối nhất trong lịch sử con người này, Đức Giêsu đã thực hiện một cử điệu hy vọng tuyệt vời. “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em.” “Đây là máu Thầy, đổ ra vì anh em.”
Nghịch lý Kitô giáo là thế này, mỗi Chúa nhật, cộng đoàn lại quy tụ lại để tưởng nhớ lại sự kiện cộng đoàn bị tản mác, tan tác. Ký ức hy vọng của nó được khởi đi từ chính cái thời khắc rõ ràng là tuyệt vọng. Chúng ta bắt đầu một tuần mới bằng cách tưởng nhớ lại điều xem ra là kết tận của mọi sự. Nghịch lý này còn được đào sâu hơn nữa nếu chúng ta đọc kỹ những trình thuật mô tả lại đêm hôm ấy trong tất cả các Tin Mừng. Và nhiều học giả cho rằng, những trình thuật này là kết quả của một cuộc khủng hoảng lớn lao khác, vì Đức Giêsu đã chẳng trở lại vào lúc Người được kỳ vọng nhất, tức là sau cuộc tuẫn giáo của thánh Phêrô và thánh Phaolô, cũng như cuộc bách hại lần thứ I. Trong thời khắc đen tối thứ hai này, khi họ bị cám dỗ một lần nữa để trở nên tuyệt vọng, các môn đệ, một lần nữa, kể lại câu chuyện về cơn khủng hoảng xảy ra vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh ấy.
Do đó, chúng ta chẳng có gì phải sợ hãi những cơn khủng hoảng. Khi mà mọi thứ xem ra đã kết thúc, dù đó là trong đời sống riêng tư cá nhân hay cộng đoàn của chúng ta, thì đó lại chính là lúc Thiên Chúa sẽ xuất hiện một cách mới mẻ và gần gũi. Khi tôi nói đi nói lại điều này cho các anh em của tôi ở Mỹ, họ đã tặng cho tôi một chiến áo thun có ghi dòng chữ: Hãy có cho mình một cơn khủng hoảng bổ ích! Lúc này đây, khi nhân loại đang phải trải qua một cơn khủng hoảng về niềm hy vọng, chúng ta, những Kitô hữu cần phải có một đôi tai, đôi mắt rộng mở để có thể nhận ra Chúa đang đến với chúng ta một cách mới mẻ.
Các bí tích là những dấu chỉ. Chúng diễn tả một niềm hy vọng về những gì ngôn ngữ, môi miệng chúng ta không thể diễn tả được, tức là việc Chúa đến, ngày Chúa quang lâm. Chúng chỉ tới một thực tại tròn đầy, thực tại ấy chúng ta chỉ có thể diễn tả ra qua những cử điệu. Một dân sống các “bí tích” thì cần phải tìm ra những cử điệu sáng tạo giúp diễn tả được niềm hy vọng của chúng ta.
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II là người có biệt tài trình bày những cử điệu hy vọng. Khi ngài tới Giêrusalem, nhiều người cho rằng, ngài sẽ chẳng làm được gì để tháo gỡ các xung đột đâu. Thế nhưng, ngài đã làm được điều kỳ diệu. Ngài đã đến Bức Tường Than Khóc, cầu nguyện chung, đọc thánh vịnh chung với hàng trăm người Do-thái tại đây. Đấy là một cử điệu giúp mang lại hy vọng, hoà bình hơn bất kỳ văn kiện, tài liệu nào khác. Ngày từ khi mới được bầu lên, đức Phanxicô cũng đã có những cử điệu ngoạn mục. Khi ngài rửa chân cho các tù nhân, trong đó có một nữ tù nhân Hồi giáo, cả thế giới trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh ấy đã phải ngỡ ngàng. Khi ngài ôm hôn một người đầy u bướu, người ta cảm thấy trìu mến ngài.
Và tại đây, ở Philippine, ngài đã bỏ một bài diễn văn được chuẩn bị sẵn, khi bà Glyzelle Palomar, vừa khóc vừa hỏi ngài: “Nhiều trẻ em bị lôi kéo vào việc buôn lậu ma tuý và mại dâm. Tại sao Thiên Chúa lại cho phép những điều này xảy ra với chúng tôi? Trẻ em không có tội gì cả.” ĐTC đã ôm lấy bà và nói: “Bà là người duy nhất đã đặt ra một câu hỏi và câu hỏi này không có câu trả lời, dùng lời diễn tả không được, bà thậm chí dùng cả nước mắt của mình nữa.” Những dòng lệ của bà đã được trả lời qua cái ôm của ngài. Đôi khi, bạn chỉ có thể diễn tả niềm hy vọng của mình ra qua những cử điệu không lời.
