Có một ai đó đã nói: “Man is imperfect” nghĩa là: “con người là bất toàn”. Vâng, là bất toàn, chính vì thế con người luôn phạm phải những sai lầm, những lỗi lầm, những vấp ngã và nói theo cách nói “con nhà đạo”, đó là phạm tội.
Với những người không tin vào Thiên Chúa, không tin có sự phán xét đời sau, thì họ coi những điều nêu trên không có gì ghê gớm lắm. Vâng, họ cho rằng, tất cả đều là “ne…pas – có chi mô!” Thế thôi!
Nhưng với những người tin vào Thiên Chúa thì coi chừng, không có “thế thôi” đâu nha! Có phán xét, có trả giá cả đời này, lẫn đời sau, đấy nhé! Vâng, đã là Ki-tô hữu, không ai trong chúng ta lại không xem mình chỉ là một phàm nhân yếu đuối và tội lỗi. Thánh Phao-lô nói: “Mọi người đều phạm tội.” Còn vua David ư! Ông nhận rõ điều này nên đã cất tiếng thở than: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.” (Tv 51, 7).
Mọi người “đã mang tội khi mẹ mới hoài thai”. Do vậy, Giáo Hội, luôn mời gọi mọi người tín hữu phải xét lại con người của mình, về những lỗi lầm, về những vấp ngã, nói chung là về những tội đã phạm. Phải xét mình và phải tỏ lòng sám hối. Đó là điều Giáo Hội thường xuyên kêu gọi. Đặc biệt là vào mùa Vọng hoặc mùa Chay.
Thật ra, không phải chỉ chúng ta mới được nghe lời kêu gọi này. Ngay từ thời Đức Giê-su còn tại thế, dân Do Thái cũng đã được nghe đến.
Hồi ấy, Đức Giê-su đã có lời kêu gọi: “Anh em hãy sám hối”. Và, ông Gio-an Tẩy Giả cũng đã kêu gọi như thế. Lời kêu gọi của ông Gio-an đã làm chấn động cả Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-dan. Sự kiện này được ghi chi tiết trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (Mt 3, 1-12)
Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại như sau: “Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê.”
Tưởng chúng ta cũng nên biết ông Gio-an Tẩy Giả là ai. Theo Kinh Thánh ghi lại, ông là con của ông Dacaria, một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, và bà Elisabeth cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Mẹ của ông “tuy là người hiếm hoi… và đã cao niên”, nhưng Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của cha ông là Dacaria, đã cho ông ra đời cách đặc biệt.
Sau khi sinh được tám ngày, lúc ông Gio-an Tẩy Giả chịu phép cắt bì và đặt tên, thì Dacaria, cha của ông, được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).
Và quả thật, ba mươi năm sau, lời ngôn sứ Isaia nói về ông: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi”, đã ứng nghiệm.
Vâng, hôm ấy tại sông Gio-dan, lạ lẫm trong trang phục “áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da”, ông Gio-an lớn tiếng kêu gọi mọi người, rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”
Tiếng kêu của ông cứ tưởng là những tiếng kêu lạc lõng trong hoang địa. Trái lại nó như một tiếng kèn thôi thúc, thôi thúc: “người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-dan kéo đến với ông.” Họ đến rất đông. “Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-dan.”
Không kêu gọi sám hối xuông, ông Gioan còn khuyến cáo mọi người rằng, việc sám hối phải được kèm theo bằng hành động. Ông nói: “Phải sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.”
Nếu không chứng tỏ, ông đưa ra lời tuyên bố quyết liệt rằng, “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt, đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (x.Mt 3, 8-10)
Hôm ấy, cũng có “nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Sa-đốc đến chịu phép rửa” Tuy nhiên, việc chịu phép rửa của họ đã không được ông hoan nghênh. Trái lại, ông Gio-an đã lớn tiếng cảnh cáo họ, rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?”
Không… không phải tự nhiên mà ông Gio-an cảnh cáo họ như thế. Cảnh cáo như thế, là bởi ông nhận ra bộ mặt thật của họ, một bộ mặt của nghi kỵ, của xét đoán, bởi đã có lần “Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến chất vấn ông, rằng: Tại sao ông làm phép rửa?” (x.Ga 1, 25)
Tại sao ư! Thưa, là do “có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa” (x.Lc 3, …2) Thế là ông đi. Vâng, ông đã đi.
Còn phép rửa của ông, ông nói: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.”
***
Lời kêu gọi của ông Gio-an:“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”, dành cho người Do Thái năm xưa, phải chăng cũng là lời kêu gọi cho chúng ta, hôm nay?
