Nguyện yêu mãi riêng CHÚA mà thôi.

Nguyện yêu mãi riêng CHÚA mà thôi.

Đức Giê-su đã trỗi dậy từ cõi chết. Biến cố này được tác giả các sách Tin Mừng cho biết là đã xảy ra vào “ngày thứ nhất trong tuần”.

Thật vậy, Tin Mừng thánh Mát-thêu thuật lại rằng: “Khi ngày thứ nhất trong tuần ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ.”

Tin Mừng thánh Mác-cô thì ghi rằng: “Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời mọc, các bà ra mộ.”

Còn Tin Mừng thánh Luca! Thưa, ngài thánh sử thuật rằng: “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn.”

Các bà đã đi ra mộ. Và, các bà không chỉ chứng kiến nhiều sự kiện chứng tỏ Đức Giê-su đã trỗi dậy từ cõi chết, mà còn được “Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: chào chị em!”. Đức Giê-su còn nói với các bà rằng: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28, 9-10)

Tuân theo lời Đức Giê-su, các bà đã trở về “kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy… Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẫn, nên chẳng tin.” (x.Lc 24, 11)

Riêng ông Phê-rô, sau khi nghe lời tường trình của bà Ma-ri-a Mác-đa-la, ông đã “chạy ra mộ” Nhưng… “nhưng khi cúi nhìn (ngôi mộ), ông thấy chỉ còn có những khăn liệm mà thôi.” Thầy Giê-su đâu! Ông Phê-rô không thấy! Tất cả những dữ kiện mà ông đã thấy, chỉ làm cho ông  “rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra”. (Lc 24, …12)

Lời loan báo của Thầy Giê-su, rằng:  “Ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”, sao… sao tới sáng nay, là ngày thứ nhất trong tuần, vẫn chưa thấy ứng nghiệm! Ôi! Ngày thứ nhất trong tuần, vẫn chỉ là một ngày thứ nhất buồn. Một ngày “Chúa Nhật Buồn”, nói theo cách nói hôm nay…

Rất… ông Phê-rô rất buồn! Một sáng Chúa Nhật… một “Chúa Nhật buồn, đi lê thê. Cầm một vòng hoa đê mê. Bước chân về với gian nhà, Với trái tim cùng nặng nề…” Hôm ấy, với-trái-tim-cùng-nặng-nề, ông Phê-rô rời ngôi mộ.  Và khi về tới nhà thì trời đã xế chiều.

Chiều hôm ấy, ngồi trong ngôi nhà “các cửa đều đóng kín”, ông Phê-rô xót xa và oán thương về những gì đã xảy ra cho Thầy Giê-su. Nhớ! ông đã ước “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy.” Một ước muốn chân thành… thế mà Thầy lại bảo ông là “Sa-tan… Lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy”.Thế có buồn không kia chứ!

Nỗi buồn đó đeo đẳng ông đến tận chiều hôm nay. Vâng,  một chiều  Chúa-Nhật-Buồn!. Chiều… “Chúa nhật buồn, tôi im hơi. Vì đợi chờ không nguôi ngoai. Bước chân người nhớ thương tôi. Ðến với tôi thì muộn rồi! Trước (ngôi mộ), khói hương mờ. Bốc lên như vạn ngàn lời. Dẫu qua đời, mắt tôi cười. Vẫn đăm chiêu nhìn về người.” (Sombre Dimanche)

Chúng ta, chúng ta có thể nghĩ, tâm trạng của niên trưởng Phê-rô lúc ấy, là như thế. Là vẫn-đăm-chiêu-nhìn-về-Thầy. Trong tâm hồn mình, ông Phê-rô vẫn đăm chiêu nhìn Đức Giê-su… Và rồi Đức Giê-su đã đăm chiêu nhìn lại ông. Ngài đã trực tiếp nhìn ông qua việc hiện đến “nơi… ông ở”.

