HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ
BẢO TỒN, TRÙNG TU CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC VÀ
CÁC TÁC PHẨM MỸ THUẬT CÔNG GIÁO VIỆT NAM
(Ngày 01 tháng 10 năm 2022)
“Trong những hoạt động cao quí nhất của tài trí con người, đặc biệt phải kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo và tột đỉnh chính là nghệ thuật thánh. Tự bản tính, nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại. Nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích nào khác ngoài sự tích cực góp phần hướng tâm trí con người về cùng Chúa cách đạo đức”.
CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II,
Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium (04-12-1963), số 122.
Tiết trời ngày cuối tuần hôm nay thật đẹp sau những ngày ảnh hưởng của cơn bão Nuro, từ 8g00 tại Trung tâm Mục vụ Giáo xứ Thánh Đa Minh Ba Chuông đã tràn ngập tiếng cười, nói rộn rã, nhộn nhịp của mọi thành phần dân Chúa đổ về từ muôn nơi trong một bầu khí thật ấm áp và tràn ngập niềm vui, bởi một lẽ tất cả mọi người đang hiện diện nơi đây đều muốn khám phá, tìm hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp của Thiên Chúa đã, đang và sẽ mãi mãi được ca tụng và tôn vinh qua những tác phẩm nghệ thuật từ đôi tay và khối óc của con người. Chính qua những hoạt động sáng tạo nghệ thuật mà hơn bao giờ hết con người mới cảm nhận được chính mình đã được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và chắc chắn những công trình nghệ thuật thánh theo năm tháng rất cần được bảo tồn, trùng tu, khôi phục… Để hiểu được ý nghĩa và mục đích của các công trình nghệ thuật thánh Uỷ Ban Nghệ Thuật Thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cùng với Hội Mỹ Thuật thành phố đã tổ chức buổi Hội thảo chuyên đề BẢO TỒN, TRÙNG TU CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC VÀ CÁC TÁC PHẨM MỸ THUẬT CÔNG GIÁO VIỆT NAM và Triển lãm CÁC TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT THÁNH.
Mở đầu cho buổi hội thảo, cả Hội trường cùng với ca đoàn Thánh Gia cất lên bài hát “Muôn Tạo Vật ơi.” cùng ngợi khen Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ này cho con người được sống và hoạt động … Lời ca khen kết thúc, Đức Cha Mattheu Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Uỷ Ban Nghệ Thuật Thánh thánh hoá và tuyên bố khai mạc buổi Hội Thảo.
Sau lời tuyên bố khai mạc buổi Hội Thảo Chuyên đề của Đức Cha Mattheu, Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, C.Ss.R. – Thư ký Uỷ Ban Nghệ Thuật Thánh giới thiệu thành phần tham dự: Ngoài Đức Cha Mattheu Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Uỷ Ban Nghệ Thuật Thánh còn có sự hiện diện của Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, Cha Giuse Phạm Hưng Thịnh,OP – Bề trên Chánh xứ giáo xứ Thánh Đa Minh – Ba Chuông, Cha Vinhsơn Nguyễn Thành Tín,OP – Giám Đốc TTMV Thánh Đa Minh Ba Chuông, Giáo sư Tiến sĩ Điêu Khắc Gia Nguyễn Xuân Tiên – Chủ tịch Hội Mỹ Thuật TP.HCM, Tiến sĩ Phạm Phú Cường – Trưởng khoa Kiến Trúc Đại học Kiến trúc TP.HCM, Điêu Khắc Gia Phêrô Bùi Hải Sơn, Hoạ sĩ Giuse Nguyễn Quang Cảnh… và gần 300 khách tham dự là quý linh mục Dòng/Triều, quý tu sĩ nam nữ của các Hội Dòng đến từ các Giáo phận: Hải Phòng, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Bùi Chu, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quy Nhơn, Ban Mê Thuột, Xuân Lộc, Đà Lạt, Sài Gòn cùng các Hoạ sĩ, Kiến trúc sư, Điêu khắc gia, Nhiếp ảnh gia, Nhà Báo, …mọi miền đất nước đến tham dự.