Thưa, đúng vậy. Nước-Chúa-đã-đến-gần. Hay, nói theo cách nói hôm nay, ngày Đức Giê-su “trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết” gần kề. Tin hay không là quyền của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, chính Đức Giê-su đã tuyên bố như thế.
Đức Giê-su đã tuyên bố rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.”
Sao! Đứng bên phải hay đứng bên trái cũng là đứng bên Chúa, có gì phải bận tâm! Bậy nà! Đừng nghĩ như thế! Chúng ta cùng nghe Đức Giê-su tuyên bố tiếp: “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.” (x.Mt 25, 34)
Còn những người đứng-bên-trái thì sao! Thưa, Đức Giê-su nói: “Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho những tên Ác Qủy và các sứ thần của nó.” (x.Mt 25, 41)
Sợ không! Đây là chuyện chúng ta cần biết. Cần biết để định đoạt cho mình một chỗ đứng trong tương lai. Bên phải hay bên trái!
Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả còn nói: “Phải sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.” Chắc chắn, đây cũng là điều ông Gio-an muốn nói với chúng ta, hôm nay.
Mà, cớ gì chúng ta không-sinh-hoa-trái, nhỉ! Cớ gì “cây Ki-tô hữu” của chúng ta lại không sinh trái! Có phải cây-Ki-tô-hữu của chúng ta đã bị nhiễm độc nên không ra trái, như người xưa nói “cây độc không trái”!
Chúng ta cần phải đặt những câu hỏi nêu trên, cho chính bản thân mình. Bởi vì, ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội bị nhiễm độc một cách trầm trọng. Cả thể xác lẫn tâm hồn đều bị nhiễm rất nhiều loại chất độc. Thể xác thì bị nhiễm bởi lương thực, thực phẩm đầy hóa chất. Tâm hồn thì bị nhiễm bởi nền văn hóa sự chết, nền văn hóa hưởng thụ, nền văn hóa phá thai, nền văn hóa hôn nhân đồng tính v.v…
Vâng, một cách nào đó, không nhiều thì ít, chúng ta đã và đang bị nhiễm những chất độc hại nêu trên. Và, đó là lý do chúng ta hãy cùng nhau trở về hoang địa nơi ông Gio-an đã xuất hiện.
Trở về không phải để nhìn ngắm cách ăn mặc của ông ta, rồi tụm năm tụm ba “tám” vớ va vớ vẩn rằng thì-là-mà “hàng hiệu” nha! Trở về để nghe… nghe cho rõ những gì ông ta đã “rao giảng”. Nghe và tự hỏi lòng mình rằng: tôi đã thực hiện điều ông ta kêu gọi, rằng: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”?
Nói rõ hơn, tôi đã “dọn” lại tâm hồn mình cho sạch sẽ để Đức Chúa ngự trị vào tâm hồn tôi? Tôi đã “dọn” những thứ rác rưởi “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, bè phái, ganh tỵ, say sưa chè chén” ra khỏi tâm hồn tôi?
Hãy “dọn” tâm hồn mình cho sạch “tội”. Hãy để tâm hồn mình “cho thẳng”, không quanh co dối trá, có nói có không nói không. “Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai ngon ngọt nuông chiều. Cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết. Cũng không nói ghét thành yêu”. (Phùng Quán)
Đó… đó chính là bước khởi đầu cho việc sinh hoa quả, hoa quả của Thần Khí. Hoa qua của Thần Khí đó là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (x.Gl 5, 22)
Thưa quý ông bà và anh chị em, sinh được những loại “hoa quả” nêu trên, ai… ai dám nói cây Ki-tô hữu của mình là cây độc! Sinh được những loai hoa quả nêu trên, nói theo cách nói của thánh Phao-lô, đó là chúng ta: “Làm rạng danh Thiên Chúa” (x.Rm 15, 7)
Xưa, ông Gio-an Tẩy nói: “Phải sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.” Nay, nên chăng, chúng ta nói: “Sám hối là làm rạng danh Thiên Chúa”! Vâng, nên chứ! Nên là bởi, khi chúng ta sám hối, chính là lúc chúng ta đã làm rạng danh Thiên Chúa, một Thiên Chúa: “Chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó sám hối để được sống” (Ed 33, 11)
Vâng, tất cả chúng ta đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Thế nên, chúng ta phải sám hối. Và, hãy ghi khắc trong con tim mình, điều nên ghi khắc: Sám hối là làm rạng danh Thiên Chúa.
Petrus.tran