Ngày 20-05-2024, Thứ Hai Sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, lễ nhớ buộc

 

Ngày 20-05-2024, Thứ Hai Sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, lễ nhớ buộc

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.( Ga 19,25-27 )

Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Gợi ý suy niệm

Ngay sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội mừng lễ Mẹ Hội Thánh. Việc phụng vụ mừng lễ này liền kề với lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cho thấy Hội Thánh nhận thức được vai trò của Đức Maria trong Giáo Hội.

Tước hiệu Mẹ Hội Thánh được dành cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a vì chính Mẹ đã sinh hạ Đức Ki-tô là Đầu của Hội Thánh và trước khi Con lòng Mẹ trút hơi thở trên thập giá, Mẹ trở nên Hiền Mẫu của những kẻ được cứu chuộc. Đức Phao-lô VI đã long trọng xác nhận danh hiệu này trong diễn từ đọc trước các nghị phụ Công Đồng Va-ti-ca-nô II ngày 21-11-1964, và quyết định : “Toàn dân Ki-tô giáo xưa nay đã tôn kính Thánh Mẫu Thiên Chúa bằng danh hiệu rất ngọt ngào này, thì nay còn phải tôn kính hơn nữa.”

Trong kinh cầu Đức Bà, tước hiệu “Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh” đã được thêm vào ngay sau câu “Đức Mẹ Chúa Kitô” để nói về vị thế và vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ. Vì Đức Maria là mẹ của Đức Kitô, và chúng ta – Giáo Hội – là chi thể của thân thể Đức Kitô nên chúng ta cũng là con của Đức Maria. Sự liên kết của Đức Maria với Con mình là không thể tách rời. Lễ nhớ này cũng thúc đẩy lòng sùng kính Đức Mẹ, bởi vì lễ này giúp chúng ta hướng về Đức Mẹ là mẫu gương cho cả nhân loại, đặc biệt là các tín hữu. Mẹ là chi thể ưu tú nhất và nguyên tuyền nhất của Giáo Hội”.

Đoạn Tin Mừng hôm nay đã chỉ cho chúng ta thấy tước hiệu Đức Maria là Mẹ Hội Thánh. Ở đây, Chúa Giêsu ủy thác thánh Gioan cho Đức Mẹ như người con được tái sinh vào đời sống thiêng liêng mà chỉ có Mẹ mới làm được. Như thế đây không phải đơn giản là lòng sùng kính Mẹ, cầu nguyện với Đức Trinh Nữ với tước hiệu này, nhưng là tuân theo ý muốn của Chúa Giêsu, vì điều này được truyền lại cho chúng ta từ Kinh Thánh: Chúa Giêsu, với những lời tuyên bố ngay lúc cận kề cái chết, xin Đức Maria chăm sóc mỗi người. Nhưng Chúa Giêsu cũng đòi hỏi mỗi người chúng ta phải cảm thấy mình được ở trong mối tương quan tình con thảo với Mẹ.

Thiên chức làm mẹ của Đức Maria được tìm thấy trong sự vâng lời, đức tin, đức cậy và đức ái của Mẹ. Những đặc điểm này là mảnh đất màu mỡ, ở đó Lời Chúa được gieo vào và trổ sinh sự sống dồi dào. Sự sống siêu nhiên đã đến với thế giới qua tiếng thưa “xin vâng” của Mẹ. Đó là tiếng thưa đem lại sự sống mới cho thế giới. Do đó, Đức Maria là Eva mới. Như sự chết đã đến thế giới qua Eva cũ thế nào, thì sự sống đã đến thế giới qua Eva mới như vậy.

Toàn bộ cuộc đời Đức Maria là một niềm ước mong của các tín hữu, nên Đức Mẹ lôi cuốn chúng ta đến với ơn cứu rỗi. Đồng thời, qua tấm gương và sự chuyển cầu từ thiên đàng, Đức Mẹ giúp chúng ta vượt qua tội lỗi và biết làm điều tốt. Mẹ không mong muốn gì khác hơn, ngoài ước mong dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ.

Nhờ sự vâng lời của Đức Maria, Giáo Hội có một gương mẫu để sống theo ý muốn của Chúa Cha. Nhờ đức tin của Mẹ, Giáo hội học được cách đưa Đức Kitô đến với thế giới. Nhờ đức cậy của Mẹ, Giáo hội học được cách trông cậy vào Chúa. Và nhờ đức ái của Mẹ, Giáo hội học được con đường cứu rỗi.