Tin Mừng Gioan được cấu trúc dựa theo các dấu lạ của Đức Giêsu. Các dấu lạ này đều chỉ tới dấu lạ vĩ đại, lúc Người được giương cao và lôi kéo mọi người lên với mình (Ga 12,32). Sứ mệnh của chúng ta là làm nên những dấu chỉ lôi kéo người ta đến cùng Đức Giêsu, vì lẽ các dấu chỉ có thể giúp biểu đạt được chính niềm hy vọng nằm ngoài tầm diễn tả của môi miệng, ngôn ngữ chúng ta. Tại buổi gặp gỡ các nhà lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo ở Vatican hồi Tháng Mười Hai 2014, các vị lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo đã thống nhất là sẽ cùng đi thăm các trại tị nạn thuộc khu vực Trung đông. Thật là một cử điệu của hoà bình! Thoáng nghĩ thôi, cũng đã thấy sức tác động mạnh mẽ của nó rồi! Thử nghĩ mà coi, sẽ là gì, nếu các giám mục và các tu viện mở cửa đón các người tị nạn. Chúng ta cần phải thực hiện điều gì đó khác người. Nếu chúng ta chỉ chuẩn bị văn kiện tài liệu cho thật hay ho, thì chẳng ai thèm để ý cả. Nhưng một cử điệu sẽ có sức lan toả lập tức tới tận cùng trái đất. “Xã hội ưa biểu tượng hoá” mà chúng ta đang sống thật là môi trường lý tưởng cho óc hình dung, óc sáng tạo theo kiểu “bí tích” của Công giáo.
Khi Đức Giêsu tụ hợp các môn đệ quanh Người vào cái đêm sau hết ấy, các ngài đã hát thánh vịnh cùng nhau (Mc 14,26), giống như người Do-thái vẫn làm mỗi dịp Lễ Vượt Qua. Trong các trại tị nạn ở Kurdistan, âm thanh vui vẻ, phấn khởi nhất là tiếng hát các chị em Đa Minh của tôi. Các chị hát thánh vịnh bằng tiếng Ả-rập thật ấn tượng. Có một cách để người ta đối diện với đau khổ và cái chết đó là ca hát. Tôi bay ngược từ Giêrusalem để về bên cha tôi lúc ông đang hấp hối. Tôi hỏi ông là ông muốn tôi làm gì cho ông. Ông bảo, hãy mang cái máy nghe nhạc Walkman lại, và mở bản Requiem của Mozart rồi bản Seven Last Words của Hayden cho ông thưởng thức. Khi một người anh em của chúng tôi hấp hối sinh thì, chúng tôi quy tụ lại bên giường và hát bài Salve Regina, dù có đôi khi xảy ra việc, người anh em ấy tròn xoe mắt bảo rằng: “Có hơi vội quá chăng?”
Tháng Tư năm vừa qua tại London, có buổi ra mắt vở ôpêra Between Worlds của Tansey Davies, nói về ngày 11 Tháng Chín. Một số người cảm thấy hơi bị bất ngờ vì không nghĩ rằng lại có cả một vở ôpêra về sự kiện tang thương này. Nhưng xét ra, có lẽ, đấy là cách duy nhất giúp người ta chịu đựng được sự hung bạo của nó. Nicholas Drake, người viết lời cho vở ôpêra đã nói: “Chúng tôi cho rằng, khi dùng âm nhạc, với sức tác động mạnh mẽ của nó, để mô tả lại thảm kịch này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những tang thương đã diễn ra trong cái ngày 09/11 đó, đồng thời có thể nhận ra là ngay giữa bóng đêm này vẫn có những tia sáng. Âm nhạc dường như giúp nâng đỡ một số người trong ngày hôm ấy. Một người bảo vệ đã hát thánh vịnh cho những người đang leo thang để xuống, nhằm khích lệ tinh thần cho họ. Một số người thân, quá sững sờ không biết nói gì với những người thân của mình trên điện thoại nữa, họ đã cùng nhau cất lên tiếng hát.”