Sự kiện này được ghi lại chi tiết trong Tin Mừng thánh Gio-an. (x.Ga 20, 19-31)

**   

Vâng, Tin Mừng thánh Gio-an thuật lại, rằng: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái.” (Ga 20, 19)

Tại sao lại sợ-người-Do-Thái? Thưa, thánh sử Gio-an không nói lý do. Nhưng, chúng ta có thể suy đoán rằng, các môn đệ sợ là bởi, “người Do Thái”, đại diện là nhóm thượng tế và các kỳ mục đã nham hiểm cho đám lính canh mộ Đức Giê-su một số tiền lớn và bảo họ tung tin đồn rằng, vào ban đêm “các môn đệ của ông Giê-su đã đến lấy trộm xác” (Mt 28, 13).

Mà, “trộm xác” thì sao? Thưa, chết chắc! Trong 613 điều luật của Do Thái giáo, có hai điều liên quan đến xác chết. Điều 224. Không đến gần xác chết. Và điều 225. Không tiếp xúc với người chết. (nguồn: internet)

Không đến gần xác chết. Không tiếp xúc với người chết. Thế mà, chiều hôm ấy, nơi các ông ở, lại xảy ra chuyện “xác chết trở về”. Vâng, “xác” của Đức Giê-su trở về với các ông. Thế nhưng, không phải trở về bằng một “hòm gỗ cài hoa… trên trực thăng sơn màu tang trắng”, nhưng bằng một thân xác Phục Sinh từ cõi chết.

Thánh sử Gio-an cho biết: “Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình An cho anh em’. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn.”

Kinh Thánh có lời chép rằng: “Giấc mộng chưa thành trái tim khắc khoải”. Nay, mộng ước đã thành, cớ gì trái tim “còn khắc khoải”, nhỉ!. Chuyện… chuyện kể rằng: “Các ông vui mừng vì được thấy Chúa.”

***

“Và con tim đã vui trở lại”. Vâng, hôm đó, “mười con tim” của các ông “đã vui trở lại”. Các ông đã không còn “lạc loài niềm tin, sống không ngày mai.” Các ông đã… đã “biến đổi tâm hồn thành một người mới.” (Đức Huy)

Hôm ấy, mười người môn đệ đã được Đức Giê-su biến đổi. Biến đổi qua việc  “thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Thế còn một người nữa, đâu rồi! Nhóm Mười Một kia mà! Vâng, người ấy là tông đồ Tô-ma. “Ông Tô-ma, cũng gọi là Đi-dy-mô, không ở với (các môn đệ) khi Đức Giê-su đến.” Chính sự vắng mặt của ông, đã khiến ông không tin Đức Giêsu: “Người đã sống lại thật”, mặc cho tất cả các môn đệ đều xác quyết rằng: “chúng tôi đã được thấy Chúa”.

Hôm ấy, ông lớn tiếng thách thức rằng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin…”

Thế rồi, tám ngày sau. “Khi các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả Tô-ma ở đó với các ông.” Ông Tô-ma đã phải giật thót tim khi nhìn thấy Đức Giê-su. Cũng giống như lần trước, mặc cho “các cửa còn đóng kín” Đức Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi Người bảo ông Tô-ma rằng, “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20, 27).

Vâng, Đức Giê-su khiển trách Tô-ma “cứng lòng tin”. Nhưng cứng-lòng-tin không có nghĩa là không tin. Ông Tô-ma chỉ muốn “Bách văn bất như nhất kiến – Trăm nghe không bằng một thấy”. Và, hôm nay ông đã thấy. Ông đã thấy và ông đã tuyên xưng niềm tin của mình: “Lạy Chúa của tôi. Lạy Thiên Chúa của tôi”. (Ga 20, 28).

Hôm ấy, sau khi nghe Tô-ma tuyên xưng, Đức Giê-su nói: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin”. Và rồi, Ngài nói tiếp” “Phúc thay những người không thấy mà tin.”

****  

Hôm nay, tiếp nối sứ mạng của các tông đồ, Giáo Hội tiếp tục tuyên xưng rằng: Đức Giê-su – “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.”