Buổi Hội thảo diễn ra trong bầu khí hết sức sinh động, thiết thực, với các diễn giả thuyết trình “Bảo tồn, Trùng tu tác phẩm Mỹ thuật Công Giáo VN” của Giáo sư, Tiến sĩ Điêu Khắc Gia Nguyễn Xuân Tiên từ những tác phẩm Mỹ thuật Công giáo ông đã làm sáng tỏ những nét riêng và đặc thù của nghệ thuật điêu khắc với những bức phù điêu, Tranh kính màu… áp vào tường, hay những tượng đài Công Giáo …nổi tiếng và trong bài Thuyết trình “Di sản Kiến trúc Công Giáo” của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Phú Cường một lần nữa khách tham dự lại được biết thêm về những tổng thể di sản kiến trúc đô thị Sài Gòn với những DẤU ẤN vừa mang nét phương Đông hoà quyện với phương Tây và cũng không thiếu dấu ấn Quốc tế. Do bởi mang những dấu ấn hết sức thi vị đó mà mảng kiến trúc Sài Gòn đặc biệt là các di sản kiến trúc Công Giáo Sài Gòn lại rất có giá trị thế nhưng nhiều di sản kiến trúc Công Giáo do bị giới hạn bởi Luật Di sản Văn hoá nên việc bảo tồn thật sự khó khăn và có nguy cơ bị mai một, chính vì vậy các di sản kiến trúc Công Giáo rất cần ưu tiên bảo quản hơn là trùng tu và khôi phục như một trong những phương cách mà ngành kiến trúc Singapore đã thực hiện: 3R (Retention: Giữ lại – Restonation: trùng tu – Repair: sửa chữa)… Cảm được những lời chia sẻ, diễn giảng từ những bài thuyết trình của hai vị giáo sư, có lẽ ai cũng cũng nhận ra được một nét chung cho phần kết luận: các di sản công trình kiến trúc, mỹ thuật Công giáo cần phải được bảo quản, đến một lúc nào đó do bị mai một bởi không gian và thời gian … sẽ đi bước tiếp là trùng tu, nhưng trùng tu cũng cần phải giữ nguyên bản gốc.
Sau giờ giải lao, khách tham dự Hội thảo được lắng nghe những thắc mắc liên quan đến vấn nạn thường xuyên xảy ra trong quá trình bảo tồn, trùng tu… các công trình kiến trúc, mỹ thuật và đặc biệt được lắng nghe lời vị Cha chung của Tổng Giáo Phận sài Gòn, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng chia sẻ về việc trùng tu Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn, một trong những di sản văn hoá lâu đời của thành phố phải kéo dài … những lời chia sẻ chân thành của ngài đã giải toả được nhiều băn khoăn ưu tư mà đàn chiên của Tổng Giáo phận từ lâu rất muốn lắng nghe, rằng công trình di sản Công Giáo này phải có nhà thầu chuyên nghiệp, kinh nghiệm …thậm chí đến cả từng viên gạch cũng cần phải được sử dụng đúng “ni tấc”…Toạ đàm kết thúc, Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, C.Ss.R. – Thư ký Uỷ Ban Nghệ Thuật Thánh cùng Cha Giuse Phạm Hưng Thịnh,OP – Bề trên Chánh xứ giáo xứ Thánh Đa Minh Ba Chuông trao Bằng Chứng Nhận và Tặng phẩm cho các Hoạ sĩ, Điêu khắc gia, và Kiến Trúc sư có những tác phẩm trưng bày tại buổi Triển lãm.
