Hãy xin Chúa sai chúng ta

Hãy xin Chúa sai chúng ta

“Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương chúng ta vì thế Chúa sinh ra. Chúa thương chúng ta vì Chúa muốn thương ta.Vì thánh ý của Ngài là luôn luôn thương ta.”

Những dòng chữ trên đây là trích đoạn bài thánh ca “CHÚA THƯƠNG CHÚNG TA”. Tác giả là Lm. Thành Tâm.

Vâng, Thiên Chúa thương chúng ta. Tông đồ Gio-an cũng đã nói lên điều này, rằng: “Thiên Chúa là tình yêu… Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến để làm của lễ đền tội cho chúng ta.”(1Ga 4, 10)

Và quả thật, tại Belem miền Giu-đê, Đức Giê-su đã sinh ra. Ngài được sai đến để thể hiện lòng thương xót mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại.

Trong ba năm hiện diện giữa thế gian, bất cứ ai đến với Đức Giê-su, họ đều nhận thấy nơi Ngài là một con người giàu lòng thương xót.

Với những kẻ “ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt…” tìm đến, Đức Giê-su luôn thể hiện lòng thương xót của mình qua việc chữa lành họ.

Để cho lòng thương xót được lan tỏa, Ngài đã “lập Nhóm Mười Hai (và) ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.”

Vâng, Nhóm Mười Hai Tông Đồ đã được Đức Giê-su tuyển chọn. Và, Ngài đã sai họ đi. Sai họ đi như “chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Sự kiện này đã được ghi lại chi tiết trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (Mt 9, 36 – 10, 8)

**

Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại: “Tên của nhóm mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-mon, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông. Sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông. Ông Phi-lip-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô, ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế, ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô, ông Si-mon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.”

Mười hai người đã được Đức Giê-su sai đi. Và Ngài đã chỉ thị cho các ông, rằng: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào các thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.”

Tại sao Đức Giê-su lại chỉ thị cho các ông “đừng vào các thành nào của dân Sa-ma-ri”! Thưa, vào thời kỳ đó, người Do Thái không được giao thiệp với người Samari. Vâng, theo Tin Mừng thánh Luca cho biết, đã có “một làng Samari không đón tiếp Đức Giê-su” (x.Lc 9, 51) Và, đó là lý do Ngài chỉ thị cho các ông “đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en”.

Đức Giê-su nói các ông, hãy-đến-với các-con-chiên-lạc-nhà It-ra-en là bởi, họ “lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt.” Lm.Charles E.Miller đã gọi “đây là cách Đức Giê-su bộc lộ một trái tim nhân bản trọn vẹn tròn đầy tình yêu của Thiên Chúa”

“Hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần… Hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ.” Đó, đó là những điều Đức Giê-su đã chỉ thị cho nhóm mười hai tông đồ.

***

Trước khi sai nhóm mười hai, Đức Giê-su đã nói với các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Nhắc lại lời nói này để làm gì? Thưa, để chúng ta tự hỏi mình rằng: Phải chăng, đây cũng là lời Đức Giê-su nói với chúng ta, hôm nay? Vâng, tất nhiên cũng là lời Ngài nói với chúng ta.

Đức Giê-su nói với chúng ta, bởi chúng ta cũng là môn đệ của Ngài. Đức Giê-su nói với chúng ta, bởi hôm nay, bên cạnh chúng ta vẫn còn rất nhiều người “ngồi quanh đây, trán in vết nhăn.”

Thật vậy, vẫn còn rất nhiều vầng trán nhăn nhó vì phải đối diện với nỗi đau thể xác. Vẫn còn rất nhiều vầng trán in đầy vết nhăn, những vết nhăn do phải lựa chọn giữa sự ác và sự thiện, giữa điều phải làm và điều không nên làm.

Nói cách khác, vẫn còn đó những người đau yếu bệnh hoạn, tật nguyền. Vẫn còn đó những người bị “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”.

Thật là vậy đấy! Có “đoạn trường” không kia chứ, khi mà mọi giá trị của đạo đức hầu như bị đảo lộn. Xưa, hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, thì nay, đồng tính, lưỡng tính tất cả đều có thể!

Chính chúng ta phải “chạnh lòng thương” với những ai rơi vào hoàn cảnh nêu trên. Chính chúng ta phải là người “chữa lành người đau yếu” Chính chúng ta phải là người nói lên sự hiểm nguy cho những ai đang tiến bước trên con đường của quỷ ma, rằng: đó chính là con đường dẫn đến thung lũng âm u, nghi ngờ và chết chóc.

Đừng nghĩ rằng, chúng ta không thể thực hiện được, như nhóm mười hai tông đồ xưa đã thực hiện được. Mọi sự đều có thể khi chúng ta thấm đậm lòng thương xót, lòng thương xót Đức Giê-su đã truyền dạy.

Mà, Đức Giê-su đã truyền dạy điều gì về lòng thương xót, nhỉ! Phải chăng, đó là: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”!? (Ga 15, 13)

Đức Giê-su, người mục tử nhân lành, đã thực sự “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” Điều này đã làm cho thánh Phao-lô “hết sức kinh ngạc và sửng sốt”. Ngài Phao-lô đã giải bày nỗi lòng mình với tín hữu Roma, rằng: “Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng? Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (x.Rm 5, 7-8)

Nên, nên chăng chúng ta nói rằng: “đó là bằng chứng lòng Chúa thương xót chúng ta!” Vâng, nói như thế cũng không sai. Thế nên, chúng ta phải đáp lại lòng Chúa thương xót chúng ta. Đáp lại bằng cách nào? Thưa, đó là: Hãy “đem уêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.”

Đó là: Hãy “đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậу vào nơi thất vọng… rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.”

Đó là: Hãy “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm уêu mến người hơn được người mến уêu.”

Cuối cùng và quan trọng nhất, đó là: chúng ta “hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Nói rõ hơn, chúng ta “Hãy xin Chúa sai chúng ta…”

Petrus.tran