Hát xướng giúp phá vỡ những rào cản ngăn cách con người ta với nhau. Khi lính Đức hát các bài nhạc Giáng sinh truyền thống nơi chiến hào trong Thế chiến I, lính Anh nhập cuộc, và ngay lập tức họ bỏ vị trí phòng thủ, bỏ phòng tuyến của mình, để gặp gỡ, cùng hát hò và chơi đá banh với nhau nữa. Trong tích tắc, hát xướng đã xoá tan sự kình địch giữa họ. Có một ca khúc kỳ diệu đã giúp phá tan sự im lặng hận thù, đó là bài Stille Nachte, bài Đêm thánh vô cùng!
Cần cả một bài thuyết giảng để khám phá mối liên hệ giữa niềm hy vọng và âm nhạc. Chỉ cần nhắc đến sự kiện này thôi, người hành hương là người có niềm hy vọng, và khi đi hành hương họ thường cất cao tiếng hát. Tiếng hát như một cử điệu biểu lộ niềm hy vọng, một niềm hy vọng không thể diễn tả được bằng lời. Nó cho ta cảm nếm trước hương vị của các khúc ca trên thiên đường, nơi vắng bóng bất an hỗn loạn, nơi chỉ có thái hoà, an bình. Ngày cuối cùng trong năm phụng vụ, chúng ta được nghe một bài kinh sách rất thú vị của thánh Augustinô: “Anh em thân mến, chúng ta hãy hát lên, không phải để mua vui lúc nghỉ ngơi, nhưng để nhẹ bớt những lao nhọc. Như các lữ khách vẫn thường hát, bạn hát lên, nhưng đồng thời vẫn tiến bước. Hãy hát cho vơi bớt nhọc nhằn, đừng ham lười biếng. Hãy vừa hát vừa đi”.
Làm điều lành, đơn giản vì chúng là điều lành
Tại Baghdad và trong các trại Kurdish, tương lai rõ ràng là mung lung. Chẳng ai có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra. Niềm hy vọng Kitô giáo được diễn tả ra một cách đơn giản qua việc, thức dậy mỗi sáng và thực thi những việc lành Thiên Chúa muốn người ta làm trong ngày. Chúng ta được “dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2,10).
Một người anh em trong Dòng nói với chúng tôi: “Hy vọng nghĩa là tôi sống trọn giây phút hiện tại, bất kể ngày mai có xảy ra chuyện gì”. Các Nữ Tu Bác Ái chăm sóc các trẻ em khuyết tật bị đã bị gia đình bỏ rơi. Tôi không thể nào quên được khuôn mặt nghiêm nghị của bé Nora, sinh ra không tay không chân, nó cho những đứa bé nhất ăn với chiếc muỗng ngậm trong miệng. Chúng tôi rất vui khi được đến thăm một nhà mở dành cho các chị em phụ nữ không phân biệt tôn giáo, bị gia đình bỏ rơi; nhà này được điều hành bởi hai trinh nữ được thánh hiến. Trong các trại, chúng tôi được gặp một chị phụ nữ, chị này ngày trước có ba tiệm thuốc trước cái đêm hãi hùng khi mà ISIS đến. Giờ đây chị làm việc như một thiện nguyện viên, phân phối chút thuốc thang mà họ có được. Chị ấy nói: “Con đã mất hết mọi thứ, nhưng con đã học cách tri ân vì chút ít những gì còn sót lại. Đấy là lý do con đến đây.”
Người ta làm điều tốt, chỉ vì chúng là điều tốt thôi, chứ không phải vì chúng là những nấc thang giúp lên trời. Chúng không phải là phương tiện để đạt được một mục đích nào đó. Nhà văn Primo Levi đã gặp được một người Ý, tên là Lorenzo trong trại tập trung Auschwitz, anh này đã san sẻ cho ông một phần khẩu phần ăn hàng ngày của mình. Nhà văn này viết: “Tôi cho rằng, thực sự là nhờ anh Lorenzo mà tôi còn sống cho đến ngày nay; và chính yếu không phải vì một phần thức ăn của anh ấy, nhưng vì anh ấy đã liên lỉ nhắc nhớ tôi qua sự hiện diện của anh ấy, qua tính cách tự nhiên, đôn hậu của anh ấy, rằng, còn có một thế giới bên ngoài thế giới của chúng tôi, một thứ gì đó, một con người nào đó tinh trong, tròn vẹn, không thể hư hoại, không hung ác… một thứ gì đó thật khó định nghĩa, một khả năng tốt lành xa vời nhưng nó rất đáng để cho người ta phải cố gắng mà sống sót. Nhờ anh Lorenzo tôi gắng để không quên rằng, tôi là một con người.”
