Tình yêu và lòng thương xót, đó là điều luôn được Đức Giê-su thực hiện trong những ngày Ngài còn tại thế. Tình yêu và lòng thương xót mà Đức Giê-su thực hiện đã đem lại cho mọi người một cái nhìn rõ nét về một Thiên Chúa… một Thiên Chúa: “sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ”. (x.Ga 3, 17)
Chính Đức Giê-su cũng từng tuyên bố: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” Và, dịu ngọt thay, khi Ngài tiếp lời, rằng: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, nhưng người đau ốm mới cần. Hãy đi, và học cho hiểu ý nghĩa câu nầy: ‘Ta muốn lòng thương xót hơn sinh tế.’ Vì Ta đến không phải để gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội.”(x.Mt 9, 12-13)
Đức Giê-su đã “gọi kẻ có tội” ư! Thưa, đúng vậy. Ngài không chỉ gọi mà còn đồng bàn với họ nữa. Điển hình nhất là ông Da-kê làm nghề thu thuế, một loại nghề bị dân Do Thái coi là “nghề tội lỗi”. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (x.Lc 19, 1-10)
Tin Mừng thánh Luca ghi lại, rằng: “Sau khi vào Giê-ri-cô. Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.” Trong thành phố ấy: “có một người tên là Da-kêu, ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có”.
Vâng, chỉ một vài lời mô tả, không cần bàn cãi, chúng ta có thể nói rằng, ông Da-kêu là một người có vị thế cao trong xã hội. Có vị thế cao, thế mà cách ứng xử của ông ta lại như là một đứa trẻ con.
Ông ta đã ứng xử như thế nào mà lại bị coi như là một đứa bé? Thưa, chuyện là như thế này: Hôm ấy, khi nghe đồn có một người tên là Giê-su đi ngang qua thành, ông Da-kêu bèn “tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai…”.
Nhưng tiếc thay! Vây quanh Đức Giê-su là một rừng người. Với bản thân của mình, thật khó để ông ta nhìn thấy dung nhan của một người được cho là đi tới đâu đều đem đến cho mọi người niềm vui và hạnh phúc. Vâng, “ông ta lại lùn”.
Như chúng ta được biết người xưa có nói: “cái khó ló cái khôn”. Ông Da-kêu, trong lúc lúng túng bởi “cái khó” về chiều cao của mình, thì chợt thấy trước mặt là một cây sung, thế là ông ta “ló cái khôn” ra. Cớ sao không leo lên đó nhỉ! Vâng, thật đúng như một đứa trẻ con, ông Da-kêu đã leo… “leo lên cây sung để xem Đức Giê-su, vì (có lẽ ông nghĩ rằng) Ngài sắp đi ngang qua đó”. Và, quả thật Đức Giê-su đã đi “tới chỗ ấy”.
“Khi Đức Giê-su đi tới chỗ ấy, thì “Người nhìn lên…” Đứng trên cây sung, ông nhìn xuống . Người ông muốn thấy mặt, nay đã thấy. Trí tò mò của ông đã được thỏa mãn. Hóa ra “Đây là Người!” Người mà ông nghe nói, đã dám đồng bàn với Lê-vi, đồng nghiệp của ông mà không sợ tai tiếng là “ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi”. Lại còn nhận Lê-vi làm đệ tử mới ghê chứ!
Những dòng suy nghĩ của ông bị cắt ngang bởi có tiếng ai đó gọi tên của mình. Nằm mơ chăng! Không! Có tiếng gọi tên ông thật và người gọi chính là Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu đã gọi ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,…5). Quá đỗi vui mừng, ông Da-kêu, “vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người”.
Hôm ấy, Đức Giê-su đã ở-lại-nhà-ông Da-kêu. Thế nhưng, có một số người thất vọng về điều này. Họ cảm thấy “gai mắt”, họ “xầm xì với nhau: nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ.” (x.Lc 19, 7)
Da-kêu là người tội lỗi. Nhà Da-kêu là nhà người tội lỗi. Đúng, không sai. Không sai dưới cái nhìn của người Do Thái, thời đó. Thế nhưng, chính vì lý do này, Đức Giê-su đã ở-lại-nhà-ông.
Hôm trước, hôm Đức Giê-su dự tiệc tại nhà ông Lê-vi, cũng là một cán bộ thu thuế, Ngài đã tuyên bố rằng: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.
Da-kêu là một người tội lỗi. Đức Giê-su đã đến nhà ông. Và, ông đã sám hối ăn năn. Về mặt vật chất, tất cả quyền hành lẫn quyền lợi, ông coi như cỏ rác. Về mặt tâm linh, ông có một sự hoán cải, hoán cải trở về. Thì đây, chúng ta cùng xem sự thay đổi của ông, qua những lời ông tuyên bố.