Chúng ta có cần, có muốn “xỏ ngón tay vào lỗ đinh và… bàn tay vào cạnh sườn Người”, rồi chúng ta mới tuyên xưng lời truyền dạy của Giáo Hội? Câu trả lời là của mỗi chúng ta.

Thế nhưng, nếu muốn, nếu cần…  hãy đến, hãy đến nhà thờ. Đến nhà thờ, chúng ta sẽ gặp được Đức Giê-su Phục Sinh.

Chúng ta sẽ đươc gặp Ngài trong phần Phụng Vụ Lời Chúa. Trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta sẽ được nghe Đức Giê-su truyền đạt những lời nhắn nhủ, như Ngài đã nhắn nhủ các môn đệ năm xưa, rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Và rằng: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”

Đến nhà thờ, chúng ta sẽ được gặp Ngài nơi Bàn Tiệc Thánh Thể.  Tại nơi đây “Mình và Máu Chúa Phục Sinh – Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết” sẽ đem lại cho chúng ta “sự sống đời đời”.  Lm. Charles E.Miller có lời truyền dạy, như thế.

Mà, thật vậy. Chính… chính Đức Giê-su đã có lời phán hứa, rằng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sự sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” (x.Ga 6, 54-55)

Vâng, Đức  Giêsu Phục Sinh không quá thiên vị, Ngài vẫn hiện đến với chúng ta qua “Bí Tích Thánh Thể”. Trước giây phút người tín hữu bước tới bàn Tiệc Thánh để “thấy và cầm” Đức Giêsu Phục Sinh, qua vị linh mục chủ tế, Ngài cũng sẽ nói với chúng ta lời chúc  như xưa đã chúc cho các môn đệ , rằng: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”.

Quan trọng là thế. Thế nên, chúng ta đừng như Tô-ma vắng mặt vào ngày thứ nhất trong tuần. Nói, theo cách nói hôm nay, đó là: chúng ta đừng vắng mặt nơi Bàn Tiệc Thánh vào những ngày Chúa Nhật, mỗi tuần.

Đừng để “bị quyến rũ bởi những quyền lực thế gian và những gì thuộc thế giới này.” Đừng  “đặt niềm tin của chúng ta vào phù phiếm của thế gian, tiền bạc , hay sự thành công.” Vâng, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã có những lời khuyên như thế.

Ngài Phan-xi-cô có lời tiếp, rằng:“Tại sao bạn đang tìm kiếm những thứ đó, nó không thể cung cấp cho bạn cuộc sống, nó sẽ cho bạn niềm vui một ngày, một tuần, một tháng, một năm và sau đó… chăng? Tại sao bạn tìm kiếm một cuộc sống trong vòng kẻ chết? Câu này cần phải thấm nhập vào trái tim của chúng ta..”

Vâng, “cần phải thấm nhập vào trái tim của chúng ta”. Bởi có như thế, và chỉ như thế, chúng ta mới có thể có đươc một “con tim đã vui trở lại”, một “niềm tin đã dâng về (Chúa)”. Và cuối cùng là “Trọn tâm hồn, nguyện yêu mãi riêng ‘CHÚA’ mà thôi.”

Chiều ngày thứ nhất trong tuần, năm xưa, Đức Giê-su Phục Sinh đã ban Bình An cho các môn đệ. Ngày Chúa Nhật mỗi tuần, hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh, qua các vị linh muc, cũng ban Bình An cho chúng ta.

Chiều ngày thứ nhất trong tuần, năm xưa, ông Tô-ma đã nói với Đức Giê-su Phục Sinh, nói rằng: “Lạy Chúa của tôi. Lạy Thiên Chúa của tôi”.

Ngày Chúa Nhật mỗi tuần, hôm nay, chúng ta sẽ nói gì với Đức Giê-su Phục Sinh? Nên chăng, hãy nói với Ngài rằng: Trọn đời con “nguyện yêu mãi riêng CHÚA mà thôi”

Vâng, rất nên. Nên nói: “Nguyện yêu mãi riêng CHÚA mà thôi.”

Petrus.tran