Ngày 17-03-2024, Chúa Nhật Tuần 5 Mùa Chay Năm B

Ngày 17-03-2024, Chúa Nhật Tuần 5 Mùa Chay Năm B

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.( Ga 12,20-33 )

Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. Đức Giê-su trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.

Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.” “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!”

Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: “Đó là tiếng sấm!” Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!” Đức Giê-su đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.

Gợi ý suy niệm

Phụng vụ hôm nay nhắc cho chúng ta phải thi hành giao ước tình yêu mà Chúa đã ký kết với chúng ta trong máu Con của Ngài trên thập giá. Đáp lại tình yêu cao vời ấy, chúng ta hãy đón nhận “giờ” của Chúa là giờ của ta chúng ta, nghĩa là chúng ta sẵn sàng đón nhận những gian nan thử thách, thi hành thánh ý Chúa, chu toàn giữ lề luật Chúa như lời Chúa nói qua miệng tiên tri: “Ta sẽ đặt lề luật Ta trong lòng chúng, Ta sẽ ghi khắc luật đó vào trái tim chúng”.

Nhân cơ hội có sự hiện diện của mấy người ngoại giáo gốc Hy lạp muốn gặp Đức Giêsu để tìm hiểu về Ngài, hoặc muốn trình bày điều gì đó, nhân dịp này Ngài nói với họ về “Giờ của Ngài”. Giờ của Ngài tức là lúc Ngài bị treo trên thập giá, giờ mà Ngài được tôn vinh.

Nói theo ngôn ngữ người đời thì đó là một điều nghịch lý, nhưng với cái nhìn đức tin, thì đó lại là một niềm vinh dự vì qua cái nhục trong một thời gian vắn, một cái nhục vô lý, Đức Giêsu sẽ chiến thắng vẻ vang nhờ cuộc phục sinh của Ngài, cũng như hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi mới sinh được nhiều hạt khác: “Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,33).

Khi chấp nhận mục nát như hạt giống gieo vào lòng đất với cuộc Vượt Qua trên thập giá, Đức Giêsu đã sống trọn vẹn mầu nhiệm tự huỷ nơi bản thân mình. Mầu nhiệm này đã bắt đầu bằng việc Nhập thể và kéo dài trong suốt cuộc sống của Ngài. Sự tự huỷ này trước hết, hệ tại ở sự vâng phục hoàn toàn của Đức Giêsu trước thánh ý của Chúa Cha. Tâm tình tuân phục đó của Đức Giêsu cũng được tỏ lộ cách cụ thể qua lời Ngài thưa với Chúa Cha, mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin làm vinh danh Cha”.

Mặc dù luôn đặt ý Cha trên hết mọi sự, nhưng trong bản tính của một con người, đứng trước con đường thập giá, Đức Giêsu cũng không khỏi sợ hãi, xao xuyến, ngần ngại. Ngài sợ hãi vì trước mắt, thập giá chính là “một điều điên rồ đối với dân ngoại, là cớ vấp phạm cho người Do thái” (1Cr 1,23). Vì thế, khi biết rằng sắp đến “giờ” của Ngài, Đức Giêsu đã phải thốt lên: “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”.

Lắng nghe lời tâm sự tha thiết tự đáy lòng của Đức Giêsu, chúng ta thấy rằng: sống vâng phục không phải là một điều dễ dàng. Sự vâng phục này đòi hỏi Đức Giêsu một sự cố gắng, kiên trì để vượt qua bản thân, sẵn sàng đón nhận các biến cố vui buồn Thiên Chúa gửi đến từng ngày trong cuộc sống.

Hay nói cách khác, Đức Giêsu cũng đã phải học để có thể sống vâng phục, như lời tác giả thư Do thái viết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài (Đức Giêsu) đã học vâng phục do những đau khổ Ngài chịu”. Thế nhưng, chính nhờ sự vâng phục trọn vẹn đó mà Đức Giêsu khi hoàn tất “Ngài đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai tùng phục Ngài”.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, phải chăng cuộc đời chỉ có ý nghĩa, chỉ có giá trị khi con người biết sống quên mình, biết nghĩ đến tha nhân? Vâng, nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không thối đi, thì nó sẽ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó thối đi, sẽ sinh nhiều bông hoa. Ước gì cuộc đời chúng con là hạt lúa được chôn vùi – chôn vùi chính mình, để nẩy sinh nhiều bông hạt yêu thương cho Chúa, cho tha nhân. Amen