Giáo sư Tiến sĩ, Điêu Khắc Gia Nguyễn Xuân Tiên – Chủ tịch Hội Mỹ Thuật
TP.HCM,
Tiến sĩ Phạm Phú Cường – Trưởng khoa Kiến Trúc Đại học Kiến trúc TP.HCM
Nối kết với hai bài Thuyết trình trên, khách tham dự Hội thảo đã được thưởng lãm một màn biểu diễn vẽ tranh sơn nước NHÀ THỜ ĐA MINH-BA CHUÔNG của hoạ sĩ trẻ Nguyễn Bình Thuận, từ bức tranh sơn dầu ấy như một lời giới thiệu cho bài thuyết trình thứ ba thật ngắn gọn, xúc tích và rất giá trị bao hàm ý tưởng minh hoạ cho mục đích và ý nghĩa của buổi hội thảo chuyên đề hôm nay với đề tài rất thực tế, hiện hữu: “Quá trình trùng tu và bảo trì ngôi thánh đường Đa Minh – Ba Chuông” của Cha Giuse Phạm Hưng Thịnh,OP – Bề trên Chánh xứ giáo xứ Thánh Đa Minh Ba Chuông, một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật Công Giáo của thành phố đậm nét phương Đông: Từ việc làm mới lại một số hạng mục của nhà thờ đã bị xuống cấp theo thời gian đến việc trùng tu, khắc phục bức Tranh Gốm bên trong ngôi thánh đường… Sau phần thuyết trình của Cha Giuse Phạm Hưng Thịnh,OP tất cả khách tham dự được chiêm ngưỡng một công trình Kiến trúc Công Giáo đã và đang thu hút rất nhiều mọi thành phần dân Chúa đó là công trình Vương Cung Thánh Đường Thánh Mẫu La Vang, thật sự rất đẹp – quả là: “…Thiên Chúa cho con người hiện hữu, giao cho con người nhiệm vụ của những nghệ sĩ. Con người hoàn thành nhiệm vụ này xuất sắc nhất là khi uốn nắn chất thể kỳ diệu hay nhân tính của mình và khi thi hành quyền làm chủ một cách sáng tạo trên thế giới chung quanh. Với ánh mắt yêu thương, nhà nghệ sĩ thần linh đã chuyển giao cho người nghệ sĩ nhân loại một chút óc khôn ngoan siêu phàm của mình, cho người này chia sẻ quyền sáng tạo của mình”(Thư Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gửi các nghệ sĩ) .
Sau khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nghệ thuật của Vương Cung Thánh Đường Thánh Mẫu La Vang, khách mời đã được tham dự giờ khai mạc triển lãm và tham quan các tác phẩm nghệ thuật tại Tầng 1 của Trung Tâm Mục vụ Thánh Đa Minh Ba Chuông với 20 bức tranh (HS. Phạm Minh Trang, HS. Nguyễn Thành Phú, HS. Nguyễn Thiên Triệu, HS. Nguyễn Quang Hoàng Thiên, HS. Vinh, HS: Sr. Vũ thị Kim Dung, Sr. Hồ Thị Kim Mai, Sr. Mai Tú Quỳnh, Sr. Nguyễn Thị Uyên Ly), 05 bức tượng (ĐKG. Lê Sinh Trưởng, ĐKG. Vũ Đức Hanh và ĐKG. Trần Quang Vinh), 02 Đồ án Kiến trúc (KTS. Bùi Thị Thuỳ ngân và Nguyễn Ngọc Quỳnh Dung) và 01 bộ nhiếp ảnh (KTS. Phan Huy Hồng Đức). Triển Lãm Nghệ Thuật Công Giáo Việt Nam sẽ kéo dài đến 30 tháng 10 năm 2022.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi nghệ thuật thánh là một “tác vụ cao quí”, cao quý vì những tác phẩm nghệ thuật với đôi con mắt cảm nhận của nhân loại sẽ có khả năng phản ánh một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa và từ đó hướng tâm trí mọi người về với Đấng Tối Cao. Chính nhờ sự đóng góp của các nghệ nhân mà sự nhận biết Thiên Chúa lại được bày tỏ rõ ràng hơn theo một chiều kích khác, chiều kích nghệ thuật từ đó việc rao giảng Tin Mừng trở nên dễ hiểu hơn đối với nhiều người… Nghệ thuật thánh sẽ dẫn con người đi vào huyền nhiệm của Thiên Chúa được trình bày qua những hình ảnh và các biểu tượng, đưa sự thánh thiêng vào trần thế, đưa Thiên Chúa đến với con người bằng nghệ thuật qua nhiều hình thức diễn tả: kiến trúc, điêu khắc và chạm trổ trên đá, gốm, kim loại, gỗ và nhiều vật liệu khác, hội họa, trang trí, đồ họa vi tính và cả nghệ thuật nhiếp ảnh…
Ước mong sao, không chỉ một buổi Hội thảo chuyên đề hôm nay, rồi sẽ có những buổi Hội thảo chuyên đề và Triển lãm các tác phẩm nghệ thuật Công Giáo ngày một nhiều hơn ngõ hầu nghệ thuật Thánh trở thành một trong những phương thế được khai thác đúng mức tạo được sự hòa hợp giữa nghệ thuật với đời sống đức tin trong công cuộc loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa đến với nhân loại thời hiện đại , bởi một lẽ giáo dục đức tin bằng con đường nghệ thuật cũng là một cách Tân Phúc Âm Hóa.
Maria PTH, Ban Truyền thông