Trong bài Tin Mừng, trong những giây phút cuối cùng, Chúa Giêsu vẫn không hoàn toàn cô đơn. “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” Chính tình yêu đã làm cho những con người này bất chấp mọi sợ hãi để cùng đồng hành với Chúa Giêsu đến giây phút cuối cùng của cuộc khổ nạn. Cũng vậy, chính tình yêu mà Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người, gánh hết tội lỗi của nhân loại. Và bây giờ, đến giây phút cuối cùng, lúc treo trên thập giá, Chúa Giêsu vẫn nghĩ đến sự cô đơn, đau khổ của người khác hơn là nỗi đau khủng khiếp của chính mình.

Sự liên kết của Đức Maria với Con mình là không thể tách rời. Ngày lễ này cũng thúc đẩy lòng sùng kính Đức Mẹ, bởi vì lễ này giúp chúng ta hướng về Đức Mẹ là mẫu gương cho cả nhân loại, đặc biệt là các tín hữu. Mẹ là chi thể “ưu tú nhất… và nguyên tuyền nhất của Giáo Hội”.

Khi chúng ta cử hành Lễ nhớ này cùng với Giáo hội, hãy suy ngẫm về mối tương quan của mình với Thánh Giá, với Bí tích Thánh Thể và với Mẹ Trên trời. Nếu chúng ta sẵn sàng đứng bên Thánh giá, hãy nhìn vào Đức Maria, và chứng kiến Chúa Giêsu đã tuôn đổ những giọt máu quý giá của Người để cứu rỗi nhân loại, thì chúng ta sẽ được vinh dự nghe Người nói với mình: “Đây là con của Bà.” Hãy đến gần Đức Maria. Hãy tìm kiếm sự chăm sóc và bảo vệ của Mẹ, và để những lời chuyển cầu hàng ngày của Mẹ lôi kéo ta đến gần Con của Mẹ hơn.

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ kính yêu, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của chúng con và Mẹ của Giáo Hội, xin cầu bầu cho chúng con là những kẻ đang rất cần lòng thương xót của Con Mẹ đã được tuôn đổ từ Thập giá để cứu chuộc thế giới. Xin cho tất cả con cái của Mẹ đến gần Mẹ và với Con Mẹ nhiều hơn nữa, khi chúng con nhìn vào vinh quang của Thập giá, và khi chúng con đón nhận Bí tích Thánh Thể.

Lạy Mẹ Maria, Chúng con tạ ơn Chúa Giêsu đã ban cho chúng con một người mẹ như quà tặng vô giá lúc Người sắp lìa đời. Mẹ được chọn làm thân mẫu của Chúa và được ban đầy ân sủng siêu phàm, khiến muôn thế hệ phải ngợi khen chúc tụng. Nhưng Mẹ cũng là tỳ nữ mọn hèn luôn mau mắn thi hành ý định của Thiên Chúa, dù Mẹ chẳng hiểu hết được mầu nhiệm cao sâu.

Chúng con tưởng Mẹ sẽ đi trên con đường đầy hoa, nhưng thật ra Mẹ đã đi con đường của Chúa, con đường gập ghềnh và trắc trở, với lưỡi gươm sắc đâm thấu tâm hồn. Trong đời Mẹ có bao tiếng xin vâng trên môi, từ tiếng xin vâng đầu tiên đến tiếng xin vâng trên núi Sọ. Những tiếng xin vâng này hợp với tiếng xin vâng của Con Mẹ để Người đem ơn cứu độ cho chúng con.

Lạy Mẹ Maria, là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng con. Mẹ đã sống trọn phận người như chúng con, và đã chiến thắng sau khi kết thúc cuộc đời trần thế. Mẹ hiểu chúng con cần lời cầu bàu của Mẹ biết bao đang khi phải chiến đấu giữa trần gian đầy sóng gió.

Ước gì chúng con cũng có phúc vì đã tin như Mẹ, có phúc vì đã làm cho Con của Mẹ được sinh ra, và được lớn lên trong thế giới hôm nay. Amen.