Chúng ta cho kẻ đói ăn, cho người trần truồng áo che thân, bởi vì làm như thế là tốt lành, và chẳng cần quan tâm đến bất kỳ chuyện gì diễn ra sau đó. Những hành vi như thế được gọi là “những dụ ngôn cụ thể hoặc là sự tiên báo về Vương quốc của Thiên Chúa, về một thế giới mới, ngay trong những hoàn cảnh, điều kiện trần thế”.
Điều đối ngược xảy ra, khi các hành động được làm vì một tiện nghi, tiện lợi, hay như một phương tiện để hướng tới một mục đích nào đó. Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giêsu phải chịu đóng đinh vì vị thượng tế Caipha bảo rằng “các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50). Sự tiện lợi được đem ra để biện minh cho những hành vi xấu xa. Sự tiện lợi được dùng để biện minh cho việc ném bom Hiroshima và Nagasaki khiến hàng trăm ngàn thường dân bị thiêu cháy ra tro trong tích tắc. Sự tiện lợi là lý do cho việc phạm bao nhiêu tội ác khủng khiếp trong chiến tranh Việt Nam. Có một câu nói nổi tiếng thế này: “Chúng tôi không còn cách nào khác là phải phá huỷ ngôi làng để cứu nó ra khỏi hoạ cộng sản”. Sự tiện lợi được đem ra để biện minh cho những gì xảy ra trong vụ Guatanamo Bay, với các “màn kịch đặc biệt” mà thực chất là các màn tra tấn.
Nhưng việc tốt lành được thực thi vì chúng là tốt lành, lại là các dấu chỉ của một niềm hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng sẽ đưa chúng ta vào Thiên đàng theo những lối đường mà chúng ta không thể nghĩ tưởng. Oscar Romero nói “Thiên Chúa là chủ tể của lịch sử”. Vì cậy trông nơi Thiên Chúa, nên chúng ta không lợi dụng những phương tiện tàn bạo để đạt được mục đích. Chúng ta phó thác mọi sự trong tay Thiên Chúa, không phải vì chúng ta thụ động, nhưng vì lẽ chúng ta được tự do làm những việc tốt, dù cho hiệu quả mang lại dường như rất hạn chế.
Chúng ta làm chứng cho vương quyền của Thiên Chúa nhưng không có ý kiểm soát mọi thứ. Stanley Hauerwas nói rằng, đời sống của một Kitô hữu thì “buông xả, không kiểm soát”: “Sống ‘buông xả, không kiểm soát’ để đánh tan ảo tưởng rằng, sứ mệnh của những người Kitô hữu như chúng ta là phải uốn nắn, làm cho chỉnh chu lại dòng lịch sử”. Quyền lực của Thiên Chúa sẽ làm điều đó. Chúng ta làm chứng tá cho điều này bằng cách thực thi những gì là chính đáng, đúng đắn, và không cần biết những công việc ấy hoặc có hoặc không đóng góp ra sao cho việc Nước Chúa hiển trị. Charles Taylor đã nói đến sự bùng phát của “một nền văn hoá kiểm soát” (the culture of control), vốn đặt nền cho chủ nghĩa thế tục. Niềm hy vọng của chúng ta đặt nơi Thần Khí của Thiên Chúa. Thần Khí ấy bay là là trên những hỗn độn và bất an của cuộc sống chúng ta, và sẽ làm phát sinh một trời mới đất mới. Đức Phanxicô bảo chúng ta đừng sợ hãi sự ngổn ngang. Ngài nói trong dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Rio, sau cơn mưa như trút nước, “Tôi mong chờ một ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới ngổn ngang. Nhưng tôi muốn mọi chuyện trở nên ngổn ngang, mọi chuyện được khuấy động lên trong các cộng đoàn”. Và niềm hy vọng của chúng ta là thế này, xuyên qua những ngổn ngang, điều gì đó mới mẻ sẽ được khai sinh.
Sự mất kiểm soát tối đa được nhận thấy nơi cái chết của các vị tử đạo, nhưng đó cũng là lời chứng tuyệt vời nhất cho niềm cậy trông của chúng ta vào quyền năng của Thiên Chúa. Đấy là những tương phản hoàn toàn với cái chết của những kẻ đánh bom liều chết tệ hại, những kẻ mà Marie-Franḉoise Baslez gọi là “những kẻ thí mạng cho nỗi tuyệt vọng”.
