Ngày 25-03/2024, Thứ Hai Tuần Thánh

Ngày 25-03/2024, Thứ Hai Tuần Thánh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.(Ga 12,1-11)

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.

Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.

Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.

Gợi ý suy niệm

Trong những bữa tiệc trước đây, cô Maria thường ngồi dưới chân mà nghe Chúa giảng dạy, lần này cô lấy bình thuốc thơm hảo hạng xức chân Đức Giêsu. Việc xức thuốc thơm cho khách là phong tục phổ thông của người Do thái. Thông thường người ta xức trên đầu, nhưng nếu là thân tình, họ xức cả đầu lẫn chân. Hôm nay, không những cô xức đầu Chúa mà còn xức cả chân nữa. Hành động này diễn tả lòng khiêm nhường và yêu mến Chúa (Ga 12, 8; Mt 26, 7).

Bình dầu này chứa khoảng 327 gr nước hảo hạng rút từ tinh chất cây tùng hương. Lẽ ra chỉ xức một vài giọt trên đầu là đủ, nhưng Maria đã đập bể cổ bình và dội cả lọ nước hoa lên chân Chúa rồi lấy chính mái tóc thề của mình mà lau chân Chúa. Maria chấp nhận sự phí phạm này, vì tình yêu của cô đối với Chúa, hay đúng hơn, vì tình yêu quá lớn của Chúa đối với gia đình cô. Tắt một lời Maria đã làm thế vì lòng mến Chúa.

Trước việc làm của cô Maria, Giuđa cho là một việc làm uổng phí, vì 300 đồng bạc, giá của bình dầu, theo thánh Gioan, là giá của 300 ngày công của một người lao động. Việc Giuđa chỉ trích việc làm phí phạm của Maria càng biểu lộ lòng tham tiền của hắn. Đối với Giuđa lúc này, tiền còn quý hơn tình nghĩa đối với Chúa. Chính vì thế, thánh Gioan là một người vốn tế nhị mà hôm nay còn nói: “Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo mà vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung”.

Giuđa là con người đạo đức giả, quá ham mê tiền của vật chất, đã phản bội Chúa. Y tượng trưng cho những người yếu đuối, chiều theo sức lôi cuốn của thế gian, xác thịt và ma quỷ, đang tâm phản bội tình thương của Chúa.

Còn những kẻ chống đối Chúa: đó là các thượng tế, luật sĩ, biệt phái. Họ tượng trưng cho nếp sống ích kỷ, vụ lợi. Khi không có lợi cho mình thì từ chối, khi thấy mình mất mát và phải hy sinh thì trốn tránh và chống đối.

Họ “quyết định giết luôn cả Lazarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu”. Họ có thái độ “giận cá chém thớt”, một thái độ mà nhiều khi, nếu không để ý, chúng ta cũng dễ mắc phải. Rõ ràng họ đang bị tính ghen ghét xui khiến. Nếu họ có nói lý do giết Chúa là gì đi nữa thì việc họ muốn giết Lazarô rõ ràng là vì uy tín của Đức Giêsu vượt trên uy tín của họ.

Còn dân chúng thì làm sao? Thánh Luca cũng cho biết: “Một đám đông người Do thái biết Đức Giêsu đang ở đó. Họ tuốn đến. . .”. Chúng ta thấy họ đến với Chúa không chỉ bằng niềm tin, nhưng còn vụ lợi, hoặc tò mò xem Đức Giêsu và Lazarô được phục sinh. Họ tượng trưng cho những người theo đạo vì gạo, thích thú về ơn Chúa hơn là chính Chúa, một nếp sống đạo hời hợt, nông cạn. Và khi gặp thử thách, họ dễ thất bại, sa ngã, phạm tội. . .

Cử chỉ của cô Maria hôm nay là kiểu mẫu cho cử chỉ và việc làm cụ thể để tỏ lòng yêu mến Chúa đặc biệt nơi tha nhân, nhất là những người nghèo khổ.

Mỗi người chúng ta cũng phải tìm cho ra cách độc đáo của mình trong việc tin mến Chúa, như gương sáng trên và như cô Maria lấy dầu thơm xức chân Chúa.

Thực vậy, nếu chúng ta có lòng mến Chúa thật chúng ta sẽ tìm ra cách tỏ lòng mến Chúa riêng của mình, chẳng hạn như quyết tâm sửa đổi một thói hư tật xấu nào đó, quyết tâm làm một việc tốt, vì không ai giàu sáng kiến cho bằng người đang yêu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, thế giới hôm nay đang có nhiều tiến bộ về kỹ thuật, con người đang mang tham vọng trở thành chủ tể thế giới. Nhu cầu sống hưởng thụ ngày càng lớn. Vì thế, con người thời nay hầu như có khuynh hướng chỉ nghĩ đến mình, sống cho riêng mình và ít khi nghĩ đến người khác. Nhưng lòng bác ái yêu thương đã dẫn con đến với Chúa ngang qua bóng dáng con người. Chúa vẫn còn hiện diện đó đây: nơi em bé mồ côi lang thang vất vưởng, nơi người hành khất tiều tụy trên đường phố, nơi bất cứ ai con gặp gỡ chuyện trò… Tất cả những khuôn mặt đó như nhắc nhở con mở rộng tấm lòng đón nhận anh em.

Lạy Chúa, mùa chay mời gọi con sống hy sinh, cầu nguyện và thực hành bác ái yêu thương. Xin Chúa giúp con biết quảng đại chia sẻ của cải vật chất, để xoa dịu bớt nỗi đau thương và thiếu thốn của đồng loại. Xin thánh hóa con, giúp con tránh xa những quyến rũ của dục vọng, bớt đi những tiệc tùng xa hoa, bớt rượu chè cờ bạc, bớt tích góp cho mình.

Xin giúp con biết san sẻ cho đời, không chỉ là tiền bạc mà còn chia sẻ chính tấm lòng yêu thương. Vì con đường dẫn tới anh em cũng chính là con đường dẫn con đến với Chúa. Nhưng lạy Chúa, con cũng không thể yêu thương anh em nếu con chưa có lòng yêu mến Chúa thật. Xin Chúa giúp con trước hết yêu mến Chúa vì chính Chúa, mến Chúa trên hết mọi người và mọi sự, bởi vì chỉ có Chúa là Thiên Chúa đáng mến. Amen.