Trước mặt Đức Giê-su, ông đã tuyên bố rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo”. Tiếp đến, ông khẳng định: “Và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Thấy chưa! Đừng xầm xì với nhau nữa!
Da-kêu, một người lùn-thể-xác, nhưng không lùn-đức-ái. Da-kêu, một người thể-xác-lùn, nhưng không lùn-công-bằng. Trước một con người hoàn toàn “sám hối” Đức Giê-su nói: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Và, hạnh phúc thay, khi ông đã được Ngài nhìn nhận “người này cũng là con cháu tổ phụ Apraham”.
Khi nói đến câu chuyện ông Da-kêu, Lm.Charles E. Miller có lời chia sẻ: “Những gì đã làm cho ông Da-kêu, Chúa Giê-su cũng làm cho chúng ta. Ngài đã đặt chân lên thế giới này mà thực chất (cũng) là nhà của phường tội lỗi. Chúng ta quả được chúc phúc qua cách hành xử gây sửng sốt của Con Một Thiên Chúa.”
Vâng, Đức Giê-su đã hành-sử-gây-sửng-sốt thế gian, khi tuyên bố rằng: “giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Đức Giê-su đã hành-sử-gây-sửng-sốt thế gian, khi có lời mời gọi: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (x.Kh 3, 20)
Như vậy là đã rõ. Hôm nay, Đức Giê-su vẫn chờ đợi lời mời gọi của chúng ta. Ngài không đứng trước cây sung, nhưng đứng trước cánh cửa tâm hồn của mỗi chúng ta và “gõ… gõ…gõ…” Hôm nay, Đức Giê-su không đứng trước cây sung, nhưng đứng trước bàn Tiệc Thánh Thể, qua vị linh mục, và mời gọi mọi người, rằng: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.
Về lời mời gọi này, Lm. Charles có lời nói rằng: “Rồi các vai trò đảo ngược. Chúa Giê-su không phải là khách mời của chúng ta như Người từng đến nhà ông Da-kêu, mà chúng ta trở nên khách mời của Người. Bí Tích Thánh Thể mở toang cho chúng ta cánh cửa nhà của Người. Giáo Hội, nơi đó Chúa Giê-su, với tư cách là gia chủ mời gọi chúng ta vào dự một bữa Tiệc Thánh, Mình và Máu của Người trong Bí Tích Tình Yêu. Chúng ta được vui hưởng đặc ân cả thể này mỗi ngày Chúa Nhật, thậm chí hằng ngày, nếu muốn.”
Thưa quý vị! Quý vị có muốn gặp gỡ Đức Giê-su Ki-tô, hằng ngày! Mà, tại sao không muốn nhỉ! Bởi vì, Thánh Thể chẳng phải là phương cách để mỗi chúng ta “đón rước Chúa vào ngôi nhà tâm hồn của chúng ta”, đó sao!
Là một Ki-tô hữu chúng ta phải tìm cách gặp gỡ Đức Giê-su, mỗi ngày. Phải mời cho được Ngài vào ngôi nhà tâm hồn của chúng ta. Có Đức Giê-su trong ngôi nhà tâm hồn mình, chúng ta sẽ không bị “dao động” cũng như “hoảng sợ” trước những lời xầm xì của thế gian rằng thì-là-mà: Tôn giáo là thuốc phiện. Thiên Chúa đã chết rồi. Kinh Thánh đã lỗi thời v.v…
Tất cả những lời xầm xì nêu trên, sẽ không là vấn đề gì với đức tin của chúng ta, nếu chúng ta để “Lời Chúa” trong tâm hồn mình. Mà, thật vậy, sách Thánh Vịnh chẳng đã nói rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.”, đó sao!
Lời Chúa hay còn được gọi là Kinh Thánh chính là nơi để mỗi chúng ta nhìn thấy một “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Kinh Thánh chính là nơi chúng ta gặp gỡ Đức Ki-tô, một Đức Ki-tô của tình yêu: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng”
Kinh Thánh chính là nơi chúng ta gặp gỡ Đức Ki-tô, một Đức Ki-tô của lòng thương xót: “Ta đến là để chiên được sống và sống dồi dào.”
Đừng quên, Đức Giê-su cũng đã tuyên bố: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ bằng cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”
Sống nhờ-mọi-lời-miệng-Thiên-Chúa chẳng phải là có Chúa trong ngôi nhà tâm hồn mình, đó sao!
Xưa, ngôn sứ Giêrêmi đã nói: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa. Và có Đức Chúa làm chỗ nương thân” (Gr 17, 7). Nay, chúng ta hãy cùng nhau nói: “Tôi chỉ ước trông một điều đêm ngày tôi khấn xin. Là cho tôi được hạnh phúc trong nhà Chúa muôn đời”.
Nếu chúng ta xác tín như thế, hãy nói với Chúa rằng: “Chúa ơi! Hôm nay, Ngài hãy ở lại nhà con.”
Petrus.tran