Tại sao?
Lời chứng về niềm hy vọng gây ngỡ ngàng nhất xảy ra tại Iraq chính là sự dấn thân của các Kitô hữu trong việc dạy và học. Tại Baghdad, các anh chị em của chúng tôi cho mở nhiều trường học và một học viện. Trong thành phố tan nát vì chiến tranh này, họ vẫn tiến hành việc giáo dục cho các người trẻ, đặc biệt là các người trẻ Hồi giáo. Chúng tôi cho phát hành định kỳ một tạp chí có tên là “Christian Thought” (Tư tưởng Kitô giáo), với lượng độc giả Hồi giáo lên tới nhiều ngàn. Tại Kurdistan, Học viện Baben tiến hành việc dạy thần học trong các trại tị nạn. Mới đây hai người chị em của chúng tôi mới nhận được bằng tiến sỹ về Kinh thánh, một từ Oxford và một từ Notre Dame. Trong các trại của chúng tôi, các giáo viên tị nạn dạy học cho đám trẻ cũng là người tị nạn. Có lẽ người ta quan niệm rằng, khi thế giới quanh mình sụp đổ, hay bị mất đi, chuyện học hành là điều người ta muốn giữ lại cho đến cùng! Nhưng đó quả thực là một biểu đạt tuyệt vời cho niềm hy vọng.
Trước nhất, và rõ ràng nhất, vì lẽ đây chính là giải pháp mang tính dài hạn trước vấn nạn là sự bùng phát mạnh mẽ của chủ nghĩa cực đoan đang bao trùm lên Trung Đông. Học viện các khoa học nhân văn Baghdad, được thiết lập năm 2012, chọn biểu tượng là một cái khiên có biểu tượng của dòng Đa Minh kèm với một dấu hỏi lớn. Giải pháp rốt ráo trước sự bùng phát của ISIS là khích lệ người ta suy tư. Một cha giáo nhà tập Đa Minh hồi đầu thế kỷ trước thường nói với các tập sinh thế này: “Hãy động não, hãy đặt vấn đề và suy nghĩ về mọi sự, nhưng hãy suy nghĩ cho Chúa, vì Chúa!”
Suy tư, đặc biệt là suy tư giữa lúc khủng hoảng, chứng tỏ rằng chúng ta vẫn còn hy vọng, hy vọng rằng rốt cuộc mọi chuyện không phải là vô nghĩa. Những đau khổ lớn lao có thể khiến chúng ta hoài nghi rằng mọi chuyện đều vô nghĩa. Khi chân phước Oscar Romero đến hiện trường một vụ thảm sát do quân đội thực hiện, ngài bất ngờ nhìn thấy thi hài của một bé trai nằm dưới hào, ngài lên tiếng: “Em chỉ là một đứa trẻ con, nằm dưới hào, mắt ngước nhìn lên. Anh chị em có thể nhìn thấy những lỗ đạn, những vết thâm nám vì bom nổ, máu cạn khô. Đôi mắt tròn xoe, như muốn hỏi, tại sao mình phải chết mà không được trả lời”. Tuyệt vọng là sự đổ vỡ hoàn toàn niềm hy vọng rằng mọi chuyện có ý nghĩa của nó. Vaclav Havel, nhà soạn kịch và nguyên Thủ tướng Cộng hoà Czech đã nói rằng: “hy vọng không do bởi xác tín rằng điều gì đó sẽ tốt đẹp, nhưng do tin chắc rằng điều gì đó có ý nghĩa, bất chấp nó có xảy ra, diễn tiến như thế nào đi chăng nữa.”
Dĩ nhiên, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu trọn được ý nghĩa của những đau khổ lớn lao. Chúng ta chẳng thể đào đâu ra ý nghĩa cho các tội ác diệt chủng, cho những giết chóc vô vị do các tay đánh bom liều chết gây ra, hay là cho cái chết của các em thơ. Đối diện với mầu nhiệm sự dữ, tất cả những gì chúng ta có là một mầu nhiệm còn cao sâu khó hiểu hơn, tức là mầu nhiệm xảy ra trong Chúa Nhật Phục Sinh. Thế nhưng khi chúng ta cố gắng tìm hiểu, có thể chúng ta sẽ tìm thấy những tia sáng giúp nhận ra ý nghĩa tối hậu cho cuộc hiện hữu của mình. Khi xem xét những gì đang xảy ra trong các trại tị nạn ở Iraq, chúng ta được chuẩn bị để đón nhận mạc khải chung kết, là mạc khải chúng ta nhận được khi chúng ta giáp mặt Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1 Cr 13,12). Nghiên cứu, học hành là tham dự vào cái biết chung kết này, khi đó tất cả ý định sẽ được tỏ bày ra.
