Ngày 29-03-2024, Thứ Sáu Tuần Thánh – Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu

Ngày 29-03-2024, Thứ Sáu Tuần Thánh - Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu

Dấu ký hiệu viết tắt :

✠ : Đức Giê-su

nk : người kể m : một người

dc : dân chúng

✠ Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 18,1 – 19,42)

nk Khi ấy, Đức Giê-su đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kít-rôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào. Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ. Vậy, Giu-đa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu; họ mang theo đèn đuốc và khí giới. Đức Giê-su biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi:

✠ “Các anh tìm ai?”

nk Họ đáp:

dc “Tìm Giê-su Na-da-rét.”

nk Người nói:

✠ “Chính tôi đây.” nk Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ. Khi Người vừa nói: “Chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi một lần nữa:

✠ “Các anh tìm ai?” nk Họ đáp: dc “Tìm Giê-su Na-da-rét.”

nk Đức Giê-su nói:

✠ “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi.”

nkThế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai.”

nk Ông Si-môn Phê-rô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Man-khô. Đức Giê-su nói với ông Phê-rô:

✠ “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?”

nk Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Do-thái bắt Đức Giê-su và trói Người lại. Trước tiên, họ điệu Đức Giê-su đến ông Kha-nan là nhạc phụ ông Cai-pha. Ông Cai-pha làm thượng tế năm đó. Chính ông này đã đề nghị với người Do-thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn.

nk Ông Si-môn Phê-rô và một môn đệ khác đi theo Đức Giê-su. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giê-su vào sân trong của tư dinh vị thượng tế. Còn ông Phê-rô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phê-rô vào. Người tớ gái giữ cổng nói với ông Phê-rô:

m “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao?”

nk Ông liền đáp:

m “Đâu phải.”

nk Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó; ông Phê-rô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế tra hỏi Đức Giê-su về các môn đệ và giáo huấn của Người. Đức Giê-su trả lời:

✠ “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do-thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì.”

nk Đức Giê-su vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói:

m “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư?”

nk Đức Giê-su đáp:

✠ “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?”

nk Ông Kha-nan cho giải Người đến thượng tế Cai-pha, Người vẫn bị trói.

nk Còn ông Si-môn Phê-rô thì vẫn đứng sưởi ở đó. Người ta nói với ông: m “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao?”

nk Ông liền chối:

m “Đâu phải.”

nk Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phê-rô chém đứt tai, lên tiếng hỏi: m “Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao?”

nkMột lần nữa ông Phê-rô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy.

nk Vậy, người Do-thái điệu Đức Giê-su từ nhà ông Cai-pha đến dinh tổng trấn. Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. Vì thế, tổng trấn Phi-la-tô ra ngoài gặp họ và hỏi:

m “Các người tố cáo ông này về tội gì?”

nk Họ đáp:

dc “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan.”

nk Ông Phi-la-tô bảo họ:

m “Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người.”

nk Người Do-thái đáp:

dc “Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả.”

nk Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói, khi ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.

nk Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người:

m “Ông có phải là vua dân Do-thái không?”

nk Đức Giê-su đáp:

✠ “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”

nk Ông Phi-la-tô trả lời:

m “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?”

nk Đức Giê-su trả lời:

✠ “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.”

nk Ông Phi-la-tô liền hỏi:

m “Vậy ông là vua sao?”

nk Đức Giê-su đáp:

✠ “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”

nk Ông Phi-la-tô nói với Người:

m “Sự thật là gì?”

nk Nói thế rồi, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ:

m “Phần ta, ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy. Theo tục lệ của các người, vào dịp lễ Vượt Qua, ta thường tha một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha vua dân Do-thái cho các người không?”

nk Họ lại la lên rằng: dc “Đừng tha nó, nhưng xin tha Ba-ra-ba!”

nk Mà Ba-ra-ba là một tên cướp.

nk Bấy giờ ông Phi-la-tô truyền đem Đức Giê-su đi và đánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: dc “Kính chào Vua dân Do-thái!”, nk rồi vả vào mặt Người.

nk Ông Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với người Do-thái:

m “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy.”

nk Vậy, Đức Giê-su bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Phi-la-tô nói với họ: m “Đây là người!” 6 nk Khi vừa thấy Đức Giê-su, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: dc “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!”

nk Ông Phi-la-tô bảo họ:

m “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy.”

nk Người Do-thái đáp lại:

dc “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa.”

nk Nghe lời đó, ông Phi-la-tô càng sợ hơn nữa. Ông lại trở vào dinh và nói với Đức Giê-su:

m “Ông từ đâu mà đến?”

nk Nhưng Đức Giê-su không trả lời. Ông Phi-la-tô mới nói với Người: m “Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?”

nk Đức Giê-su đáp lại:

✠ “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn.”

nk Từ đó, ông Phi-la-tô tìm cách tha Người. Nhưng dân Do-thái kêu lên rằng: dc“Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da.”

nk Khi nghe thấy thế, ông Phi-la-tô truyền dẫn Đức Giê-su ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên toà, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha. Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Phi-la-tô nói với người Do-thái: m“Đây là vua các người !”

nk Họ liền hô lớn: dc “Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!”

nk Ông Phi-la-tô nói với họ: m “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?”

nk Các thượng tế đáp:

dc “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da.”

nk Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. nk Vậy họ điệu Đức Giê-su đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa. Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái.” Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp. Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Phi-la-tô:

m “Xin ngài đừng viết: ‘Vua dân Do-thái’, nhưng viết: ‘Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do-thái’.”

nk Ông Phi-la-tô trả lời: m “Ta viết sao, cứ để vậy!”

nk Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: m“Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.”

nk Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.

nk Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng:

✠ “Thưa Bà, đây là con của Bà.”

nk Rồi Người nói với môn đệ:

✠ “Đây là mẹ của anh.”

nk Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

nk Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói:

✠ “Tôi khát!”

nk Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói:

✠ “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (quỳ gối thinh lặng trong giây lát)

nk Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.

nk Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xếp đến hạ thi hài Người xuống. Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái. Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.

Gợi ý suy niệm

Hôm nay là thứ Sáu Tuần Thánh, theo lễ nghi Phụng vụ, không có Thánh lễ, nhưng có rước lễ, để kỷ niệm cái chết đau thương của Chúa Giêsu, Giáo xứ chúng ta tổ chức nghi thức suy tôn Thánh giá Chúa. Trong giờ phút này, chúng ta hãy suy nghĩ về tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với chúng ta qua cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá. Chúa đã tự nguyện chịu chết thay cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải đáp lại tình yêu ấy cho cân xứng, bởi vì chỉ có tình yêu mới đáp lại được tình yêu.

Thánh Gioan có một cái nhìn đặc biệt với cuộc chịu nạn của Chúa Giêsu. Thập giá không chỉ là con đường dẫn tới vinh quang:

– Đó là GIỜ mà từ lâu Chúa Giêsu hằng nghĩ tới và chuẩn bị, là thời điểm vinh qung mà vận động viên marathon chạy về tới đích đoạt chiếc cúp vàng.

– Do đó Gioan cho thấy Chúa Giêsu bước vào cuộc thụ nạn một cách đầy ý thức và chủ động. Gioan luôn lập đi lập lại những chữ “Ngài biết”. Chúa Giêsu biết trước những gì sắp xảy đến. Ngài luôn làm chủ những diễn biến.

– Trên Thập giá Chúa Giêsu trở thành VUA và lấy lại vinh quang Ngài vốn có nơi Chúa Cha. Từ Thập giá, Ngài:

– Kéo mọi người lên với Ngài.

 – Sinh ra Hội thánh.

 – Ban cho Hội thánh một người mẹ là Đức Maria.

– Tuôn tràn thánh linh xuống cho Hội thánh. Bởi đó, khi chúng ta cùng Gioan đi theo những chặng đường Thập giá Chúa Giêsu, tâm tình của chúng ta phải có lạc quan và biết ơn.

Chính vì Chúa Giêsu luôn ý thức và chủ động trong mọi diễn biến của cuộc chịu nạn mà cuộc chịu nạn này mới có giá trị. Những đau khổ của chúng ta cũng thế.

Đối với Chúa Giêsu,Thập giá là vinh quang. Thánh Phalô cũng nói “Vinh dự của chúng ta là Thập giá Đức Kitô”. Xin Chúa giúp chúng con có thể nói được như thế.

“Thế là đã hoàn tất!”

Lời tuyên bố thánh thiêng này của Chúa Giêsu cho biết công trình cứu độ của Ngài “đã hoàn tất” theo nghĩa không còn gì để làm thêm nữa, đã chấm dứt. Ðã hoàn tất: hy vọng về một Đấng Cứu Thế đã được đáp ứng tận tình, bởi tình yêu tròn đầy nơi Ngài, một tình yêu trao ban trọn vẹn đến nỗi dốc cạn đến giọt máu cuối cùng cho người mình yêu. Cái chết của Chúa Giêsu, mà chúng ta chiêm ngắm ngày hôm nay, là sự hy sinh cao cả để đền bù cho tội lỗi chúng ta, là quà tặng vô giá Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Có lẽ, hình ảnh Chúa Giêsu chịu treo đau khổ trên Thánh Giá đã quá quen thuộc với chúng ta. Dường như quen thuộc quá khiến ta trở nên chai lỳ, khô khan, và rồi ta chẳng thể cảm nghiệm mình được yêu dường nào. Ngài đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc con người bằng chính giá máu của mình, và cho đến hôm nay, hằng ngày hằng giờ, Ngài vẫn dâng mình trên bàn thờ vì những lỗi phạm của chúng ta.

