Ngày 15-03-2024, Thứ Sáu tuần 4 Mùa Chay

Ngày 15-03-2024, Thứ Sáu tuần 4 Mùa Chay

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.( Ga 7,1-2.10.25-30 )

Khi ấy, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người. Lễ Lều của người Do-thái gần tới.

Khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật. Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô? Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.”

Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” Bấy giờ họ tìm cách bắt Người; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến..

Gợi ý suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại: Đức Giêsu trở lại Galilê vào dịp Lễ Lều của người Do thái, đây là một trong những lễ lớn nhất và vui nhất của họ. Người ta mừng lễ này cả một tuần lễ, từ ngày 15 đến ngày 21 tháng bảy.

Nhân dịp này người Do thái tranh luận về nguồn gốc của Đức Giêsu. Họ cho rằng Đấng Messia phải có nguồn gốc lai lịch rõ ràng, còn Đức Giêsu thì họ không biết xuất thân từ đâu. Nhân đó Đức Giêsu nói cho họ biết lai lịch và nguồn gốc của Ngài là Chúa Cha “Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Nhưng nói như thế càng khiến họ muốn giết Ngài hơn. Tuy nhiên hiện giờ “họ chưa làm gì Ngài được vì chưa tới giờ Ngài”.

Sự kiện xẩy ra tại Giêrusalem vào dịp Lễ Lều và lễ tạ ơn sau ngày mùa, Đức Giêsu vào Đền thờ và giảng một cánh công khai, làm cho những người biệt phái tức giận, vì họ không thể nào chấp nhận được những điều Ngài nói về bản tính thần linh của Ngài. Họ biết nguồn gốc lai lịch của Ngài: con bà Maria, con ông thợ mộc Giuse, quê ở làng Nazareth bé nhỏ, nghèo hèn, bản thân Ngài cũng chỉ là một anh thợ mộc, thế mà Ngài lại tự nhận mình là Con Thiên Chúa, từ Thiên Chúa Cha mà đến và ngang hàng với Chúa Cha. Họ cho là Ngài lộng ngôn phạm thượng, họ nhất định không tin Ngài, dù bao nhiêu chứng cớ Ngài đưa ra cũng không đánh động được lòng dạ chai đá của họ, họ nhất quyết từ chối, đó là quyền tự do của họ.

Họ thắc mắc với câu hỏi: Ông Giêsu là ai? Họ thắc mắc và bàn tán theo quan niệm sai lầm của họ: “Ông này chẳng phải là Giêsu, con bác thợ mộc Giuse đó sao?”

Nhưng Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật”. Đó là tiếng kêu của một người không được người khác nhận biết đúng thực về mình, bởi vì Đức Giêsu không chỉ là người phàm như họ lầm tưởng, mà là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai đến cứu độ con người. Ngài chấp nhận sống nghèo hèn để đem lại giầu sang cho con người, Ngài chấp nhận đau khổ để đem lại hạnh phúc cho con người, một con người hiến thân để đem lại sự sống cho muôn người, thế mà không ai chịu tin theo Ngài.

Cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và những người biệt phái kéo dài rất dai dẳng, nhưng Ngài cũng chẳng làm cho họ tin Ngài được, trái lại càng ngày họ càng muốn giết Ngài. Cái gì đã khiến họ khó tin vào Đức Giêsu như thế? Thưa chính là vì họ tưởng họ biết quá rõ về Thiên Chúa và về Đấng Messia của Thiên Chúa: họ tưởng họ biết Thiên Chúa là ai, Đấng Messia từ đâu đến, biết rành Thánh kinh, biết rõ luật Maisen… Tất cả những gì ở ngoài cái khung hiểu biết ấy của họ, thì họ đều coi là sai lạc, là từ Satan…

Tôi có nghĩ rằng tôi đã biết tất cả về Chúa và về ơn cứu độ không? Tôi có sẵn sàng và ngoan ngoãn để Chúa dạy tôi những điều bất ngờ không?

Lý do sau cùng khiến họ không tin Ngài và tìm cách hại Ngài, không phải vì Ngài lỗi luật sabat, đó chỉ là cái cớ bên ngoài mà thôi, mà đúng ra Ngài là cái gai trước mắt họ, làm họ khó chịu: vì Ngài nguy hại cho họ, họ mất hết uy thế, mất miếng ăn.

Nhiều lần Chúa đã công khai vạch trần những sai trái và những việc làm giả đạo đức của họ trước mặt dân chúng. Vì sợ uy tín của mình vì thế mà bị giảm sút nên họ quyết tâm “thanh toán” Chúa. Họ ra tay bắt Ngài, nhưng họ không làm gì được Ngài vì giờ của Ngài chưa đến.

Những người Do Thái ngày xưa là như vậy. Ngày nay, nhiều người cũng chẳng khác gì. Họ cũng muốn dẹp bỏ những người làm họ khó chịu. Lý do là vì những người này không giống họ, dám nói ra những chỗ yếu kém của họ, có một đời sống tốt hơn họ: Sự hiện diện của những người này làm họ bị lu mờ! Cái thói ghen ghét ở đời thì thời nào cũng có. Và cũng vì thói ích kỷ đó mà cuộc sống của con người trên trái đất này gặp không biết bao nhiêu là khổ đau.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, người Do thái nghĩ rằng họ biết Chúa, nhưng thực ra họ biết theo cái nhìn tự nhiên rất nông cạn hời hợt. Hơn nữa thái độ cứng lòng cố chấp đã che lấp tâm hồn họ, không cho họ nhìn ra và đón nhận chân lý mà Chúa mặc khải cho. Họ tự hào biết rõ nguồn gốc lý lịch tầm thường của Chúa, nên họ khẳng định Chúa chẳng phải là Đức Kitô. Nhưng Chúa đã vạch trần cái biết lệch lạc cố chấp ấy để quả quyết rằng Chúa là Thiên Chúa, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, Chúa đến để dẫn nhân loại về với Thiên Chúa hằng sống và chân thật.

Lạy Chúa, con tin rằng chính Chúa đã cho con nhận ra ý nghĩa đích thực của đời người, đã cho con gặp và đạt được sự sung mãn đích thực của cuộc sống là chính Chúa. Xin cho con xác tín mãnh liệt vào Chúa, để niềm tin nơi con không chỉ là theo Chúa cách cầm chừng có mức độ, hay chỉ sống những điều xem ra dễ dãi và cố tình bỏ qua những đòi hỏi của Tin Mừng.

Xin cho con thực sự thuộc về chân lý không phải chỉ trên đầu môi chót lưỡi, trên lý thuyết, nhưng bằng và qua chính cuộc sống. Xin cho đời sống con từ trong tư tưởng, lời nói, hành vi, cử chỉ…, tất cả hòa điệu tự nhiên với chân lý Phúc âm, để con được nên một với sự Thiện chân thật là chính Chúa. Thánh Phaolô qủa quyết: “Tôi sống mà không còn là tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi”. Con ước mong lời ấy trở thành câu tâm niệm sống của con. Xin Chúa giúp con. Amen.