“Hãy để các trẻ em đến cùng Thầy”.
Mỗi khi chúng tôi đến thăm các trại trong bộ áo dòng trắng của mình, trẻ em ùa ra phấn khởi. Chúng đã bị tống ra khỏi nhà của mình bởi những kẻ lạ mặt đến hồi đêm khuya. Một số chúng không thoát được. Một phụ nữ kể với chúng tôi câu chuyện, đứa con trai của chị đã bị một tên khủng bố ISIS giật phăng khỏi tay lúc chị ấy tháo chạy. Dầu thế, những đứa trẻ trong trại tị nạn rất phấn khởi khi chào đón chúng tôi. Tại Baghdad, chúng tôi ghé thăm khu sản của hai bệnh viện, do các chị em nữ tu Đa Minh điều hành; cả dãy trẻ sơ sinh được đặt kề cạnh nhau, Kitô giáo có, Hồi giáo có và cả Yazidi nữa. Có một nữ tu làm bà đỡ cho nhiều thế hệ, và chị được tặng cho biệt danh là “Người Mẹ Iraq”.
Trước khi rước lễ theo nghi thức Công giáo Chaldee, hai đứa trẻ tiến lên bàn thờ để được vị linh mục chúc lành, là người mà chúng đã mời về cộng đoàn. Có lẽ, trong tương lai, những đứa trẻ này sẽ là những sứ giả loan báo niềm hy vọng, dù rằng, hiện giờ chúng ta không thể hình dung sự thể sẽ ra như thế nào.
Thánh Tôma Aquinô có viết: “Tuổi trẻ là tác nhân niềm hy vọng. Vì với tuổi trẻ, tương lai còn dài, và quá khứ thì chưa nhiều”. Với Charles Peguy, hy vọng được nhân hình hoá qua hình ảnh cô con gái chín tuổi của ông:
“That absolutely nothing at all
Holds except because of the young child Hope,
Because of she who continuously begins again and who always promises,
Who guarantees everything,
Who assures tomorrow to today, and this afternoon and evening to morning
And life to life and even eternity to time.”
Một Giáo hội có hy vọng, thì Giáo hội đó sẽ sinh con đẻ cái và biết lo lắng cho chúng, điều ấy cũng giúp giải thích tại sao, tỷ sinh suất giảm tại một số nước có thể là dấu chứng tỏ là niềm hy vọng đã bị lạc mất, và tại sao tình trạng lạm dụng trẻ em lại kinh khủng đến như vậy. Chúng ta đào tạo lớp trẻ để chúng thi hành những công việc chúng ta không làm được, để chúng trở nên những con người mà chúng ta chưa thể hình dung. Teilhard de Chardin bảo rằng “tương lai thuộc về những ai chuyển trao được cho thế hệ sau, thế hệ kế tiếp lý do để hy vọng.”
Kết luận
Trong hoàn cảnh hiện tại, các Kitô hữu tại Iraq chắc chắn chẳng thể nào cảm thấy phấn khởi được. Tuy nhiên, cách sống của họ cho thấy một niềm hy vọng, một niềm hy vọng không phô trương nhưng tuôn chảy giống như một mạch ngầm, chứ không giống thứ cảm xúc nhất thời, thi thoảng bùng phát ra ngoài. Điều này được chứng tỏ qua việc, họ vẫn chọn bám trụ tại quê hương của mình, bất chấp đó là nơi bị tàn phá tan hoang. Niềm hy vọng ấy được tỏ bày ra qua việc họ “thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị” cho họ (Ep 2,10); qua việc họ giáo dục các bạn trẻ để các em có thể thực hiện được những công việc tuyệt vời mà chúng ta chưa thể nào hình dung. Quả thực, Giáo hội là thầy dạy tuyệt vời cho các bạn trẻ mọi nước mọi dân. Xin Thiên Chúa làm cho sống động nơi tất cả chúng ta lòng cậy trông vững vàng.
Lm. Timothy Radcliffe, O.P.
(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)