Chính vì thế, vương quốc của Chúa Giêsu là vương quốc của Tình Yêu. Chịu treo lơ lửng trên Thập giá, Vua Giêsu không mặc áo cẩm bào sang trọng đính ngọc dát vàng, nhưng chịu cảnh thân mình bầm dập, loang lổ vết thương. Một vị vua không cai trị bằng quyền uy vũ lực, nhưng chinh phục các tâm hồn bằng tình yêu. Một vị vua không có lãnh thổ trên bản đồ thế giới, nhưng nằm sâu trong trái tim mọi người. Vị Vua lạ lùng này đã hiến trao mạng sống mình cho muôn người được sống, trút cho nhân loại cả giọt máu cuối cùng trong đáy tim!

Giờ đây, mời bạn hãy để tâm hồn mình được đắm chìm trong tình yêu hiến tế của Chúa Giêsu, để tận sâu trong trái tim, chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu trọn hảo của Ngài.

Thật là một sự an ủi đối với Chúa Giêsu nếu ta biết giành trọn từng giây phút trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh này để suy ngẫm một cách chân tình nhất về tình yêu cao vời của Ngài nơi mầu nhiệm Thập Giá. Hãy thật sự thinh lặng cõi lòng mình. Hãy mở con mắt đức tin để chiêm ngắm Chúa, chiêm ngắm tình yêu thương tha thứ vô biên của Chúa dành cho chúng ta . Hãy suy ngẫm về một Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Chúa Cả trời đất nhưng chấp nhận nhập thể làm người, sống kiếp người, chết dưới bàn tay con người, những người con chính Ngài tạo dựng, phải chịu mọi sự đày đọa những tạo vật mà Ngài hết mực yêu bằng một tình yêu trọn vẹn. Thật lạ lùng!

Tình yêu nơi Chúa Giêsu là một tình yêu hiến tế vượt mọi không gian, thời gian. Không còn gì quý hơn để ban tặng, Ngài đã trao ban cả thân xác, để thấm nhập vào xác thân con người. Ngài ngỏ lời cho chúng ta hiểu rằng: Yêu là cho đi, cho hết, cho cả cuộc đời. Một khi cảm được tình yêu cao cả này, thì ta mới có thể bắt chước yêu như Ngài đã yêu. Tình yêu mời gọi ta yêu cả kẻ thù, cả những người vu khống, hãm hại ta một cách chân thành. Thiên Chúa đã trao ban cho con người chúng ta một tình yêu vượt qua mọi ranh giới, vượt trên mọi tình yêu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, đối với người không có niềm tin thì Thập giá tiêu biểu cho một hình thức khổ đau thật nhục nhã, và rao giảng về Thập giá là sự điên rồ. Chính con mỗi lần đối diện với Thập giá cuộc đời, trí khôn như muốn nổ tung và lòng như muốn khăng khăng chối từ.

Nhưng hôm nay, nhờ mầu nhiệm Chúa chịu chết trên Thánh giá, Chúa đã đem lại cho khổ đau Thập giá một giá trị tuyệt vời: giá trị cứu độ trần gian. Vâng, Thánh giá là đỉnh cao của con đường cứu độ, là tiếng nói vĩ đại của lời yêu thương tha thứ tội lỗi nhân loại, là chặng đường Chúa đã đi để phục sinh một con người mới, một dân tộc mới. Con đường khổ đau Thánh giá mà Chúa đã đi trở thành lời mời gọi con bước theo: “Ai muốn theo sau Ta thì hãy từ bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày mà theo Ta”.

Vâng, con đường mà Chúa đã đi làm rõ nét thêm Lời Chúa đã thưa khi nhập thể: “Này con xin đến để thi hành Thánh Ý Cha”, và lời thưa trên thánh giá: “Mọi sự đã hoàn tất”. Như vậy, đau khổ thập giá là cái Chúa đón nhận để xin vâng sứ mệnh Chúa Cha trao phó. Con đường đau khổ thập giá còn ghi đậm nét hình bóng Tình yêu Nhập thể, Tình yêu Cứu rỗi. Xin cho con xác tín rằng theo Chúa là từ nay cả cuộc đời con, với từng phút giây, từng biến cố vui buồn sướng khổ, là những bước chân tiến vào con đường thập giá như Chúa.

Xin cho con xác tín rằng cả cuộc đời con, với những trăn trở khắc khoải cho mình và tha nhân, là sợi chỉ đang kết dệt nên ơn gọi Kitô hữu mà đỉnh cao vẫn là Thập giá của Chúa. Amen.